Dự án chậm triển khai, bệnh viện phải thuê địa điểm để hoạt động
Chưa có mặt bằng xây dựng, bệnh viện phải đi thuê địa điểm cho bệnh nhân điều trị. Cũng vì nguyên nhân này, một bệnh viện khác phải chọn bệnh nhân điều trị nội trú dù dự án đã được “rót” tiền. Chuyện đang xảy ra tại BV Mắt và BV Nội tiết Nghệ An.
Thuê địa điểm để điều trị cho bệnh nhân
Theo quyết định 97/2010/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch mạng lưới khám chữa bệnh tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Mắt quy mô 100 giường tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh. Tuy nhiên, đã gần 5 năm trôi qua, dự án này vẫn còn nằm trên giấy.
Cơ sở khám chữa bệnh chật chội, không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân buộc Bệnh viện Mắt Nghệ An phải đi thuê địa điểm điều trị cho bệnh nhân nội trú. Vậy là bệnh viện một nơi, khu điều trị một nẻo. Khu điều trị nội trú của Bệnh viện Mắt Nghệ An là một phần của căn nhà 3 tầng cách trụ sở chính của bệnh viện tầm 500-600m. Trên thì bệnh nhân, bác sỹ làm việc còn tầng dưới của ngôi nhà vẫn được gia chủ sử dụng để kinh doanh. Bác sỹ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân chen chúc trên một chiếc cầu thang nhỏ hẹp bên hông nhà để lên… nằm viện.
Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Nội tiết Nghệ An chia nhau một ngôi nhà nên hết sức chật chội, ảnh hưởng tới công tác khám và điều trị cho bệnh nhân.
Khu điều trị cách xa bệnh viện chắc chắn sẽ gây phiền toái cho người bệnh cũng như ảnh hưởng đến công tác điều trị tại đây. Bên cạnh đó, việc thuê địa điểm này cũng tốn một số tiền không nhỏ dù rằng ông Giám đốc Bệnh viện không tiết lộ. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, số tiền thuê địa điểm điều trị nội trú của Bệnh viện Mắt do ngân sách tỉnh Nghệ An chi trả.
“Thuê địa điểm điều trị nội trú cho bệnh nhân vừa tốn kém, vừa ảnh hướng đến chất lượng điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhưng hiện tại chúng tôi chưa tìm được cách nào tốt hơn. Dự án thì đã có 4-5 năm rồi đấy nhưng đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa có mặt bằng, chưa được “rót” vốn thì làm sao mà triển khai được”, ông Nguyễn Hữu Lê – Giám đốc Bệnh viện Mắt Nghệ An chia sẻ.
Video đang HOT
Địa điểm Bệnh viện Mắt thuê để điều trị cho bệnh nhân nội trú.
Khi nói về phương án tiếp nhận một phần cơ sở Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An khi bệnh viện này chuyển tới địa điểm mới (theo kế hoạch là cuối tháng 9/2014), ông Lê lắc đầu: “Không thế nóng tay bắt lỗ tai như thế được. Hiện tại Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An (cũ) cũng đã chia năm sẻ bảy cho các bệnh viện khác trong tỉnh tiếp quản. Chúng tôi chuyển về đó thì cũng tạm bợ, cùng lắm được dăm bảy năm…”.
Vướng mắt trong giải phóng mặt bằng nên chưa được bàn giao địa điểm xây dựng. Chưa được bố trí vốn nên dự án vẫn còn nằm trên giấy. Trong khi đó, việc chuyển tạm đến Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An lại không được lãnh đạo Bệnh viện Mắt tán thành. Bởi vậy, việc tiếp tục đi thuê địa điểm để điều trị, kéo theo một loạt các phiền toái khác trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Nghệ An sẽ vẫn tiếp diễn đến khi nào bệnh viện mới được hoàn thành. Nhưng đến bao giờ dự án Bệnh viện Mắt Nghệ An có đủ các điều kiện khởi công, xây dựng và đi vào hoạt động thì không ai trả lời được.
