Đồng hành cùng doanh nghiệp sau dịch COVID-19 – Bài 3: Hỗ trợ về vốn và chính sách thuế
Ngoài yếu tố nhân lực, quản trị, điều cốt lõi, không thể tách rời đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp là vấn đề tài chính.
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến cộng đồng doanh nghiệp, không những sụt giảm lợi nhuận mà còn đẩy doanh nghiệp đến bờ phá sản vì hết thiếu tiền, hết tiền và không đủ tiền để cầm cự trong khoảng thời gian nhất định. Trước diễn biến đó, sự vào cuộc của ngành thuế, ngân hàng có ý nghĩa vô cùng hệ trọng đối với “sinh mệnh” của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chung tay cùng cộng đồng khắc phục, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, từ tháng 3/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã dành gói tín dụng 25.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi đối với khách hàng. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Khoanh nợ, giảm lãi suất
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi, cơ cấu lại nợ để có cơ hội tiếp cận thêm đa dạng nguồn vốn vay và có thể vay mới. Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa TP Hồ Chí Minh, hiện nay “cứu doanh nghiệp như cứu hỏa” và muốn vậy chính sách hỗ trợ phải làm nhanh, nên hỗ trợ cho cả ngành thay vì hỗ trợ đối với từng doanh nghiệp. Để tiết giảm thời gian trong hậu kiểm thiệt hại, chỉ cần kiểm tra vấn đề nợ thuế, bảo hiểm xã hội và nợ ngân hàng của doanh nghiệp, sau đó giải ngân gói hỗ trợ.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh nêu thực trạng việc nhiều doanh nghiệp dệt may thành phố không có nguồn thu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, có không ít doanh nghiệp đã đóng cửa từ tháng 3/2020 nên không có tiền đề trả lương cho công nhân. Trong khi đây là điều kiện để xét duyệt hồ sơ vay vốn của ngân hàng. Vì thế ngân hàng nên cân nhắc xem xét hạ tiêu chí cho vay, cùng với đó có chính sách giảm lãi suất các khoản vay của doanh nghiệp trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19 và cung cấp các khoản vay ưu đãi từ 6 – 12 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu ngưng trệ, không có đầu ra, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Trong khi đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, hệ thống ngân hàng cần hạ chỉ tiêu cho vay đối với doanh nghiệp cũng như hỗ trợ về giảm lãi suất, giãn nợ…
Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho kéo giãn, chuyển nợ thuế doanh nghiệp sang năm 2021 và các năm tiếp theo tùy thuộc vào sự phục hồi kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp, kiến nghị được giảm thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Đồng thời cho các doanh nghiệp được hỗ trợ mà không cần phải chứng minh thiệt hại, không phân biệt quy mô thông qua nhóm giải pháp giải cứu cấp bách và giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp với sự vào cuộc chủ động của hệ thống ngân hàng trong việc thẩm định, trả lời hồ sơ vay vốn cho doanh nghiệp, bảo trợ cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất, việc TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để khoanh nợ vay cho doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi lưu thông dễ đổ vỡ như du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Video đang HOT
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Nói về các giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà hệ thống ngân hàng đã và đang thực hiện, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 26/4 trên địa bàn thành phố đã cơ cấu lại nợ là 63.000 tỷ đồng, giảm lãi cho doanh nghiệp, kinh tế hộ khoảng 12.300 tỷ đồng với 168.000 khách hàng (trong đó chiếm 38% là doanh nghiệp). Từ khi có dịch COVID-19 đến nay hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố đã cho vay mới hơn 88.800 tỷ đồng.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng yêu cầu các doanh nghiệp công bố công khai bộ tiêu chí rõ ràng, cụ thể về doanh thu, dòng tiền, khả năng trả nợ để ngân hàng đưa vào danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ. Doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành và các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp khi đưa vào chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp phải báo cáo minh bạch, rõ ràng dòng tiền, có như vậy ngân hàng mới quản lý, đảm bảo thu hồi nợ và cho vay vốn.
