Đồng Nai tích cực phối hợp chặt chẽ với đoàn công tác của Bộ Y tế để khống chế dịch
Sáng 12/7/2021, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kiểm tra thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Đồng Nai.
Cùng tham dự với đoàn, có GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo 1 số bộ, ngành trung ương.
Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng và đã thực hiện Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7/2021 trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước khi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kiểm tra công tác chuẩn bị đưa BV Dã chiến số 3 đặt tại Trường Đại học Mở TP HCM cơ sở 3, bệnh viện này dự kiến khoảng 500 giường và sẽ được đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Được biết, tỉnh Đồng Nai đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến là nơi tiếp nhận các ca mắc COVID-19 nhẹ. Với 3 bệnh viện dã chiến được thành lập, tỉnh này sẽ có 1.150 giường.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra Bệnh viện Dã chiến số 3 Đồng Nai
Tính đến trưa ngày 12/7/2021, số ca mắc COVID-19 mới từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay là 399 ca, trong đó 136 ca ghi nhận tại cộng đồng và 231 ca trong các khu cách ly, phong tỏa. TP Biên Hòa cao nhất với 127 ca, tập trung tại các phường: Hoá An, Tân Biên, Hoà Bình, Long Bình Tân, Phước Tân , Hố Nai, Tân Hoà.
Video đang HOT
Tiếp đến là huyện Thống Nhất với 104 ca, tập trung ở các xã Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3. Thứ ba là huyện Nhơn Trạch với trên 60 ca, tập trung tại xã Long Tân.
Lãnh đạo ngành y tế Đồng Nai nhận định, đã có sự lây nhiễm cộng đồng tại Đồng Nai với nguồn lây nhiễm từ các ca dương mới trong thế hệ F1, F2, F3 cùng với nguồn lây từ các chợ và người về từ TP.HCM.
Tốc độ lây nhiễm nhanh và có xu hướng lan rộng ở các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Nguy hiểm nhất là dịch đang lây nhiễm vào các khu nhà trọ cho người lao động, doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Đã ghi nhận các ca COVID-19 ở 2 doanh nghiệp quy mô lớn, có số lượng lao động từ 10.000 – 20.000 người tại TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói đã kích hoạt tổ COVID cộng đồng tại khu dân cư, đoàn công tác của Bộ Y tế đã kịp thời vào giúp Đồng Nai kịp thời khoanh vùng truy vết. Với sự góp ý của đoàn, Đồng Nai đồng ý cho công nhân ở lại trong doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất, nếu doanh nghiệp đủ điều kiện.
BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, hiện nay các tỉnh xung quanh Đồng Nai như Bình Dương, TP. HCM đã thực hiện Chỉ thị 16, cộng với tỉnh cũng đã thực hiện Chỉ thị 16, có khả năng dập được dịch trong 1 tháng nếu làm quyết liệt và có sự đồng lòng của người dân
Ông Nguyễn Đức Sơn, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai, tỉnh có 1,2 triệu công nhân. Nhiều nhà máy không có nhà ký túc xá. Công nhân ở các nhà trọ. Lo nhất công nhân ở đan xen với các công nhân công ty khác nên nếu có 1 doanh nghiệp có công nhân mắc COVID sẽ rất nguy hiểm.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh Đồng Nai không chủ quan, không lơ là, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập nhưng cũng cần quan tâm đến đời sống người dân. Tỉnh phải lưu ý khai báo y tế đơn giản và phù hợp thuận tiện cho người dân, chú trọng ứng dụng CNTT trong khai báo y tế
Đối với các khu công nghiệp, cần phải quan tâm chống dịch tại KCN thực hiện khoa học và nghiêm túc, không để giãn đoạn trong sản xuất
“Tỉnh tăng cường 4 tại chỗ và kịch bản ứng phó tùy tình hình cụ thể, đồng thời dự báo số ca bệnh mới tăng thêm để có kế hoạch ứng phó”, GS Thuấn nói.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Đồng Nai đã thực hiện Chỉ thị 16 thì bằng mọi cách phải thực hiện nghiêm túc.
Cần có kịch bản xấu hơn, kiểm soát chặt chẽ không chỉ ở điểm dịch mà còn phải kiểm soát người ra vào.
Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, áp dụng công nghệ để truy vết. Chú ý chăm lo đời sống người dân, đặc biệt quan tâm đối với những người yếu thế.
Vấn đề xét nghiệm dứt khoát không được tập trung đông người, linh hoạt xét nghiệm ngay tại nhà dân khi tiếp nhận qua đường dây nóng. Chú ý nơi nào xét nghiệm trước, tập trung làm nhanh, trả kết quả nhanh, không để lãng phí.
