Dự án FDI công nghệ cao phía Nam khát nhân sự lành nghề
Nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi đầu tư vào Việt Nam khá lo lắng về việc thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam cho biết, năm nay, DN này sẽ đầu tư khoảng 22 triệu USD cho nâng cao năng lực của nhà máy sản xuất dây tại Đồng Nai. Với khoản đầu tư trên, Bosch hoàn thành cam kết trong 5 năm sẽ đầu tư thêm 340 triệu USD cho các hoạt động tại Việt Nam.
Ông Huệ nhìn nhận, cùng với những ưu đãi được hưởng thì việc trở thành DN công nghệ cao từ năm 2014 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Cụ thể, năm 2015, sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, lần đầu tiên, Công ty đạt doanh thu hợp nhất 68 triệu USD, tăng gần 50% so với năm trước. Tuy nhiên, ông Huệ cũng thẳng thắn cho rằng, một trong những rào cản cho sự phát triển của DN công nghệ cao là do thiếu đội ngũ nhân sự lành nghề. Do đó, ngay từ trước khi được cấp giấy chứng nhận là DN công nghệ cao, Bosch Việt Nam đã dành khoản đầu tư 1 triệu USD để dành cho việc hợp tác đào tạo nhân lực ngành chế tạo thiết bị cơ khí.
Theo đó, việc dạy lý thuyết sẽ do Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 đảm nhận, các sinh viên tham gia chương trình đào tạo này sẽ được thực hành với máy móc và trang thiết bị hiện đại tại trung tâm của Bosch. Từ tháng 6/2016, Bosch tiếp tục đầu tư và mở rộng diện đào tạo của chương trình hợp tác này với ngành cơ điện tử.
Video đang HOT
“Đây là ngành học kỹ thuật quan trọng cho nền công nghiệp hiện đại”, ông Huệ khẳng định và cho biết, khoản đầu tư khoảng 150.000 USD, trong năm học đầu tiên sẽ tuyển sinh 12 học viên.
Không chỉ riêng Bosch, nhiều DN có vốn FDI khi đầu tư vào Việt Nam cũng khá lo lắng về việc thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Trao đổi với báo giới tại lễ nhận giấy phép đầu tư mới đây, ông Jimmy T.F. Cheah, CEO của United More SDN. BHD (Malaysia) – DN có dự án sản xuất khung màn hình nhựa bóng và vỏ sau nhựa cho các loại tivi thông minh, tivi LCD và tivi LED, với số vốn đầu tư đăng ký 21 triệu USD, cho biết, khó khăn hiện nay của Công ty là tìm kiếm nhân sự, nhất là đội ngũ kỹ thuật có tay nghề cao. Do đó, trong giai đoạn đầu thành lập nhà máy tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), doanh nghiệp này dự kiến chỉ đạt khoảng 1/3 công suất thiết kế.
Ngoài vấn đề nguồn nhân lực, nhiều DN FDI khi cân nhắc việc đầu tư tại Việt Nam còn có những rào cản khác. Thông tin với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, nhiều nhà đầu tư châu Âu đang muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là vào dự án công nghệ cao. Tuy nhiên, theo đại diện của EuroCham, ngoài vấn đề về thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà đầu tư còn e ngại về chất lượng của hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin và sự ổn định của nguồn điện. Ngoài ra, để được chứng nhận DN công nghệ cao, DN phải có những cam kết cụ thể; trình tự, thủ tục cũng khá tốn thời gian… trong khi ưu đãi cho dự án công nghệ cao chưa thật sự hấp dẫn.
Theo vị đại diện này, nếu các vấn đề trên được giải quyết, thì chắc chắn sẽ có thêm DN châu Âu đầu tư vào dự án công nghệ cao tại Việt Nam thời gian tới.
Dù được dự báo sẽ có nhiều nhà đầu tư vào SHTP trong tháng 6 – thời điểm dự án của Samsung tại đây chuẩn bị đi vào hoạt động, nhưng hiện phần lớn dự án được cấp phép tại đây lại là dự án công nghệ cao của DN trong nước.
