Đồng Nai đang đưa thêm gần 20.000 lao động về quê
Ngày 5-10, các lực lượng chức năng Đồng Nai phối hợp tổ chức đưa gần 20.000 lao động trên địa bàn về quê ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây bằng xe máy.
Cảnh sát giao thông Đồng Nai dẫn đoàn đưa người dân về Lâm Đồng và các tỉnh miền Trung sáng 5-10 – Ảnh: A LỘC
Ngay từ sáng sớm, dòng người chạy xe máy khắp các ngõ nườm nượp đổ về khu vực sân vận động Đồng Nai (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) chờ lực lượng chức năng dẫn đoàn về quê. Đa phần trong đó là công nhân, lao động quê ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đang làm việc tại Đồng Nai.
Sau khi tập trung, người dân được chia thành các nhóm nhỏ có chung tuyến đường về quê để tiện dẫn đoàn, hỗ trợ và kiểm soát trong suốt quãng đường. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát thức ăn nhanh, nước uống, bánh, sữa cho người dân ăn dọc đường.
Chứng kiến những đứa trẻ nheo nhóc lọt thỏm giữa các túi đồ lỉnh kỉnh theo cha mẹ hồi hương, nhiều người không cầm được nước mắt. Nhiều nhà hảo tâm đã tăng thêm quà và tiền cho những gia đình này.
“Tôi không có nhiều tiền, chỉ phát cho mỗi người 100.000 đồng để phụ thêm tiền đổ xăng trên hành trình về quê, mong sao mọi người đều bình an” – chị Hiên, một nhà hảo tâm, nói.
Lực lượng công an tặng thức ăn nhanh, nước uống cho người về quê – Ảnh: A LỘC
Chia sẻ về lý do về quê, anh Nguyễn Nhân Da – quê Quảng Bình – cho biết 3 tháng nghỉ việc nhưng các chi phí nhà trọ, ăn uống, điện nước vẫn phải chi thường xuyên nên cạn kiệt tiền bạc. Cuộc sống khốn khó cộng với việc chưa biết lúc nào công ty hoạt động lại nên anh đành chọn về quê trước. Anh Da khẳng định hết dịch sẽ trở lại làm việc, bởi đã gắn bó mảnh đất này hơn 10 năm nay.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Lan – quê Bình Thuận – bộc bạch chồng chị mới mất do COVID-19. Thất nghiệp và không có thu nhập, chị cùng 2 con nhỏ nương tựa nhau cố gắng bám trụ hơn 3 tháng nay. Do đó, khi cơ quan chức năng thông báo cho về, chị liền sắp xếp đưa 2 con nhỏ về nhà. Đường về quê vẫn dài, chỉ khác lần này chị phải lái xe chở con thay chồng.
Tại buổi đưa người dân về quê, đại tá Trần Tiến Đạt – phó giám đốc Công an Đồng Nai – dặn dò người dân cố gắng bám sát đoàn để đường về quê thuận lợi hơn. Ông gửi lời chúc mọi người lên đường bình an và sớm quay lại Đồng Nai lao động sản xuất khi dịch bệnh yên ổn.
Nhiều trẻ nhỏ theo cha mẹ về quê bằng xe máy – Ảnh: A LỘC
Đúng 9h, xe dẫn đoàn lăn bánh, hàng ngàn chiếc xe máy từ từ chạy theo phía sau, trên khuôn mặt đăm chiêu của nhiều người dần giãn ra, ánh mắt chứa thêm tia phấn khởi. Nhiều người vẫy tay chào lực lượng chức năng và người dân 2 bên đường, miệng không quên hô lớn “hẹn gặp lại”.
Thượng tá Trần Trọng Thủy – phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Đồng Nai – cho biết trong ngày, các lực lượng chức năng sẽ đưa gần 20.000 công nhân tại TP Biên Hòa và TP Long Khánh về quê. Ngoài ra, nhiều người dân cũng đứng đợi dọc các tuyến đường để nhập đoàn về quê.
Như vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, lực lượng chức năng đã dẫn đoàn đưa gần 35.000 công nhân lao động tại Đồng Nai có quê ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây về nhà bằng phương tiện cá nhân. Ngoài ra, Sở Lao động – thương binh và xã hội Đồng Nai cũng phối hợp tỉnh bạn đưa thêm gần 10.000 lao động về quê bằng xe khách.
Vẻ mặt đăm chiêu của người dân trước giờ lên đường hồi hương – Ảnh: A LỘC
Video đang HOT
Đa phần người về quê đợt này là công nhân lao động trên địa bàn Đồng Nai mất việc hơn 3 tháng nay do dịch bệnh – Ảnh: A LỘC
Nhiều người vẫy tay chào khi xuất phát về quê cùng gia đình – Ảnh: A LỘC
Tăng hỗ trợ để bà con ở lại
Hàng ngàn người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê những ngày qua đang tạo ra khó khăn cho các tỉnh trong kiểm soát dịch bệnh và đặt ra vấn đề quan trọng là sẽ thiếu hụt lao động sắp tới.
Làm sao để bà con yên tâm ở lại thay vì về quê?
Cô Mai Thị Sáng vui mừng nhận tiền của gói hỗ trợ đợt 3 tại phường 12, quận 3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Đây là vấn đề rất quan trọng được nêu ra những ngày qua. Tuổi Trẻ phỏng vấn các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và chuyên gia để tìm lời giải.
* Ông Lê Tấn Dũng (thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH):
Một đồng khi thiếu cũng rất cần
Hiện nay bộ đang chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan để có những giải pháp ổn định thị trường lao động và giữ chân người lao động ở lại TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Trước mắt, các địa phương cần triển khai có hiệu quả nghị quyết 68, quyết định 23 (gói 26.000 tỉ đồng), nghị quyết 116 và quyết định 28 (gói 30.000 tỉ đồng) để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, khi giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng thì ít nhiều hỗ trợ cho người dân như cách TP.HCM đang triển khai gói hỗ trợ thứ 3 cũng giúp bà con có nhiều lựa chọn khi chi tiêu, nhất là khi các dịch vụ ở TP đang dần mở trở lại. Số tiền không nhiều nhưng giúp người dân chi tiêu thuốc men, nhu yếu phẩm... do phần lớn cạn kiệt nguồn tích lũy.
Người dân cần sớm được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và được hỗ trợ tâm lý do ảnh hưởng của giãn cách xã hội kéo dài. Tiếp nữa, chính quyền đảm bảo vấn đề an sinh xã hội để bà con yên tâm ở lại, bắt đầu từ việc cung cấp nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, rau củ...
Bên cạnh đó, các địa phương cần sớm đảm bảo vùng xanh an toàn phòng dịch để đón công nhân trở lại, song song với việc doanh nghiệp thông tin công khai, cụ thể thời gian sản xuất trở lại để người lao động yên tâm. Ngoài ra, các địa phương cần có chính sách thống nhất như việc phối hợp thông tin lao động di chuyển tới nơi sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
* Ông Vũ Trọng Bình (cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH):
Doanh nghiệp nên chung tay chia sẻ
Cần tiêm vắc xin ưu tiên cho khu công nghiệp, địa bàn trọng điểm, ngành trọng điểm... Có thể phủ vắc xin theo từng khu công nghiệp một để phục hồi sản xuất. Khi phục hồi sản xuất thì người lao động sẽ ở lại làm việc, số người về quê sẽ giảm dần.
Bên cạnh đó, người lao động đang rất khó khăn do tích lũy cạn kiệt, chưa được nhận ngay lương thưởng, nỗi lo mắc COVID-19... Do đó doanh nghiệp cần chủ động có chính sách hỗ trợ cho người lao động trong thời gian chưa thể trở lại nhà máy, nhà xưởng.
Anh Tài (37 tuổi, quê Sóc Trăng), làm công nhân may thời vụ, cả gia đình anh gồm 5 người được hỗ trợ trong đợt 3 - Ảnh: DUYÊN PHAN
* TS Trương Minh Huy Vũ (thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM):
Cần 2 thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền
Lúc này chính quyền các địa phương lâu nay thu hút nhiều lao động cần nêu rõ thông điệp: giãn cách xã hội nếu có quay trở lại khu vực sản xuất cũng sẽ không đóng lại mà chỉ giới hạn những hoạt động về dân sinh thôi.
Vì thế, trước đây và hiện nay chính quyền TP.HCM đang đưa ra thông điệp kêu gọi người dân ở lại, chính quyền sẽ tiêm vắc xin và lo an sinh thì bây giờ thông điệp trong bối cảnh mới là kêu gọi người dân từ các tỉnh về TP sẽ được tiêm vắc xin và đảm bảo việc làm trong dài hạn.
* Ông Lê Nhật Quang (phó giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM):
Có giải pháp đảm bảo an toàn "đất lành chim đậu"
Quy tắc "đất lành chim đậu" vẫn rất đúng lúc này, nếu người lao động thấy an toàn, có lợi ích tự nhiên họ sẽ ở lại. Vì thế, trước mắt cần tập trung đẩy mạnh tiếp tục việc tiêm đủ liều vắc xin, đảm bảo an sinh, nơi ở tại địa phương và tại doanh nghiệp. Mặt khác, có kế hoạch cụ thể công khai về việc đảm bảo công ăn, việc làm.
Về lâu dài, cả doanh nghiệp và người dân cần sự thống nhất, ổn định và dự báo được trước để tính toán bước vào giai đoạn "bình thường mới". Chính quyền cần lên nhiều kịch bản đối phó theo quy tắc "nếu... thì". Có như vậy chúng ta sẽ không thụ động và sẽ tránh sự hoang mang, mơ hồ trong thông tin, tạo tác động tích cực trong xã hội.
* Ông Trương Chí Thiện (tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt):
Tăng phúc lợi cho người lao động
Để giữ chân 60% nguồn lực lao động còn lại hiện nay, ngoài mức thưởng 3 triệu đồng/người cho người còn ở lại làm việc thì mức lương cùng các chính sách chăm lo đời sống khác cũng được công ty cam kết giữ nguyên cho người lao động.
Để có được kết quả này, phòng nhân sự và ban giám đốc của công ty đã dốc sức làm công tác thuyết phục với người lao động lâu năm, vận động người có ý định xin nghỉ việc tiếp tục ở lại làm việc suốt thời gian dài vừa qua, chứ không phải đợi đến bây giờ mới bắt tay vào làm.
Tới đây, khó khăn của doanh nghiệp sẽ chưa dừng lại khi các lao động làm những phần việc đơn giản, thủ công ngày càng khó tìm, đẩy sự cạnh tranh tuyển dụng người làm giữa các doanh nghiệp thêm phần khốc liệt. Do đó nếu TP.HCM và các tỉnh không có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ trong việc tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu trở về TP làm việc, đơn giản bớt các thủ tục rắc rối phiền hà thì những tháng tới đây doanh nghiệp không biết phải xoay xở thế nào để khôi phục sản xuất.
Người dân phường 7, quận Phú Nhuận, TP.HCM nhận hỗ trợ đợt 3 - Ảnh: DUYÊN PHAN
* Ông Hồ Quỳnh Hưng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang):
Giữ chân lao động bằng việc làm
Chúng tôi vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động bằng cách vẫn tổ chức sản xuất, dù sản phẩm làm ra chưa tiêu thụ được nhiều, hàng tồn kho vẫn còn. Quá trình này được chúng tôi thực hiện trước cả khi thời điểm giãn cách siết chặt. Và lúc khó khăn nhất khi quyết định phương án "3 tại chỗ", công ty vẫn tiếp tục duy trì việc làm cho khoảng 400 lao động sản xuất như bình thường, chế độ lương vẫn giữ nguyên cùng các chính sách chăm lo về mặt tinh thần khác.
Hầu hết các doanh nghiệp đều đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời gian qua, người lao động một khi vẫn còn "chịu" ở lại đến giờ phút này phần lớn cũng đã rất cảm thông và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
* Bà Nguyễn Thị Thành (chủ nhà trọ tại huyện Hóc Môn):
Mong có hỗ trợ thêm mới trụ nổi
Ba tháng vừa rồi tôi đều giảm tiền phòng, tháng đầu 50%, tháng sau nữa 70%. Giảm vậy rồi nhưng nhiều người thuê ở đây cũng không đủ tiền nên họ đóng bao nhiêu tôi nhận bấy nhiêu.
Đợt hỗ trợ trước mỗi phòng được 1,5 triệu đồng mà không phải ai cũng được xét. Đợt này mỗi người 1 triệu đồng nhưng người ở trọ có con nhỏ thì ngoài tiền phòng, tiền điện, nước, ăn uống còn phải lo sữa, tã cho con nên vẫn còn thiếu thốn nhiều lắm.
Ở những chỗ không được bớt tiền trọ thì tiền hỗ trợ cũng chưa đủ tiền phòng trọ mấy tháng nên người dân phải về. Người đi ở trọ ít nhất phải khoảng 3 triệu đồng thì họ mới có thể tiếp tục ở lại được.
* Bà Tô Thị Bích Châu (chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM):
Ở lại để ổn định cuộc sống
TP.HCM mong muốn bà con ở lại TP. TP hiểu và chia sẻ những khó khăn, tổn thương, chấn động tâm lý mà bà con gặp phải khi bị đại dịch COVID-19 tác động. Tuy nhiên hiện nay TP đang từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, bà con hãy ở lại làm việc để ổn định cuộc sống.
Việc di chuyển về quê bằng xe máy lúc này không đảm bảo an toàn, nhất là người già, phụ nữ mang thai và trẻ em. TP.HCM cũng đã và đang có các gói hỗ trợ cho bà con. Nhiều bà con thậm chí còn chưa nhận gói hỗ trợ thứ 3 đã về quê.
Hiện nay tất cả người dân gặp khó khăn đều có thể nhận 1 triệu đồng/người, không phân biệt người lớn hay trẻ em. Không chỉ vậy, TP.HCM cũng có hỗ trợ các gói an sinh cho bà con, thậm chí còn có gói đặc biệt cho gia đình có trẻ nhỏ.
TP.HCM gấp rút chi hỗ trợ đợt 3
Lực lượng Công an quận 8 (TP.HCM) tặng gói an sinh xã hội cho công nhân lao động bị thất nghiệp ở khu nhà trọ bến Phú Định - Ảnh: TỰ TRUNG
Với tổng số người nhận hỗ trợ đã được phê duyệt khoảng 5,5 triệu người tính đến ngày 4-10, các tổ chi trả của các quận, huyện tại TP.HCM đang làm việc hết công suất để tiền hỗ trợ đợt 3 đến tay người dân nhanh nhất có thể. Ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH - cho biết bước sang ngày chi hỗ trợ thứ 4, có khoảng 1,2 triệu/5,5 triệu người dân trong danh sách phê duyệt đã nhận được hỗ trợ đợt 3, đạt hơn 20%.
Anh Trần Anh Quốc - phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Tân Thới Nhất, quận 12 - đi cùng một tổ hỗ trợ 3 người đến gõ cửa từng nhà dân đang cách ly tại nhà để trao tiền hỗ trợ đợt 3. Dọc một con hẻm nhỏ, những nhà trọ treo biển cách ly tại nhà san sát nhau. "Chỉ riêng khu phố này đã có 18 tổ với hơn 5.500 người sẽ nhận hỗ trợ đợt 3. Bắt đầu chi từ ngày 1-10, thứ bảy, chủ nhật vừa rồi ngày nào chúng tôi cũng làm tới gần 11h đêm nhưng cũng chỉ mới trao được cho khoảng 1.400 hộ. Muốn làm nhanh hết mức có thể nhưng cũng không thể nào phát cùng lúc cho tất cả mọi người được. Kinh phí về đến đâu, chúng tôi đều cố gắng chi ngay" - chị Nguyễn Thị Kim Chung, thành viên tổ chi hỗ trợ, nói.
Ông Nguyễn Hải Lâm - chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất - cho biết hiện nay phường đang tổ chức rất nhiều điểm chi khác nhau. Trong đợt 3 chỉ tính riêng phường này đã có khoảng 65.500 người sẽ nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người. "Phường có số công nhân, lao động rất đông nên số người nhận hỗ trợ khá lớn. Trong hai ngày chi hỗ trợ đầu tiên, phường đã chi cho khoảng 12.000 người. Có những điểm chi đến tận 11h-12h đêm. Phường sẽ cố gắng chi xong vào ngày 15-10. Ngoài ra phường cũng đang thực hiện hỗ trợ 630 tấn gạo cho các hộ dân" - ông Lâm thông tin.
Theo ghi nhận, hiện nay phần lớn các phường, xã tổ chức chi trả theo các điểm được bố trí trong khu dân cư để thuận lợi cho người dân. Nhiều phường đã niêm yết công khai danh sách trên website của phường để người dân nắm thông tin.
Theo thống kê, TP Thủ Đức có số lượng người nhận đã được phê duyệt nhận hỗ trợ nhiều nhất với khoảng 888.500 người, tiếp đến là quận 12 với khoảng 609.000 người, huyện Bình Chánh có khoảng 560.000 người... Với số lượng người nhận rất lớn, các quận huyện tổ chức hàng trăm đội chi để có thể kịp hoàn thành trước 15-10 là thời hạn mà UBND TP yêu cầu.
Bà Trần Huỳnh Nga - trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận Phú Nhuận - cho biết quận có số người nhận hỗ trợ ít so với các quận huyện khác nhưng số người được phê duyệt đã lên tới 94.000 người, trong khi hai đợt hỗ trợ trước chỉ khoảng 23.000 người. Còn tại quận Bình Thạnh, bà Nguyễn Thị Ngọc Loan - trưởng Phòng LĐ-TB&XH quận - cho biết quận có khoảng 314.000 người sẽ nhận hỗ trợ đợt 3. Khoảng 400 tổ chi hỗ trợ của 20 phường đang liên tục chi hỗ trợ cho người dân.
Lập danh sách riêng để chi hỗ trợ bổ sung
Ông Lê Minh Tấn cho biết những ngày đầu do các quận huyện đồng loạt chi hỗ trợ nên app cập nhật danh sách của Công ty TNHH MTV phát triển Công viên phần mềm Quang Trung bị quá tải. Nhiều nơi vẫn phải chi bằng danh sách in ra và cập nhật sau.
Với các trường hợp người dân phản ảnh sót trong quá trình chi hỗ trợ, các địa phương sẽ lập danh sách riêng và tiến hành thẩm định, phê duyệt theo quy trình để bổ sung hỗ trợ cho người dân nếu đáp ứng các điều kiện nhận hỗ trợ. "Tuy nhiên những trường hợp sau sẽ bị chậm lại" - ông Tấn cho biết.
Hàng chục nghìn người tiếp tục đổ về miền Tây, nhiều tỉnh lo bùng dịch Một số tỉnh miền Tây có đến 30.000 người về quê cùng lúc, nên các địa phương kiến nghị Chính phủ có phương án can thiệp. Trưa 3/10, dòng người chạy xe máy từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... tiếp tục đổ về miền Tây khiến cửa ngõ của nhiều địa phương bị ùn tắc cục bộ. Không kịp xét nghiệm Trao đổi...