“Nhanh, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, và phải chính xác”, Phó Thủ tướng lưu ý.
3 nhóm giải pháp để đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong khu công nghiệp, khu cách ly tập trung tại Đồng Nai
Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 10/7, Tổ hỗ trợ công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trong buổi sáng ngày 10/7, đoàn công tác do Ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Công ty TNHH Kureha, Công ty Cổ phần Trung Đông và các khu cách ly tập trung tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra tại Đồng Nai
Cùng ngày, đoàn kiểm tra đi đến khu cách ly trường mầm non Sơn Ca, huyện Tân Phú. Đoàn đánh giá khu cách ly đã tương đối đáp ứng các quy định trong Quyết định 878/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 12/3/2020.
Qua buổi làm việc với các đơn vị, Tổ công tác đã đưa ra những giải pháp đáp ứng công tác an toàn phòng COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu cách ly tập trung.
Thứ nhất, đối với hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm, địa phương cần sớm có kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm nhanh và tổ chức lấy mẫu cho công nhân theo đúng quy định trong quyết định 2787/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Thứ hai, đối với hoạt động phòng, chống dịch trong khu cách ly tập trung trên địa bàn huyện Tân Phú: cần giám sát, điều tiết/phân luồng cho đối tượng cách ly, tránh tập trung đông người gây lây nhiễm chéo; Bổ sung nhiệt kế theo dõi nhiệt độ cho đối tượng cách ly hoặc cho từng phòng để tự theo dõi sức khỏe, giảm thiểu tiếp xúc của nhân viên y tế với các đối tượng cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; Hạn chế nhận đồ tiếp tế từ bên ngoài, gây phát sinh lượng lớn chất thải nguy hại cần phải xử lý và tránh liên quan đến an toàn thực phẩm; Trang bị thêm loa cầm tay cho khu cách ly để tiện thông báo, nhắc nhở trong khu cách ly.
Ngoài ra, Tổ công tác đã đề nghị với Ban chỉ đạo huyện Tân Phú Thành lập các tổ COVID cộng đồng và tổ giám sát khu cách lý để kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 hàng ngày và báo cáo về Ban chỉ đạo; xây dựng kịch bản phòng, chống dịch của huyện để đáp ứng trường hợp số lượng người nhiễm COVID tăng lên; bổ sung nâng cao năng lực xét nghiệm COVID, cần thiết có thể có phương án huy động tất cả các phòng khám tư nhân trong huyện; tổ chức tập huấn theo quyết định 2787/QĐ-BYT về việc Đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, do đặc thù địa lý, huyện Tân Phú cần thực hiện theo công văn 5389/BYT-MT về việc tiếp nhận người từ TP.HCM về địa phương.
Thứ ba, đối với hoạt động phòng, chống dịch trong cơ sở sản xuất kinh doanh: các công ty được kiểm soát cần xây dựng lại kế hoạch, phương án phòng, chống COVID-19 chi tiết đối với những tình huống cần xử trí khi có trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; cần kiểm soát các xe chở nguyên vật liệu, chở hàng và cung cấp thực phẩm tới công ty; có phương án cho công nhân ở lại công ty khi có dịch xảy ra để giảm nguy cơ "đứt gãy" sản xuất, khi đó, công ty cần bố trí chỗ nghỉ cho người lao động ở lại trong công ty và thiết lập các công trình vệ sinh di động, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người lao động; thực hiện xét nghiệm cho người lao động theo Quyết định 2787/QĐ-BYT. Ưu tiên nhóm các đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên bếp ăn, bảo vệ và người lao động ở trọ; tổ chức ký cam kết với 100% người lao động trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, khu cách ly tập trung, Tổ công tác đề nghị đối với Ban chỉ đạo tỉnh thành lập các tổ kiểm tra khu cách ly tập trung, khu công nghiệp hàng ngày và có báo cáo kết quả thực hiện về BCĐ tỉnh. Hỗ trợ, bổ sung phương tiện vận chuyển mẫu xét nghiệm, phục vụ hoạt động xét nghiệm cho các khu vực miền núi, vùng sâu/vùng xa trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện tốt công tác xét nghiệm nhanh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch sớm tổ chức tập huấn về lấy mẫu xét nghiệm nhanh và thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp.
Sáng 9/7: Thêm 425 ca mắc COVID-19, TP Hồ Chí Minh chiếm đến 350 ca Bản tin dịch COVID-19 sáng 9/7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 425 ca mắc COVID-19, trong đó 2 ca nhập cảnh cách ly ngay; 423 ca còn lại ghi nhận trong nước. TP Hồ Chí Minh tiếp tục nhiều nhất với 350. Gần 4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm tại Viêt Nam. Thông tin diễn biến...