“Du học New Zealand thay đổi đời tôi”
Võ Trần Duy – Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Đại học Auckland (New Zealand), hiện là Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc hãng bảo hiểm ở Việt Nam – một trong những thế hệ du học sinh Việt đầu tiên tại New Zealand.
Sau hơn một thập kỷ học tập và làm việc tại xứ sở Kiwi, anh lĩnh hội nền giáo dục chất lượng, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Trải nghiệm du học không chỉ giúp anh hoàn thiện chính mình mà còn đem kiến thức quay về góp sức xây dựng quê hương.
Năm 1999, cậu học trò lớp 10 tại TP HCM có được thư mời học của một trường trung học ở Wellington (New Zealand). Với Duy và bạn bè của anh lúc đó, hai chữ “du học” khá mới mẻ và ngôi trường Duy theo học tại New Zealand cũng chưa từng có du học sinh Việt theo học trước đây. Duy nghĩ “nếu cơ hội đến sao mình không thử”.
“Tuổi trẻ là dấn thân, tôi muốn bứt phá ra khỏi vùng an toàn để đổi lấy trải nghiệm mới. Tôi quyết định du học, chọn lối đi khác biệt so với bạn bè và chấp nhận thử thách”, Duy nói. Đợt nhập học tháng 1/1999, nam sinh một mình đáp chuyến bay đến đất nước xa lạ, lần đầu tiên không có gia đình bên cạnh. Từ đây, cuộc đời Duy bước sang trang mới, có khó khăn, thử thách và cả “trái ngọt”.
Đến New Zealand, mọi thứ với cậu học sinh lớp 10 đều lạ lẫm từ con người, phong cách ăn mặc đến ngôn ngữ, cách cư xử. Ấn tượng đầu tiên về New Zealand trong mắt chàng du học sinh Việt là một đất nước phát triển và hiện đại, với cảnh quan xinh đẹp, khí hậu trong lành. Cách mọi người giao tiếp khiến cậu vừa thấy lạ lẫm vừa thu hút.
Với Duy, kết bạn là một trong những cách để thích nghi với cuộc sống nơi xứ người nhanh nhất. Những người bạn đến từ nhiều quốc gia cho chàng du học sinh Việt cơ hội hòa nhập môi trường đa văn hóa. Nam sinh Việt còn học được cách thích nghi và dung hòa trước sự khác biệt văn hóa, lối sống, suy nghĩ… Trong quá trình tiếp xúc, Duy có dịp soi chiếu bản thân qua lăng kính từ bạn bè.
Ngoài việc học ở trường, nam sinh cùng những người bạn có nhiều kỷ niệm đẹp khi khám phá “quê hương thứ hai”. Đó là những ngày cùng rong ruổi tìm hiểu văn hóa New Zealand, thưởng thức ẩm thực, du lịch đến vùng đất mới… Gia đình homestay còn nhiệt thành giúp đỡ cậu nhóc 16 tuổi mới chân ướt chân ráo đến. Cậu được trao quyền cho các quyết định. Những trải nghiệm trong hành trình tại xứ sở Kiwi giúp Duy mở rộng tầm mắt và nhìn cuộc sống đa chiều hơn.
Hòa nhập với môi trường quốc tế chỉ là bước khởi đầu trong hành trình bước ra thế giới của chàng du học sinh. Bởi cuộc sống du học có nhiều thứ để học và không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Duy kể, có lần chẳng còn xu dính túi, phải nhặt từng đồng lẻ ở post điện thoại mua mì gói. Nhưng đối mặt với điều đó, anh học được cách thay đổi khi nhìn nhận khó khăn. “Trong một tình huống khó khăn hãy tìm một thái độ tích cực”, anh nói.
Bài học đó đến giờ vẫn nguyên giá trị, giúp Duy giữ tinh thần “thép”. Lúc công việc không thuận buồm xuôi gió nhưng nhiều nhân viên vẫn thấy anh lèo lái con thuyền vượt “giông bão” với thái độ bình tĩnh, lạc quan.
Video đang HOT
Phương pháp học tập ở xứ sở Kiwi rất khác so với cách học trước đây của Duy. Giáo viên gợi mở, học sinh tìm câu trả lời, nêu quan điểm cá nhân. Không quen với cách học thuyết trình và phản biện, Duy phải nỗ lực vượt lên chính mình. Thuyết trình bằng tiếng mẹ đẻ trước nhiều người không dễ, diễn đạt điều mình muốn bằng ngôn ngữ thứ hai càng khó hơn.
