Đồng hành cùng học sinh khó khăn
Với phương châm không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng, trường học và Đoàn Thanh niên ở các địa phương đã có sự phối hợp, triển khai hoạt động nhận đỡ đầu cho các em.
Bằng việc hỗ trợ tiền mặt hàng tháng trong suốt năm học, đã tạo thêm điều kiện cũng như động lực giúp các em vượt qua khó khăn, cố gắng vươn lên trong học tập.
Mới đây, Huyện đoàn Châu Thành (An Giang) triển khai hoạt động nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, gắn với chương trình “Tình nguyện mùa đông 2020 và Xuân tình nguyện 2021″ của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động. Theo đó, đã hỗ trợ 25 học sinh ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm ( thị trấn An Châu) và Trường THPT Cần Đăng (xã Cần Đăng), sắp tới Đoàn ủy Công an huyện nhận đỡ đầu 10 em ở Trường Tiểu học “A” Hòa Bình Thạnh (xã Hòa Bình Thạnh).
Bí thư Huyện đoàn Châu Thành Trương Thành Trung cho biết, hoạt động được phát động từ tháng 12-2020 và duy trì hỗ trợ trong suốt năm học cho các em. Các hoạt động nhận đỡ đầu, hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo với mong muốn giúp các em vơi đi những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Quan trọng nhất, cùng với nhà trường hạn chế tình trạng bỏ học, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa.
“Hàng năm, Huyện đoàn cũng như các đơn vị trực thuộc đều có kết hợp cùng với nhà trường triển khai hoạt động đỡ đầu cho các em. Ngoài tiền mặt còn hỗ trợ nhu yếu phẩm khác và tùy theo hoàn cảnh của từng em, nhưng quy ra tiền mặt đảm bảo mỗi em từ 200.000 đồng/tháng” – anh Trung thông tin.
Được đỡ đầu, các em học sinh có thêm động lực học tập tốt hơn
Hoạt động đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi đã được trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện từ nhiều năm qua. Đã trở thành thông lệ, vào đầu năm học toàn thể giáo viên nhà trường sẽ có một khoản đóng góp, số tiền này được sử dụng để gây quỹ cho hoạt động đỡ đầu học sinh mồ côi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Số lượng mỗi năm tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng học sinh mà nhà trường sẽ thành lập hội đồng xét duyệt, đảm bảo hỗ trợ đúng học sinh, đúng hoàn cảnh.
Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động này, góp phần tiếp thêm động lực cho học sinh đến trường học tập hiệu quả. Tùy vào từng năm học, học sinh sẽ trình bày về hoàn cảnh của mình, thông qua xét duyệt của hội đồng, nếu xét thấy khó khăn sẽ có hỗ trợ. Điều kiện để nhận được hỗ trợ sẽ bao gồm các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình neo đơn, sống với ông bà, cha mẹ mắc bệnh hiểm nghèo…
Đặc biệt, các em phải cho thấy được sự nỗ lực trong học tập, đây là điều kiện tiên quyết. “Theo đó, mỗi hoàn cảnh sẽ được nhận hỗ trợ cố định 300.000 đồng/tháng, trong suốt năm học. Nếu năm học sau, các em có sự cố gắng vươn lên trong học tập, nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em học tập tốt nhất”- Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Phạm Nam Điền chia sẻ.
Hoàn cảnh của em Đào Ngọc Nhân Vĩ (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm) khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Ba mẹ em Vĩ không ở cùng nhau, ngoại mất, sống cùng nội nhưng già yếu, chỉ làm được những việc lặt vặt, nên cả gia đình rất khó khăn trong cuộc sống.
Năm nay là năm học cuối cấp nên Vĩ tập trung thời gian vào việc học tập, là con trai nhưng không giúp được nhiều nên em cảm thấy tủi thân, có đôi lúc tự ti về hoàn cảnh của mình. Đầu năm học, Vĩ thấy thông báo về hoạt động hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường, em suy nghĩ và trình bày về hoàn cảnh của mình, rất may mắn nhận được hỗ trợ từ nhà trường, với nguồn hỗ trợ cố định hàng tháng.
“Với số tiền này, em có thể đóng tiền in tài liệu hoặc ăn sáng, đỡ đần phần nào cho bà nội phần nào. Em vẫn còn người thương yêu, đồng hành, đây là động lực rất lớn để đạt kết quả thi tốt nhất trong năm học cuối cấp này” – Vĩ chia sẻ. Hoạt động đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi được triển khai đã giúp đỡ rất nhiều các em học sinh vượt qua khó khăn trong hôm nay, phấn đấu vì tương lai ngày mai.
