Dự án dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn: Hành trình viếng Lăng Bác
Dạy học tích hợp liên môn là một xu thế trong đổi mới giáo dục hiện nay. Phương pháp này giúp học sinh phát triển kiến thức và kỹ năng thông qua quá trình hiện thực hoá những kiến thức đã học để tạo ra những sản phẩm học tập cho chính mình.
Ngày 16/3 tại Trường THCS – THPT Ban Mai (quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã diễn ra buổi báo cáo: Dự án dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với chủ đề “Hành trình viếng Lăng Bác” do các học sinh khối 9 và các thầy cô trong Tổ Xã hội hướng dẫn và trình bày.
Hành trình chuẩn bị tâm huyết
Dự án học tập này dành cho tất cả học sinh khối 9 cấp THCS, là cơ hội để học sinh được cùng làm việc, cùng trải nghiệm, cùng sáng tạo và cùng đưa ra những sản phẩm học tập, có sự vận dụng kiến thức của 4 môn Khoa học xã hội: Ngữ Văn – Lịch sử – Địa lý – Giáo dục công dân. Đặc biệt, khi lên sân khấu thuyết trình học sinh đều sử dụng tự tin cả hai ngôn ngữ: Tiếng Việt và Tiếng Anh và dẫn dắt các hoạt động báo cáo bằng các câu hỏi lồng ghép kiến thức liên môn.
Thầy Nguyễn Khánh Chung (Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Ban Mai) cho biết: “Dạy học tích hợp liên môn là một xu thế trong đổi mới giáo dục hiện nay. Qua dự án học tập thành công của học sinh khối 9 trường THCS Ban Mai đã minh chứng được năng lực của các con đã được ứng dụng, được phát triển rất rõ nét.
Các học sinh khi đứng tự tin trên sân khấu đều làm chủ được các kỹ năng, lĩnh hội nhiều kiến thức đa dạng, liên môn. Trường THCS – THPT Ban Mai xác định rõ những phương pháp dạy học tích hợp liên môn như thế này là nội dung mà chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành, tiếp tục phát triển để mang lại chất lượng giáo dục cao hơn cho Nhà trường và mang lại các giá trị tốt hơn cho học sinh để các con thực sự phát huy hết năng lực của bản thân mình”.
Đoàn học sinh Trường THCS – THPT Ban Mai thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: H.V)
Trước ngày diễn ra chuyến trải nghiệm học tập tại Lăng Bác, các bạn học sinh cùng các thầy cô đã có nhiều buổi trưa không ngủ, dành rất nhiều thời gian sau giờ lên lớp để lên kế hoạch và đặt mục tiêu, lộ trình thực hiện dự án. Trong sự bận rộn tất bật ấy, thầy cô và các học trò cùng đều có chung niềm háo hức đợi chờ về một dự án học tập trải nghiệm chất lượng, đổi mới và thực sự sáng tạo.
Học sinh được chia vào các Ban để được phát huy hết khả năng, lực của bản thân: Ban Nội dung, Ban Kỹ thuật, Ban Hậu cầu, Ban Lễ tân; Ban Văn nghệ. Mỗi ban đều có các thầy cô đồng hành, hướng dẫn và cùng trao đổi các ý tưởng để tạo ra sản phẩm học tập ấn tượng nhất.
Với bộ môn Ngữ Văn, học sinh được hòa mình trong không khí trang trọng, xúc động khi được đến thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là địa danh rất quen thuộc và học sinh đã được học văn bản “Viếng Lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương. Nhưng chính từ những trải nghiệm thực tiễn kết hợp với bài học trên lớp đã giúp các học sinh hiện thực hóa một chuyến hành trình thăm Lăng bác bằng những thước phim tư liệu do học sinh tự quay, tự dàn dựng, kết hợp thuyết trình nghị luận xã hội bằng những lời dẫn đầy ý nghĩa, thể hiện cảm xúc kính yêu với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Với bộ môn Lịch sử, nhóm học sinh đã chủ động tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp, quá trình Bác ra đi tìm đường cứu nước và vai trò của Bác trong sự nghiệp cách mạng dân tộc thông qua bộ phim tài liệu mang tên ” Hồ Chí Minh – Hành trình vạn dặm “. Học sinh nhóm Lịch sử đã sử dụng chất liệu vẽ tranh minh họa kết hợp lời dẫn thoại bằng tiếng Anh.
