DOTA 2: Gọi là MOBA hay ARTS mới chuẩn?
Đâu là cách gọi đúng dành cho tựa game DOTA 2 đình đám?
Hẳn những bạn hay lang thang thế giới ảo đều gặp không ít những trường hợp một ai đó gọi DOTA 2 là một game MOBA. Hầu hết những trường hợp đó đều hứng chịu không ít “gạch đá” của cộng đồng, nhưng, có thật sự họ đáng bị như vậy?
Hãy cùng tìm hiểu cả 2 khái niệm nói trên, và giữ lại cho bản thân quyết định của mình.
1/ MOBA
MOBA (Multiplayer Online Battle Arena) là một thuật ngữ được Riot sử dụng để gọi cho tựa game con cưng của mình, League of Legends (Liên Minh Huyền Thoại). Nhìn sơ qua có lẽ không ít bạn cũng nhận ra, thực ra cái tên MOBA không thể hiện được đặc điểm gì của dòng game này cả. Nếu nhìn kĩ hơn, hầu như bất cứ trò chơi online nào, cũng đều có một chiến trường mô phỏng (Battle Arena) với những người chơi khác trong môi trường mạng (Multiplayer Online). Vậy, có thể thấy không yếu tố đặc trưng nào của LoL so với những tựa game khác (điều khiển một hero với những kĩ năng riêng biệt, tiêu diệt những NPC do máy tính điều khiển để có được tài nguyên, mục tiêu chiến thắng là đánh sập công trình đối phương,…).
MOBA quá rộng để dành cho dòng game này.
Có thể nói, MOBA là một khái niệm quá rộng để có thể gọi cho một dòng game có lối chơi đặc biệt như LoL/ DOTA 2 đang có.
Video đang HOT
2/ ARTS
ARTS (Action Real-time Strategy) là một tên gọi do Valve đặt cho dòng game ở thể loại này của họ, DOTA 2. Trong Free to Play, Valve cũng trả lời cho câu hỏi “DOTA 2 là gì” bằng “sự pha trộn giữa cờ vua và bóng đá”. Với ví dụ sống động đó, hầu hết các fan của dòng game này đều có thể đồng ý với yếu tố “action” hay “strategy” mà dòng game này thể hiện.
Phân tích sâu hơn, RTS (Real-time Strategy) từ lâu đã gắn với những tựa game quen thuộc như series StarCraft, WarCraft III, … Việc bổ sung yếu tố “Real-time” giúp phân biệt những tựa game này khỏi các tựa game chiến thuật khác mà trong đó hành động của người chơi được thực hiện theo từng lượt. Có thể nói, các tựa game RTS đều có đặc điểm chung là người chơi xây dựng các công trình theo chiến thuật của mình đề ra, trong đó việc điều khiển nhiều đội quân nhằm mục tiêu phá hủy các căn cứ của địch là cần thiết để chiến thắng.
Thế nhưng, việc Valve thêm yếu tố “Action” vào trước RTS có hoàn toàn biểu lộ được sự khác biệt của DOTA 2 với các tựa game chiến thuật khác? Liệu “Action” có đủ để thể hiện, trong DOTA 2 người chơi điều khiển một hero thay vì toàn thể tất cả các công trình, bản đồ có hình dáng đối xứng với 3 đường, người chơi tiêu diệt các NPC để có tài nguyên nâng cấp cho hero của mình, và mục đích cuối cùng là phá hủy nhà chính của đối phương để chiến thắng?
ARTS có truyền đạt được lối chơi của DOTA 2 như Valve mong muốn?
Rõ ràng, mặc dù có vẻ đã sát hơn so với khái niệm MOBA, nhưng ARTS vẫn không thể thể thể hiện được sự vượt trội của nó so với MOBA. Giả sử có một người chưa biết gì về thể loại game này, liệu khái niệm ARTS sẽ giúp họ nắm bắt được hơn bao nhiêu phần của trò chơi so với khái niệm MOBA? Có thể, ARTS sẽ là khái niệm sát hơn, nhưng như thế vẫn là chưa đủ để bù đắp những điểm thua thiệt của ARTS so với MOBA sau đây.
3/ MOBA và vì Riot là người đến trước
Riot đã gọi LoL là MOBA và kể từ đó, LoL đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Với hơn 67 triệu người chơi mỗi tháng (số liệu do Riot cung cấp), liệu một người chơi dù mới nhưng chịu khó cập nhật tin tức, khi nghe đến MOBA thì ấn tượng của họ sẽ là nghĩ về một tựa game có lối chơi như LoL hay những tựa game khác ở các thể loại khác?
Đó, hoàn toàn là lợi thế của Riot khi là người phát triển nhanh hơn và chiếm được cộng đồng đông đảo cho mình. Có thể nói, một thương hiệu gắn liền với tựa game đã từng có đà phát triển chóng mặt như vậy, trở nên vượt trội hơn trong việc nhận dạng so với cái tên ARTS là điều hoàn toàn dễ hiểu. Trong cuộc chiến thương hiệu, không vũ khí gì tốt hơn là chính cộng đồng của mình, về điểm này, Valve vẫn còn nhiều điều cần khắc phục.
Liên tục những game mới với thể loại na ná xuất hiện trong thời gian gần đây.
