‘Du học không phải để kiếm tiền đổi đời’
Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc khuyên những người có ý định lấy cớ du học đi làm kiếm tiền nên dừng lại, bởi đây không phải con đường làm giàu.
Nguyễn Trung Kiên (Hải Phòng) vừa hoàn thành chương trình thạc sĩ và hiện là nghiên cứu sinh ngành Công nghệ Sinh học tại Đại học Quốc gia Incheon, Hàn Quốc. Ở tuổi 30, anh là Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc nhiệm kỳ 2015-2017.
Khó khăn khi không biết tiếng Hàn
Chia sẻ về quyết định đến Hàn Quốc học thạc sĩ, Kiên cho biết đây là sự tình cờ, một cơ duyên với anh. Vốn đam mê nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, 8X muốn có cơ hội mở rộng kiến thức. Vì vậy, anh quyết tâm tìm đường ra nước ngoài học tập.
Trong quá trình tìm kiếm học bổng, một giáo sư Hàn Quốc chọn Kiên về làm nhân sự trong chương trình nghiên cứu của mình. Kiên chấp thuận và lên đường đến Hàn Quốc ngay sau đó.
Đối với học bổng này, Đại học Incheon chi trả 100% học phí và vị giáo sư kia cung cấp hoàn toàn chi phí sinh hoạt của Kiên và gia đình. Trước khi đi, anh đã kết hôn và có con gái.
Những ngày đầu đặt chân đến Hàn Quốc, chàng trai Việt Nam bỡ ngỡ trước môi trường và lối sống văn minh, hiện đại của nước bạn. Kiên háo hức tìm hiểu và muốn nhanh chóng hòa vào nhịp sống mới nhưng gặp khó khăn khi không biết chữ tiếng Hàn nào. Ngoại ngữ duy nhất anh biết là tiếng Anh, nay trở nên vô dụng trong môi trường mới.
Video đang HOT
Nguyễn Trung Kiên chụp ảnh lưu niệm tại đảo Cô Lin trong chuyến đi Trường Sa năm 2015. Ảnh: Trường Giang.
Hầu hết thời gian của Kiên tại Hàn Quốc ở trong phòng lab, từ 10h đến 23h, với khối lượng công việc khá lớn: Học, nghiên cứu, chạy dự án đến dạy sinh viên.
Anh ăn, học, ngủ nghỉ tại phòng lab nên thời gian ở ngoài rất hạn chế. Điều này khiến việc cân bằng cuộc sống khá vất vả trong khi có quá nhiều thứ phải học ngoài xã hội.
Bù lại, vị giáo sư đưa ra nhiều cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi cho Kiên trong việc học tập và nghiên cứu. Đây là điều thuận lợi, thúc đẩy anh thực hiện công việc nghiên cứu, đồng thời tham gia các hoạt động xã hội.
Sau 3 tháng, chàng trai dần bắt nhịp được cuộc sống bên ngoài giảng đường. “Sở dĩ tôi có thể bắt nhịp nhanh vì cơ bản văn hóa Hàn và Việt có rất nhiều tương đồng. Ngoài ra, trong môi trường sống hiện đại, con người thích nghi với cái sướng nhanh hơn cái khổ”, Kiên chia sẻ.
Chuyên lo việc xã hội
Tham gia Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc từ năm 2011, đến 2015, Nguyễn Trung Kiên trở thành phó chủ tịch hội. Anh tự nhận là người chuyên đi lo việc xã hội, coi đó như cái nghiệp của mình.
Chàng trai tâm sự du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn, thử thách. Trước hết, những thiếu thốn về tình cảm khi phải sống xa quê hương, gia đình khiến nhiều bạn nản chí, tủi thân, dễ buông thả trước cám dỗ.
Những áp lực học tập, nghiên cứu là khó khăn chung, bạn nào cũng phải đối mặt trong môi trường học tập, nghiên cứu hiện đại, đòi hỏi kết quả công việc thực chất và có tính hiệu quả, ứng dụng cao.
“Khi đã học tập, nghiên cứu, sinh viên phải chạy đua với thời gian, với các bạn khác và với cả chính mình để hoàn thành tốt nhất việc học, đề tài nghiên cứu. Không cẩn thận, bạn có thể tụt hậu, thua kém ngay”, Trung Kiên chia sẻ.
Theo Phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện nay, nhiều người được các công ty môi giới du học khéo léo lách luật đưa sang Hàn lao động dưới dạng học tiếng, có VISA rồi bỏ ra ngoài làm, cư trú bất hợp pháp.
Đưa ra lời khuyên với những trường hợp này, Kiên nói: “Những ai có ý định sang Hàn kiếm tiền đổi đời thì nên dừng lại. Vì đi du học ở các nước phát triển thực ra là đi lao động trình độ cao không lương hoặc lương thấp. Đây không phải con đường làm giàu”.
“Nhưng nếu du học thực sự, tập trung hết sức vào việc học, đó là con đường đầu tư cho tương lai rất đúng đắn. Với môi trường hiện đại, các bạn sẽ học được rất nhiều thứ để phát triển sau này”, anh nhận định.
Nguyễn Trung Kiên phát biểu trước Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong Đại hội Thanh niên tiên tiến mới đây. Ảnh: Hoàng Hà.
Một trong những vấn đề khiến chàng Phó chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc trăn trở là làm sao để những sinh viên, trí thức Việt Nam trở về cống hiến cho quê hương.
Trong lần diện kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gần đây, Kiên trình bày nguyện vọng trở về nước làm việc sau khi hoàn thành việc học.
Ngoài ra, chàng trai này thay mặt Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc nói riêng và các sinh viên, trí thức Việt Nam trên khắp thế giới nói chung, đề xuất với lãnh đạo Quốc hội xây dựng cơ chế mở, tạo môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi, thông thoáng để thu hút trí thức trẻ về xây dựng đất nước.
Căng mình để cân bằng cuộc sống
Với công việc nghiên cứu bận rộn cùng hoạt động xã hội tích cực, chàng nghiên cứu sinh phải nỗ lực rất nhiều để cân bằng được mọi hoạt động với cuộc sống gia đình. Theo anh, vợ và con gái là hậu phương vững chắc, luôn ủng hộ mình tiến lên trong sự nghiệp, cũng như các hoạt động xã hội.
Để có được sự đồng thuận của vợ như hiện nay, hai vợ chồng từng trải qua thời gian ban đầu khá sóng gió khi Kiên mải mê công việc nghiên cứu và các hoạt động bên ngoài.
Anh tâm sự thường xuyên phải thức thâu đêm tại phòng lab để bù lại những thời gian tham gia hoạt động xã hội. Anh phải căng mình với những công việc cá nhân mới có thể cân bằng được.
Đôi lúc, chàng trai đến từ Việt Nam buộc phải lựa chọn giữa công việc và hoạt động xã hội, chấp nhận hy sinh mới có thể cân bằng được mọi thứ.
“Tôi cảm thấy hạnh phúc vì được cống hiến. Dù có lúc cuộc sống không như ý muốn, được nhìn thấy nụ cười của những người tham gia các hoạt động của hội là niềm vui của anh em tổ chức như tôi”, Kiên nói.
Theo Zing