Du học không ‘chảy máu’
Nếu nhìn vào con số hàng tỉ USD từ VN chi ra nước ngoài qua con đường du học hàng năm – cũng như nhìn vào con số du học sinh (DHS) trở về nước làm việc, sẽ dễ “choáng” vì tài chính lẫn nguồn lực dường như “một đi không trở lại”.
Nhưng làm thế nào để đồng vốn trong dân đầu tư được hiệu quả nhất, ngoại tệ và nhân lực sau khi “ xuất ngoại” lại nhân lần để trở về là bài toán chung của cả xã hội, nơi mà nhà quản lý, gia đình, và truyền thông cần chung tay, bởi đầu tư cho giáo dục và nâng tầm tri thức luôn là thứ đầu tư trường kỳ, mà người hưởng lợi là thế hệ sau.
Từ ngoại tệ chảy ngược dòng
Chưa có con số thống kê chính xác, cụ thể về dòng ngoại tệ bị “chảy ngược” ra nước ngoài mỗi năm là bao nhiêu, bởi con đường du học tự túc hiện nay khá đa dạng và mức chi phí cũng khác nhau. Tuy nhiên, nếu ước đoán qua số liệu của một vài trung tâm thực hiện tư vấn và du học tự túc của những quốc gia thuộc hàng top 5, trong số những nước được nhiều DHS Việt Nam chọn lựa, cũng có thể phác họa phần nào về tổng chi phí, sẽ là một con số khá lớn.
Cụ thể, khi đề cập đến vấn đề này, GS-TS Lê Tự Hỷ (Atlanta – Hoa Kỳ) đã đưa ra thông tin: Riêng tại Mỹ, số HS SV Việt Nam du học đã tăng từ 2.022 năm 2000 lên 12.823 năm 2009 (nguồn: Institute for Vietnamese Culture & education (IVCe), New York, 4.8.2010). Và vị giáo sư này đã làm một phép tính đơn giản để minh chứng, nếu lấy mức chi phí trung bình 30.000USD/SV/năm học, thì chỉ trong năm học 2008-2009, số tiền từ Việt Nam đổ vào Mỹ cho việc du học là 30.000USDx12.823SV = 384.690.000USD/năm.
Tương tự, nếu lấy những con số thống kê cơ học từ Hội đồng Anh, thì mức phí đầu tư cho một DHS du học tự túc đến Vương quốc Anh sẽ bao gồm: Học phí thay đổi tùy theo từng bậc học, ngành học và chương trình học sẽ ước khoảng từ 4.000 bảng Anh (cho những khóa học trước ĐH) đến cao nhất là lấy bằng MBA là 34.000 bảng Anh. Ngoài ra, sinh hoạt phí cho mỗi người vào khoảng 800 bảng Anh (ở TP London) và 600 bảng Anh đối với những TP khác.
Hoặc theo cách tính cụ thể của những phụ huynh đã cho con đi du học thì trung bình mỗi năm họ chi khoảng 21.000 bảng Anh cho một suất ăn học tại Anh.
Bằng những chi phí cụ thể này, nhân với số lượng DHS đến Vương quốc Anh đang có chiều hướng tăng trong những năm gần đây (đứng ở hàng 2 trong top các nước được DHS Việt Nam chọn lựa) thì con số ngoại tệ “chảy ngược” từ Việt Nam đến quốc gia này sẽ là một con số không nhỏ.
Video đang HOT
Hay như ước đoán của GS Lê Tự Hỷ, tổng chi phí đã và đang chảy ngược dòng thông qua kênh du học thì mức “chi ra” từ VN mỗi năm phải lên đến hàng tỉ đô.
Đến “chảy máu” chất xám
Cũng trong tình trạng tương tự như trào lưu du học tự túc, chúng ta chưa có một con số chính xác thống kê từ cơ quan chức năng về tình trạng DHS thành đạt (hay chí ít là hoàn tất chương trình du học) và tiếp tục lưu lại tại các quốc gia du học để sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, nếu theo một vài thống kê nhỏ lẻ và chưa đầy đủ của một vài đơn vị như tại trường chuyên Lê Hồng Phong thì số HS sau khi tốt nghiệp tại trường sẽ đi du học theo các chương trình học bổng (bán phần, toàn phần do các trường nước ngoài thực hiện) cũng như du học tự túc cũng lên đến xấp xỉ 7%.
Và theo hồi âm của những gia đình có con đi du học, hầu hết đều lưu lại nước ngoài để học lên cao học hoặc đi làm. Đó là chưa nói đến số lượng SV sau khi tốt nghiệp ĐH tại Việt Nam, tiếp tục du học bằng 2 hoặc theo học chương trình sau đại học, sau khi hoàn tất chương trình du học cũng đã ở lại. Trần Ngọc Lan Khanh – sau khi tốt nghiệp ĐH KHXH&NV tại TPHCM đã tiếp tục du học tự túc tại Singapore lấy bằng 2 về Quản trị du lịch vừa hoàn tất vào giữa năm 2011, hiện đang có kế hoạch lưu trú tại Sing để làm việc.
