Đồng Tháp: Thả lưới mùa lũ, tay lưới dính chi chít cá, gỡ mỏi cả tay, mùa nước nổi dân vui hơn rồi
Ông Trần Văn Khám, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Gần 1 tuần nay, giăng lưới thấy lượng cá nhiều hơn mọi năm.
Nước mới tràn đồng mà lượng cá như thế này thì ngư dân chúng tôi phấn khởi lắm. Có ngày, tôi thu về hơn chục ký cá các loại, ngày ít thì cũng 7-8kg…”.
Hàng năm, khi con nước lũ tràn về các cánh đồng của huyện biên giới Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), thì nơi đây lại trở nên nhộn nhịp với các hoạt động đánh bắt sản vật mùa nước nổi.
Theo con nước lớn, những chiếc xuồng câu, mẻ lưới,… cùng ngư dân ra đồng thu về những mẻ cá tôm đầu tiên, giúp bà con vùng lũ có thêm thu nhập.
Những tay lưới dính đầy cá đồng của ngư dân vùng lũ huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Huyện Hồng Ngự được xem là địa phương đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, nơi nước lũ về sớm và nhiều nhất. Năm nay, dù con nước về muộn hơn và lũ cũng thấp hơn vài năm trở lại đây, nhưng người dân nơi đây vẫn phấn khởi, háo hức chuẩn bị dụng cụ sẵn sàng cho cuộc mưu sinh.
Giăng lưới bắt cá đồng mùa nước nổi
Dù tất bật với nghề phụ hồ, nhưng từ khi nước lũ tràn các cánh đồng, anh Tô Văn Khang ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) tranh thủ lúc nhàn rỗi giăng lưới đánh bắt cá đồng.
Chạng vạng tối, anh Khang mang theo hơn chục tay lưới dày (lưới mắt nhỏ từ 2 – 3,5 phân) cùng chiếc xuồng nhỏ đi tìm nơi nước ngập sâu, nhiều cá để “bủa lưới”. 4 giờ sáng, anh Khang bắt đầu chống xuồng đến địa điểm hôm trước để cuốn lưới.
Những tay lưới dính đầy các loại cá đồng khiến niềm vui rạng rỡ hiện lên khuôn mặt đen nhẽm của người nông dân quanh năm làm quen với mưa nắng, nhọc nhằn vùng biên giới.
Video đang HOT
Theo anh Khang, đi làm phụ hồ nhiều cực nhọc, nhưng khi thả lưới trên đồng và tự tay thu về những mẻ cá đầy ắp đã giúp anh có những phút giây thư thả sau một ngày lao động mệt nhoài.
“Giăng lưới bắt cá vừa có niềm vui vừa có tiền sống qua ngày. Mỗi ngày giăng lưới không chỉ bán cá kiếm được vài chục đến hơn 100 ngàn đồng, mà còn có thức ăn khỏi tốn tiền chợ. Dù nước mới tràn đồng nhưng những ngày qua giăng lưới được nhiều cá. Mong là năm nay nước lũ về nhiều, kéo theo nhiều cá tôm để người dân xứ mình “sống khỏe” với lũ…” – anh Tô Văn Khang cho biết.
Dù đã gần 60 tuổi, nhưng mùa nước nổi năm nay, ông Trần Văn Khá ở xã biên giới Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cũng đã chuẩn bị trên 40 tay lưới để đánh bắt cá mưu sinh. Theo nghề “bà cậu” nhiều năm qua, có năm gia đình ông Khá khấm khá khi lượng thủy sản về đồng nhiều, nhưng cũng có năm thu nhập chỉ để sống qua mùa nước nổi.
Mùa lũ năm nay nước lên chậm, nhưng qua mấy ngày thả lưới thu về lượng cá ổn định, ông Khá kỳ vọng năm nay sẽ là “mùa lũ đẹp”. Vừa thu lưới về nhà cũng là lúc trời vừa sáng, ông Khá và vợ tranh thủ gỡ cá để mang đi bán cho kịp phiên chợ sáng.
Ông Trần Văn Khá chia sẻ: “Gần 1 tuần nay, giăng lưới thấy lượng cá nhiều hơn mọi năm. Nước mới tràn đồng mà lượng cá như thế này thì ngư dân chúng tôi phấn khởi lắm. Có ngày, tôi thu về hơn chục ký cá các loại, ngày ít thì cũng 7-8kg. Bán cho thương lái, mỗi ngày cũng kiếm được từ 200 – 300 ngàn đồng. Mong vài ngày tới nước sẽ lên nhiều và cá cũng về nhiều để những người hành nghề câu lưới được bội thu”.
