“Đột nhập” thư viện thông minh cực chất rộng 1.000 m2
Năm học 2019-2020, Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM đã chính thức đưa vào sử dụng thư viện thông minh với tổng diện tích khoảng 1.000 mét vuông.
Học sinh đang trao đổi bài tại phòng tra cứu tài liệu của thư viện.
Thư viện được phê duyệt xây dựng theo chương trình kích cầu đầu tư của TP.HCM. Đây là công trình nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể của trường hướng đến xây dựng trường học thông minh nhằm thực hiện chủ trương của ngành GD-ĐT TP trong việc hướng tới xây dựng thành phố thông minh.
Toàn cảnh lầu 2 của thư viện
Một góc kho sách của thư viện
Phòng tra cứu tài liệu, học tập trực tuyến…
Theo lãnh đạo nhà trường, thư viện được đầu tư với 2 tầng lầu gồm kho sách, phòng đọc sách, phòng tra cứu, tìm sách, phòng học tập theo nhóm…
Video đang HOT
Không gian mở, giúp các em thoải mái học tập, đọc sách, làm việc nhóm…
Ở lầu 2 của thư viện bố trí không gian mở, được học sinh ví như giống như một quán cà phê… Nếu không thích ngồi máy lạnh, học sinh có thể ngồi học, đọc sách, trao đổi bài ở hai hành lang của thư viện.
Không gian học tập, đọc sách, học nhóm, trao đổi… tại lầu 2
Theo các em học sinh, thư viện của trường có không gian đẹp, thoải mái, tiện nghi, nguồn học liệu phong phú, tra cứu rất tiện lợi nên các em “check in” mỗi ngày.
Học sinh có thể ngồi đọc sách, học tập ở hành lang thoáng, rộng của thư viện
Hoặc chọn một vị trí khác khá thú vị để đọc sách, học tập
Học học tập theo nhóm trong các cabin
Không chỉ đơn thuần đến đọc sách, tìm sách mà các em còn được học trên thư viện, được sử dụng trang thiết bị, các phần mềm học thuật hiện đại của các nước phát triển, điển hình như Zpace. Đặc biệt, học sinh có thể khai thác tài nguyên thư viện tại nhà bằng việc truy cập vào website với một mã tài khoản riêng.
Không gian lớp học thoải mái giúp các em tiếp thu bài hiệu quả hơn
Ngoài ra, tài nguyên trong thư viện cũng là điều kiện để giáo viên ứng dụng phương pháp giảng dạy mới và soạn giảng mới giúp nâng cao chất lượng giáo dục.
Đây còn là nơi giáo viên cập nhật bài giảng lên thư viện điện tử. Thầy và trò có thể tương tác bài học ngay trên thư viện điện tử, đặc biệt là các môn như Toán, tiếng Anh, Công nghệ, Khoa học… Giúp trò có thể học mọi lúc mọi nơi.
Thư viện trang bị tủ đựng giày dép cho học sinh
Được biết, TP.HCM sẽ xây dựng thư viện thông minh tại 10 trường đầu tiên, sau đó sẽ nhân rộng ra các trường công lập từ nay đến năm 2025.
Thảo Nguyên
Theo GDTĐ
Trường chuyên Trần Đại Nghĩa lý giải việc thu tiền thư viện
Thư viện thông minh được xây dựng dựa trên chương trình kích cầu đầu tư của TP. Mức thu 145.000 đồng/tháng đã nhận được sự đồng ý của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM,nhiều phụ huynh có con đang học tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) cho hay năm học này, ngoài các khoản theo quy định, phụ huynh còn phải đóng thêm tiền thư viện 145.000 đồng/tháng. Số tiền này sẽ được đóng trong vòng bảy năm. "Tại sao chúng tôi lại phải đóng khoản tiền trên? Con em chúng tôi sẽ được hưởng lợi gì từ công trình này?" - phụ huynh thắc mắc.
Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho hay TP.HCM đã phê duyệt để trường đầu tư xây dựng thư viện thông minh theo chương trình kích cầu đầu tư. Đây là chủ trương của TP để có thể huy động xã hội hóa các nguồn lực phát triển giáo dục.
Ông Minh cho biết đối với chương trình kích cầu đầu tư, nhà trường sẽ làm chủ đầu tư, đứng ra vay để thực hiện công trình. TP sẽ là đơn vị hỗ trợ trả lãi suất vay, còn nhà trường trả lãi gốc.
Thư viện thông minh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã đi vào hoạt động từ tháng 8-2019. Ảnh: NM
Công trình đã được nhà trường xây dựng trong năm 2018 với mức kinh phí được TP phê duyệt gần 15 tỉ đồng. Hiện tại thư viện đã đi vào hoạt động.
"Với số tiền trên, nhà trường vận động các vị phụ huynh cùng chi trả tiền đầu tư trong vòng bảy năm. Hiện nay mức đề xuất từ phụ huynh là 145.000 đồng/tháng. Phụ huynh sẽ đóng trong vòng chín tháng. Chương trình này chỉ vận động cho học sinh đang theo học ở cơ sở 1, dành cho khối lớp 8, 9, 10, 11, 12" - ông Minh nói.
Ông Minh lý giải thêm: "Mức thu này đã nhận được sự đồng thuận về chủ trương của Sở GD&ĐT TP.HCM. Hơn nữa, nhà trường chỉ vận động phụ huynh đóng góp trong vòng chín tháng nhưng thư viện sẽ mở cửa để phục vụ học sinh trong suốt 12 tháng".
Ông Minh khẳng định thêm: "Đây không phải là chương trình tự phát. Nó hoàn toàn nằm trong chương trình kích cầu đầu tư để hướng tới xây dựng TP thông minh. TP thông minh sẽ có trường học thông minh. Và thư viện chính là trung tâm của trường học. Ngoài Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM đang chuẩn bị phê duyệt cho 16 đơn vị về chủ trương kích cầu đầu tư. Mặt khác, mục tiêu xây dựng thư viện là phục vụ cho học sinh. Học sinh chính là đối tượng sử dụng tài nguyên của thư viện. Các em sẽ được học trên thư viện, sẽ được sử dụng trang thiết bị, các phần mềm học thuật hiện đại của các nước phát triển, điển hình như Zpace. Đặc biệt, học sinh có thể khai thác tài nguyên thư viện tại nhà bằng việc truy cập vào website bằng một mã tài khoản riêng. Ngoài ra, tài nguyên trong thư viện cũng là điều kiện để giáo viên ứng dụng phương pháp giảng dạy mới và soạn giảng mới để nâng cao chất lượng giáo dục".
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, ban giám hiệu đã trao đổi về vấn đề này đối với giáo viên chủ nhiệm và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của 98 lớp. Hiện tại, trong biên bản họp của các lớp, hầu hết phụ huynh đều đồng ý với mức thu trên.
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Thư viện như cái kho chứa sách: Nói 'dẹp bỏ' là... cực đoan Nhiều giáo viên cho rằng, cách sử dụng, khai thác thư viện trường học hiện nay chưa hiệu quả nên không thấy vai trò trong việc học. Tuy nhiên, dù hoạt động chưa hiệu quả mà nói dẹp bỏ là quá cực đoan. Thư viện trường học có nên được xã hội hóa? Dẹp bỏ là quá cực đoan Cô Nguyễn Thị Huyền...