Động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường Đại học
Nhiều điểm mới gia tăng quyền và nghĩa vụ cho giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH, Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT (Thông tư 26) của Bộ GD&ĐT được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phong trào NCKH trong các trường ĐH.
Các hoạt động thực hành, NCKH trong quá trình học của sinh viên được Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đặc biệt khuyến khích.
Gia tăng quyền lợi cho giảng viên, thúc đẩy sinh viên NCKH
Chính thức có hiệu lực và đi vào cuộc sống từ 2/11, Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT sẽ thay thế cho Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT, có nhiều điểm mới được các trường đánh giá cao.
Ngoài việc quy định giảng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn cho sinh viên, tuân thủ đầy đủ nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và quy định hiện hành, Thông tư 26 còn cho phép giảng viên hướng dẫn được được tính giờ nghiên cứu khoa học (NCKH), hưởng mức thù lao và quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học.
Đặc biệt, người hướng dẫn sinh viên NCKH có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và hình thức khen thưởng khác.
Theo ThS Trần Nam – Trưởng phòng Truyền thông & Quan hệ Doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM), những điểm mới của Thông tư 26 đã thể hiện sự lắng nghe và chia sẻ từ cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đánh giá, ghi nhận hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ công tác NCKH của giảng viên.
“Lâu nay, nhà trường luôn trăn trở về các hình thức khuyến khích sinh viên NCKH, hỗ trợ giảng viên hướng dẫn NCKH cho sinh viên, để làm sao phát triển mạnh mẽ hoạt động này. Đối với trường đại học theo định hướng nghiên cứu, kết quả nghiên cứu của giảng viên, sinh viên có vai trò then chốt trong quá trình phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc cần có những chính sách hỗ trợ phát triển cho hoạt động này.
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) luôn có một số lượng đông đảo giảng viên, sinh viên quan tâm đến hoạt động NCKH nên việc thực hiện Thông tư 26 sẽ là “cú hích” cho sự phát triển hoạt động NCKH nơi sinh viên. Theo đó, giảng viên sẽ được tính giờ NCKH, hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác sau khi hoàn tất việc hướng dẫn. Đây là quy định đúng đắn, mở đường để nhà trường tính quy đổi giờ NCKH cho giảng viên trong thời gian tới. Nhà trường sẽ thực hiện các điều khoản của Thông tư để tính toán các chính sách hỗ trợ phát triển NCKH của sinh viên”, ThS Trần Nam cho biết.
Đồng tình quan điểm, TS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng Sau Đại học và Quản lý Khoa học, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TPHCM) – cho rằng: Chính sách khuyến khích giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH rất quan trọng. Nó không chỉ thúc đẩy tính bền vững của hoạt động nghiên cứu, mà còn tạo ra hệ sinh thái thi đua NCKH rất tốt cho nhà trường.
Trên quan điểm đó, từ năm 2018 Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TPHCM) xây dựng chính sách khuyến khích cả người học và người hướng dẫn khi tham gia hoạt động NCKH. Với người hướng dẫn, ngoài khuyến khích bằng tài chính, trường còn tính thành tích NCKH và quy đổi thành giờ NCKH. Ngoài ra, giảng viên cũng được ưu tiên xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng nếu có thành tích xuất sắc trong hướng dẫn.
Video đang HOT
Tham gia các hoạt động NCKH sẽ giúp sinh viên trưởng thành, có thêm nhiều kỹ năng trong học tập.
Thúc đẩy hoạt động NCKH trong nhà trường
Thực tế, để công tác NCKH đi vào chiều sâu và có tính nền tảng, ngoài sự quan tâm và chú trọng của các cơ sở giáo dục ĐH-CĐ, các thông tư, văn bản hướng dẫn, định hướng, khuyến khích hoạt động từ cấp quản lý có vai trò rất quan trọng trong việc nâng tầm vị thế nghiên cứu và công bố khoa học của Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, các văn bản, quy định hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước ngày càng có chất lượng cao hơn và tạo độ mở lớn để đơn vị trực tiếp quản lý thực hiện phù hợp với điều kiện, bối cảnh của mình. Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT được ban hành cũng thể hiện tinh thần này.
“Trên cơ sở tiếp thu nội dung của Thông tư mới, trường sẽ rà soát, điều chỉnh quy định hiện tại phù hợp và mang tính khuyến khích hơn đối với các đối tượng liên quan. Về phía phòng, chúng tôi đang nghiên cứu để các hoạt động hướng dẫn người học NCKH được quy đổi thành điểm và thành tích NCKH cho giảng viên, giống như hoạt động nghiên cứu khác như thực hiện đề tài, đề án nghiên cứu, công bố khoa học…
Có thể áp dụng với đặc thù từng khoa, giảng viên cụ thể chứ không nhất thiết phải mang tính bắt buộc với tất cả giảng viên. Mục tiêu cuối cùng là hướng đến thúc đẩy mạnh mẽ công tác NCKH nơi giảng viên và sinh viên. Tất nhiên, mọi thứ phải trên cơ sở hướng đến chất lượng, bảo đảm tính khoa học và đạo đức về học thuật”, TS Tuấn chia sẻ.