Thông qua bộ phim, nhóm học sinh đã thể hiện niềm tự hào, lòng khâm phục ý chí nghị lực phi thường và khả năng vượt qua khó khăn, thử thách của Bác cùng với tình yêu và lòng biết ơn chân thành dành cho người anh hùng giải phóng dân tộc.
Nhóm học sinh báo cáo môn Giáo dục công dân đã truyền tải tinh thần dân tộc, tinh thần “Bảo vệ Tổ Quốc” trong mô hình sơ đồ đất nước Việt Nam. (Ảnh: H.V)
Video đang HOT
Bộ môn Địa lý, các học sinh đã thể hiện được góc quan sát địa danh Lăng Bác cùng với các quần thể di tích xung quanh thông qua thiết kế mô hình Sa bàn. Từ đó giải thích được lý do vì sao Lăng Bác lại được lựa chọn ở địa thế giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử. Thông qua cách học sinh phỏng vấn người dân xung quanh, phỏng vấn khách tham quan du lịch người Việt Nam và người nước ngoài, học sinh hiểu được sâu sắc giá trị văn hóa vô cùng to lớn của khu di tích Lăng Bác. Đây không chỉ là địa điểm để người già, trẻ nhỏ học tập về tấm gương Hồ Chí Minh mà còn là không gian sống lành mạnh đối với mỗi con người.
Bên cạnh đó, nhóm học sinh báo cáo môn Giáo dục công dân đã truyền tải tinh thần dân tộc, tinh thần “bảo vệ Tổ Quốc” trong mô hình sơ đồ đất nước Việt Nam với những câu trích dẫn nổi tiếng về tinh thần yêu nước của các bậc trí sĩ qua các thời đại. Từ đó, nuôi dưỡng và bồi đắp tinh thần bảo vệ Tổ quốc, ý thức trách nhiệm của một công dân trước vẻ đẹp, trước giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị du lịch đối với một di tích, danh thắng như là Lăng Bác. Và từ đó các học sinh sẽ rèn luyện cho mình ý thức tự giác, ý thức xây dựng và bảo vệ quê hương.
Tự tin và tỏa sáng với những sản phẩm học tập sáng tạo
Sau hành trình trải nghiệm tích hợp liên môn, mỗi học sinh đều mang trong mình rất nhiều kiến thức mới. Lăng Bác là một địa chỉ khá đỗi quen thuộc mà các bạn thường tới thăm viếng cùng gia đình hay người thân, các bạn học sinh cứ ngỡ mình đã hiểu hết, vậy mà sau khi học cùng nhau, trải nghiệm cùng nhau mới phát hiện ra thật nhiều điều thú vị và quan trọng là đến lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa có thể học Ngữ Văn – Lịch sử – Địa lý – Giáo dục Công dân một cách hài hòa và sâu sắc.
Mỗi nhóm, mỗi đặc trưng riêng, mỗi thế mạnh riêng và sự lựa chọn hình thức báo cáo cũng rất đa dạng và phong phú: vẽ sơ đồ, xây dựng sa bàn, phóng viên phỏng vấn, dựng video clip lịch sử… Các bạn học sinh Ban Mai tin rằng tri thức được lan tỏa sẽ là tri thức vĩnh cửu và mỗi sản phẩm học tập sẽ là minh chứng sống động nhất cho quá trình tiếp thu và vận dụng kiến thức của học sinh.
Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hà Đông Nguyễn Thị Thu Hương phát biểu tại buổi báo cáo. (Ảnh: H.V)
Cô giáo Trần Thị Thảo (Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THCS – THPT Ban Mai ) – người đã đồng hành, hướng dẫn và điều phối dự án học tập trải nghiệm chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng dự án, các học sinh đã tự hoàn thiện thêm cho mình rất tri thức, kiến thức liên môn và nhiều kỹ năng mềm khác như: Kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy độc lập, khả năng hợp lực với nhau để tạo ra những sản phẩm học tập sáng tạo và phong phú. Cho tới ngày báo cáo sản phẩm, khi được nhìn thấy và chứng kiến các con tự thể hiện sản phẩm của chính mình, tôi cảm thấy vô cùng xúc động, hạnh phúc, tự hào với những tâm huyết mà các con đã cố gắng, và sự trưởng thành vượt bậc của các con. Tôi mong rằng dự án này sẽ giúp cho các con có những bước đệm tốt để chuẩn bị cho mình những tư duy học tập linh hoạt, phù hợp với xu hướng đổi mới giáo dục của chúng ta hiện nay”.
Dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn là một trong những nội dung quan trọng của đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy khả năng, năng lực học sinh. Dạy học trải nghiệm sẽ đưa bài học đến gần với cuộc sống của các học sinh, qua đó sẽ cung cấp kỹ năng tư duy toàn diện để học sinh có thể kết nối kiến thức của các môn học với nhau nhằm giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống.
Để chuẩn bị cho dự án dạy học tích hợp liên môn chủ đề “Hành trình viếng Lăng Bác”, các thầy cô giáo trong tổ Xã hội (Trường THCS – THPT Ban Mai) đã có những buổi sinh hoạt chuyên môn với mục tiêu thiết kế dự án dạy học tích hợp nhiều kỹ thuật dạy học khác nhau, có thể phát huy được mọi khả năng, năng lực của từng học sinh, và đặc biệt lan tỏa tinh thần dạy học hiện đại, nhân văn “không học sinh nào bị bỏ quên”.
Cùng quan điểm với cô giáo Trần Thị Thảo, cô giáo Ngô Thị Thanh Huyền (Giáo viên Ngữ văn, Trường THCS – THPT Ban Mai) cho biết: Với vai trò là giáo viên trực tiếp tham gia hướng dẫn “Hành trình viếng Lăng Bác” tôi nhận thấy được rất nhiều giá trị trong quá trình các con được thụ hưởng kiến thức và khả năng kết nối các môn học một cách chủ động, sáng tạo, khoa học. Tôi thấy sự nỗ lực rất lớn từ các con học sinh, đồng thời thu nhận được giá trị của phương pháp dạy học trải nghiệm dự án tích hợp liên môn. Các con đã được gắn bài học với cuộc sống hơn, cả 4 môn: Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Khi dự án được hoàn thành và trực tiếp nhìn thấy các con đứng trên sân khấu, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào bởi các thành quả mà các con đã mất rất nhiều thời gian và sự nỗ lực để đạt được..
“Chương trình dạy học này khiến con cảm thấy rất ấn tượng vì đã cho con cái cảm giác giống như mình đang thực hiện một dự án của những anh chị đại học vậy. Các thầy cô đã đồng hành và dẫn dắt chúng con thực hiện rất chuyên nghiệp và nghiêm túc. Mỗi học sinh chúng con được đóng góp ý tưởng và tự thiết kế các sản phẩm học tập của nhóm mình một cách sáng tạo. Cảm giác khi mà thấy cả nhóm ai cũng làm việc hết mình và đồng lòng với nhau thực sự khiến con cảm thấy rất hào hứng. Qua chương trình này, con đã có thêm được kiến thức thực tế, đồng thời con cũng đã học được: cách làm việc trong một dự án lớn, cách phối hợp giữa đội nhóm mình với các nhóm khác, cách kết nối và hợp lực để cùng nhau hoàn thành sản phẩm học tập chất lượng” – Em Đỗ Gia Huy (Học sinh lớp 9A1, Trường THCS – THPT Ban Mai) bày tỏ.
Phương pháp dạy học trải nghiệm tích hợp liên môn đã mang đến cho học sinh cơ hội được lĩnh hội kiến thức một cách sâu, rộng và thật sự đa diện. Các học sinh được phát huy các năng lực học tập của bản thân, khẳng định giá trị và tự tin học tập, được rèn luyện tư duy và khả năng chủ động kết nối tri thức các môn học một cách sáng tạo và nhuần nhuyễn.
H.V
Theo laodongthudo
Học sinh được giảm tải trong chương trình giáo dục phổ thông mới?
Chương trình giáo dục phổ thông mới với rất nhiều thay đổi nhưng vấn đề được các phụ huynh quan tâm nhất là liệu chương trình mới liệu sẽ giảm tải cho học sinh?
