Đông Triều: Trên hành trình chuyển đổi số…
Ngành Giáo dục thị xã là một trong những đơn vị tiên phong trong thử nghiệm, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, trở thành điểm sáng về chất lượng GD&ĐT của tỉnh.
Trường Tiểu học Quyết Thắng (phường Mạo Khê) sử dụng hệ thống camera trong dự giờ, thăm lớp.
Tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Quyết Thắng (phường Mạo Khê) luôn diễn ra khá sôi nổi. Giáo viên đứng lớp giảng bài điện tử trên máy chiếu. Học sinh chia nhóm, sử dụng máy tính bảng để thảo luận bài học. Sự hỗ trợ của CNTT giúp cô và trò có một tiết học thú vị, tràn đầy sự hứng khởi.
Cô giáo Lê Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Không chỉ ứng dụng các thiết bị CNTT, hiện 100% giáo viên nhà trường thực hiện chuyển đổi hồ sơ sổ sách bản giấy sang sổ sách điện tử (sổ điểm điện tử, học bạ điện tử); sử dụng phần mềm tiện ích như Smas, Emis, EQMS Zoom meeting, Google meeting trong dạy học, kiểm tra đánh giá, quản lý học sinh; sử dụng các phần mềm để học tập nâng cao trình độ và có nguồn học liệu dồi dào qua các nền tảng như Blockchain, Big Data…
Video đang HOT
Đến nay, 100% các đơn vị trường học, cơ sở tư thục trên địa bàn thị xã thực hiện có hiệu quả hệ thống quản lý trường học Smas, có thể kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT. 75/75 trường học, hơn 2.300 cán bộ giáo viên sử dụng thành thạo hệ thống phòng giáo dục điện tử với một số chức năng chủ yếu là soạn duyệt kế hoạch bài giảng, cung cấp kho dữ liệu giáo án, bài giảng điện tử…
Hệ thống dữ liệu, thông tin cán bộ – giáo viên – nhân viên – học sinh được các đơn vị cập nhật đầy đủ, chính xác lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục dưới sự chỉ đạo linh hoạt của Sở GD&ĐT. Hệ thống email tên miền @dongtrieu.edu.vn với hơn 2.300 tài khoản và 96 website các đơn vị, hoạt động ổn định, phục vụ công tác tuyên truyền, trao đổi văn bản chỉ đạo và cung cấp công cụ giảng dạy trực tuyến Google Meet. Hệ thống tuyển sinh đầu cấp sau 5 năm được triển khai, hoạt động ổn định với tỷ lệ đăng ký tuyển sinh trực tuyến lớp 1, lớp 6 đạt từ 72-85%, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành.
Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Quyết Thắng (phường Mạo Khê) sử dụng máy tính bảng trong thảo luận bài học.
Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục thị xã tiếp tục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp nói chung, hạ tầng CNTT nói riêng. Đến nay, tất cả các đơn vị trường trên địa bàn thị xã được trang bị ít nhất 1 đường truyền internet tốc độ cao (67/75 trường có 2 đường truyền FTTH riêng biệt); 68 trường lắp đặt hệ thống camera phục vụ công tác quản trị, công khai trong trường học; 100% các trường học thường xuyên sử dụng kí số cho các văn bản lưu thông trên internet; 98,6% các lớp học lắp đặt các thiết bị CNTT phục vụ công tác dạy và học.
Năm học 2021-2022, Phòng GD&ĐT thị xã phối hợp với các trường Đại học Công Nghiệp Quảng Ninh, Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức 5 đợt tập huấn nhằm phát huy năng lực ứng dụng CNTT trong quản lý, dạy học của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nội dung tập trung: Kỹ thuật dạy học trực tuyến tăng khả năng tương tác trên các phần mềm Meet, ZOOM, Microsoft Teams; kỹ năng soạn giảng E-learning, soạn giảng các bài giảng điện tử, tạo các video bài giảng…
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục, thị xã tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm 2022, đoàn học sinh của thị xã lần thứ 11 liên tiếp dẫn đầu Hội thi Tin học trẻ cấp tỉnh; 3 học sinh đoạt giải khuyến khích Hội thi Tin học trẻ toàn quốc; Phòng GD&ĐT thị xã có 1 giải pháp đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII, năm 2020-2021.
Điểm sáng Tiểu học Trần Quốc Toản
Không chỉ là số hóa bài giảng, ứng dụng các phần mềm vào xây dựng bài giảng, quá trình chuyển đổi số tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hạ long) còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số.