Có tiền cũng không xây được bệnh viện
Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Nội tiết Nghệ An tiền thân chỉ là 2 trung tâm khám, chữa bệnh, chung nhau một tòa nhà 3 tầng. Khi được nâng cấp lên bệnh viện thì cả 2 cơ sở vẫn chung nhau tòa nhà như cũ trong khi đó nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng “phình” to. Trước nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng lớn, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cho 2 bệnh viện “ra riêng”. Tuy nhiên, khi Bệnh viện Mắt chưa chuyển đi đến địa điểm mới thì dự án nâng cấp Bệnh viện Nội tiết cũng chưa thể triển khai.
Chưa có mặt bằng để triển khai dự án nên Bệnh viện Nội tiết Nghệ An phải cơi nới, tận dụng mọi vị trí để tổ chức tiếp đón và khám cho bệnh nhân.
Từ năm 2011 đến nay, Bệnh viện Nội tiết đã gặp nhiều khó khăn vì số lượng bệnh nhân quá lớn trong khi cơ sở hạ tầng nhiều hạn chế: 2 năm 2012, 2013, công suất sử dụng giường bệnh đạt 167,4%, có thời điểm lên đến lên đến 200-300%. Hiện nay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 – 500 bệnh nhân đến khám và điều trị. Ở bệnh viện, hầu hết các phòng khám ở đây đều chung trong tình trạng ghép buồng, các bệnh nhân phải chịu cảnh chen chúc chờ đợi…
Dự án đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Nội tiết Nghệ An giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư hơn 65,4 tỷ đồng. Theo đó, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An sẽ bao gồm cả Bệnh viện mắt Nghệ An hiện nay. Đến nay, việc chuẩn bị xây dựng, mở rộng Bệnh viện Nội tiết Nghệ An đã hoàn tất mọi thủ tục thế nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai.
“Hiện tại mọi công đoạn chuẩn bị cho nâng cấp cũng như mở rộng bệnh viện đều đã hoàn tất. Tiền cũng đã được “rót” về nhưng chúng tôi vẫn không thể có mặt bằng để triển khai. Bác sỹ, bệnh nhân vẫn đang phải chen chúc như chị đã thấy. Không có mặt bằng nên nhiều tiến bộ khoa học về y tế vẫn không thể triển khai dù điều kiện kỹ thuật và con người đã sẵn sàng”, ông Nguyễn Văn Hoàn – Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An cho biết.
Khu vực lấy mẫu máu xét nghiệm cũng được tận dụng khoảng trống giữa khu hành chính và khu điều trị nội trú.
Không gian chật chội, khu vực chờ lấy phiếu khám được “cơi nới” từ sân và một phần khu vực để xe khiến người bệnh hết sức khổ sở dưới cái nắng nóng hầm hập từ sân, từ mái tôn hắt xuống. Trong khu vực làm xét nghiệm, siêu âm, tình trang chen chúc diễn ra như cơm bữa. Thậm chí, một phần hành lang và sân phía sau được trưng dụng làm nơi lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhân. Trong khi đó, khu vực này chỉ cách nhà vệ sinh vài mét.
“Bệnh nhân đông trong khi cơ sở hạ tầng quá chật chội khiến chúng tôi nhiều khi phải buộc lựa chọn bệnh nhân điều trị nội trú mặc dù giường bệnh nội trú đã vượt 70 giường so với thiết kế ban đầu. Không được điều trị nội trú trong khi các bệnh liên quan đến nội tiết lại dễ xảy ra biến chứng. Do vậy, bệnh nhân luôn là người chịu thiệt thòi đầu tiên. Nếu có mặt bằng để xây dựng bệnh viện thì giải quyết được rất nhiều vấn đề. Nhà nước đã phê duyệt dự án thì phải tạo điều kiện cho đơn vị triển khai chứ cứ để kéo dài như hiện nay vừa tốn kém lại vừa không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân”, bác sỹ Hoàn cho biết thêm.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Bộ GTVT "tước" quyền chủ đầu tư hàng loạt dự án của ngành đường sắt
Bộ GTVT vừa "tước" quyền chủ đầu tư các dự án vốn ngân sách, vốn ODA đã giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam. Trong đó có dự án đường sắt tai tiếng vì nhận hối lộ của JTC và dự án "đội" vốn 300 triệu USD.