Để đánh bắt dài lâu, các ngư dân đều chọn những tay lưới có mắc lưới lớn, chấp nhận lượng cá thu về rất ít sau hàng giờ đồng hồ ngâm mình dưới dòng nước lũ. Bởi, họ ý thức được rằng, đánh bắt phải đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Phương ở xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) nói: “Chính quyền địa phương, Đài truyền thanh xã cũng thường xuyên tuyên truyền về việc cấm khai thác thủy sản kiểu tận diệt, nên người dân chúng tôi cũng hiểu và tránh dùng lưới mắc nhỏ đánh bắt cá. Dùng lưới mắc lớn thì bắt được cá lớn, dù ít nhưng giá trị kinh tế cao, bán được giá hơn. Ngoài ra, cá nhỏ không dính lưới thì có cơ hội lớn lên, sinh sản tạo ra nguồn lợi thủy sản phong phú. Như vậy, đến mùa lũ năm sau mình mới còn lượng cá tôm mà đánh bắt…”.
Đa dạng nghề đánh bắt sản vật mùa mước nổi
Bên cạnh việc giăng lưới bắt cá đồng, những ngày con nước đổ về các cánh đồng cũng là lúc ngư dân hành nghề đặt lọp tôm vào mùa. Năm nay đã ở ngưỡng tuổi U60, nhưng chú Bùi Văn Phước ngụ xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) vẫn gắn bó với nghề đặt lọp tôm.
Đang chăm chú ngồi đan thêm mấy chiếc lọp mới chuẩn bị cho “mùa vụ mới”, chú cho biết: “Nước về rồi, mấy hôm nay đặt lọp thấy có tôm nên cũng hy vọng năm nay khấm khá hơn mọi năm. Kinh nghiệm nhiều năm theo nghề, tôi đoán tới tháng 8 âm lịch, khi con nước “quay” (nước đổ về nhiều) thì tôm sẽ về nhiều nên tranh thủ làm thêm vài chục cái lọp mới. Hiện lọp đan sẵn được bày bán rất nhiều ở các chợ, nhưng chỉ có lọp mình tự tay làm ra mới “dính” được nhiều tôm”.
Theo từng năm, lượng tôm cũng ngày càng cạn kiệt trước hoạt động đánh bắt tận diệt của con người nên người theo nghề đặt lọp tôm càng gặp khó. Nhưng cứ hễ nước tràn đồng, những người theo nghề đặt lọp tôm như chú Phước lại cảm thấy nôn nao trong lòng và tràn đầy hy vọng mùa cá tôm đầy ắp.
Khi con nước tràn đê cũng là thời điểm lý tưởng cho những tay “cần thủ” chuyên câu ếch vào mùa hoạt động. Chỉ với 1 chiếc cần câu dài khoảng 3 – 4m kết hợp mồi câu là ốc bưu vàng và một chiếc bồng để chứa “chiến lợi phẩm” là mỗi cần thủ đã có thể ra đồng câu ếch.
Anh Nguyễn Văn Mê, người có “thâm niên” gần chục năm theo nghề câu ếch đồng mùa lũ ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết: “Săn ếch đồng khó thì không khó mà dễ cũng không dễ, hơn nhau là do mình biết chọn điểm ếch trú ẩn và kỹ thuật khi câu. Làm lâu năm, có kinh nghiệm thì câu được nhiều ếch, mới vô nghề thì câu vẫn được nhưng không nhiều ếch bằng người khác… Chỉ cần đi câu từ 2, 3 tiếng đồng hồ là kiếm được số lượng ếch đồng đủ bữa ăn. Còn với người chuyên câu ếch đồng để bán, mỗi ngày bình quân cũng câu khoảng 3-4kg ếch đồng”.
Theo kinh nghiệm nhiều năm câu ếch đồng của anh Mê, người đi câu thường chọn những lùm cây rậm rạp cạnh sông – nơi có luồng nước chảy nhẹ để thả cần, vì đây là địa điểm có thức ăn nhiều, ếch sẽ tìm về trú ẩn.
Câu ếch đồng cũng đơn giản, người câu chỉ cần nhấp mồi lên xuống để dụ ếch. Vì đặc tính háo ăn, nên thấy mồi động đậy, ếch đồng sẽ nhanh chóng “đớp mồi”. Đầu mùa nước, ếch thường không to, nhưng do là ếch đồng tự nhiên nên thịt chắc, ngon, nhờ vậy giá bán cũng khá cao so với ếch nuôi.
Anh Nguyễn Văn An ngụ xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, hàng ngày, anh làm thuê kiếm sống. Tuy nhiên, gần chục ngày nay thấy con nước đã tràn bờ, ếch đồng phát triển nhiều, nên anh tranh thủ những lúc rảnh vót cần cần câu đi câu ếch.
Thú vị nghề đẩy lưới, xúc rận nước ở Đồng Tháp trong mùa nước nổi
Mùa nước nổi mang theo lượng phù sa về đồng ruộng cũng là mùa rận nước - nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao dành cho các loại cá giống, cá bột - sinh sôi nảy nở.
(Ảnh minh họa: Công Mạo/TTXVN)
Khi con nước từ thượng nguồn bắt đầu đổ về, bên cạnh việc mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản, người dân đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp còn kiếm thêm thu nhập từ một loài giáp xác nước ngọt, nhỏ li ti - rận nước.
