Đồng Nai: Học sinh lớp 12 học kiến thức mới trên truyền hình từ ngày 23/3
Ngày 21/3, Sở GD-ĐT Đồng Nai đã có văn bản gửi các cơ sở GD trên địa bàn về tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ học do dịch COVID-19.
Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các cơ sở tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn của Sở GD-ĐT vào ngày 12/3 về tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình cho học sinh, học viên, trong đó chú trọng:
Thông tin rộng rãi cho học sinh tiểu học, THCS về lịch phát sóng các chuyên đề ôn tập, học tập để các em tham gia học tập trên truyền hình;
Với học sinh khối 12 sẽ học trên truyền hình các kiến thức mới của học kỳ 2 các môn Toán, Văn, tiếng Anh, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Giáo dục công dân bắt đầu từ ngày 23/3 theo lịch thông báo của Sở GD-ĐT đã đăng tải.
Đài Phát thanh-Truyền hình Đồng Nai phối hợp với Sở GD-ĐT sản xuất các chương trình ôn tập cho học sinh. Ảnh Sở GD-ĐT Đồng Nai
Sở yêu cầu các đơn vị rà soát, tinh giản nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng dẫn tại công văn số 4612 của Bộ GD-ĐT để tổ chức dạy học qua internet, truyền hình một cách phù hợp. Trong quá trình triển khai thực hiện cần tham khảo, sử dụng nguồn học liệu tin cậy chuẩn xác để tổ chức dạy học và ôn tập cho học sinh.
Video đang HOT
Từng đơn vị chủ động lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế. Trong đó đặc biệt chú ý đến các điều kiện đảm bảo tổ chức dạy học internet có chất lượng.
Học sinh ôn tập tại nhà trong thời gian nghỉ phòng dịch. Ảnh minh hoạ
Các đơn vị tiếp tục phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh, học viên thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động của học sinh, học viên thông qua internet, trên truyền hình; nhận xét và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của học tập đã giao cho học sinh.
Khi học sinh đi học trở lại các đơn vị tổ chức ra soát đánh giá kết quả học tập qua internet, truyền hình. Từ đó hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung, kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Dạy- học từ xa: Không để học sinh thiệt thòi, hổng kiến thức
Văn bản hỏa tốc mới đây nhất của Bộ GDĐT gửi các địa phương yêu cầu tăng cường dạy học qua truyền hình, internet và công nhận kết quả thông qua đánh giá của giáo viên.
Dẫu thế, giải pháp này có hiệu quả và được như mong đợi hay không còn phụ thuộc phần lớn vào ý thức, sự tự giác của học sinh (HS), cùng với đó là vai trò giám sát của phụ huynh và sự kết nối từ phía nhà trường.
Mục tiêu quan trọng nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng cho HS.
Giám sát chặt chẽ
Kể từ khi HS cả nước phải kéo dài thời gian nghỉ sau Tết do dịch Covid-19, nhiều địa phương đã tổ chức ôn tập trực tuyến cho HS. Trong đó, Hà Nội là địa phương đã đưa bài giảng trực tuyến lớp 9 và lớp 12 lên sóng truyền hình để giúp bổ trợ kiến thức cho HS ôn thi vào lớp 10 THPT và tốt nghiệp THPT quốc gia.
Tuy nhiên thực tế thời gian vừa qua cho thấy, việc dạy và học trực tuyến còn nhiều bất cập, vẫn trong tình trạng "mạnh ai nấy làm". Theo chia sẻ của các giáo viên (GV), khó khăn lớn nhất của việc dạy học từ xa chính là phương pháp kiểm tra, đánh giá HS.
Trước những băn khoăn trên, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GDĐT) cho hay: Có 2 hình thức dạy - học từ xa là dạy qua internet và trên truyền hình. Với việc dạy qua internet, GV dễ dàng hơn trong việc xây dựng bài giảng, giao nhiệm vụ cho HS và theo dõi được quá trình học tập của HS; HS sẽ phải trả bài theo nhiệm vụ học tập. Trong suốt quá trình dạy, GV có thể theo dõi và đảm bảo việc dạy học qua hình thức này là thực chất, hiệu quả. Còn đối với việc dạy học qua truyền hình, sẽ khó khăn hơn trong việc giám sát quá trình học tập của HS; tương tác giữa người dạy và người học bị hạn chế, nên các địa phương sẽ buộc phải làm những việc cụ thể như: hướng dẫn, lựa chọn kỹ GV để thiết kế bài giảng, tổ chức dạy học...vì HS không có điều kiện đặt câu hỏi trực tiếp với GV...Tuy nhiên, điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin còn khác nhau ở mỗi đơn vị trường học, địa phương, nên việc dạy học trên truyền hình sẽ đáp ứng được nhu cầu học từ xa của HS ở những nơi còn khó khăn về internet.