Quyết định chuyển chức năng chủ đầu tư một số dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) áp dụng đối với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và Cục ĐSVN.
Hàng loạt dự án đường sắt ĐSVN đang thực hiện và chuẩn bị đầu tư vừa bị Bộ GTVT "tước" quyền làm chủ đầu tư
Với Tổng Công ty ĐSVN, Bộ GTVT chuyển chức năng của 7 dự án đang thực hiện mà Tổng Công ty này giữ vai trò là chủ đầu tư. Trong đó có dự án đầy tai tiếng trong vụ nhận hối lộ 80 triệu Yên của nhà thầu JTC Nhật Bản. Đó là Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 1, vay vốn Nhật Bản; Dự án xâu dựng đường sắt độ thị Hà Nội (tuyến số 1) giai đoạn 2 (bao gồm dự án 2A và 2B), vốn vay Nhật Bản. Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM (44 cầu), vốn vay Nhật Bản;
Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, vốn vay ADB AFD DGTPE; Dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đoạn Vinh - TPHCM, tuyến đường sắt Thống Nhất (giai đoạn 1), vốn vay Trung Quốc; Dự án hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội (giai đoạn 1), vốn vay Trung Quốc; Hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Thống Nhất (giai đoạn 2), vốn vay Cộng hòa Pháp.
Có 6 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư bị Bộ GTVT "tước" vai trò chủ đầu tư với Tổng Công ty này, gồm: Cải tạo tuyến đường sắt khu vực đèo Hải Vân, dự kiến vốn vay Nhật Bản; Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TPHCM (giai đoạn 2) với 56 cầu, dự kiến vốn vay Nhật Bản; Hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đoạn Vinh - TPHCM, tuyến đường sắt Thống Nhất (giai đoạn 2), vốn vay Trung Quốc; Hiện đại hóa hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt các tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên và khu đầu mối Hà Nội (giai đoạn 2), vốn vay Trung Quốc;
Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, dự kiến vốn vay Trung Quốc; Dự án đường sắt Trảng Bom - Hưng Hòa, bao gồm 2 dự án thành phần vận hành độc lập: Đường sắt Trảng Bom - Dĩ An, đường sắt Dĩ An - Hưng Hòa, dự kiến vốn vay Nhật Bản.
Đối với Cục ĐSVN, Bộ GTVT "tước" quyền chủ đầu tư các dự án đã giao cho Cục này, trong đó có 3 dự án đang đầu tư và 2 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, trong số này có Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án sử dụng vốn vay Trung Quốc và đang phải điều chỉnh tổng mức đầu tư thêm 300 triệu USD, cũng liên quan đến Dự án này Cục trưởng Cục ĐSVN từng bị Bộ trưởng Đinh La Thăng đình chỉ công tác vì có phát ngôn không đúng và thiếu trách nhiệm gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành GTVT.
Dự kiến, Bộ GTVT sẽ sớm sáp nhập Ban quản lý dự án đường sắt (thuộc Cục ĐSVN) và Ban quản lý các dự án đường sắt (thuộc Tổng Công ty ĐSVN) để chuyển ban này về trực thuộc Bộ GTVT.
Châu Như Quỳnh
Theo dantri
Cắt giảm số ngành nghề cấm kinh doanh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo rà soát loại bỏ các ngành, nghề không cần cấm; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính... Việc rà soát để xây dựng lại Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu...