Đột nhập phòng học “biệt giam trắng” khiến con phát điên của giới nhà giàu Hàn Quốc: Không được ra ngoài đi vệ sinh, camera 24/24 giám sát
Sau chiếc tủ thần thành trong bộ phim Sky Castle, giới nhà giàu Hàn Quốc lại có cách khác ép con học là đến các phòng học thông minh khép kín ở trung tâm Sparta Center để luyện thi.
Đó là các phòng khép kín sơn hoàn toàn màu trắng và được nhiều người đánh giá có thể khiến con trẻ phát điên nếu học trong thời gian dài.
Cuộc chiến giành được một suất vào các trường đại học hàng đầu Hàn Quốc quả thật là nỗi ám ảnh với nhiều phụ huynh và học sinh. Với người dân nơi đây, dường như ước mơ gửi gắm hết trong ba chữ vàng S.K.Y – tên viết tắt của ba trường đại học hàng đầu là Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Korea và Đại học Yonsei. Nhưng áp lực thi vào đó cũng thật khủng khiếp, được gói gọn trong câu nói nổi tiếng: “ Nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có thể mơ tới việc trở thành một phần của S.K.Y. Nếu ngủ 4 tiếng, bạn có thể thi đỗ vào trường đại học khác. Còn ngủ 5 tiếng hoặc hơn, nhất là trong năm cuối cấp, thì hãy quên ngay ý định bước chân vào cổng đại học đi“.
Hội nhà giàu Hàn Quốc cũng không vì khối tài sản khổng lồ mà dửng dưng đứng ngoài cuộc chiến đại học. Họ vung cả đống tiền để cho con học gia sư, học những trường cấp ba tốt nhất hay thậm chí cho con học những trung tâm ôn thi khắc nghiệt hàng đầu thế giới. Mới đây, có một xu hướng rất hot trong chuyện học hành là thay vì ngồi nhà học bài, hội con nhà giàu ở Gangnam thích đến học phòng học thông minh khép kín ở trung tâm Sparta Center để luyện thi.
Phòng học thông minh khép kín ở trung tâm Sparta Center đang gây sốt giới thượng lưu Hàn. (Nguồn: Sparta Center)
Trung tâm này bao gồm nhiều loại phòng đọc, phòng học cao cấp được thiết kế theo phong cách khu thượng lưu Gangnam. Mỗi phòng đều được sơn màu trắng, đóng cửa cách biệt tạo sự yên tĩnh tuyệt đối. Người thuê phải nộp lại điện thoại cũng như các thiết bị điện tử có thể gây xao nhãng trước khi bước chân vào. Camera được giám sát 24/24 để theo dõi mọi nhất cử nhất động lười học của học viên.
Phòng học được đóng và mở theo từng ca. Từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày sẽ có 9 ca luyện thi kéo dài từ 60 – 90 phút và xen kẽ 10 – 15 phút nghỉ giải lao. Đặc biệt vào thứ 7, mỗi ca sẽ kéo dài tận 100 phút. Phòng học bắt đầu lúc 8 giờ sáng và cứ thể “khóa – mở” theo lịch trình đã lên sẵn. Điều đặc biệt là các phòng học này chỉ đóng – mở đúng thời gian mỗi ca, tức là dù học viên có mệt mỏi hay muốn đi vệ sinh thì cũng không thể xin ra ngoài được.
Các phòng học chỉ đóng – mở đúng thời gian mỗi ca, tức là dù học viên có mệt mỏi hay muốn đi vệ sinh thì cũng không thể xin ra ngoài được.
Camera giám sát 24/24 giám sát mọi nhất cử nhất động của học viên.
Video đang HOT
Thời khóa biểu cho từng ca học.
Những phòng học tạo nên sự yên tĩnh tuyệt đối cũng như cung cấp môi trường học tập hoàn hảo nên giá mỗi phòng luyện thi có giá thuê không hề rẻ, có lúc lên đến hàng trăm ngàn won/ca (khoảng 20 triệu VNĐ). Tuy vậy vào mùa cao điểm như đợt thi đại học vừa rồi, nhiều khi trung tâm còn không đủ phòng để cung cấp.
Năm ngoái, bộ phim Sky Castle đã đã chạm đến nỗi nhức nhối của nền giáo dục Hàn Quốc khi vạch trần một xã hội quá đề cao chuyện thi cử, bằng cấp. Bất chấp những cái chết đau lòng của nhiều nhân vật, không ít gia đình vẫn bắt chước đi thuê gia sư đắt tiền và mua hẳn chiếc tủ học cho con mình luyện thi. Chiếc tủ thần thánh đầy đủ tiện nghi, được thiết kế kín mít có giá lên tới 2,5 triệu won (khoảng 50 triệu VNĐ). Không ngờ khi xu hướng tủ học này chấm dứt, giới con nhà giàu lại chọn các phòng học ở trung tâm Sparta Center được đánh giá còn khắc nghiệt và gây nhiều ám ảnh với thí sinh hơn.
