Dòng vốn ngoại rút ròng trở lại 236 tỷ đồng trong tuần 23-27/11, tập trung gom CCQ FUEVFVND
Khối ngoại bán ròng trở lại 257 tỷ đồng ở sàn HoSE. CCQ ETF nôi FUEVFVND được khối ngoại mua ròng rất mạnh với giá trị lên đến gần 310 tỷ đồng và đa phần thông qua phương thức thỏa thuận. HDB bị bán ròng mạnh nhất với giá trj hơn 386 tỷ đồng, trong đó có 297 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận.
Kết thúc tuần giao dịch từ 23-27/11, VN-Index đứng ở mức 1.010,22 điểm, tương ứng tăng 20,22 điểm (2,04%) so với tuần trước đó. HNX-Index tăng 0,96 điểm (0,65%) lên 148,17 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,36 điểm (0,54%) lên 66,79 điểm.
Điểm tiêu cực của thị trường trong tuần qua là khối ngoại không còn duy trì được sự tích cực. Cụ thể, dòng vốn ngoại mua vào 164 triệu cổ phiếu, trị giá 5.123 tỷ đồng, trong khi bán ra 180 triệu cổ phiếu, trị giá 5.391 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 15,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 268 tỷ đồng.
Ở sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 257 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 12 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng lên đến 550 tỷ đồng.
CCQ ETF nôi FUEVFVND được khối ngoại mua ròng rất mạnh với giá trị lên đến gần 310 tỷ đồng và đa phần thông qua phương thức thỏa thuận (283 tỷ đồng). Đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại sàn này là VRE với 124 tỷ đồng. GAS và HDG được mua ròng lần lượt 74 tỷ đồng và 50 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HDB bị bán ròng mạnh nhất với giá trj hơn 386 tỷ đồng, trong đó có 297 tỷ đồng đến từ giao dịch thỏa thuận. HPG và MBB bị bán ròng lần lượt 136 tỷ đồng và 102 tỷ đồng.
Ở sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại 21,4 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 1,6 triệu cổ phiếu.
ACB được dòng vốn ngoại trên HNX với giá trị 33,3 tỷ đồng. SZB và VCS được mua ròng lần lượt 22,8 tỷ đồng và 8,6 tỷ đồng. Chiều ngược lại, PVS bị bán ròng mạnh nhất sàn này với 20 tỷ đồng. DXP và BVS bị bán ròng lần lượt 8 tỷ đồng và 3 tỷ đồng.
Tại sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng trở lại 32,3 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 2 triệu cổ phiếu. ACV đứng đầu danh sách mua ròng với 11,7 tỷ đồng. SIP và MCH được mua ròng lần lượt 8 tỷ đồng và 5,4 tỷ đồng. Chiều ngược lại, LTG bị bán ròng mạnh nhất với 25,6 tỷ đồng. VTP và MSR được mua ròng lần lượt 15,4 tỷ đồng và 13,4 tỷ đồng.
Video đang HOT
Doanh nghiệp năng lượng lo bài toán vốn
Ngoài kênh trái phiếu, các nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo đang tính bài toán thu hút vốn ngoại thông qua chuyển nhượng cổ phần.
Ồ ạt huy động vốn trái phiếu
Xu hướng rất đáng quan tâm trong năm 2020 là hoạt động huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu cho các dự án năng lượng tái tạo được đẩy mạnh. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được nhiều chủ đầu tư dự án điện năng lượng tái tạo huy động thành công.
Cụ thể, nhóm công ty đầu tư các dự án năng lượng thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động được hơn 13.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong giai đoạn từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8/2020.
Trong đó, nửa cuối tháng 8, các công ty thành viên của Xuân Thiện đầu tư vào cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp gồm Ea Súp 1, 2 và 3 đã huy động hơn 4.900 tỷ đồng qua phát hành riêng lẻ. Hai công ty khác thuộc tập đoàn này là Xuân Thiện Thuận Bắc và Xuân Thiện Ninh Bình huy động được gần 3.300 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc tại tỉnh Ninh Thuận.
