Đột quỵ khiến não già hơn gần 40 tuổi
Mỗi giờ trôi qua, cơn đột quỵ khiến các tế bào não chết nhanh, trên quy mô lớn, làm suy yếu chức năng thần kinh tương đương lão hóa tự nhiên gần 40 năm.
Ngày 25/6, TS.Lê Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thông tin rằng đột quỵ khiến người bệnh mất đi 3,7 năm tuổi thọ trong một giờ, sau cơn đột quỵ não bị tàn phá, có thể già thêm tương đương quá trình lão hóa tự nhiên 37 năm.
Mỗi giờ trôi qua, cơn đột quỵ khiến các tế bào não chết nhanh, trên quy mô lớn, làm suy yếu chức năng thần kinh tương đương lão hóa tự nhiên gần 40 năm.
Tế bào não là loại tế bào không thể tái tạo, tế bào chỉ hao hụt dần theo thời gian không sản sinh mới. Đột quỵ xảy ra càng lâu thì tốc độ, mức độ hủy hoại tế bào não diễn ra càng nhanh và nghiêm trọng.
Bác sĩ Tuấn giải thích trong cơn đột quỵ do mạch máu bị tắc nghẽn (thường do cục máu đông), chỉ một giây trôi qua có đến 32.000 tế bào não chết đi vĩnh viễn và trong 59 giây sau đột quỵ, não bộ mất 1,9 triệu tế bào não.
Số lượng tế bào não chết tăng nhanh, trên quy mô lớn khi đột quỵ làm suy yếu hoặc mất vĩnh viễn các chức năng thần kinh liên quan. Hậu quả khiến não bị hủy hoại, già đi nhanh hơn.
Khi cục máu đông cắt đứt lượng oxy cung cấp đến não gây khuyết tật về thần kinh. Tắc nghẽn lâu, não thiệt hại nhiều, giảm các lựa chọn điều trị và tăng nguy cơ tàn tật hoặc tử vong.
Với đột quỵ não (do mạch máu não bị vỡ khiến máu chảy ra tràn vào các mô não xung quanh), ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, khối máu tụ trong não gây ra phản ứng viêm nhanh, sản sinh hóa chất trung gian làm tổn thương tế bào não xung quanh.
Trong 0-4 giờ đầu sau đột quỵ xuất huyết não, phản ứng viêm hình thành, sinh ra độc tố làm tổn thương tế bào não. Sau 4-7 giờ, hàng rào máu não bị tổn thương kích thích sản sinh nhiều độc tố hơn. Lúc này vùng não xung quanh khối máu tụ phù nề, tổn thương, thoái hóa não nhiều hơn ban đầu.
Bác sĩ Tấn Sĩ khuyến cáo loại bỏ khối máu tụ càng sớm càng tốt. Nếu không, não trải qua quá trình phân hủy các tế bào nhanh, ảnh hưởng đến các vùng não lân cận và khối choán chỗ của máu tụ, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh khó có cơ hội phục hồi các chức năng trí nhớ, vận động, tỷ lệ tử vong cao, tiên lượng kém.
Có hai loại đột quỵ là đột quỵ nhồi máu não (chiếm khoảng 85%) và đột quỵ xuất huyết não (khoảng 15%). Phương pháp điều trị khác nhau tùy thể loại đột quỵ như dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp nội mạch lấy huyết khối, phẫu thuật mở sọ lấy khối máu tụ và bít tắc mạch máu vỡ.
Phương thức điều trị nào cũng cần thực hiện sớm, trong khung giờ vàng (3-4,5 giờ đầu với dùng thuốc tiêu sợi huyết, 6 giờ đầu hoặc hơn với can thiệp mạch và 6-8 thậm chí hơn 24 giờ với phẫu thuật).
“Nhận biết sớm dấu hiệu của đột quỵ và điều trị kịp thời để bảo vệ não, hạn chế tối đa tế bào não chết vĩnh viễn”, bác sĩ Tuấn nói.
Các triệu chứng của đột quỵ được nhận biết theo nguyên tắc FAST bao gồm F (face) là đột ngột méo liệt mặt, A (arm) là yếu, liệt tay hoặc rối loạn cảm giác nửa người, S (speak) là nói khó, nói đớt, không nói được hoặc nói không chính xác, T (Times – telephone) là nhanh chóng gọi cấp cứu và đưa người bệnh đến bệnh viện có chuyên môn điều trị đột quỵ ngay lập tức.