Trong quá trình đó, Duy nhận ra rằng để thuyết trình tốt phải nhìn vào cốt lõi vấn đề. Nội dung sâu sắc, tư duy có hệ thống, khi thể hiện ra bằng luận điểm hợp lý, lập luận chặt chẽ mới thuyết phục được số đông.
Duy bắt buộc bản thân phải thay đổi trong cách tiếp cận thông tin. Để tìm tư liệu học tập, chàng du học sinh phải gọi điện đến Tòa Thị chính Auckland để có được dữ liệu mình cần hay dành hàng giờ trong thư viện.
Sau khi hiểu sâu vấn đề, nam sinh bắt tay vào luyện nói sao cho mạch lạc, rõ ràng, thu hút người nghe. Kỹ năng khi được tập luyện, lặp lại nhiều lần trở nên thành thạo. Dần chàng du học sinh Việt được nhìn nhận và đánh giá cao ở khả năng trình bày.
“Bạn sẽ ngạc nhiên về những gì mình có thể làm được nếu được tạo điều kiện và kiên trì thực hiện. New Zealand luôn mở ra những cơ hội nếu bạn trẻ biết nắm bắt để khẳng định, nâng cao giá trị của bản thân”, Duy nói.
Trong một cuộc thi quốc tế, anh cùng nhóm bạn đưa ra chiến lược phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp toàn cầu chỉ trong ba giờ. Áp lực về thời gian, khối lượng kiến thức quá rộng đòi hỏi cả đội phải tập trung cao độ. Kiến thức, kỹ năng được rèn luyện ở trường là “vũ khí” đắc lực giúp cả đội đoạt giải cao.
Sự năng động, tự tin và đạt thành tích tốt trong học tập giúp chàng du học sinh Việt rút ngắn thời gian trung học, nhận nhiều học bổng. Khi còn là sinh viên, Duy được mời làm trợ giảng tại Đại học Auckland – một trong những trường đại học hàng đầu ở quốc gia này. Tốt nghiệp cử nhân với hai chuyên ngành Quản trị Thông tin và Quản trị Nhân sự chỉ mới 21 tuổi, anh nhanh chóng có công việc ổn định tại công ty đa quốc gia. “Nền giáo dục chất lượng New Zealand tạo nền tảng vững chắc mở ra cho tôi những cơ hội mới”, Duy nói.
Trong thời gian đó, anh không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức ở bậc cao hơn và nhận thêm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Nhận được mức lương đáng mơ ước nơi xứ người, đảm nhiệm những vị trí chủ chốt sau 7 năm làm việc nhưng vị giám đốc 8X vẫn hằng mong trở về quê hương.
Được nhiều công ty ở TP HCM săn đón nhưng anh chọn đầu quân cho công ty khai khoáng tại Đà Nẵng vào năm 2010. Hầu hết thời gian, anh làm việc trong mỏ trên núi, sống trong rừng. Công việc dù khó khăn nhưng với anh trải nghiệm mới mẻ giúp cuộc sống có ý nghĩa hơn, thấu hiểu nỗi vất vả của người dân tại quê hương mình. Anh còn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, các tổ chức phi lợi nhuận…
Khát khao đem kiến thức học được ở xứ người truyền dạy cho thế hệ trẻ, sau hai năm làm việc ở Đà Nẵng, anh quay lại Sài Gòn vừa làm vừa dạy cho sinh viên. Anh nhận được lời mời từ công ty bảo hiểm, được cất nhắc lên vị trí Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc, kiêm Giám đốc Khu vực Miền Nam và Miền Trung.
“Học tập tại những nền giáo dục chất lượng, ‘chân trời mới’ sẽ giúp bạn trẻ mở rộng tầm hiểu biết, trải nghiệm quý báu”, anh nói. Đó cũng là chìa khóa giúp vị giám đốc 8X đảm nhiệm những vị trí đầu tàu tại công ty đa quốc gia, đạt nhiều thành công trong sự nghiệp. Trong các sự kiện giáo dục, câu chuyện của vị giám đốc tài năng còn truyền cảm hứng cho bạn trẻ về hành trình chinh phục ước mơ.