Cho đến nay, dự án FDI duy nhất được cấp phép tại SHTP vẫn là của Công ty United More nêu trên. Tại nhiều địa phương như Đồng Nai, Bình Dương… dù có kết quả thu hút vốn FDI khá tốt, nhưng hầu như vắng bóng các dự án công nghệ cao.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Vốn FDI vào TP. HCM sụt giảm
Theo Cục Thống kê TP.HCM, từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố liên tiếp sụt giảm. Tính đến trung tuần tháng 5/2016, TP.HCM thu hút được gần 650 triệu USD vốn FDI, giảm gần 408 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, có 276 dự án FDI được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với số vốn cam kết hơn 482 triệu USD; 48 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng số vốn tăng thêm hơn 166 triệu USD.
Từ những con số này, có thể thấy, đây là bước lùi đáng kể của "đầu tàu kinh tế", trong bối cảnh thu hút vốn FDI của cả nước đều tăng cả vốn cam kết mới và vốn đầu tư tăng thêm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đây không phải là sự sụt giảm tính bằng tháng, mà đã tiếp diễn liên tục từ đầu năm.
Lý giải về vấn đề này, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng đầu tư của Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) cho rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất là do không có dự án lớn trong lĩnh vực dệt may. Ngoài ra, các lĩnh vực sản xuất khác cũng chưa có các dự án có quy mô vốn từ 50 triệu USD trở lên.
Trong khi đó, theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực phi sản xuất cũng không nhiều, thiếu dự án có quy mô vốn lớn. Đơn cử, trong lĩnh vực thương mại có 106 dự án, với số vốn cam kết gần 117 triệu USD; có 7 dự án bất động sản với số vốn là 236 triệu USD; lĩnh vực thông tin truyền thông có 38 dự án với số vốn đầu tư cam kết hơn 29 triệu USD; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 11 dự án với số vốn đầu tư hơn 10 triệu USD...
Cần nhắc lại rằng, năm 2015, TP.HCM đã dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với tổng số vốn đầu tư cam kết mới và tăng vốn là hơn 4,5 tỷ USD. Nếu so với con số này, thì kết quả hiện tại là quá... khiêm tốn, trong khi năm 2016 đã đi gần hết nửa chặng đường. Như vậy, để có thể đạt được kết quả khả quan trong thu hút vốn FDI của năm nay, TP.HCM phải trở thành "bến đỗ" cho các dự án FDI quy mô vốn lớn, thậm chí là các dự án tỷ USD trong thời gian còn lại.
Về lý thuyết, sự kỳ vọng này cũng không phải là không có cơ sở. Trong buổi họp báo cách đây chưa lâu, đại diện Hepza đã chính thức thông tin đã có nhà đầu tư mới thay thế cho dự án tỷ USD của First Solar. Theo đó, nhà đầu tư mới này sẽ triển khai dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và vốn đầu tư cam kết cho dự án này ít nhất cũng có thể từ 500 triệu USD trở lên. Quan trọng hơn, nhiều khả năng việc cấp phép cho dự án này có thể hoàn thành ngay trong năm nay.
Thêm một tin vui, gần đây, 3 nhà đầu tư Hoa Kỳ cùng một doanh nghiệp trong nước đã đề xuất với lãnh đạo TP.HCM đầu tư Dự án khu phức hợp tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Dù có thông tin cho rằng, nhà đầu tư muốn thay đổi một vài chi tiết trong quy hoạch nội khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cần thời gian bàn thảo với ngành chức năng của TP.HCM, nhưng có vẻ các bên liên quan đang nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ. Nếu "siêu dự án" này sớm được cấp phép thì đây không chỉ là dự án có quy vốn lớn nhất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, mà còn là "cứu cánh" cho thu hút FDI của TP.HCM trong năm nay.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Mỹ liệu có trở thành nhà đầu tư số 1? Không phải tới bây giờ, kỳ vọng mới được đặt ra đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ, nhưng chưa bao giờ, Việt Nam có cơ hội lớn như vậy để thu hút đầu tư từ nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút FDI từ Mỹ....