Một tiết học thông minh của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hạ Long).
SMAS là một trong những ứng dụng đầu tiên được Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đưa vào sử dụng để quản lý cơ sở dữ liệu nhà trường (hồ sơ, tuyển sinh, xếp loại học sinh) từ năm học 2017-2018. Đây là ứng dụng CNTT đa lợi ích, hỗ trợ nhà trường trong công tác quản lý hồ sơ học sinh, hồ sơ giáo viên, quá trình học tập và rèn luyện của học sinh; quá trình công tác, giảng dạy của giáo viên; quản lý các kỳ thi của học sinh...
Cô giáo Hoàng Thị Bảo Trang cho biết: Trước đây, việc tổng hợp điểm của học sinh ở các môn học, theo dõi tình hình học tập của học sinh trong lớp chiếm khá nhiều thời gian. Từ khi có SMAS, các giáo viên ở từng bộ môn đều tự nhập điểm môn mình giảng dạy (từng bài kiểm tra, từng học kỳ) qua phần mềm. Căn cứ vào đó, chỉ cần sử dụng phần mềm, giáo viên chủ nhiệm có thể thường xuyên theo dõi tình hình học tập của học sinh, điểm của từng môn cũng như thái độ học tập của học sinh đối với môn học. Phần mềm sẽ tự chia điểm, xếp loại học sinh, hạn chế phần nào việc giáo viên cho điểm, hoặc cố làm tròn điểm khi chia điểm trung bình. Nhờ đó việc đánh giá học sinh khách quan và công bằng hơn.
Thầy giáo Phạm Ngọc Quang, Hiệu trưởng nhà trường, nhấn mạnh: Hệ thống phần mềm này là một giải pháp tổng thể và đồng nhất trong việc tin học hóa công tác quản lý học sinh, giáo viên ở các nhà trường. Ứng dụng phần mềm này trong quản lý, việc tính điểm, đánh giá học sinh được thực hiện nhanh gọn hơn, thay vì viết tay vào sổ theo dõi hay học bạ như trước đây.
Ngoài SMAS, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cũng đưa nhiều ứng dụng CNTT vào sử dụng ở mọi lĩnh vực, với kỳ vọng chuyển đổi số toàn diện hệ thống giáo dục của nhà trường, như TEMIS (phần mềm bồi dưỡng trực tuyến, đánh giá giáo viên), VIOLET (phần mềm soạn giáo án điện tử), ACTIVLNSPIRE (phần mềm soạn thảo và thiết kế bài giảng), AICBOOK (sách giáo khoa điện tử)...
Đáng chú ý, từ tháng 1/2022, nhà trường mạnh dạn lựa chọn phần mềm Office 365 vào công tác quản trị, giảng dạy. Toàn bộ hồ sơ, sổ sách liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đều chuyển sang định dạng kỹ thuật số, có thể lưu trữ tài liệu trên điện toán đám mây. "Office 365 giúp nhà trường kiểm tra, đánh giá số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai dạy học trực tuyến. Ban Giám hiệu nhà trường cũng có thể theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng giáo viên qua phần mềm này" - Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Sau một thời gian đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đều cho rằng, chuyển đổi số giúp việc dạy và học trở nên thú vị hơn so với cách đào tạo truyền thống. Học sinh được trực tiếp tham gia vào bài giảng, tương tác trên màn hình đa phương tiện đã phát huy khả năng tư duy, sáng tạo qua những bài tập mở tự trình bày trên bảng.
Năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản là cơ sở giáo dục tiểu học đầu tiên ở TP Hạ Long thí điểm đưa thông tin tuyển sinh lên trang web (https://tieuhoctranquoctoan.edu.vn/). Cùng với tra cứu thông tin tuyển sinh trực tuyến, phụ huynh học sinh có thể nộp hồ sơ tuyển sinh cho con em mà không cần đến trường. Việc này giúp công tác tuyển sinh của nhà trường được triển khai nhanh chóng, giảm áp lực cho đội ngũ tuyển sinh, tiết kiệm thời gian cho phụ huynh.
Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát tất cả thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm Các cơ sở đào tạo khẩn trương rà soát thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm và đối sánh với danh sách nguyện vọng của thí sinh tải từ cơ sở dữ liệu của hệ thống. Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi các trường đại học, học viện, cao đẳng về việc triển khai công tác...