“Ngành ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và tạo đà phát triển sau dịch COVID-19. Ngân hàng cam kết không thiếu vốn cho doanh nghiệp và sẽ thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình kết nối doanh nghiệp – ngân hàng trong thời gian tới. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm nếu các ngân hàng gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tông Giam đôc Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) phụ trách khối quản trị tài chính và nguồn vốn cho biết, mục tiêu mà các ngân hàng thương mại là hỗ trợ cho doanh nghiệp, không có chuyện trì hoãn, gây khó dễ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên hoạt động của ngân hàng thương mại cũng phải đảm bảo các quy trình an toàn theo quy định của pháp luật.
Dẫn chứng cụ thể, ông Hoàng Minh Hoàn cho hay, đối với ngân hàng thương mại, việc xét duyệt hồ sơ vay của doanh nghiệp đều phải thông qua hệ thống thẩm định nội bộ và dựa trên nhiều yếu tố để quyết định hạn mức cho vay. Ngân hàng SCB luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn tạm thời này, tuy nhiên nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng hiệu quả, SCB phải kiểm soát được rủi ro mới quyết định duyệt cho vay.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến tất cả hoạt động kinh tế, Chính phủ đã ban hành các gói cứu trợ, từ chính sách tài khóa đến tài chính đã góp phần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp. Đầu tháng 4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 41/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Tại TP Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị định nói trên của Chính phủ, theo thống kê từ Cục Thuế thành phố, đã có khoảng 255.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 97,35% trên tổng số doanh nghiệp trên địa bàn được thụ hưởng chính sách này. Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện cơ quan thuế đang thực hiện khoanh nợ cho các doanh nghiệp trong thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020 theo Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ với số tiền được khoanh nợ khoảng 40.000 tỷ đồng.
“Từ nay đến 30/7/2020, doanh nghiệp gửi đơn xin gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ được cơ quan thuế tự động gia hạn. Cũng trong khoảng thời gian này, cơ quan thuế sẽ không gây bất kỳ áp lực nào cho doanh nghiệp trong việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất”, ông Lê Duy Minh cam kết.
Cũng theo đại diện Cục Thuế thành phố, ngoài đối tượng doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố có 43.000 hộ kinh doanh, tiểu thương đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19 cũng được gia hạn nộp thuế. Từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020, các đối tượng này sẽ được khoanh nợ, không phát sinh các khoản chậm nộp để có thêm nguồn lực tài chính ổn định tình hình sản xuất kinh doanh.
Bài cuối: Phát triển trong trạng thái bình thường mới
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
Hiện nay, tỉnh An Giang đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh (SXKD), nhất là hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động SXKD bị đình trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn và làm đảo lộn mọi hoạt động đời sống xã hội và sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên, dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động xấu đến nhiều lĩnh vực, nhưng tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh trong quý I-2020 vẫn cơ bản giữ ổn định. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,75%; sản xuất nông nghiệp thắng lợi, năng suất lúa vụ đông xuân đạt 72,7 tạ/ha (tăng 2,28 tạ/ha so cùng kỳ); kim ngạch xuất khẩu đạt 217 triệu USD, tăng 2,6% so cùng kỳ; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn đạt 2.487 tỷ đồng. Có 171 DN được thành lập mới và 130 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 1.038 tỷ đồng.
Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Duy Toàn cho biết, trong mức tăng trưởng GRDP 4,75%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trước; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,80%, dịch vụ tăng 5,30%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,29%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trước. Tỉnh đã dự thảo 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: "Trong tháng 4-2020, có 25.351 khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 ở các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới.
Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới là 13.655 tỷ đồng, chiếm 19,18% tổng dư nợ toàn tỉnh, trong đó có 1.553 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 690 tỷ đồng, 8.090 khách hàng được miễn, giảm lãi vay 3.227 tỷ đồng, tiền lãi khách hàng được giảm 2,44 tỷ đồng, 15.708 khách hàng vay mới số tiền 9.738 tỷ đồng".
