Dự án hạ tầng hàng không hút nhà đầu tư
Các nhà đầu tư đang đổ xô đăng ký vào 5 dự án xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Nằm trong khu vực Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Dự án Nhà để xe ô tô T2 mới chỉ nhận được đề xuất đầu tư của liên danh nhà đầu tư trong nước
Cam Ranh, Phú Quốc hút khách
Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành là doanh nghiệp mới nhất gia nhập cuộc đua giành quyền đầu tư Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh. Hợp Thành không phải là cái tên xa lạ đối với ngành giao thông – vận tải, khi doanh nghiệp này vừa giành quyền chi phối cảng Quy Nhơn sau khi mua lại lượng cổ phần nhà nước từ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Như vậy, tính đến giữa tháng 9/2015, danh sách các nhà đầu tư quan tâm đã nộp hồ sơ năng lực cho Tổng công ty ACV đã lên con số 6, trong đó có những cái tên đang rất nổi trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT gồm: Liên Thái Bình Dương, Yên Khánh, IMICO…
Được biết, nếu được ACV chọn làm đối tác xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, nhà đầu tư sẽ phải chồng đủ số tiền đầu tư cho Dự án trong vòng 3 tháng kể từ ngày ký văn bản thỏa thuận góp vốn. “Số tiền này sẽ được nộp vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do ACV chỉ định và chỉ được sử dụng vào mục đích đích góp vốn xây dựng, triển khai Dự án”, ông Đào Việt Dũng, Phó tổng giám đốc ACV cho biết.
Trước đó, theo phương án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh do ACV đề xuất, mục tiêu Dự án là xây dựng nhà ga hành khách mới phục vụ 2 triệu khách quốc tế/năm, đảm bảo thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận. Nhà ga hành khách mới sẽ được thiết kế 2 cao trình đi và đến tách biệt, có 2 cầu ống dẫn khách. Đặc biệt, nhà ga sẽ được thiết kế mở, để có thể đầu tư nâng công suất lên 4 triệu khách/năm khi có nhu cầu.
Tổng mức đầu tư Dự án được chủ công trình xác định sơ bộ trên cơ sở suất đầu tư các dự án xây dựng đã và đang được thực hiện trong thời gian gần đây, với mức dự toán là gần 2.000 tỷ đồng. Đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong nước, song cũng là một kênh sàng lọc năng lực tài chính hữu hiệu cho chủ dự án.
Video đang HOT
Cần phải nói thêm rằng, trong số 6 dự án xã hội hóa do ACV kêu gọi hiện mới chỉ có Dự án Nhà ga quốc tế mới, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng chính thức chốt xong danh sách nhà đầu tư. Đối với 5 dự án còn lại, cửa tham gia đầu tư vẫn khá rộng mở.
Liên quan đến công trình đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng hàng không là Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, ACV cho biết, mới chỉ xác định được đối tượng tham gia sẽ là các doanh nghiệp trong nước và một số định hướng lớn trong việc thí điểm cho thuê cảng hàng không này.
Cụ thể, tài sản cho thuê sẽ phải gắn liền với đất thuê, không bao gồm sân đỗ của sân bay Phú Quốc trong vòng 30 năm; nhà đầu tư phải trả tiền một lần trên cơ sở giá dịch vụ hành khách vào thời điểm hiện tại.
Ông Dũng cho biết, ACV đang lập kế hoạch tổ chức đi khảo sát, học hỏi kinh nghiệm một số nước về vấn đề thuê, nhượng quyền trước khi hoàn thiện Đề án Cho thuê một số cơ sở hạ tầng sân bay Phú Quốc.
Công trình phụ trợ đón đợi
Một dự án rất đáng chú ý nữa mà ACV đang chào các nhà đầu tư là Dự án Nhà ga hành hóa, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi. Dự án này đã nhận được đề xuất đầu tư của Hợp Thành và VietJet, nhưng chủ cảng vẫn chưa chốt được cái tên cuối cùng, do vẫn phải chờ các ứng cử viên hoàn thiện bản đề xuất với những phương án huy động vốn, đầu tư, vận hành cụ thể hơn.
Theo ACV, trong trường hợp các nhà đầu tư chưa muốn đầu tư vào lĩnh vực khai thác nhà ga, họ có thể tham gia những hạng mục phụ trợ, nhưng khả năng sinh lời hứa hẹn hấp dẫn không kém.
Tại khu vực phía Nam là Dự án đầu tư Nhà để xe ga quốc nội, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư khoảng 457 tỷ đồng. Các nhà đầu tư sẽ cùng với ACV thành lập một công ty cổ phần có vốn điều lệ khoảng 90 tỷ đồng (ACV nắm 20% vốn điều lệ) để xây dựng 1 nhà để xe 5 tầng có khoảng 2.000 vị trí đỗ xe.