Phương pháp giảng dạy sẽ được thay đổi, tạo hứng thú cho người học. (Ảnh: PV/Vietnam)
Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình mới sẽ áp dụng đồng thời sáu giải pháp để giảm tải cho học sinh như giảm thời lượng học, giảm số môn học, giảm kiến thức hàn lâm, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá...
"Chỉ mặt" nguyên nhân quá tải cho học sinh
Đề cập đến vấn đề giảm tải cho học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết: "Thực ra thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước."
Ông Thuyết viện dẫn, theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh từ 7 đến 15 tuổi ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/giờ). Trong khi đó, thời lượng học của học sinh tiểu học và trung học cơ sở theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành của Việt Nam là 5.424 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD tới 2.051 giờ.
Vậy vì sao chương trình giáo dục phổ thông hiện hành vẫn bị kêu là quá tải? Giáo sư Thuyết cho rằng có 6 nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết. Nhiều nội dung không không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh. Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập.
Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập. Trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình.
Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kỳ thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp trung học phổ thông, do đó phải học nhiều. Tiếp theo là hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi. Cuối cùng, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.
Các hoạt động trải nghiệm bên ngoài trường học sẽ giúp cho việc học nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. (Ảnh: PV/Vietnam )
Giảm tải cách nào?
Với sáu nguyên nhân như trên, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng sáu biện pháp để giảm tải cho học sinh.
Thứ nhất là giảm số môn học và hoạt động giáo dục nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học.
Cụ thể, ở tiểu học, lớp một và lớp hai sẽ có 7 môn học, giảm được ba môn. Lớp ba có 9 môn, lớp 4 và 5 có 10 môn, giảm một môn so với chương trình hiện hành.
Bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông mỗi lớp có 12 môn, giảm từ 4 đến 5 môn tùy khối lớp, so với mức 16, 17 môn của chương trình hiện hành.
Thứ hai là giảm thời lượng học. Theo đó, học sinh trung học cơ sở giảm 54 giờ học, từ 3.124 giờ hiện nay xuống còn 3.070 giờ. Thời lượng học của bậc trung học phổ thông còn 2.284 giờ, giảm 262 giờ so với mức 2.546 giờ của học sinh ban A và giảm 315 giờ so với mức 2.599 giờ của học sinh ban C trong chương trình hiện hành.
Riêng bậc tiểu học, tổng thời gian học sẽ tăng lên 485 giờ nhưng do chương trình mới được thiết kế học hai buổi trên ngày (9 buổi/tuần) nên so với chương trình một buổi trên ngày (5 buổi/tuần) hiện nay thì việc học sẽ giảm áp lực. Cụ thể, trong chương trình mới, tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học và sẽ có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành, tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học.
Phương pháp giáo dục trực quan, sinh động cũng sẽ là một cách giảm tải cho học sinh. (Ảnh: PV/Vietnam )
Thứ ba là giảm kiến thức kinh viện. Ông Thuyết cho biết, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành thiên về trang bị kiến thức cho học sinh, do đó chứa đựng nhiều kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh.
Chương trình giáo dục phổ thông mới có sự khác biệt về mục tiêu, lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu. Vì thế, ban soạn thảo phải xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
Thứ tư là tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn. Chương trình giáo dục phổ thông mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình.
"Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp trung học phổ thông) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn," ông Thuyết phân tích.
Thứ năm là thực hiện phương pháp dạy học mới. Theo đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh.
Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Theo ông Thuyết, đây là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.
Thứ sáu là đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Trong chương trình mới, từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.
Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới Nguyễn Minh Thuyết khẳng định các giải pháp nói trên đã góp phần quan trọng giảm tải chương trình. Tuy nhiên, ông Thuyết cho rằng việc dẫn đến quá tải cho học sinh không chỉ do từ phía nhà trường mà có cả nguyên nhân bên ngoài trường.
"Vì thế, để khắc phục được triệt để tình trạng này, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm. Các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường," ông Thuyết chia sẻ./.
Theo vietnamplus
Giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn: Sân chơi bổ ích cho học sinh và giáo viên tiểu học Sáng 15/3, tại trường Tiểu học Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT), cùng sự hỗ trợ của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (ATGTQG) triển khai Chương trình "Toyota cùng em học An toàn giao thông (ATGT)" (TSEP) năm...