Du học để đạt đẳng cấp thế giới
Trần Vương Tùng bên cạnh một công thức vật lý (Ảnh nhân vật cung cấp
Mỗi người có một lý do riêng để du học, nhưng đối với những học sinh xuất sắc về khoa học cơ bản, du học là cách để họ đạt đến trình độ khoa học thế giới mà trong nước hiện không có điều kiện cơ sở vật chất cũng như con người giúp các bạn thỏa mãn khát vọng.
Trao đổi với Một Thế Giới, anh Trần Vương Tùng, hiện nghiên cứu để lấy bằng tiến sĩ ngành vật lý lý thuyết tại Đại hoc Brown (Hoa Kỳ) nói về con đường đi đến trường đại học hàng đầu thế giới này.
Sự thiếu thốn vật chất và sách khoa học ở Việt Nam
Theo anh Tùng và một số nhà khoa học mà PV Một Thế Giới đã có dịp gặp gỡ, thực trạng sách nghiên cứu khoa học chuyên sâu tại Việt Nam hiện nay rất thiếu và yếu. Lấy ngành vật lý làm ví dụ, so với 10 năm trước thì những cuốn sách đang được bày bán tại các nhà sách lớn ở TP. Hồ Chí Minh gần như không tăng đáng kể, cả về chất lượng và số lượng.
Video đang HOT
So sánh với nền giáo dục phát triển ở các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản thì số lượng sách khoa học được dịch của chúng ta quá ít. Sinh viên những ngành khoa học cơ bản hiện nay đang mày mò trên mạng để tìm những kiến thức cập nhật nhất của thế giới nhưng đa phần những kiến thức hàn lâm chuyên sâu thì không thể nào tìm được trên internet, anh Tùng chia sẻ.
Về cơ sở vật chất, những ngành vật lý, hóa học, sinh học… cũng quá thiếu máy móc thiết bị cũng như con người để vận hành những cỗ máy ấy. Ví dụ như ứng dụng của máy gia tốc hạt trong điều trị ung thư, phát hiện vật chất mới… hiện ở Việt Nam còn là khái niệm mới mẻ. Công nghệ nano đã phát triển nhiều năm qua nhưng ở Việt Nam việc điều hành, áp dụng công nghệ này vẫn đang bỏ ngỏ. Nhìn chung, việc tìm hiểu những tinh hoa khoa học mới nhất của thế giới ở Việt Nam đang rất hạn chế.
Tinh thần làm việc và nhận thức bản thân
Người Việt Nam rất thông minh, cần cù nhưng đôi khi lại quá tự kiêu và không nhận thức trình độ của mình đang ở đâu. Một điều cần lưu ý trong giáo dục của ta là tính chuyên sâu trong học tập, những bạn học chuyên thường sao lãng bởi những môn học không liên quan và mất đi đam mê của mình.
Trần Vương Tùng thời học sinh rất đam mê khoa học, đặc biệt say môn vật lý, vì vậy hồi học phổ thông anh từng bị cô giáo phê bình vì không thuộc những đoạn văn mẫu… Sự thật đáng buồn là trong nhóm “đam mê vật lý” của Tùng đã có không ít bạn phải từ bỏ đam mê để chạy theo điểm số toàn diện nhằm đạt danh hiệu học sinh giỏi…
Nhưng phải giỏi ngoại ngữ. Tùng chia sẻ: “Nhiều bạn nghĩ rằng học giỏi chuyên ngành toán lý hóa là có thể quên đi việc học ngoại ngữ, điều này rất sai lầm. Khi có ngoại ngữ, các bạn mới có thể tiếp cận những kiến thức mới nhất của thế giới”.Nhận thức được vấn đề này từ rất sớm nên Tùng đã không bỏ lỡ khi cơ hội học bổng đến với mình.
Việc học ngoại ngữ tốt đã góp phần không nhỏ cho Tùng và nhiều bạn khác đạt được học bổng đi Nhật và từ đó Tùng được tuyển chọn sang Mỹ làm thạc sĩ và tiến sĩ ngành vật lý lý thuyết – một trong những ngành nặng ký nhất của khoa học hiện đại. “Càng học càng biết mình thiếu và yếu rất nhiều, khoa học thế giới đã đi rất xa”, Tùng bảo vậy.
Nhận thức được mình đang ở đâu, yếu kém những gì chính là động lực để học. Tinh thần làm việc của người Nhật, theo anh Tùng, đôi lúc không bằng người Việt Nam nhưng nói về đam mê của người Nhật thì không nơi nào có thể sánh bằng.
Sự khác biệt dễ thấy
Sự khác biệt khi đi du học là các bạn được tiếp cận nguồn sách dồi dào (số lượng sách dịch của Nhật đứng đầu thế giới cả số lượng và chất lượng). Bạn sẽ được làm việc với những giáo sư hàng đầu thế giới nếu các bạn đặt được chân vào các đại học hàng đầu ở Nhật Bản hay Mỹ. Máy móc phục vụ cho việc học của họ cũng vô cùng tân tiến và liên tục đổi mới do được đầu tư rất mạnh mẽ.
“Một sự khác biệt nữa ở chỗ khi đi du học thì là bạn đóng vai trò người đại diện cho Việt Nam ở nước ngoài. Bạn sẽ bị thử thách bởi những sinh viên nước khác từ việc học hành cho đến tác phong làm việc, ăn ở… Để du học thành công, không những bạn phải học giỏi mà còn phải chứng minh mình xứng đáng đi du học, xứng đáng đại diện Việt Nam tại nước ngoài”, Tùng chia sẻ.
Từ đam mê nhặt vỏ chai đến mài đầu tên lửa cho NASA
Tùng kể người Nhật có những đam mê và sở thích kỳ lạ, đơn cử là có một anh chàng chuyên nhặt vỏ kính về mài. Anh này luyện đến độ chính xác khó tin và được NASA mời về để mài đầu tên lửa cho họ vì kỹ thuật mài của anh này chính xác hơn các loại máy móc hiện hành.
Thật khó để tìm một ai đó có đam mê mãnh liệt như vậy ở Việt Nam, rất nhiều bạn sinh viên chỉ mong kiếm được nhiều tiền chứ không có đam mê “cháy hết mình” như anh chàng người Nhật kia. Theo Tùng, khi có đam mê, tìm tòi học hỏi rà rèn luyện, cộng thêm sự hướng dẫn, giúp đỡ của các chuyên gia thì bạn có thể đi rất xa trên con đường mình đã chọn.
Khi chúng ta nhận thức được khả năng, kiến thức của mình đang ở mức nào và đam mê của mình là gì thì con đường du học để nâng cao kiến thức lên một tầm cao mới là cần thiết. Khát vọng phải lớn thì du học mới thật sự xứng đáng với công sức, tiền bạc và thời gian bỏ ra.
Anh Trần Vương Tùng cho biết rất nhiều nghiên cứu sinh Việt Nam tại các nước phát triển đang muốn thiết lập một mạng lưới chia sẻ kiến thức khoa học cơ bản cho các bạn trong nước. Bản thân anh cũng đang ấp ủ dự án này, “Vì một Việt Nam phát triển”
Theo motthegioi.vn