Trước đó, hai công ty Xuân Thiện Đăk Lăk và Năng lượng Sơn La đã huy động được trên 2.440 tỷ đồng.
Tính cả đợt phát hành trái phiếu từ cuối tháng 6 của Ea Sup 5 với hơn 2.100 tỷ đồng và các đơn vị thành viên khác, nhóm công ty liên quan thuộc Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động được hơn 13.000 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu từ 18 tháng đến 12 năm.
Tập đoàn Trung Nam đã thực hiện suôn sẻ các thương vụ huy động vốn trái phiếu, giá trị huy động từ cuối năm 2019 đến nay đạt gần 6.000 tỷ đồng
Tập đoàn Trung Nam với sự hỗ trợ của Ngân hàng Quân đội (MBBank) đã thực hiện suôn sẻ các thương vụ huy động vốn trái phiếu, giá trị huy động từ cuối năm 2019 đến nay đạt gần 6.000 tỷ đồng, trong đó nửa đầu năm 2020 là hơn 4.000 tỷ đồng, trở thành một trong những tập đoàn huy động vốn lớn nhất trong đầu tư năng lượng tái tạo từ kênh trái phiếu.
Nhiều nhà đầu tư khác như Tập đoàn Hoành Sơn, hay nhóm công ty năng lượng của BCG Group huy động thành công từ hàng trăm tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Mới đây nhất, tân binh trong lĩnh vực đầu tư năng lượng tái tạo là Trường Thành Group sau khi hoàn tất niêm yết 135 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE đã đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng trong quý cuối năm 2020 thông qua chào bán 25 triệu cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Trường Thành Group cũng kỳ vọng sẽ tiếp cận được dòng vốn lớn từ kênh phát hành trái phiếu cho kế hoạch phát triển 200 MW/năm từ năm 2022 trở đi.
Việc niêm yết cổ phiếu sẽ giúp Công ty kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và thực hiện phát hành trái phiếu để đa dạng nguồn vốn, giảm chi phí đầu tư dự án.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có cuộc chạy đua huy động vốn trước ngày 1/9/2020, thời điểm Nghị định 81/2020-NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, với các điều kiện phát hành khắt khe hơn.
Tại Tọa đàm "Góp ý cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo" do Tạp chí Nhà đầu tư vừa tổ chức, ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành MBBank nhận định, Nghị định 81 quy định mỗi đợt phát hành cách nhau 6 tháng, trong khi các dự án điện gió phải thi công từ 2 - 3 năm, do đó các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng tái tạo có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn không bị gián đoạn nếu chỉ huy động vốn trái phiếu.
TS. Vũ Bằng, Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Bộ Tài chính cần thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát hành công cụ này. Chẳng hạn, các dự án chỉ cần ký được hợp đồng cho vay của ngân hàng thì doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu theo tiến độ vốn.
Tiếp cận vốn nước ngoài
Trong bối cảnh huy động vốn trái phiếu thời gian tới dự kiến kém thuận lợi và nguồn vốn tín dụng vẫn khó tiếp cận, chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đã và đang tìm kiếm nguồn huy động khác.
Ông Hồ Tá Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn HBRE cho biết, Công ty đang triển khai các dự án điện gió tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thực tiễn đầu tư các dự án của doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng trong nước, bởi hạn mức cho vay thấp và lãi suất cho vay cao, từ 10%/năm trở lên.
Đặc biệt, các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ vốn tự có từ 30 - 40% là rất cao, khiến doanh nghiệp khó thu xếp tài chính cho dự án.
Trong khi đó, việc vay vốn từ ngân hàng nước ngoài có lãi suất thấp, khoảng 4 - 5%/năm, nhưng nhà đầu tư trong nước không dễ tiếp cận do yêu cầu phải có bảo lãnh Chính phủ.
Để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án, nhiều nhà đầu tư điện gió tính đến việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần, hoặc chuyển nhượng một phần dự án để tiếp cận nguồn vốn nước ngoài.
Hiện một số dự án điện gió ngoài khơi đang được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và sẵn sàng đầu tư từ 1,5 - 2 tỷ USD.
Hiện tại, HBRE hợp tác với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhà đầu tư Thái Lan và Pháp thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần.
Công ty đã huy động được vốn ngoại vào 5 dự án điện gió với tổng công suất 1.000 MW, trong đó có dự án "Điện gió trên biển HBRE Vũng Tàu", công suất 500 MW, đây là dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại khu vực Đông Nam Bộ, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong năm 2025.
Các nhà đầu tư nước ngoài có nguồn vốn dồi dào nên với hình thức hợp tác là cổ đông tham gia góp vốn cổ phần, việc phối kết hợp nguồn vốn giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước như vậy là phù hợp.
Dù vậy, để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cần có dự án khả thi, hiệu quả đầu tư cao.
Tính toán một cách định lượng, ông Tín cho rằng, dự án điện gió có hiệu suất sinh lợi tối thiểu 15% mới hấp dẫn nhà đầu tư ngoại, tương đương suất đầu tư trên bờ trung bình dưới 1,5 triệu USD/MW, ngoài khơi dưới 2,5 triệu USD/MW.
"Trong trường hợp giá điện cố định (FIT) cho các dự án điện gió giảm thì tỷ suất hoàn vốn nội bộ của các dự án triển khai còn khoảng 12 - 13%, đây vẫn là tỷ lệ có thể chấp nhận được. Để đạt được hiệu suất sinh lợi này, khi cơ chế giá FIT kết thúc tính thì giá điện gió trên bờ khoảng 8 UScent/kWh vẫn có thể đầu tư, còn điện gió ngoài khơi giữ giá hiện nay là 9,8 UScent/kWh mới đảm bảo hiệu quả đầu tư", ông Tín nói.
Thực tế đã có doanh nghiệp chuyển nhượng một phần dự án năng lượng tái tạo cho nhà đầu tư nước ngoài
Thực tế đã có doanh nghiệp chuyển nhượng một phần dự án năng lượng tái tạo cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty IQLink, đồng thời là Giám đốc Công ty cổ phần Điện mặt trời Sunseap Link Việt Nam vẫn băn khoăn về quyết định chấp thuận đầu tư của ủy ban nhân dân tỉnh sau khi cấp cho các doanh nghiệp có quy định, trong thời gian xây dựng không được chuyển nhượng hoặc bán cổ phần của dự án.
Theo ông Bắc, nếu doanh nghiệp có vấn đề về dòng vốn mà có nguồn tài trợ từ nhà đầu tư nước ngoài để mua cổ phần sẽ giúp giảm rủi ro, đồng thời đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp.
"Cơ quan quản lý nên nghiên cứu lại chính sách để doanh nghiệp Việt Nam cần gọi vốn có thể chuyển nhượng một phần dự án. Đề nghị tháo gỡ vướng mắc này, mở cửa cho dòng vốn nước ngoài vào", ông Bắc nhấn mạnh.
Ông Phạm Minh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Pháp luật hiện hành không có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hiện cũng đã có những quy định về việc chuyển nhượng dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về điều kiện tiếp cận trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà chỉ có dự án thuỷ điện.
Khối ngoại tiếp tục rút ròng hơn 1.921 tỷ đồng trong tuần 2-6/11, MSN và HPG vẫn là tâm điểm Dòng vốn ngoại sàn HoSE có 6 tuần liên tiếp bán ròng với tổng giá trị lên đến 10.386 tỷ đồng. Cả 3 vị trí dẫn đầu về giá trị bán ròng của khối ngoại sàn HoSE trong tuần 2-6/11 vẫn là MSN, HPG và VRE VNM được mua ròng mạnh nhất với giá trị hơn 115 tỷ đồng. Thị trường chứng khoán...