Đóng cửa nhà máy thép không đáp ứng quy chuẩn môi trường
Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025.
Chiều ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025,
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, thời gian tới đánh giá lại cung cầu thép ở Việt Nam trên cơ sở đánh giá cung cầu thép thế giới, khu vực để điều chỉnh và đề xuất các giải pháp Quy hoạch tổng thể cho giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035; đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch phù hợp với điều kiện cụ thể.
Đồng thời phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó xây dựng hệ thống sản xuất thép với công nghệ tiên tiến, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng của đất nước, bảo vệ môi trường sinh thái tại các khu vực sản xuất và kinh doanh thép. Từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất nhỏ với công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất gang, phôi thép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyện, cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế. Có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất gang, thép hợp kim, thép chất lượng cao từ quặng sắt với quy mô lớn. Hạn chế đầu tư sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu thép cho nền kinh tế ngày càng tăng cao, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Để ngành thép đáp ứng tốt nhu cầu phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương rà soát Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 để điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa
Đóng cửa nhà máy không đáp ứng quy chuẩn môi trường
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng và các cơ quan liên quan đề xuất cơ chế chính sách để phát triển ngành công nghiệp thép nói chung; đồng thời lựa chọn các công nghệ, chủng loại sản phẩm cần ưu tiên phát triển để có cơ chế hỗ trợ phù hợp.
Video đang HOT
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc tuân thủ các yêu cầu về môi trường ở các nhà máy thép. Xử lý nghiêm, kể cả việc dừng hoạt động hoặc đóng cửa các nhà máy không đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các chính sách thuế về xuất, nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành thép. Sớm nghiên cứu việc giảm thuế xuất khẩu đối với xỉ luyện thép để tạo điều kiện tiêu thụ phế thải này, giảm tác động đến môi trường, đồng thời tăng thêm nguồn thu ngoại tệ.
Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Quy hoạch ngành thép, chấp hành các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường trong công tác cấp phép đầu tư và giám sát hoạt động của các dự án sản xuất thép theo quy định.
Trong những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng: năng lực sản xuất ngày càng tăng, sử dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về môi trường; tốc độ tăng trưởng sản lượng thép của các năm 2014-2015 đạt 19,8%-21,8%.
Năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước tiêu thụ nhiều thép nhất trong các nước Đông Nam Á. Hệ thống sản xuất và phân phối đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng cả nước (khoảng 6 triệu tấn thép xây dựng trong tổng cầu khoảng 20 triệu tấn thép).
Một số doanh nghiệp trong nước đã vươn lên trong việc áp dụng công nghệ hiện đại, đầu tư chiều sâu và đầu tư mới một số cơ sở sản xuất phôi thép, nhờ đó tăng năng lực sản xuất phôi thép cả nước, tạo ra cơ sở quan trọng để ngành thép Việt Nam phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành thép còn nhiều hạn chế cần tập trung giải quyết như chất lượng quy hoạch chưa cao, các dự án còn manh mún, chưa có tính hệ thống, chưa gắn với nhu cầu đa dạng của nền kinh tế. Công tác xây dựng kế hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch chưa được triển khai quyết liệt, chưa cân đối được các nguồn lực để thực hiện dẫn đến việc thực hiện theo quy hoạch không hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế.
Theo Viettimes
Siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná: Đằng sau báo cáo đẹp
Công nghiệp luyện thép và bảo vệ môi trường: Một lần nữa hai vấn đề này lại gây nóng dư luận khi ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) tuyên bố sẽ đầu tư 10,6 tỉ USD để xây dựng một siêu nhà máy thép với công suất 16 triệu tấn/năm tại khu vực ven biển Cà Ná, Ninh Thuận.
Hôm 6/9, Hoa Sen tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để xin ý kiến về kế hoạch đầu tư dự án luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná.
Kết quả, các cổ đông đã thông qua kế hoạch này. Để được sự chấp thuận của cổ đông, ông Vũ đã thuyết phục rằng, khu vực ven biển Cà Ná được đánh giá là phù hợp nhất thế giới để làm nhà máy thép.
Về vốn, nếu tính cả dự án hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná và dự án xây dựng cảng quốc tế Cà Ná, thì tổng tiền đầu tư phải vào khoảng 250.000 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn nhưng ông Vũ thuyết phục đã lo liệu xong hết rồi.
Với những thông tin này đã cho thấy sự tự tin của ông Lê Phước Vũ về một dự án thép quy mô lớn, nguồn vốn khả thi, công nghệ hiện đại đến từ Tây Âu, môi trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối...
Tuy nhiên, bài học về Formosa vẫn còn nóng thì lo lắng về siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná hoàn toàn dễ hiểu. Điều này càng được đặt ra sau những tuyên bố mạnh mẽ, những bản cáo cáo đẹp mà Hoa Sen công bố thì vẫn còn rất nhiều điều đáng lo.
Chọn thép hay chọn cá? và Chọn thép hay chọn cừu?
Nói về sự cố Fomosa ở miền Trung mọi người vẫn chưa thể quên câu nói: "Chọn thép hay chọn cá?" và nó đã trở thành điều mà nhiều người đều có thể bật ra khi nói về Formosa. Và với Hoa Sen - Cà Ná người ta lại có thể đặt câu hỏi "Chọn thép hay chọn cừu?".