Khanh cho biết: “Gần như 100% số DHS du học tại 3 trường công lập uy tín, nằm trong top 3 của Sing, vào thời điểm cách nay 3 năm trở về trước, sau khi có bằng tốt nghiệp đều nhận được giấy mời từ phía Chính phủ Sing kêu gọi ở lại làm việc. Và cũng hầu như tất cả các bạn được chính phủ Sing mời gọi đều quyết định ở lại.
Hiện nay, do chính sách bảo hộ lao động đối với người dân bản xứ, tỷ lệ DHS của Việt Nam ở lại Sing có giảm nhưng vẫn vào khoảng 90%. Còn đối với các trường tư, cơ hội làm việc ở Sing sẽ khó hơn nhưng cũng có thể tính đến con số hơn 90% các bạn sau khi tốt nghiệp đều tìm cơ hội để lưu lại Sing làm việc, sinh sống.
Có khá nhiều lý do khiến các bạn cũng như em chọn lựa ở lại Sing, đó là những thuận lợi về môi trường sống… Song hai điểm quyết định là chế độ lương bổng cao hơn so với việc trở về nước và cơ hội việc làm đúng ngành đào tạo tại những tập đoàn lớn, ở những nơi có thể tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, nâng cao tay nghề… Đó là những yếu tố tác động không nhỏ đến quyết định lưu lại của hầu hết DHS”.
Nhưng… vấn đề là hiệu quả
Khi đề cập đến vấn đề nên hay không nên cho con du học tự túc, nhìn ở góc độ “phản biện”, không ít phụ huynh lại cho rằng vấn đề không phải họ không sợ tốn kém mà chính là hiệu quả đầu tư.
Anh Thanh Lê – một phụ huynh có hai con đang du học tại Mỹ cho rằng: “Sẽ không có một mẫu số chung nào cho câu hỏi nên hay không nên cho con đi du học mà phải tùy thuộc vào tố chất của đứa trẻ. Nếu không được chuẩn bị kỹ để hòa nhập vào một môi trường mới ở nước ngoài, trẻ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “shock văn hóa” theo chiều hướng xấu vì không có phụ huynh kề bên để chỉ bảo. Và nếu đã quyết định cho con đi du học, việc chuẩn bị có nguồn tiền ổn định để cho con đi du học là điều quan trọng.
Song, hiện nay đây không phải là vấn đề mà nhiều phụ huynh lo lắng mà hiệu quả của việc cho con du học thế nào mới là vấn đề đáng bàn”.
Anh Lê lý giải thêm: Nếu chuẩn bị tốt về kỹ năng sống, vốn ngoại ngữ và kiến thức cơ bản, khi cho con đi du học bạn có thể tin rằng bạn đầu tư đúng. Bởi với phương pháp giáo dục ở những nước tiên tiến (Mỹ, Anh…) thì khi con bạn tốt nghiệp một trường đại học, có trong tay một tấm bằng về kiến thức, chuyên môn cũng là lúc con bạn có trong tay những “tấm bằng” khác như bằng về vốn sống, bằng về văn hóa quốc tế, bằng về ngoại ngữ… những “tấm bằng” này con bạn sẽ không thể có được nếu chỉ học trong nước.
Ngoài ra, nếu con bạn tiếp tục ở lại quốc gia đã chọn đến du học để làm việc, sinh sống thì cũng chưa chắc là chảy máu chất xám. Bởi, hiện nay chúng ta đang sống trong “ thế giới phẳng” nên việc sinh sống cụ thể ở đâu không quan trọng bằng việc người đó làm được gì. Nếu con bạn sống ở nước ngoài, có kết quả học cao, được học bổng (là điều tốt nhất trong khi du học) hay đến khi đi làm, có những công trình nghiên cứu hiệu quả… thì sẽ vẫn đem lại niềm vui ít nhất cho gia đình và thậm chí rạng danh cho tổ quốc nếu thành công ở mức cao. Còn ngoại tệ đã bị “chảy” trong thời gian bạn đầu tư cho con đi du học, khi con bạn đã tốt nghiệp đại học, ở lại nước ngoài, đi làm và gửi tiền về cho cha mẹ trong nước thì đó chính là lúc “ngoại tệ bị chảy” đã được “quay” trở về – Anh Thanh Lê kết luận.
Theo VNN
Việt Nam đã có quy hoạch nhân lực đến 2020
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia.
Phát triển đất nước: nhân lực là nền tảng, lợi thế quan trọng nhất
Chiến lược này là Chiến lược tổng hợp cấp quốc gia để định hướng, làm cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình và đề án phát triển nhân lực của các ngành, chuyên ngành, tổ chức và các địa phương, thông tin được đăng trên Báo Giáo dục&Thời đại.
Các cử nhân nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh: Lê Anh Dũng)
Mục tiêu tổng quát phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.