Nội dung: Kim Uyên
Thiết kế: Lợi Nguyễn
Giáo dục New Zealand trong mắt phụ huynh Việt
New Zealand chú trọng cách học từ thực tế, giáo dục dựa vào thế mạnh của từng học sinh, không đặt áp lực học hành nên được lòng nhiều phụ huynh.
New Zealand là điểm đến du học được yêu thích nhất thế giới 2019 (theo trang Educations.com) và là quốc gia nói tiếng Anh đứng đầu thế giới về chỉ số Chuẩn bị kỹ năng Tương lai trong ba năm liên tiếp 2017-2019 (bình chọn của tổ chức Economist Intelligence Unit).
Điều gì giúp New Zealand trở thành một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới? Chia sẻ của những phụ huynh đã và đang có theo học New Zealand ở các cấp bậc sẽ hé mở những điều thú vị về nền giáo dục này.
Bậc mẫu giáo tôn trọng tính cá nhân của trẻ
"Những đứa trẻ ở New Zealand là những đứa trẻ hạnh phúc vì được lớn lên trong môi trường tự do, được yêu thương, tôn trọng và tạo cơ hội để phát triển những nét riêng biệt", chị Đoan Hương, Tiến sĩ ngành Giáo dục Mầm non tại New Zealand, hiện là người sáng lập Mầm non Monties Preschool (tỉnh Quảng Nam) cho biết.
Trong quá trình chị Hương học Tiến sĩ tại New Zealand, con trai chị được đi theo học chương trình mẫu giáo ở đây. Nhờ đó, chị có cái cách nhìn sâu sắc hơn về cách giáo dục hiện đại và nhân văn của quốc gia này.
Chị Hương kể, bé sang New Zealand lúc gần hai tuổi. Trường mới, lớp mới, cô giáo nói toàn tiếng Anh, con lại chẳng hiểu gì nên rất sợ. Cô càng ra sức vỗ về, con lại càng khóc to hơn. Nhưng cô vẫn kiên nhẫn tìm hiểu từng sở thích của con: loại đồ chơi, bài hát con thích, món con hay ăn... Cô học cách để hiểu điều con muốn qua từng động tác, cử chỉ. Nhờ sự tận tâm của cô, con dần thấy tin tưởng và yêu mến trường lớp, bạn bè.
Chị Đoan Hương và gia đình khi còn du học ở New Zealand.
Những câu chuyện hàng ngày, cột mốc đáng nhớ trong sự phát triển của mỗi bé đều được cô ghi chép tỉ mỉ và lưu giữ trong quyển "profile book". Đó là lúc con biết nói một từ mới, chủ động làm quen với bạn bè, nở nụ cười đầu tiên ở trường...
Trường lớp rộng rãi, nhiều khu vui chơi ngoài trời nên trẻ con tha hồ chạy nhảy, khám phá. Mỗi ngày đến trường với trẻ đều thú vị khi các tiết học luôn đa dạng với hoạt động như vẽ, âm nhạc, tiếng Anh, dạy kỹ năng...
Trường mẫu giáo rộng rãi với nhiều trò chơi ngoài trời cho các bé.
Bậc tiểu học dạy trẻ bài học làm người
Chị An Nhiên, quản lý dự án tại công ty Green Horizon (TP HCM) cho biết, trong thời gian chị học thạc sĩ Truyền thông quốc tế tại Học việc Kỹ nghệ Unitec (New Zealand), con chị được học tiểu học miễn phí tại nước này. Trong mắt đứa trẻ sáu tuổi lúc đó, tưởng chừng như trường học ở nơi đất khách sẽ lắm bỡ ngỡ, xa lạ, nhưng không ngờ bé con lại rất gắn bó với trường lớp, cứ như ngôi nhà thân thương của mình. Ngày nào bé cũng háo hức đến trường.
Chị An Nhiên và con khi theo học tại New Zealand.
Ở bậc tiểu học, giáo viên chủ yếu dạy các em giá trị đạo đức như sự trung thực, có trách nhiệm, yêu thương mọi người... Học sinh được thấm nhuần phẩm chất đạo đức tốt đẹp, dạy cách trở thành người tử tế thông qua các bài văn, bài hát, những câu chuyện kể...