Điều quan trọng hơn là các cơ sở giáo dục phải hướng dẫn, yêu cầu GV từng lớp, từng môn cùng tham dự giờ học trên truyền hình với HS, để sau đó hướng dẫn HS của mình thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong các giờ học trên truyền hình, đồng thời giải đáp những băn khoăn thắc mắc của HS, chấm chữa bài tập cho các em... Ông Thành cho rằng, nếu làm tốt những điều đó thì sẽ giám sát được việc dạy học có thực chất hay không. Việc phối hợp với gia đình cũng rất quan trọng để gia đình cũng quản lý được việc học từ xa của con.
Các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch
TS Lê Viết Khuyến- nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH- Bộ GDĐT cho rằng ở bối cảnh dịch bệnh như hiện nay dạy trực tuyến và truyền hình là cần thiết. Tuy nhiên, không phải vùng nào, nhà trường nào cũng có điều kiện dạy trực tuyến vì phụ thuộc cơ sở vật chất. Chỉ đạo là như vậy nhưng khi không có đủ điều kiện, không nên cố để dạy trực tuyến bằng mọi giá. Theo ông Khuyến, với học sinh phổ thông, việc nghỉ học dài ngày sẽ để lại những hệ lụy rất lớn. Do đó, nơi nào dạy học trực tuyến tốt Bộ GDĐT nên công nhận. Những nơi không có điều kiện dạy trực tuyến thì nên tổ chức dạy học qua truyền hình kiến thức cơ bản, kết hợp với các hình thức kiểm soát, đánh giá HS gián tiếp theo từng trường, từng lớp.
Đại diện Bộ GDĐT cho biết có thể công nhận thành quả dạy học trực tuyến, dạy từ xa ở bậc phổ thông trong thời gian nghỉ phòng dịch, nhưng không có nghĩa sẽ thay thế hoàn toàn việc dạy học trực tiếp ở trường.
Vậy để việc dạy học từ xa, trong đó có dạy trực tuyến được công nhận thì cần có cơ sở pháp lý thế nào? Theo ông Nguyễn Xuân Thành: Đối với bậc phổ thông, việc dạy học chính thức tại trường mang tính bắt buộc nên cơ sở pháp lý quy định cụ thể việc áp dụng dạy từ xa, dạy trực tuyến thay thế dạy trực tiếp ở trường chưa có. Tuy nhiên, ở khía cạnh chuyên môn, những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GDĐT đủ để các trường có thể vận dụng triển khai việc dạy từ xa trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, muốn được công nhận việc dạy học từ xa, trong đó có dạy học trực tuyến, các nhà trường phải triển khai việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Nội dung này quy định trong hướng dẫn 791/HD-BGDĐT ban hành năm 2013, công văn 4612/BGDĐT ban hành năm 2017 và nội dung nhiệm vụ năm học. Các trường có trách nhiệm báo cáo cơ quan quản lý giáo dục cấp trên về kế hoạch này và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục khi triển khai. Đồng thời thông tin công khai, minh bạch cho phụ huynh, HS toàn trường, cán bộ, GV nhà trường để nắm tình hình, cùng phối hợp thực hiện.
Theo ông Thành, sau khi HS đi học trở lại, trường hợp kiểm tra đánh giá thấy kết quả học trực tuyến, truyền hình chưa đạt yêu cầu thì mỗi GV, nhà trường căn cứ vào đó để dạy ôn tập lại cho HS, tránh việc các em bị thiệt thòi, hổng kiến thức. Bộ đã điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học để các địa phương có đủ quỹ thời gian cần thiết áp dụng cho mọi tình huống, mọi trường hợp. Mục tiêu số 1 của dạy học là trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh đảm bảo các em được dạy đủ, dạy đúng nội dung chương trình để có kiến thức lên lớp, đáp ứng các kỳ thi cuối năm, thi tuyển sinh. Ông Thành tin tưởng rằng việc xây dựng kế hoạch cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ thì dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền sẽ quản lý được chất lượng.
Không thu tiền học online
Sở GDĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã, các trường THPT tăng cường chỉ đạo, quản lý việc dạy học của GV, HS trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19. Theo đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhà trường có thể tiến hành dạy học online cho HS. Tuy nhiên, nhà trường cần xây dựng kế hoạch, thẩm định nội dung các bài giảng theo đúng quy định. Quá trình tổ chức dạy học online phải bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm, có chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào của HS, phụ huynh HS, kể cả việc ban đại diện cha mẹ HS huy động đóng góp để hỗ trợ cho nhà trường, GV.
Dung Hòa (daidoanket.vn)
Lùi kỳ thi THPT quốc gia đến ngày 8/8 Khoảng 900.000 học sinh lớp 12 sẽ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học vào ngày 8-11/8, theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các tỉnh thành ngày 13/3, kế hoạch năm học 2019-2020 tiếp tục được điều chỉnh do Covid-19 diễn biến phức...