Phòng học kín như bưng có giá lên đến 50 triệu đồng.
Bất chấp cái chết hay nhiều kết cục ám ảnh của nhân vật trong phim, nhiều cha mẹ Hàn Quốc vẫn không ngừng ép con mình trong cuộc chiến thi đại học.
Ngay dưới bài đăng xuất hiện nhiều bình luận gay gắt của cộng đồng mạng về những phòng học ám ảnh này.
“ Không được đi vệ sinh thì hơi quá. Học trong này giống y như trong tù, ngột ngạt và chỉ biết đến mỗi học thôi“, bạn D.N bình luận.
“ Thường thì màu xanh lá hoặc màu vàng sẽ giúp tinh thần tập trung thoải mái học tập hơn chứ. Có vẻ người thiết kế nên đọc thêm về tâm lý học“, bạn D.T bình luận.
“ Vậy nên tỉ lệ học sinh tự tử mới cao thế đấy. Chịu được áp lực thì coi như thi xong là qua một cửa, còn nếu không chịu được thì đành tìm đến cái chết như một sự giải thoát“, bạn B.N chia sẻ.
“ Đã ai nghe đến thuật ngữ biệt giam trắng (bị nhốt trong một khoảng không gian chỉ có màu trắng cùng sự im lặng đến khó thở). Nó được coi là một trong những biện pháp tra tấn tinh thần đáng sợ nhất mà vẫn để con cái vào đây học khác gì ép con phát điên hết đâu“, bạn T.V chia sẻ.
Theo Helino
Vật vã vào trường chuyên... để du học?
Không thể phủ nhận các trường chuyên lâu đời đã đang là những cái nôi đào tạo nhân tài cho cả nước. Thế nhưng, cùng với đó, khi mà tỉnh nào cũng có trường chuyên, không ít trường đã không còn thực sự tinh hoa.
Nhiều phụ huynh bằng mọi giá ép con thi vào trường chuyên chỉ bởi danh tiếng, luyện thi và đi du học...
Quốc học Huế là cái nôi của hiền tài, hào kiệt đất nước
Những lò luyện nhân tài... "khủng"
Trong lịch sử hơn 120 năm thành lập, Quốc học Huế là cái nôi của hiền tài, hào kiệt đất nước. Đây là nơi nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam từng học tập. Đáng chú ý nhất là Nguyễn Tất Thành, người sau này trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ngoài ra còn có cố Tổng bí thư Trần Phú, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, GS Tạ Quang Bửu, GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Thai Mai, GS Đặng Văn Ngữ, GS Nguyễn Lân, GS Nguyễn Khánh Toàn, nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, nhạc sĩ Trần Hoàn, danh họa Điềm Phùng Thị...
Tiếp đó, là trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam là trường THPT công lập được thành lập vào năm 1985. Đây là một trong số những cơ sở đào tạo nổi tiếng nhất Hà Nội và được đánh giá là trường trung học có chất lượng tốt nhất Việt Nam. Năm học nào học sinh của trường cũng tham gia các cuộc thi quốc tế và mang về thành tích "khủng". Những đại diện ưu tú của trường có thể kể đến như Nguyễn Bằng Thanh Lâm - Huy chương Vàng Olympic Hoá học Quốc tế, Đinh Anh Dũng - Huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế, Phạm Nam Khánh - Huy chương Bạc Olympic Toán học Quốc tế...
Trường THPT Chuyên Lam Sơn- Thanh Hóa nổi tiếng bởi chất lượng giảng dạy và học sinh ưu tú. Nhiều học sinh của trường đạt được những thành tích cao trong các kì thi quốc tế như Lê Huy Quang (Huy chương Vàng Quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Ấn Độ; Huy chương Bạc Quốc tế môn Vật lý tại Estonia, đoạt học bổng toàn phần trị giá 240.000 USD của Học viện Công nghệ Massachusetts-Mỹ), Lê Xuân Mạnh (Huy chương Đồng Quốc tế môn Tin học tại Úc), Mỵ Duy Hoàng Long (Huy chương Bạc Quốc tế môn Vật Lý tại Đan Mạch, Huy chương Đồng Quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương môn Vật lý tại Indonesia)....