Chị An Nhiên kể, cách giáo dục đề cao tình yêu thương giúp con chị sống tình cảm với mọi người. Trong lần đưa con đến thăm cô giáo hướng dẫn của chị ở New Zealand, dù mới lần đầu gặp gỡ nhưng bé rất quý mến cô. Về đến nhà, con thủ thỉ với mẹ rằng sẽ viết thư để hỏi thăm cô thường xuyên.
Lớp học tiểu học của con trai chị An Nhiên ở New Zealand.
Chị Trịnh Thúy Liên, mẹ của tài năng âm nhạc Jayden Trịnh, chia sẻ thêm, nhờ nền giáo dục nhân văn mà người New Zealand thân thiện, biết tôn trọng, giúp đỡ người khác. Jayden thường được dạy, tính cách con người quan trọng hơn rất nhiều so với tài năng và sự nổi tiếng, nỗ lực phấn đấu quan trọng hơn thành công. Nhờ đó, con sống khiêm tốn, cởi mở, không coi trọng hào quang sâu khấu. Khi đã trải nghiệm và thỏa niềm đam mê âm nhạc, Jayden học cách buông bỏ để thử sức với những lĩnh vực mới mẻ hơn như học lái máy bay, mong muốn trở thành bác sĩ trong tương lai.
Bậc trung học tăng cường học từ trải nghiệm thực tế
Ở bậc trung học, các em học nhiều kiến thức tự nhiên và xã hội. Chương trình giảng dạy STEM với phương pháp giáo dục khai phóng giúp "học đi đôi với hành". Công nghệ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực để các em tiếp cận với "thế giới phẳng". Học sinh được trải nghiệm, học từ thực tế cuộc sống nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Giáo viên hướng dẫn lý thuyết, cách áp dụng vào thực tế trong mỗi bài. Học sinh tìm hiểu giải pháp hiện có của vấn đề, đưa ra nhận xét và giải thích. Mỗi em sẽ suy nghĩ và đưa ra giải pháp của bản thân. Điều này giúp thầy cô đánh giá học sinh có bỏ nhiều công sức vào bài học để cho điểm phù hợp. Các em thể hiện được khả năng sáng tạo, tư duy logic có thể đạt điểm số cao hơn.
"Cách giáo dục hiện đại, chú trọng học từ thực tế, chứ không phải cách học khô khan, lý thuyết suông được lòng nhiều phụ huynh. Mặt khác có thể thấy, đào tạo nghề và nghiên cứu học thuật đều được coi trọng ở quốc gia này. New Zealand còn làm tốt việc tiếp cận ý tưởng mới, học sinh cũng thể hiện rõ mặt này trong tư duy", chị Liên nói.
Chị Liên chia sẻ thêm, New Zealand giáo dục dựa vào thế mạnh học sinh. Giáo viên sẽ quan sát, giúp từng em phát huy năng khiếu như thể thao, âm nhạc, cờ vua... Họ tin rằng khi các em tự tin ở lĩnh vực nào đó sẽ tiếp thêm sức mạnh để chinh phục cơ hội khác.
Chị Liên sát cánh cùng Jayden Trịnh trong học tập và con đường âm nhạc.
Từ lớp 9 đến lớp 13, các em được học theo kiểu tín chỉ, viết bài luận giống như ở bậc đại học. Chương trình chỉ có sáu môn, học sinh được chọn môn theo định hướng cá nhân để phù hợp với lựa chọn trường đại học. "Với cách học này, các em có thể học chuyên sâu hơn vào một số lĩnh vực, bắt nhịp tốt ở đại học", chị Liên nhận định.
Hai năm trở lại đây, chính phủ New Zealand còn cấp học bổng riêng cho học sinh Việt ở bậc trung học. Học bổng Chính phủ New Zealand bậc Trung học (NZSS) 2020 là cơ hội để học sinh Việt Nam trải nghiệm môi trường giáo dục chất lượng ở quốc gia này.
Kim Uyên
Theo VNE
Chuẩn bị gì trước khi du học Australia? Hai tiếng du học nghe sang, nhưng thực tế không hoàn toàn màu hồng, có bạn từng thốt lên "tưởng được một trời tri thức ai dè một trời lo âu". Từng học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria (Melbourne, Australia), chị Trương Nguyễn Thoại Giang (48 tuổi, quê Bình Dương, hiện làm việc...