Nhiều ngân hàng làm tốt công tác hỗ trợ DN, như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chi nhánh An Giang đã hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với 28 khách hàng bị ảnh hưởng dịch ệnh Covid-19 với tổng dư nợ 530 tỷ đồng, mức giảm lãi suất từ 0,5-2%, cơ cấu lại thời hạn trả nợ 2 khách hàng gần 12 tỷ đồng, gần 1.200 khách hàng được đưa vô chương trình tín dụng giảm lãi vay. Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay của Ngân hàng Ngoại thương chi nhánh An Giang và Chi nhánh Châu Đốc 2.511 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh An Giang và Bắc An Giang 504 tỷ đồng...
Để góp phần chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch, các ngân hàng đã dồn sức để hỗ trợ khách hàng với hàng loạt biện pháp mạnh (miễn, giảm lãi vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, giảm phí thanh toán). Đồng thời, chủ động tự cân đối nguồn vốn, tiết giảm các chi phí hoạt động, giảm lương, thưởng, giảm lợi nhuận kinh doanh và đăng ký nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi, giảm sâu so với lãi suất cho vay thông thường, hiện hữu từ 0,5%-2,5%/năm, với quy mô trên toàn quốc lên đến 600.000 tỷ đồng. Đây là sự chia sẻ hết sức to lớn của ngành ngân hàng cùng với các chính sách khác của nhà nước, Chính phủ hỗ trợ người dân và DN đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
Đối với gói tín dụng này, theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, ngoài việc ưu đãi lãi suất giảm từ 0,5%-2,5%/năm, tập trung cho vay các đối tượng, ngành nghề bị ảnh hưởng, các điều kiện cho vay đều phải thực hiện đúng quy định, không được nới lỏng điều kiện tín dụng, nhằm đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng. Bên cạnh cùng với các ngành hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, DN giúp ổn định hoạt động SXKD, thì ngân hàng cũng phải duy trì tính lành mạnh, an toàn trong hoạt động kinh doanh của mình, bởi ngân hàng là một mạch máu chính của nền kinh tế.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phạm Văn Dũng cho biết: "Toàn tỉnh có 5.800 DN đang hoạt động và có nộp thuế. Để kịp thời hỗ trợ DN, tổ chức vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định hoạt động SXKD, Cục Thuế tỉnh đã ban hành nhiều công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nộp thuế bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đồng thời nắm sát tình hình, diễn biến ảnh hưởng của dịch bệnh đến nguồn thu ngân sách, đề xuất UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.
Từ khi có Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 8-4-2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, tạo thuận lợi cho DN đến nay, Cục Thuế tỉnh đã nhận được đề nghị của 871 DN đề nghị gia hạn với tổng số tiền hơn 109 tỷ đồng, trong đó DN đề nghị gia hạn thuế giá trị gia tăng hơn 32,1 tỷ đồng, thuế thu nhập DN hơn 67,3 tỷ đồng, tiền thuê đất hơn 9,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm dừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng, tùy theo diễn biến của dịch bệnh, nhưng không quá 3 tháng.
Theo thống kê, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 12.300 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm. Hiện Cục Thuế tỉnh phối hợp UBND các địa phương rà soát lại, thẩm định, đảm bảo đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ".
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi, rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng và mức độ thiệt hại do dịch bệnh gây ra để kịp thời triển khai các giải pháp; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, thúc đẩy SXKD. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án SXKD khi hết dịch bệnh. Để vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan khẩn trương hoàn thành kế hoạch điều hành an sinh xã hội trong tình hình dịch bệnh. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kích cầu du lịch, tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử...
Bình Định: Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất Đại diện NHNN Việt Nam tại Bình Định cho biết, vẫn đang trong quá trình tập hợp các khó khăn, vướng mắc của từng doanh nghiệp để triển khai các gói hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể. Ngày 15-4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo Sở Công thương tỉnh sớm xây dựng ngay các phương án,...