‘Du học không có chỗ cho sự yếu đuối’
“Còn nhiều lắm những gian nan và thử thách, con hiểu chặng đường du học không có chỗ cho sự yếu đuối… như chút trải lòng này đây, khi con nhớ và viết về gia đình”, Minh Anh viết.
Đã hơn 3 tháng con xa nhà, khởi đầu ở một miền đất mới với biết bao âu lo, muộn phiền. Chuyện nhà, chuyện trường đã cuốn trôi con đi, để rồi cho đến hôm nay, lần đầu tiên con cảm thấy nhớ nhà nhiều đến thế.
Minh Anh.
Con nhớ bố, người con kính trọng và ngưỡng mộ nhất cuộc đời này. Ngoài 50 tuổi, với cặp kính 20 đi-ốp và cái đầu ngày nào cũng đau, bố vẫn vừa đi làm, vừa thức dậy mỗi đêm để viết luận án.
Bố là người có địa vị, được nhiều người kính trọng, đi đến đâu cũng được đón rước. Nhưng, khi về nhà, bố là xe ôm, đón đưa em Beck mỗi ngày đi học.
Bố là thợ, đồ đạc trong nhà hỏng, cần thay đều đến tay bố cả.
Bố là thầy, dạy cho Beck học Văn, dạy con học Luật, và dạy chúng con cách đối nhân xử thế.
Bố cũng là nghệ sĩ, hay đánh đàn và thổi sáo cho cả nhà nghe…
Và còn nhiều hơn thế nữa…
Con nhớ Mế. Con vẫn thích gọi mẹ như thế, như cách mẹ gọi bà ngoại. Ngoài 50, Mế hay đau lưng vì thoái hóa cột sống.
Ngày ngày, Mế đi làm từ sáng sớm và về nhà lúc tối muộn. Mế không ăn được nhiều nhưng thích nấu ăn, đặc biệt khi nấu cho con ăn.
Skype với con, Mế báo từ ngày con đi, bữa cơm ở nhà buồn hẳn, và Mế cũng chẳng còn nhiều niềm vui nấu nướng như trước nữa.
Video đang HOT
Ngày con đi, Mế dặn dò con đủ việc. Mế xiết chặt tay con trước lúc lên máy bay, ánh mắt rưng rưng trìu mến. Một cặp vợ chồng người Pháp nhìn thấy mỉm cười, sau đó họ nói với con rằng: Phải rồi, con cái, dù có lớn và trưởng thành đến đâu, vẫn luôn bé bỏng trong mắt người mẹ.
Con nhớ Beck. Hai anh em cách nhau 10 tuổi, nhưng khoảng cách đó dường như chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhớ hàng đêm hai anh em nói đủ thứ trên đời, hợp nhau trong nhiều chuyện: Từ ăn uống, đến giải trí, phim ảnh và đặc biệt là âm nhạc.
Beck thích Metallica, Ensiferum, đang chăm chỉ tập guitar và cũng muốn có band sau này. Con yên tâm phần nào vì trước khi đi đã kịp gửi gắm em cho 2 người bạn đặc biệt của mình, mong em sẽ nhanh tiến bộ, chăm ngoan, làm bố mẹ vui và yên tâm, chứ không như anh hồi trước…
7 năm trước, con là đứa hư hỏng, thích đàn đúm và hay dạt nhà.
7 năm trước, con học lực yếu, hạnh kiểm trung bình, bị đuổi khỏi trường cấp 3 (lớp 10).
7 năm trước, bố chỉ biết im lặng và nhẫn nhịn trong buổi họp phụ huynh khi giáo viên chủ nhiệm nói đến trường hợp của con.
7 năm sau, con được học bổng Eiffel, với khoản tiền hơn 1.000 euro mỗi tháng.
Con hiểu là mình đã cố gắng thật nhiều, trong suốt chặng đường dài đã qua, kể từ khi hiểu được bản thân phải thay đổi hay là chết, như một mũi tên đã lao đi không dừng lại.
Nhưng thành quả của ngày hôm nay sẽ không có nếu gia đình không ở bên. Con hiểu dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bố mẹ vẫn luôn là chỗ dựa, chăm sóc và động viên, đặc biệt luôn tin tưởng con trong mọi bước đi của mình.
Bố mẹ không phải chiếc đồng hồ báo thức, không áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, chỉ đơn giản là dõi theo, đưa ra những lời khuyên khi cần thiết và nâng đỡ mỗi khi con vấp ngã.
Ba tháng qua đi, con dần cảm thấy tự tin và trưởng thành hơn. Ở Grenoble, con có nhiều bạn tốt. Con cũng có nhiều bạn tốt ở trường, những người luôn cảm thông, động viên và giúp đỡ.
Con cảm thấy mình thật may mắn khi gặp được những người bạn tuyệt vời như vậy. Con cũng thấy mình đang tự tin và tiến bộ dần lên, dù chỉ từng chút một…
Kỳ nghỉ ngắn ngủi đã kết thúc. Ngày mai con trở về với nhịp độ 6 tiếng ở trường, rất nhiều bài vở trước mắt và kỳ thi thì không còn quá xa. Còn nhiều lắm những gian nan và thử thách. Con hiểu chặng đường du học không có chỗ cho sự yếu đuối… như chút trải lòng này đây, khi con nhớ và viết về gia đình.
Tốt nghiệp Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội, Minh Anh giành học bổng thạc sĩ ngành luật hành chính tại Đại học Pierre Mendes France, Pháp. Chàng trai này đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại đây.
Theo Zing
Quán quân Olympia không về và chuyện thu hút nhân tài
Một trong những nguyên nhân khiến du học sinh, trong đó có các nhà vô địch Olympia, không về Việt Nam làm việc là cơ chế để họ phát huy tài năng còn quá ít.
Không phải đến bây giờ câu chuyện du học sinh ở hay về mới thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề này được hâm nóng khi Đà Nẵng khởi kiện nhân tài(dù là đúng) và một cựu thí sinh của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia ở Cần Thơ tố trường đại học đối xử bất công với mình trên Facebook.
Đặc biệt, trước đó, chuyện vì sao người giỏi không về nước làm việc được đưa ra tại Quốc hội ngày 2/11/2015. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) day dứt đặt câu hỏi trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội: Vì sao 13 cháu du học, 12 người không về? Đây là một ví dụ minh họa cho tình trạng bức xúc trong thu hút, sử dụng nhân tài.
Nhà vô địch Olympia đang ở đâu?
Đường lên đỉnh Olympia đã bước sang năm thứ 15. Trong số 14 nhà vô địch, thực chất có 2 người đã tốt nghiệp và về Việt Nam làm việc. Đó là Lương Phương Thảo, tốt nghiệp ngành Kinh doanh Quốc tế và Marketing, Đại học Monash (Australia), đang làm việc cho một công ty của Mỹ tại quận 1, TP HCM. Hồ Ngọc Hân (vô địch Olympia năm thứ chín), sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Swinburne, đã trở về.
Số còn lại, nhiều người thành công ở nước ngoài, trở thành tiến sĩ khi còn rất trẻ. Một trong số đó là Trần Ngọc Minh, nhà vô địch năm đầu tiên, được trao học bổng nghiên cứu tiến sĩ khi có kết quả học tập trong top 5 của Đại học Kỹ thuật Swinburne. Chị còn là giám đốc tiếp thị cho Open Your Hearts - tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ trẻ em tàn tật, bất hạnh. Sau đó, cựu quán quân này làm việc cho một trong những nhà mạng di động hàng đầu tại Australia.
Cựu vô địch Đường lên đỉnh Olympia từ bên trái qua: Hồ Ngọc Hân, Phan Minh Đức, Phạm Thị Ngọc Oanh. Ảnh: VTV.
Trong khi đó, Phan Mạnh Tân, nhà vô địch mùa thứ hai cũng đã có bằng tiến sĩ, làm việc tại IBM, Melbourne, Australia. Còn Huỳnh Anh Vũ, nhà vô địch năm thứ chín, là một trong hai sinh viên xuất sắc nhất Đại học Kỹ thuật Swinburne, được giữ lại làm giảng viên (năm 2012). Anh Vũ cũng là người có số điểm cao nhất trong các nhà vô địch.
Những cái tên xuất sắc khác như Đặng Thái Hoàng (vô địch năm 12), Hoàng Thế Anh (năm 13) và Nguyễn Trọng Nhân (năm 14) đều đang là du học sinh tại Đại học Kỹ thuật Swinburne.
Việc phần lớn những nhà vô địch leo núi, cũng như nhiều du học sinh giỏi khác, không trở về chính là một trong những nguyên nhân khiến đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nêu thực trạng trăn trở: "Chúng ta đã lãng phí nguồn nhân lực quý báu này do thiếu cơ chế phù hợp để khai thác".
"Đi đi, đừng về"
Khi được hỏi sẽ trở về nước cống hiến, hay tiếp tục xây dựng sự nghiệp ở nước ngoài, Phan Minh Đức, người giành vòng nguyệt quế năm 2010 chia sẻ, cả hai con đường đều đóng góp cho đất nước, nhất là trong thế giới phẳng hiện nay.
Đức cho rằng, khi được giao lưu với những người giỏi, làm việc trong môi trường tiên tiến hơn thì những kiến thức, ý tưởng bạn thu được chắc chắn sẽ có giá trị với quê hương, đất nước.
Còn Nguyễn Thành Vinh, Á quân Đường lên đỉnh Olympiamùa đầu tiên, trả lời trên báo chí rằng, nhiều người xin học bổng và du học không trở về. Anh thẳng thắn cho biết, bản thân từng có ý định trở về nước sau khi học xong nhưng không có cơ hội rõ ràng nên quyết định ở lại nước ngoài.
Cùng quan điểm này, Hoàng Dương - cựu thí sinh thi Olympia, người sáng lập bộ truyện tranh Nhóm máu O, cho Zing.vn hay, lâu nay dư luận đặt câu hỏi tại sao các du học sinh, cũng như nhà vô địch Olympia, không về Việt Nam làm việc. Một phần lý do là cơ chế giúp họ phát huy tài năng còn quá ít.
Chính vì thế, "đi đi, đừng về" là câu nói đắng lòng của không ít người từng trải nghiệm khi đề cập vấn đề du học sinh về hay ở.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hải (tốt nghiệp Đại học Priceton của Mỹ, đang hoạt động trong lĩnh vực du học), nhiều học sinh về Việt Nam vì lý do cá nhân và gia đình. Sau một thời gian không tìm được việc làm, hay thấy mình không thể hòa nhập, họ đành âm thầm quay lại nước ngoài.
"Cú sốc văn hóa ngược này mới chính là thứ khiến các em đau đớn và vỡ vụn rất nhiều thứ trong trái tim. Trong vô vàn học sinh Việt từng du học và trong nhiều vạn các em sẽ đi, có ai không mơ ước về một Việt Nam tốt đẹp hơn? Nhưng có lẽ các em sẽ phải đợi. Và chờ nhiều năm nữa...", ông Hải nêu quan điểm.
Phải chăng vì thế mà nhiều nhân tài, trong đó có những học sinh xuất sắc vô địch Đường lên đỉnh Olympia, vẫn phải... đi thôi, chưa về vội?
Những câu chuyện đáng suy ngẫm
Ba câu chuyện dưới đây do một thí sinh từng tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia chia sẻ có thể khiến chúng ta phải suy nghĩ.
- Câu chuyện thứ nhất: Tôi quen một người vô địch Olympia không về Việt Nam mà ở lại Australia. Người này nói: "Em vẫn đóng góp cho quê hương theo cách riêng và em sẽ không về Việt Nam làm việc".
- Một thí sinh Olympic được đào tạo theo ngân sách của tỉnh. Khi ra trường, người này bị ép làm trái ngành và có làm đề tài nghiên cứu xin ngân sách (mức chỉ 300-500 triệu đồng) nhưng bị... đuổi như tà. Bí quá, anh gửi dự án đi nhiều nơi và được đơn vị ở Mỹ mời qua nghiên cứu, sau đó được giữ lại. Đến giờ, cả gia đình đều định cư bên đó, mức sống khá tốt.
- Câu chuyện thứ ba: Cuối năm nay, tôi tiễn người anh đi Bỉ (32 tuổi). Anh nộp hơn 12 bằng xin cấp sáng chế từ năm 2009 nhưng tới giờ chưa được cái nào. Đam mê đến mức, anh bán luôn chiếc xe cà tàng để làm nghiên cứu. Nhưng sau nhiều biến cố, anh bảo, không làm ở Việt Nam được và cơ duyên đã đưa anh tới Bỉ để bắt đầu cuộc sống mới.
Theo Zing
Trí thức Việt trăn trở khi về nước làm việc Dù mong mỏi sớm được về nước làm việc, nhưng đối diện với thực tế, nhiều người trí thức Việt lại có không ít trăn trở. Anh Phạm Tấn Việt, nghiên cứu sinh về cấu trúc phân tử của thực vật tại Đại học Konkuc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, để nghiên cứu cho "đến đầu, đến đũa", thời gian nghiên cứu 3 năm...