Dự án thép của Hoa Sen Group đặt tại ven biển Cà Ná, thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Bình Thuận. "Vùng đó hạn hán khủng khiếp, nhìn con cừu người gầy xác xơ đi ăn cỏ khô như trên sa mạc, lấy nước ở đâu để sản xuất thép?". Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam kể rằng đã trực tiếp hỏi ông Lê Phước Vũ như vậy và ông Vũ trả lời là dùng nước biển.
Và thực tế, ngày 1/8/2016, Hoa Sen gửi văn bản cho UBND Ninh Thuận đề cập đến nguồn nước cho siêu dự án thép Cà Ná. Giai đoạn đầu, nhà máy cần 33.000 mét khối nước sạch/ngày. Đến khi vận hành tất cả các hạng mục, lượng nước tiêu thụ là 180.000 mét khối/ngày. Hoa Sen đề nghị Ninh Thuận chuẩn bị và cung cấp đủ nguồn nước để đáp ứng tiến độ và quy mô của dự án.
Đến ngày 16/8, UBND Ninh Thuận chỉ đạo Sở Xây dựng chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước tận nơi cho Hoa Sen, đấu nối từ nguồn nước của Nhà máy nước Phước Nam. Tuy nhiên, hiện nhà máy này chỉ có công suất 30.000 mét khối/ngày, lại đang cung cấp cho các khu vực khác nữa.
Cũng cần phải lưu ý rằng, mấy năm gần đây, hạn hán ở Ninh Thuận ngày càng khốc liệt. Nhiều hồ chứa nước ngọt cạn trơ đáy. Lượng nước tích trữ chỉ còn 15,6% dung tích thiết kế. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại 700 tỉ đồng vì hạn bán trong năm 2015, Bốn tháng đầu năm nay, có tới 6.000 người dân Ninh Thuận thiếu nước sinh hoạt... Cũng vị hạn hán mà chỉ qua ba tháng đã có tới hơn 2.000 con cừu bị chết đói và khát.
Vậy khi nhà máy thép ở Cà Ná hoạt động thì sự thiếu hụt nguồn nước sẽ như thế nào?
Ngay cả trong đề xuất bổ sung dự án thép Cà Ná vào quy hoạch ngành thép được gửi lên Bộ Công thương vào đầu tháng 8-2016, UBND Ninh Thuận đã dành nhiều trang để trình bày về quy mô, tầm cỡ, về năng lực của nhà đầu tư, về những lợi ích mà dự án mang lại... Tuy nhiên, phần tác động đến đời sống người dân lại không có một dòng đề cập.
Câu hỏi lớn về công nghệ?
Trong mọi thuyết trình về dự án, ông Lê Phước Vũ rất tự tin khẳng định: Nhà máy thép đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để một giọt nước ô nhiễm nào ra môi trường. Ông Vũ sẽ dùng công nghệ hiện đại, đến từ Tây Âu? Tư vấn thiết kế dự án cũng là một tập đoàn của Mỹ.
Thế nhưng, trong hồ sơ về quá trình Hoa Sen Group khảo sát mặt bằng, cảng biển và thực hiện các thủ tục đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là: CISDI Group. Đây là một tập đoàn đến từ Trùng Khánh, Trung Quốc, đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam vào 11/2012. CISDI là đơn vị đã tư vấn thiết kế và làm tổng thầu cho dự án xây dựng hai lò cao - hạng mục quan trọng hàng đầu trong dự án của Formosa Hà Tĩnh.
Sự cố Fomosa đặt dự án của Hoa Sen trước nhiều câu hỏi của dư luận.
Ngày 25/6/2015, trong văn bản gửi đến UBND Ninh Thuận về việc khảo sát xây dựng nhà máy, Hoa Sen đã đề nghị Ninh Thuận sắp xếp cho 6 người Trung Quốc là thành viên đoàn khảo sát được thực hiện công việc của họ. Văn bản ghi rõ, 6 người Trung Quốc là người của CISDI.
Điều này khiến những lo lắng liệu có một Formosa thứ hai sẽ xuất hiện tại Ninh Thuận là dễ hiểu.
Cho đến thời điểm nay, dự án mới ở mức khởi động, trong khi tỉnh Ninh Thuận hào hứng, Bộ Công thương đã gật đầu thì các bộ ngành khác như Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư.... đều chưa đưa ý kiến. Điều này có nghĩa, dự án còn đi một chặng đường dài để đi đến quyết định cuối cũng và đó là quãng thời gian quan trọng để chủ đầu tư, địa phương và bộ ngành lắng nghe các ý kiến đóng góp.
Tất cả đều đang trông đợi một câu trả lời khi trong lòng luôn có một nỗi ám ảnh về Fomosa.
Theo_VietNamNet
Bà Rịa-vũng Tàu phải rà soát hàng loạt dự án thép Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu khẩn trương rà soát ngay các dự án thép. 4 dự án thép phải rà soát gồm: Công ty TNHH Thép FUCO; Công ty TNHH Thép Vina Keoi; Công ty TNHH thép Posco ss và Công ty cổ phần thép China Steel Simikin Việt Nam. Thu hồi...