Nam sinh TPHCM giành giải nhất cuộc thi tuần đầu tiên Olympia 2021
Nguyễn Tấn Khải - học sinh Trường THPT Quốc tế (TPHCM) đã xuất sắc giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia đầu tiên trong năm 2021.
Nguyễn Tấn Khải giành vòng nguyệt quế cuộc thi tuần
Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mở đầu năm mới 2021 phát sóng chiều 3/1 chứng kiến sự tranh tài của 4 nhà leo núi: Vũ Văn Trường (THPT Khoa học Giáo dục, ĐHQGHN), Nguyễn Tấn Khải (THPT Quốc tế TPHCM), Nông Quốc Duy (THPT chuyên Bắc Kạn), Trần Văn Quang Khải (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Gia Lai).
Trước khi bước vào phần thi Khởi động, bốn nhà leo núi đã có phần giới thiệu và chào hỏi ấn tượng. Văn Trường thể hiện khả năng tiếng Nhật thành thạo; Tấn Khải thể hiện khả năng đọc rap nhanh 100 chữ số đầu của chữ số Pi bằng thứ tiếng Việt - tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Sau phần thi Khởi động, Tấn Khải dẫn đầu với 90 điểm; Văn Trường 80 điểm; Quốc Duy và Quang Khải cùng được 40 điểm.
Khả năng đọc rap nhanh 100 chữ số đầu của chữ số Pi của Tấn Khải
Sang phần thi "Vượt chướng ngại vật", Quang Khải giải được từ khóa "Phật giáo". Khép lại phần thi này, vị trí của các thí sinh lần lượt: Tấn Khải 130 điểm; Văn Trường 90 điểm, Quang Khải 80 điểm, Quốc Duy 60 điểm.
Phần thi Tăng tốc chứng kiến sự tự tin, ổn định của Tấn Khải khi trả lời nhanh nhất và chính xác 3/4 câu hỏi. Qua đó, Tấn Khải tiếp tục dẫn đầu 250 điểm. Tiếp đến, Văn Trường 180 điểm, Quang Khải 160 điểm, Quốc Duy 130 điểm.
Ở phần thi Về đích, Tấn Khải là người thi đầu tiên, đã lựa chọn ba câu hỏi có giá trị 10 điểm. Cậu trả lời chính xác 2/3 câu; riêng câu thứ hai để Văn Trường có cơ hội trả lời và ghi điểm. Tấn Khải ghi được 260 điểm sau phần thi Về đích của mình.
Văn Trường bước vào phần thi Về đích với số điểm 190, đã quyết tâm lựa chọn gói câu hỏi có giá trị 20 - 30 - 20 điểm. Cậu trả lời chính xác câu đầu tiên; câu thứ hai để Quang Khải ghi điểm, câu thứ ba để Quốc Duy ghi điểm. Văn Trường về vị trí với 160 điểm.
Các thí sinh dự thi
Quang Khải cũng bước vào thi Về đích với lợi thế 190 điểm, nhưng lựa chọn gói câu hỏi 20 - 10 - 10. Cậu trả lời chính xác câu thứ hai, còn câu đầu tiên để Quốc Duy ghi điểm, câu thứ ba để Tấn Khải nâng điểm số. Quang Khải về chỗ với 170 điểm. Quốc Duy là thí sinh cuối cùng thi Về đích, có số điểm 170 đã lựa chọn gói ba câu hỏi 10 điểm và trả lời chính xác cả ba câu. Quốc Duy về chỗ với 200 điểm.
Kết quả chung cuộc, Nguyễn Tấn Khải (THPT Quốc tế TPHCM) giành vòng nguyệt quế cuộc thi tuần và tấm vé cuộc thi tháng. Nông Quốc Duy (THPT chuyên Bắc Kạn) về nhì với 200 điểm. Cùng vị trí thứ ba là Vũ Văn Trường (THPT Khoa học Giáo dục, ĐHQGHN) 160 điểm; Trần Văn Quang Khải (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Gia Lai) 170 điểm.
Thầy cô cứ gõ, cửa trái tim học trò sẽ mở! Tôi nhận ra việc học chưa bao giờ là đủ. Trong mọi hoàn cảnh, luôn có những điều mới mẻ cần bổ sung vào kiến thức mình đã có. Tôi đã không thấu hiểu hết học sinh. "Tao thích cô cũ hơn", đó là câu nói tôi vô tình nghe được từ miệng một em học sinh trong lớp nói với nhau khi...