Video đang HOT
Chủ động phòng ngừa bằng cách kiểm soát các các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp cao, bệnh tim mạch, đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì, mỡ máu cao, rượu bia…
Tầm soát đột quỵ định kỳ giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Ví dụ, xét nghiệm máu góp phần phát hiện bệnh tiểu đường hay các bệnh tim mạch gây tắc mạch máu não (thông liên nhĩ).
Bác sĩ siêu âm tim, đo điện tim, gắn máy theo dõi nhịp tim trong 24 giờ kết hợp khám lâm sàng, hỏi tiền sử bệnh cũng hỗ trợ đánh giá nguy cơ đột quỵ.
Các máy móc, kỹ thuật hiện đại giúp bác sĩ tầm soát, phát hiện những bất thường trong cơ thể. Hệ thống máy chụp CT 1975 lát cắt tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), phát hiện được các tổn thương nhỏ chỉ 0,23 mm, trong đó có những mảng xơ vữa, cục máu đông, vị trí tắc hẹp, phình vỡ, dị dạng mạch máu não. Hệ thống này còn góp phần đánh giá nhanh và sớm đột quỵ chỉ trong vài phút, đẩy nhanh quá trình điều trị.
Bên cạnh thuốc tiêu sợi huyết hay can thiệp nội mạch bằng máy chụp mạch DSA hiện đại, Robot AI cùng nhiều thiết bị thế hệ mới giúp mổ thức tỉnh cấp cứu đột quỵ hiệu quả, tránh làm tổn thương các bó sợi thần kinh và mô não lành của người bệnh.
Vì sao trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng bị đột quỵ?
Nhiều người cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, nhưng trên thực tế đột quỵ xảy ra ở cả trẻ em.
Tuy nhiên, đột quỵ ở trẻ em so với ở người lớn có nhiều điểm khác biệt.
Theo giải thích của giới chuyên môn, đột quỵ là một chấn thương ở não hoặc các mạch máu trong não. Nếu mạch máu bị tắc, nó không thể cung cấp oxy hoặc chất dinh dưỡng cho não.
Không giống như các bộ phận khác của cơ thể, não không thể tồn tại lâu nếu không có máu lưu thông. Nếu một vùng não hết oxy hoặc năng lượng, người bệnh có thể bị thương hoặc thậm chí tử vong.
Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.
Ảnh minh họa
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 200.000 ca mắc mới và 11.000 ca tử vong do đột quỵ; tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ ngày càng gia tăng, chiếm 10 - 15%; độ tuổi đột quỵ cũng ngày càng trẻ. Cứ mỗi năm, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi lại tăng thêm 2%, ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Rất nhiều người lầm tưởng bệnh đột quỵ chỉ xảy ra ở người già, nhưng trẻ em và trẻ sơ sinh cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.
Nguy cơ đột quỵ ở trẻ em
So với người lớn, đột quỵ ít phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng nó vẫn xảy ra. Thậm chí, trẻ sơ sinh có nguy cơ cao hơn trẻ em hoặc thanh thiếu niên.
Theo chuyên trang Healthy Children, trẻ em bị đột quỵ vì những lý do khác với người lớn. Trẻ sinh non có thể bị chảy máu não vì mạch máu của trẻ rất mỏng manh. Trẻ sơ sinh có máu đông dễ dàng hơn trẻ lớn, điều này có thể gây đột quỵ trong những tuần gần khi sinh.
Bên cạnh đó, các bệnh về máu, như bệnh hồng cầu hình liềm hoặc bệnh máu khó đông, cũng có thể gây đột quỵ. Các bệnh di truyền ảnh hưởng đến mạch máu hoặc máu cũng tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ ở trẻ em mọi lứa tuổi.
Trong một số trường hợp, trẻ em cũng có thể bị đột quỵ sau chấn thương ở đầu hoặc cổ nếu chúng làm tổn thương các mạch máu bên trong.
Mặt khác, dù hiếm khi xảy ra nhưng nhiễm trùng cũng có thể làm hẹp các mạch máu trong não và gây đột quỵ. Trẻ em có vấn đề về tim cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Trong đó, xuất huyết não được xem là nguyên nhân chủ yếu trong những trường hợp đột quỵ cấp và tử vong nhanh chóng sau đó. Đáng chú ý, 85% những trường hợp trẻ em bị đột quỵ xuất huyết não là do dị dạng mạch máu não với các dấu hiệu rất khó phân biệt, phát hiện sớm.
Ảnh minh họa
Các triệu chứng thường gặp của đột quỵ ở trẻ em
Rất khó để biết liệu một đứa trẻ có bị đột quỵ hay không vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng có thể diễn tả cho bố mẹ biết chuyện gì đang xảy ra.
Biểu hiện đột quỵ ở trẻ sơ sinh
Với trẻ sơ sinh, những biểu hiện dễ thấy cảnh báo nguy cơ đột quỵ có thể kể đến như cơn động kinh liên tục xảy ra ở một bộ phận của cơ thể, trẻ buồn ngủ trầm trọng đến mức không thức dậy để bú bình thường.
Ngoài ra, trẻ dễ bị yếu hoặc cứng ở một bên cơ thể hoặc ở một cánh tay hoặc chân. Những đứa trẻ khác có thể bị chậm phát triển.
Biểu hiện đột quỵ ở trẻ nhỏ
Với trẻ ở độ tuổi lớn hơn, đột quỵ dễ xuất hiện khi trẻ gặp tình trạng yếu đột ngột ở một bên mặt và cơ thể, hoặc không sử dụng được một bên cơ thể theo cách bình thường.
Trẻ có nguy cơ đột quỵ cũng thường gặp phải tình trạng chóng mặt kèm theo các vấn đề về thăng bằng và đi lại khó khăn hay cơn đau đầu xuất đột ngột, rất dữ dội, khác với những cơn đau đầu thông thường của trẻ.
Ngoài ra, nếu thấy trẻ liên tục ngã sang một bên, mất cảm giác ở một bên cơ thể hoặc khuôn mặt, khó khăn khi nói chuyện hoặc nói ngọng, không nói được từ nào hoặc từ ngữ vô nghĩa, cha mẹ cần lưu ý đưa con đi kiểm tra ngay lập tức.
Ảnh minh họa
Điều trị đột quỵ ở trẻ em
Trong một số trường hợp, điều trị khẩn cấp có thể ngăn chặn cơn đột quỵ trở nên tồi tệ hơn nếu chẩn đoán được thực hiện trong vòng những giờ đầu tiên sau khi cơn đột quỵ bắt đầu.
Nếu trẻ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ hoặc huyết khối tĩnh mạch, bác sĩ có thể sử dụng aspirin hoặc thuốc làm loãng máu để ngăn tình trạng bệnh nặng hơn hoặc xảy ra lần nữa.
Đối với trẻ bị xuất huyết não, bác sĩ giải phẫu thần kinh sẽ phối hợp chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa để giúp chăm sóc trẻ.
Cách giúp trẻ hồi phục sau cơn đột quỵ
Mặc dù não không lành lại dễ dàng hoặc hoàn toàn như các bộ phận khác của cơ thể nhưng não của trẻ thường có thể thích nghi với những vết thương.
Thông qua vật lý trị liệu, ngôn ngữ và hoạt động trị liệu, nhiều trẻ em có thể tiếp tục cải thiện sức khỏe trong 6 hoặc thậm chí 12 tháng sau cơn đột quỵ.
Tuy nhiên, giống như người lớn, trẻ hoàn toàn có nguy cơ tái đột quỵ mặc dù tỷ lệ tương đối thấp. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị đột quỵ khi già đi, vì vậy điều quan trọng là cha mẹ nên giúp con cái tránh những tác nhân làm tăng nguy cơ đột quỵ ở tuổi trưởng thành, như huyết áp cao, cholesterol, tiểu đường,...
Phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em hiện đang là một thách thức rất lớn và khó khăn. Vì khác với người lớn, đột quỵ ở trẻ đa phần là do bẩm sinh, các dị dạng động tĩnh mạch não hay túi phình mạch máu não đều không có biểu hiện rõ ràng khi chưa vỡ. Chính vì vậy, rất khó phòng ngừa bệnh lý đột quỵ ở trẻ em.
Điều quan trọng, những nghiên cứu về thời gian vàng cho đột quỵ trẻ em thường rất ít, do đây bệnh lý rất hiếm gặp, hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ nào để kết luận chính xác. Khuyến cáo chung về thời gian vàng trong bệnh đột quỵ vẫn khuyến cáo 6 giờ. Do vậy, nên phải xử trí được đột quỵ cho bệnh nhi càng sớm càng tốt.
Các thuốc điều trị và dự phòng đột quỵ não Đột quỵ não là một tổn thương đến não, một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong. Cần dùng thuốc dự phòng đột quỵ ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao... 1. Các biện pháp điều trị đột quỵ não Đối với đột quỵ não có hai thể chính là...