Nhắc đến những ngôi trường chuyên hàng đầu trong cả nước, người ta sẽ nghĩ đến ngay những cái tên ở hai thành phố lớn của cả nước là Hà Nội và TP HCM. Thế nhưng, ít ai biết rằng, dọc dải đất miền Trung đầy nắng gió cũng có rất nhiều những ngôi trường "siêu nhân" khác, điển hình là ngôi trường quê Bác - THPT Chuyên Phan Bội Châu tỉnh Nghệ An. Luôn đứng hàng đầu trong top trường THPT hàng đầu Việt Nam, THPT Chuyên Phan Bội Châu được đánh giá là một trong những nơi đào tạo ra nhân tài. Một minh chứng điển hình cho câu chuyện này là thành tích đáng nể mà ngôi trường xứ Nghệ đạt được trong năm học 2018 - 2019 vừa qua.
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, (TP HCM), là ngôi trường tập hợp nhiều anh tài. Ngôi trường này cũng là cái nôi sản sinh ra nhiều nhà khoa học nổi tiếng như GS. Viện sĩ Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, GS, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước...
Các quán quân Olympia, các học sinh chuyên đều phần lớn lựa chọn du học, và ít có ngươi trở về...
Mặt trái và những "ám ảnh"
Có thể nói, để vào được trường chuyên, là những học sinh ưu tú và xuất sắc. Không thể phủ nhận bề dày lịch sử với những tên tuổi để lại cho muôn đời sau. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, mặt trái của trường chuyên là những phàn nàn về bệnh thành tích.
Trong trường chuyên có những lớp cận chuyên chỉ để dành cho những em "khá, có điều kiện" và "trường là môi trường tốt, luyện thi đại học, luyện thi học sinh giỏi". Những lầm tưởng rằng "có giải cao nghĩa là có tài năng" đã khiến cho các nhà trường, các thầy cô giáo, các học sinh tập trung quá nhiều cho việc luyện thi. Bởi theo các chuyên gia giáo dục, trường chuyên ở Việt Nam thường có hai kiểu: Thứ nhất là lò đào tạo "gà chọi" để thi học sinh giỏi và giúp Việt Nam giành những tấm huy chương ở các kỳ thi Olympic Quốc tế, một cuộc thi mà phần lớn các nước khác chỉ xem đi như một cuộc chơi và giao lưu. Trong khi, nhiều địa phương mắc bệnh thành tích trầm kha. Năm nay thành tích phải cao hơn năm trước, đó là mệnh lệnh của lãnh đạo nhiều địa phương. Thực tế, thành công là cuộc trường chinh dài hơi, chứ không dừng ở kết quả một cuộc thi, một cuộc đua ngắn hạn.
Do đó, xét về những đóp góp cho ngành Toán giữa ta và họ lại có sự khác nhau. Điển hình như Huy chương Fields (giải thưởng uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực Toán học) thì Pháp có đến 12 huy chương, Anh 6 chiếc. Còn chúng ta thì lấy kết quả của cuộc thi này xem như là sự thành công của ngành Giáo dục.
Thứ hai, các trường chuyên hiện nay đang trở thành những lò luyện thi đại học và đi du học. Những học sinh lớp 10, 11 sẽ được học trước chương trình lớp 12 và được dạy các mẹo giải Toán. Các em sẽ được luyện thành những chú vẹt giải đề thi đại học, nhằm đạt đến mức điểm 27, 28. Bởi thế, cuộc chạy đua vào trường chuyên đã và đang làm méo mó bộ mặt của ngành giáo dục khi mà có không ít phụ huynh muốn bằng mọi giá lo cho con mình được vào trường. Họ không chỉ muốn con mình được học tập trong điều kiện thuận lợi mà còn coi đây như sự bảo đảm cho bước tiếp theo là du học, hoặc thi vào các trường đại học danh tiếng trong nước.
Một cựu học sinh chuyên chia sẻ: "Nhớ nhất là những hôm đi học luyện thi chuyên Toán Sư phạm và những hôm đi học thêm môn Văn ở trường chuyên Ngữ. Học trò từ mọi nơi đổ về, ngồi chật kín các giảng đường (mượn giảng đường của ĐHSP, khoảng 200 chỗ ngồi). Năm đó, tỷ lệ "chọi'" của chuyên Sư phạm là 1/30. Có hơn 3.000 học trò thi vào, chỉ lấy hơn 100. Cho đến nay, dù trải qua rất nhiều các cuộc thi khác có quy mô lớn hơn nhiều nhưng cá nhân tôi thấy thi trường chuyên là khó nhất. Thời mới vào cấp ba, tôi đăng ký thi chuyên văn vì hồi đó với tôi học văn dễ như uống nước. Mỗi đề bài đều tìm ý hay ý mới để viết, nên điểm văn cấp hai lúc nào cũng cao nhất lớp. Đậu vô trường chuyên, cứ tưởng học mà như chơi, ai ngờ tan tành giấc mộng. Chương trình học nhồi nhét khủng khiếp, lớp 10 thì học chương trình lớp 11, lớp 11 thì học tiếp chương trình 12, rồi 12 thì ôn lại những bài cũ. Ngày nào cũng có vài đề bài văn phải làm. Mỗi bài thơ truyện ngắn là ba, bốn bài tập làm văn khác nhau, hết đề này tới đề khác. Ý tưởng đâu mà đẻ ra liên tục như vậy, nên không còn cách nào khác tôi đành xào nấu những bài cũ, cắt xén ý nảy ý nọ lắp ghép vào với nhau.