Đại diện Phòng Khoa học Công nghệ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Nhiều năm nay, nhà trường luôn xác định NCKH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, từ đó quan tâm và hỗ trợ giảng viên, sinh viên tham gia các hoạt động NCKH.
Hiện nay, ngoài việc quy đổi tính giờ định mức cho giảng viên và cộng điểm cho sinh viên, hàng năm nhà trường đều dành một khoản ngân sách cho các hoạt động khoa học công nghệ như kinh phí thực hiện đề tài NCKH cấp cơ sở; kinh phí hỗ trợ chi phí đăng bài và khen thưởng cho các công bố quốc tế thuộc hệ thống ISI/SCOPUS và tạp chí quốc gia… Ngoài ra, nhà trường còn có chính sách hỗ trợ cho giảng viên, sinh viên khi đăng ký sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu.
“Các hoạt động khuyến khích nhằm nâng cao hoạt động NCKH, xa hơn là định hình được vị thế của nhà trường trong các hoạt động chuyển giao, NCKH và công bố quốc tế. Nhờ chiến lược đúng đắn mà năm 2021 trường có 306 đề tài sinh viên cấp trường, 46 đề tài sinh viên NCKH Eureka và 11 đề tài sinh viên tham gia NCKH cấp Bộ GD&ĐT.
Để triển khai và đưa Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT vào cuộc sống, nhà trường đang triển khai cho các đơn vị đăng ký mục tiêu chất lượng năm học, đồng thời lấy ý kiến của giảng viên, cán bộ nghiên cứu toàn trường về việc điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế tài chính để hỗ trợ, động viên, khuyến khích giảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên tham gia các hoạt động NCKH”, đại diện Phòng Khoa học Công nghệ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói.
Với sinh viên, các em sẽ được hỗ trợ về tài chính, tạo điều kiện trong nghiên cứu (sử dụng tài liệu, cơ sở vật chất, phòng nghiên cứu, được giới thiệu đến các đối tượng nghiên cứu liên quan…) và quy đổi điểm khuyến khích học tập, hỗ trợ công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành và ưu tiên xét học bổng, danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng nếu có thành tích cao trong nghiên cứu khoa học.
Khoa học đòi hỏi sự say mê
Cả cuộc đời gắn bó với ngành khoa học cơ bản, GS. TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng, đứng về mặt giáo dục, các trường phổ thông, trường đại học (ĐH) cần khuyến khích, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ tìm hiểu, tạo ra hứng thú say mê đối với các ngành khoa học cơ bản.
Từ đó mới mong thu hút được người giỏi vào lĩnh vực này và kiên trì bám trụ sau khi tốt nghiệp.
GS. TSKH Đặng Ứng Vận đã có những trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
Ông Đặng Ứng Vận.
PV: Kết quả tuyển sinh ĐH năm 2020 và 2021 đều cho thấy sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề được thí sinh lựa chọn. Theo ông vì sao nhóm ngành khoa học cơ bản lại không thu hút được sinh viên theo học?
GS. TSKH Đặng Ứng Vận: Có thể chỉ ra 2 nguyên nhân lớn để nhóm ngành này ít được người học lựa chọn: Học khó và lương không cao.
Cụ thể, ngay trong quá trình học ĐH, các ngành khoa học cơ bản ngoài học lý thuyết đều yêu cầu thực hành, nghiên cứu với mức độ khó dần tăng lên.
Thứ hai, triển vọng việc làm sau khi ra trường cũng không mở rộng như nhiều ngành nghề khác. Một số ít sinh viên giỏi có thể được giữ lại trường, đầu quân vào các viện nghiên cứu nhưng để có được chỗ đứng trong nghề, cần tiếp tục học lên cao hơn, có các công trình nghiên cứu được công nhận...
Chặng đường gian nan nhưng bản thân các viện nghiên cứu cũng khó có thể trả cho nghiên cứu viên lương cao so với nhiều doanh nghiệp khác. Nên thực tế, nhiều sinh viên học các ngành này sau khi tốt nghiệp cũng tham gia vào các doanh nghiệp thay vì chọn hướng chuyên sâu nghiên cứu nhiều thử thách và rủi ro cao.
Đây là những ngành học rất cần cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng lại không mấy sức hút đối với sinh viên. Ngay cả khi ra trường rồi các em cũng chật vật xin việc đúng chuyên ngành như giáo sư vừa nhắc đến?
- Đúng vậy. Ngành nào cũng có giai đoạn khởi đầu khó khăn. Nhưng với khoa học cơ bản, ngay cả khi đã thành giáo sư rồi thì lương cũng không cao.
Theo tôi, ngành nào cũng đòi hỏi kết quả. Riêng nghiên cứu khoa học cơ bản, kết quả này phải là sáng tạo, không thể bắt chước nên trong quá trình nghiên cứu, có thể có rủi ro, thậm chí trong thời gian dài nghiên cứu không có tiến triển gì là chuyện bình thường. Vì vậy, yếu tố tiên quyết là phải đam mê.