Chưa kể, với sức mạnh của thương hiệu này, hàng loạt những tựa game ra đời sau với dáng dấp giống đàn anh LoL cũng mang trên mình cái tên MOBA (SMITE, Awesomest, Strife, …). Dưới góc nhìn của một nhà phát triển game tầm trung, việc chọn lựa giữa cái tên dòng game cho trò chơi của mình là MOBA hay ARTS là điều quá hiển nhiên. MOBA chắc chắn sẽ được chọn nhằm mang lại cho tựa game của họ sự ủng hộ/ nhận dạng không nhỏ từ cộng đồng đông của của Riot, và điều này càng làm cho cái tên MOBA được sử dụng với tần suất nhiều hơn trên các mặt báo. Liệu sẽ có mấy nhà phát triển lớn như Valve hay Blizzard, can đảm đứng ra gọi cho trò chơi của mình một cái tên như “ARTS” hay “Hero Brawler”?
4/ Đừng áp đặt quan điểm của mình lên mọi người.
Mỗi người yêu DOTA 2 chúng ta đều có những niềm tự hào riêng của mình về trò chơi mà Valve đã mang lại. Nhưng, đừng áp đặt góc nhìn của mình lên tất cả mọi người, bởi vì xét về lý lẽ, ARTS cũng chẳng rõ nghĩa đến mức như vậy so với MOBA.
Với một người chơi mới/ chưa biết nhiều đến DOTA 2 và “lỡ dại” gọi DOTA 2 là MOBA, việc ném gạch họ vì sự nhầm lẫn rất bình thường này liệu có đem lại ấn tượng tốt nào cho họ về tựa game này? Có thể nói, nếu ai chưa chơi, chưa thích, chưa yêu, chưa gắn đủ sâu với DOTA 2, việc gọi DOTA 2 là MOBA hoàn toàn không sai và rất đỗi bình thường.
Nhưng, chúng ta, mỗi người chơi DOTA 2 chân chính đều có thể tự hào gọi DOTA 2 là ARTS, và hãy lan tỏa tinh thần này để mọi người gọi DOTA 2 là ARTS vì họ hiểu điều đó có ý nghĩa như thế nào, chứ không phải vì vài lời to tiếng giữa đôi bên.
Theo VNE
Phim tài liệu DOTA 2 Free to Play đạt 5.5 triệu lượt xem trong tuần đầu công chiếu
Đã có hơn 5.5 triệu người đã xem bộ phim tài liệu về một trong những tựa game PC xuất sắc hiện nay - DOTA 2.
Cuối tuần qua, Valve đã đưa bộ phim DOTA 2 Free to Play: The Movie lên Steam và Youtube. Và đã có hơn 5.5 triệu người đã xem bộ phim tài liệu về một trong những tựa game PC xuất sắc hiện nay. Thông tin từ Valve cũng cho biết, con số này đồng nghĩa với việc Free to Play trở thành bộ phim tài liệu được xem nhiều nhất trong tuần đầu công chiếu tính cho tới thời điểm hiện tại.
Tất nhiên, Free to Play nhận được nhiều lượt xem là bởi vì nó hầu như free, một lợi thế rất lớn so với những bộ phim khác như Fahrenheit 9/11 - bộ phim tài liệu có doanh thu lớn nhất từ trước đến nay về nước Mỹ sau sự kiện 11 tháng Chín của đạo diễn Michael Moore. Ngoại trừ việc trình chiếu tại rạp phim ở San Francisco và Thượng Hải, Valve để cho người xem có thể dễ dàng xem toàn bộ bộ phim cùng với một số đoạn phim hậu trường thông qua Youtube hay Steam. Bù lại, người chơi có thể lựa chọn ủng hộ các nhân vật chính và Valve thông qua gói bundle Free to Play bao gồm nhiều cosmetic items khác nhau của DOTA 2.
Free to Play cũng không phải là bộ phim đầu tiên nói về game. Năm 2007, studio Picturehouse đã sản xuất The King of Kong: A Fistful of Quarters với nội dung về cuộc cạnh tranh của hai game thủ giỏi nhất thế giới của trò Donkey Kong vào thời điểm đó. Bộ phim này đã thu về hơn 51 nghìn đô trong tuần đầu công chiếu.
Ban đầu phải chịu khá nhiều định kiến về việc là một chiêu marketing của DOTA 2, tuy nhiên nội dung của Free to Play đã thực sự khiến người xem phải kinh ngạc và gây ra một hiện tượng đáng chú ý trên mạng internet. Hiện tại, Free to Play đạt được 9.3/10 điểm rating trên IMDB. Không ít fan hâm mộ cũng chia sẻ rằng bộ phim đã giúp những người xung quanh có cái nhìn khác hơn với DOTA 2 cũng như Thể thao điện tử nói chung (Các bạn có thể theo dõi lại phim tài liệu này tại đây).
Theo VNE
Top 5 bộ đồ DOTA 2 đẹp nhất trong tuần Cùng chiêm ngưỡng 5 Workshop Items DOTA 2 đẹp nhất trong tuần. Mặc dù không có tác dụng hỗ trợ hero trong các trận chiến DOTA 2, tuy nhiên Workshop Items lại được đông đảo người chơi quan tâm bởi sự khác biệt tuyệt vời mà nó mang lại. Hãy cùng đến với 5 Workshop Items DOTA 2 đẹp nhất trong tuần vừa...