Phấn đấu đến năm 2015, Việt Nam sẽ đạt 55% tỷ lệ lao động qua đào tạo 40% tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 300 sinh viên ĐH, CĐ trên 10 nghìn dân 5 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế (đến năm 2020 là trên 10 trường dạy nghề đạt đẳng cấp quốc tế và trên trường đại học xuất sắc trình độ quốc tế) 100.000 giảng viên ĐH, CĐ...
Đến năm 2015, phấn đấu tuổi thọ trung bình của người dân đạt 74 tuổi, năm 2020 là 75 tuổi chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam là trên 1,63m vào năm 2015 và trên 1,65m năm 2020 tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10 % vào năm 2015 và dưới 5% vào năm 2020.
Để phát triển nhân lực, những giải pháp đột phá được thực hiện bao gồm: Đổi mới nhận thức về phát triển và sử dụng nhân lực đổi mới căn bản quản lý nhà nước về phát triển và sử dụng nhân lực. Cùng với đó, tập trung xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng một số cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề đạt trình độ quốc đổi mới đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ, công chức xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong quản lý hành chính, ngoại giao và kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, tư vấn hoạch định chính sách, pháp lý, y học, văn hóa, nghệ thuật thực hiện đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh triển khai quyết liệt đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành một nước mạnh về CNTT - truyền thông", trong đó phát triển và đảm bảo nhân lực là giải pháp hàng đầu...
Mỗi Bộ ngành và địa phương phải xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của mình. Các doanh nghiệp và tổ chức phải có kế hoạch phát triển nhân lực. Bên cạnh đó, cần sử dụng rộng rãi, hiệu quả các cơ chế và công cụ của kinh tế thị trường để mở rộng quy mô, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực và huy động các nguồn vốn cho phát triển đào tạo nhân lực...
Vì sao cần có quy hoạch?
Nói rõ thêm về quy hoạch này trên Báo điện tử Chính phủ, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: "Có một thực tiễn là nhiều năm qua việc cung cấp nhân lực cho các ngành kinh tế xã hội mặc dù vẫn đáp ứng nhu cầu nhưng không thể đầy đủ, đặc biệt là trong những ngành đòi hỏi nhân lực có trình độ cao. Chúng ta cũng đã tìm cách lý giải điều này nhưng chưa trọn vẹn. Qua đánh giá tình hình cuối năm 2009 đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải bổ sung một giải pháp quan trọng trong việc phát triển nhân lực đất nước. Đó là phải xây dựng một bản quy hoạch nhân lực 2011-2020.
(...)Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành xây dựng quy hoạch nhân lực từ cơ sở. Từ đó, mới có bản quy hoạch tổng hợp về nhu cầu phát triển nhân lực quốc gia 10 năm tới.
Về việc phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, địa phương vốn chưa thật tốt từ trước đến nay được PV báo đưa ra, theo Phó Thủ tướng: "Chúng ta có thuận lợi là trong một năm rưỡi qua, khi các bộ, ngành địa phương xây dựng quy hoạch thì bắt đầu có sự phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục Dạy nghề. Có nghĩa là bên đặt hàng là các bên quản lý ngành và bên đáp ứng là ngành giáo dục và đào tạo, dạy nghề đã có sự gắn bó với nhau trong việc xây dựng kế hoạch.
Còn sắp tới là phải triển khai kế hoạch. Ví dụ khi chúng tôi họp về quy hoạch nhân lực khu vực Tây Nguyên thì thấy 5 tỉnh Tây Nguyên cần có nhân lực về văn hóa cho đồng bào Tây Nguyên, nhưng nếu cả 5 tỉnh mà chỉ có một trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật thì không hợp lý. Qua thảo luận đã thống nhất phương án chọn 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên để đặt 1 trường đại học văn hóa cho cả khu vực. Hoặc là khu vực Bắc Trung bộ có nhu cầu cần phải có một trường đại học văn hóa và trường thể thao thì thống nhất nên đặt ở Thanh Hóa vì Thanh Hóa trước đó đã có trường cao đẳng về văn hóa nghệ thuật, và trong 1 năm qua Thanh Hóa đã nỗ lực chuẩn bị rất tốt.
Trong ngày 22/7, đúng ngày Thủ tướng ký quyết định phê duyệt quy hoạch nhân lực thì cũng đồng thời đồng ý về chủ trương thành lập trường Đại học Văn hóa, Thể thao, Du lịch tại tỉnh Thanh Hóa cho vùng Bắc Trung bộ. Đó chính là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung ương và các địa phương.
Còn một vấn đề nữa là sẽ cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cơ sở dạy nghề cả nước. Trên cơ sở quy hoạch này, từng địa phương sẽ xây dựng quy hoạch của mình. Thủ tướng đã yêu cầu hàng năm phải có báo cáo về kết quả thực hiện".
Theo VNN
Lập trình viên - Nghề của thời đại @ Thời thượng, trí tuệ, thu nhập hấp dẫn, Lập trình viên - ngành được coi là "nghệ tinh" của thời đại @, đang ngày càng trở thành tâm điểm chú ý của giới trẻ hiện đại. Nhằm giúp các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về ngành, Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aprotrain-Aptech phối hợp với...