Tại khu vực phía Bắc là Dự án Nhà để xe ô tô T2, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện mới chỉ nhận được đề xuất đầu tư của liên danh nhà đầu tư trong nước là Tập đoàn Đầu tư – Xây dựng HJC và Công ty cổ phần Xây dựng Trung Thành Việt Nam theo hình thức BOT.
Liên danh này sẽ huy động khoảng 240 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà xe ô tô 4 tầng cao 13,36 m, diện tích mặt bằng 80 x 66 m, tổng diện tích sàn 21.000 m2, có thể đỗ được 781 ô tô cùng lúc tại ô đất quy hoạch nhà xe an toàn, phía Đông nhà ga T2, Nội Bài.
Theo ông Dũng, vướng mắc trong việc thu hút nhà đầu tư cho 5 dự án xã hội hiện nằm cả ở việc lựa chọn hình thức đầu tư; pháp lý về nhượng quyền hạ tầng, bởi đây đều là những dự án chưa từng có tiền lệ.
Bên cạnh đó, do ACV đang thực hiện quá trình cổ phần hóa và dự kiến chính thức chuyển thành công ty cổ phần trong năm 2015. Trong phương án cổ phần hóa đã được Bộ Giao thông – Vận tải thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì kế hoạch kinh doanh 5 năm sau cổ phần hóa (2016 – 2020) của đơn vị đã bao gồm giá trị tài sản, doanh thu, chi phí, lợi nhuận của các công trình này.
“Do đó, việc xã hội hóa các dự án này cũng như nhượng quyền Cảng Hàng không Phú Quốc có tác động nhất định đến phương án cổ phần hóa, làm thay đổi thông tin cung cấp đến nhà đầu tư”, ông Dũng cho biết.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Gần 2.000 tỷ xây nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh
Liên danh nhà đầu tư Công ty cổ phần Việt Xuân Mới và Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình vừa có đề xuất xin đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Theo báo cáo của phía đề xuất đầu tư dự án, nhà ga hành khách hiện tại của Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có diện tích 13.995m2 với công suất phục vụ 1,6 triệu lượt khách/năm, tương đương 800 hành khách vào giờ cao điểm (600 khách quốc nội và 200 khách quốc tế).
Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng hành khách thông qua Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đã liên tục tăng cao. Năm 2013 đạt hơn 1,5 triệu lượt khách và sản lượng hành khách đã quá tải từ đầu năm 2014.
Bên cạnh đó, khu vực phòng chờ hiện tại của Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh đang bị quá tải, trong khi thời gian cần thiết để đầu tư xây dựng một nhà ga hành khách mới từ 2-3 năm.
Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh.
"Do đó, việc xây dựng một nhà ga hành khách quốc tế riêng biệt tại Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh là việc làm cần thiết và cấp bách, giúp tạo thành 2 nhà ga, tách biệt quy trình khai thác ga quốc tế và quốc nội, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai," bà Nguyễn Thị Quyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Xuân Mới, đại diện liên danh đánh giá.
Về phương án huy động vốn, liên danh nhà đầu tư cũng đưa ra 2 phương án gồm huy động nguồn vốn khu vực tư nhân trong nước theo hình thức BOT và thành lập doanh nghiệp dự án. hoặc thành lập Công ty cổ phần trong đó có sự tham gia góp vốn của Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Ngoài ra, nhà đầu tư kiến nghị doanh nghiệp BOT đầu tư và quản lý khai thác, cung cấp các dịch vụ hành không và phi hành không trong phạm vi nhà ga quốc tế và sân đỗ ôtô trong thời hạn theo hợp đồng dự án. Nhà ga hành khách trong nước và các khu vực, dịch vụ hành không và phi hành không còn lại sẽ do ACV quản lý và khai thác.
Dự án có khái toán tổng mức đầu tư gần 1.980 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) với thời gian hoàn vốn khoảng 21 năm.
"Việc huy động được nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đẩy nhanh việc thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ tại cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, góp phần đem lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế-xã hội cho tỉnh Khánh Hòa đồng thời góp phần thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội," bà Nguyễn Thị Quyên cho hay.
Nếu được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, liên danh nhà đầu tư sẽ chuẩn bị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2015-2016 và thi công, hoàn thành nghiệm thu đưa vào khai thác năm 2016-2018.
Tùng Nguyễn
Theo_VnMedia
Đề xuất xây nhà ga quốc tế Đà Nẵng Liên danh nhà thầu Công ty CP dịch vụ hàng không Thăng LongTASECO, Công ty CP Đầu tư- AOV và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội HANCORP (Tổ hợp nhà đầu tư TAH) vừa có công văn đề xuất Bộ GTVT xin đầu tư Dự án Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. ảnh minh họa...