Thầy dạy môn chuyên lên lớp giảng bài theo từng ý, cứ như vậy mà chép vô nhà rô bốt. Bởi vì học là để thi, mà thi thì chấm bài theo ý. Nên ngay cả môn văn thầy cũng phải dạy theo công thức sao cho học sinh thi đậu, đủ ý đúng ý của người ra đề, chỉ biết chạy theo thôi chứ biết làm sao.
Cả năm học cứ chạy theo các kỳ thi, hết thi chuyên đề, lại thi đội tuyển trường, rồi thi học sinh giỏi tỉnh, đến thi Olympic 30/4, đến thi quốc gia. Mỗi lần gần tới kỳ thi, tôi thức dậy lúc 2 giờ sáng để học bài. Bây giờ đã qua mười mấy năm mà đôi khi nằm mơ vẫn thấy mình trễ thi, tới lộn phòng thi, không mặc quần áo đi thi, thật là ác mộng. Sau ba năm học chuyên văn, tình yêu với môn văn tan tác. Và tôi chuyển hướng sang học kinh tế".
Các quán quân Olympia, các học sinh chuyên đều phần lớn lựa chọn du học, và ít có ngươi trở về...
Mới đây, thấu hiểu sự áp lực về điểm số trong những năm còn học phổ thông, anh Nguyễn Anh K. (cựu học sinh khoá đầu tiên của trường Hà Nội -Amsterdam) cho rằng, nếu cái giá phải trả cho thành tích học tập là sự nhồi nhét kiến thức không có giá trị thực tiễn cao; là những áp lực và sự mất đi khả năng tư duy độc lập, sáng tạo của trẻ, thì anh không muốn con mình học giỏi bằng mọi giá. "Cái tôi mong muốn là con tôi có được niềm đam mê khám phá cái mới, phát triển được khả năng tư duy độc lập, logic và nếu có thể thì sáng tạo, phát triển những kỹ năng xã hội. Vậy nên thành tích học giỏi không phải là ưu tiên số một mà tôi trông đợi ở con tôi. Tôi chỉ muốn con tôi lớn lên thành người bình thường".
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cuộc chạy đua vào trường chuyên đã và đang làm méo mó bộ mặt của ngành giáo dục khi mà có không ít phụ huynh muốn bằng mọi giá lo cho con mình được vào trường. Họ không chỉ muốn con mình được học tập trong điều kiện thuận lợi mà còn coi đây như sự bảo đảm cho bước tiếp theo là du học, hoặc thi vào các trường đại học danh tiếng trong nước.
Trong khi đó, mục tiêu của trường chuyên là "đào tạo, bồi dưỡng nhân tài" cho mỗi địa phương, cho đất nước. Trường chuyên không thể được hiểu đơn giản là nơi luyện "gà nòi", là "tháp ngà" bó chặt các em, biến các em thành "nô lệ" của những kiến thức lý thuyết suông. Như vậy, thật lãng phí trí tuệ và công sức của tuổi trẻ. Hãy để các em được học đúng sở trường, được sống với những khao khát đam mê và đủ tự chủ để hiểu mọi nỗ lực học tập, rèn luyện là để phục vụ cho một mục đích và lý tưởng sống đầy ý nghĩa.
Điều đáng nói, chúng ta luôn có những học sinh ưu tú, những học sinh giỏi thực sự trong các trường chuyên. Thế nhưng, phần lớn các em đều tìm học bổng để du học và không trở về. Tương tự, "Đường lên đỉnh Olympia" trải qua 19 năm, khán giả xem chương trình bắt đầu băn khoăn về việc tại sao 16/18 quán quân chương trình đi du học đều ở lại không trở về... Và các quán quân này đều phần lớn xuất phát từ các trường chuyên...
Nguyễn Mỹ
Theo baophapluat
Cha mẹ "cuồng" thành tích: Điểm số quan trọng hơn con Mong muốn con cái chăm ngoan, học giỏi, luôn đạt thành tích cao là nguyện vọng chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, nếu các bậc cha mẹ "cuồng" thành tích, luôn đặt kỳ vọng quá mức đối với khả năng của con em mình sẽ tạo áp lực lớn và gây khủng hoảng cho con trẻ. Đừng để trẻ em...