Năm nay, việc khai thác rận nước cũng khó khăn hơn, bởi hiện tại, mực nước tràn đồng khá thấp, người dân phải linh hoạt với những dụng cụ phù hợp với con nước thấp để bắt rận nước.
Trời hửng sáng, trên cánh đồng biên giới tỉnh Đồng Tháp, vợ chồng anh Võ Văn Hơn ngụ xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự tất bật cho những lượt đẩy lưới cuối cùng.
Hơn 20 năm trong nghề, anh Hơn cho biết mỗi khi vào mùa nước nổi, vợ chồng anh lại ngược xuôi từ đồng này sang đồng khác để "hành nghề." Dù không phải là nghề chính nhưng việc xúc rận nước cũng giúp gia đình có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống trong những tháng lũ về.
Anh Hơn chia sẻ rận nước là sinh vật phù du thường có nhiều ở ao hồ, trũng nước hay những cánh đồng ngập lũ, nước không chảy xiết.
Các năm trước, vào thời điểm này, mực nước trên đồng lên cao, bà con có thể dùng ghe, xuồng và tận dụng sức máy để kéo rận nước trên cánh đồng rộng. Nhưng năm nay nước thấp, mới chỉ tràn một số cánh đồng ở "khu vực lòng chảo" hoặc khu vực bãi bồi nên địa bàn hoạt động của bà con cũng bị thu hẹp. Mặt khác, bà con phải dùng vợt đẩy bằng tay để ứng phó với những đồng cạn.
Anh Hơn cho biết theo kinh nghiệm, muốn biết nơi nào có nhiều rận nước, phải dùng một chiếc vợt nhỏ để thăm dò. Sau đó, dùng vợt lưới có đường kính miệng lớn, dài hơn chục mét để kéo; lưới kéo rận nước được may bằng lưới cước mỏng, mềm và rất nhặt.
Giữa vợt có một giàn lượt, ngăn rong tảo lọt vào, chỉ rận nước mới lọt qua. Cuối lưới vợt có miệng cột chặt, khi kéo xong mở xổ lưới ra, đổ rận nước vào thùng.
Rận nước, còn gọi là con đỏ hay trứng nước, là một loài giáp xác nước ngọt, nhỏ li ti. Mùa nước nổi mang theo lượng phù sa về đồng ruộng cũng là mùa rận nước sinh sôi, nảy nở. Đây là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao dành cho các loại cá giống, cá bột nên được các thương lái tìm mua.
Với tay đong rận nước giao cho thương lái, chị Võ Thị Kim Thoa ở xã Long Khánh A nói cứ tờ mờ sáng là việc thu hoạch rận nước đã hoàn tất.
Công việc này đúng kiểu "lấy công làm lời," tuy không đầu tư nhiều, ít tốn chi phí, nhưng đổi lại, người làm nghề phải ngâm mình trong dòng nước và sử dụng sức để đẩy hay kéo.
Theo chị Thoa, đa phần công việc dưới nước đẩy lưới đánh bắt sẽ do đàn ông đảm nhận. Sau khi đẩy lưới, rận nước được các chị phân chia vào trong cái túi nylon có khối lượng định sẵn, khoảng 1-2 kg/túi, giao cho thương lái đi tiêu thụ các nơi trong và ngoài tỉnh.
Chị Thoa nói thêm rận nước kéo lên bờ phải đong ngay vào túi, rồi dùng nước đá đông lạnh, để không bị ươn. "Thứ này dễ ươn lắm."
Hiện có giá bán 5.000-6.000 đồng/kg, với 2 công lao động, mỗi ngày gia đình chị có thu nhập vài trăm nghìn đồng.
Anh Nguyễn Trường Sơn ở huyện Hồng Ngự nhớ lại thời điểm này các năm trước, anh đã có mặt trên cánh đồng Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự để tìm rận nước. Bởi lẽ, "khi con nước tràn đồng và ngập đến thắt lưng mới là thời chính vụ của con rận nước. Sản lượng khi đó nhiều, có ngày thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Năm nay thì chờ nước."
Với người dân miền Tây, 3 tháng mùa nước nổi không còn là nỗi lo, trái lại bà con mong con nước thượng nguồn đổ đồng để bắt đầu mưu sinh. Dẫu còn lắm nhọc nhằn nhưng đó là nguồn thu nhập đáng kể cho bà con ở vùng đầu nguồn trong những tháng nông nhàn.
TP HCM: Trồng hoa lan cắt cành màu sắc mới lạ, đất chật nhưng nông dân ven đô vẫn kiếm bộn tiền Thời gian qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh tận dụng quỹ đất ít ỏi để trồng hoa lan, nhất là cây hoa lan Mokara đem lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận mang lại nhiều. Hoa lan được đánh giá là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với sự phát triển nông...