Ảnh minh họa. Nguồn: GD&TĐ.
Vậy theo giáo sư, cần có những hỗ trợ như thế nào để các ngành khoa học cơ bản không "khát" sinh viên, nhất là những sinh viên chất lượng?
- Rõ ràng là phải phối hợp nhiều chính sách mới có thể phát huy tác dụng chứ không thể chỉ 1 vài hành động đơn lẻ của cá nhân nhà khoa học hay nhà trường... có thể giải quyết được câu chuyện này. Ví dụ, từ phía các trường phải chủ động đột phá vào nguồn lực.
Thiếu nguồn lực bên trong thì huy động từ bên ngoài. Nguồn lực không chỉ là đầu tư tiền của mà còn là chất lượng đội ngũ, những người có khả năng mang lại tiền của cho nhà trường theo các loại hình khác nhau từ việc tạo sức hút đối với người học đến việc chuyển giao công nghệ.
Vừa qua chúng ta có những trường được quốc tế xếp hạng và theo khảo sát của chúng tôi, các trường này đều có đầu tư tốt cho cơ sở vật chất, đều có chính sách thỏa đáng về đội ngũ hoặc huy động tốt nguồn lực bên ngoài. ĐH Phenikaa trong một thời gian ngắn nhờ chính sách thu hút nhân tài tốt (khoảng 2 năm sau tái cơ cấu cổ đông) nhà trường có bước đột phá về nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Ưu thế của giải pháp đột phá này còn là khai thác được Quỹ Naforsted của Bộ Khoa học và Công nghệ và đề tài các cấp.
Bài học huy động nguồn lực bên ngoài thông qua mở rộng hợp tác trong và ngoài nước của Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Trường ĐH Duy Tân cũng nên học tập.
Trước đây có chương trình khoa học cơ bản quốc gia, nhà nước cung cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu, chúng tôi vẫn nói đùa là "cứu đói" cho các ngành nghiên cứu khoa học cơ bản nhưng hướng tập trung chủ yếu vào các nhà khoa học trong nước.
Hiện nay Quỹ Naforsted của Bộ Khoa học và Công nghệ về cơ bản đã thúc đẩy chất lượng các nghiên cứu cơ bản của nước ta nhưng theo tôi có một vấn đề cần lưu ý. Đó là hiện tượng đầu tư gián tiếp cho các nhà khoa học nước ngoài thông qua các hợp tác giữa chủ trì nhiệm vụ với các nhà khoa học quốc tế nhằm khai thác nhân lực và phương tiện nghiên cứu từ cácTrung tâmKHCN tiên tiến để nhanh chóng đáp ứng điều kiện công bố quốc tế của Quỹ. Ở nước ta, một số trường huy động nguồn lực từ bên ngoài rất giỏi để dành được kinh phí hỗ trợ từ quỹ này cũng như những nguồn kinh phí khác.
Đứng về mặt quản lý vĩ mô, nên lưu ý chuyện này. Chỉ số "tự lực tự cường" nên được đưa vào quá trình xét duyệt đề tài.
Như vậy về phía các trường ĐH cũng cần chủ động thay đổi chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp để tạo ra nguồn lực vững vàng.
Cần thiết tập trung vào việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Bởi phần lớn giảng viên ở các trường ĐH được kiểm định đều cho rằng chỉ cần có đầu ra tốt, sinh viên sẽ đam mê học tập. Bài học đào tạo cho doanh nghiệp như ĐH FPT là một hướng cần học tập. Hoặc xây dựng mô hình liên kết với hơn 100 doanh nghiệp như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Phải dùng nhiều hình thức huy động nguồn xã hội hóa từ doanh nghiệp thay vì chỉ trông chờ đầu tư của nhà nước. Tuy nhiên, từ khoa học cơ bản đến cái doanh nghiệp có thể thừa nhận và thu lợi nhuận được là một khoảng cách. Vì vậy, nếu không có cầu nối, không có những quỹ đầu tư mạo hiểm thì các nhà khoa học cơ bản không thể mang các sáng kiến của mình vào sản xuất được. Khi đó, các doanh nghiệp vẫn chần chừ không muốn đầu tư vào. Nên tôi cho rằng nhà nước nên có một quỹ như vậy để khuyến khích đầu tư nghiên cứu ở các nhà trường, viện nghiên cứu.
Cuối cùng, thay cho việc cố gắng cung cấp cho sinh viên một chỗ làm ổn định khi ra trường, chúng ta còn có một cách đi khác là tạo cho các em năng lực tồn tại, lập nghiệp và phát triển trong sự đa dạng của thị trường lao động.
Trân trọng cảm ơn ông!
Các trường xét điểm thi năng lực ra sao? Từ ngày 4-5 đến 15-6, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM ở cả hai đợt thi vào các trường thành viên của ĐH này. Thí sinh dự thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM đợt 1-2021 - Ảnh: HOÀNG AN Trong khi đó, rất...