Đồng bằng sông Cửu Long: An toàn cho thầy, trò vùng lũ
Hiện nay, mực nước lũ ở các tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long đang dâng cao nên việc đảm bảo an toàn cho HS là hết sức quan trọng. Trước tình hình nước lũ diễn biến phức tạp, công tác huy động HS ra lớp và đưa rước HS đến trường được các địa phương chuẩn bị sẵn sàng.
HS huyện biên giới đầu nguồn An Phú (An Giang) vượt lũ đến trường
Sẵn sàng đưa rước thầy, trò khi lũ dâng cao
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia: Đỉnh lũ năm 2018 tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 2 và trên báo động 2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018. Tuy đỉnh lũ ở mức trung bình nhiều năm nhưng tiềm ẩn nguy cơ tác động lớn đến khu vực.
Tại tỉnh đầu nguồn An Giang, hiện tại mực nước lũ dâng lên theo từng ngày nên công tác huy động HS ra lớp và đảm bảo an toàn cho thầy, trò được ưu tiên hàng đầu. Tại huyện biên giới đầu nguồn An Phú, công tác huy động nguồn lực đưa rước HS trong mùa lũ đã được sẵn sàng. Theo ông Võ Hoàng Lâm – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Phú: Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch và thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão năm 2018 tại các đơn vị. Đặc biệt là kế hoạch đưa rước HS trong mùa lũ, thường xuyên báo cáo tình hình nước lũ đến các đơn vị và quan tâm việc đi lại của HS.
Kế hoạch thời gian năm học 2018 – 2019 của tỉnh vẫn như mọi năm. Theo đó, bậc THPT tựu trường ngày 20/8 và thực học vào ngày 27/8. Đối với bậc mầm non tựu trường vào 27/8, thực học vào ngày 3/9. Đối với các điểm trường ảnh hưởng do lũ, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD&ĐT phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đưa đón HS, đảm bảo các em đến trường an toàn…
Bà Trần Thị Ngọc Diễm – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang
Video đang HOT
Trên địa bàn huyện An Phú hiện có 263 HS của 7 đơn vị trường học thuộc 2 xã Vĩnh Hội Đông và Phú Hữu bị ảnh hưởng lũ. Trong đó, Trường TH B Vĩnh Hội Đông có 99 HS; các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS của xã Phú Hữu có 164 HS (mẫu giáo 9; tiểu học 142; THCS 13). Các đơn vị bị ảnh hưởng lũ đã có kế hoạch đưa rước HS trước ngày tựu trường 20/8.
Đối với các em HS từ Campuchia sang Việt Nam học (tập trung chủ yếu ở xã Khánh An, thị trấn Long Bình), Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học tiến hành rà soát, nắm tình hình việc đi lại của HS và báo cáo về Phòng GD&ĐT trong thời gian sớm nhất, sau đó Phòng sẽ tổng hợp báo cáo về Sở GD&ĐT…
Chuẩn bị lực lượng, phương tiện hỗ trợ ngành GD
Trao đổi về tình hình nước lũ tại địa phương, ông Bùi Quý Khiêm – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp – cho biết: Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mực nước lũ năm 2018 tại các khu vực đầu nguồn sông Cửu Long thuộc tỉnh Đồng Tháp (thị xã Hồng Ngự và các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng) sẽ cao hơn trung bình nhiều năm và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến việc khai giảng năm học mới 2018 – 2019 của các trường học trong khu vực.
Cũng theo ông Bùi Quý Khiêm, khả năng ảnh hưởng của lũ đối với việc đến trường của một bộ phận HS các địa phương đầu nguồn là hiện hữu. Ngoài việc phối hợp với địa phương để đưa, đón HS đến trường đảm bảo an toàn, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các trường học phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị quan tâm giúp đỡ HS bằng nhiều biện pháp: Vận động hỗ trợ học bổng, cặp, sách, vở, dụng cụ học tập; không thu cùng một lúc các khoản đóng góp… để đảm bảo huy động tối đa trẻ trong các độ tuổi đến trường. Trong trường hợp lũ lên cao, gián đoạn việc học tập, Sở sẽ chỉ đạo thực hiện tốt việc dạy bù để đảm bảo kiến thức cho HS vùng bị lũ ảnh hưởng…
Thông tin tình hình nước lũ ở huyện biên giới đầu nguồn, ông Đoàn Văn Trí – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) – chia sẻ: Đến nay mực nước lũ có dâng cao nhưng chưa ảnh hưởng đến việc đi lại và học tập của thầy, trò. Do có sự chuẩn bị, đầu tư tôn cao trường lớp, tôn cao đường giao thông nên mùa lũ ít gây ảnh hưởng như trước đây. Ngày 27/8, HS trên địa bàn huyện sẽ vào học chính thức và khai giảng năm học mới vào ngày 5/9.
Ông Đoàn Văn Trí cho biết: “Huyện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi nước lũ lên cao, đặc biệt là tình huống nước lũ chia cắt đường giao thông và các khu dân cư. Theo đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng, chính quyền các xã và ngành GD sẽ tổ chức phương tiện đưa rước thầy trò để đảm bảo an toàn…
Tại huyện Hồng Ngự, hằng năm lực lượng Bộ đội Biên phòng, Đoàn Thanh niên và ngành GD đều có kế hoạch phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn cho HS trong mùa lũ. Tất cả phương tiện, con người hiện tại đã sẵn sàng, khi nước lên cao sẽ tổ chức đưa đón thầy trò; đảm bảo công tác dạy, học diễn ra thuận lợi, an toàn”.
Trên địa bàn xã Thường Thới Hậu A (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) có vài chục HS là con em người Việt sinh sống ở Campuchia về học. Do thời điểm mùa lũ và phải qua sông biên giới nên các em được phụ huynh dùng xuồng đưa, đón hằng ngày. Ngành GD và địa phương đã hỗ trợ và nhắc nhở phụ huynh đảm bảo an toàn cho các em.
Theo giaoducthoidai.vn
Tìm lại ý nghĩa của ngày khai giảng
"Sao đi học cả tháng rồi mới khai giảng vậy mẹ?" - câu hỏi của cậu con trai học lớp 2 khiến chị Nguyễn Thuỳ Linh (TX.Sơn Tây, Hà Nội) bối rối bởi chính chị cũng không lý giải nổi. Đem câu chuyện này đi hỏi, chị Linh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Tìm lại đúng ý nghĩa của ngày khai giảng là trăn trở của nhiều chuyên gia, phụ huynh. Ảnh: Hải Nguyễn
Học cả tháng mới khai giảng
Trong ký ức của thế hệ học sinh 8x, trở về trước, ngày tựu trường là những ngày đầu tháng 9, sau một vài ngày nhận lớp, lễ khai giảng năm học mới vào ngày 5.9. Đây cũng là thời điểm học sinh bắt đầu học những bài học đầu tiên, làm quen với những bạn mới. Vài năm trở lại đây, thời điểm tựu trường được đẩy lên sớm hơn, có tỉnh sớm nhất là ngày 1.8, gần như tỉnh nào cũng dạy trước 2-3 tuần. Tổ chức khai giảng như thế khiến cho nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh không cảm nhận được hết sự háo hức, ý nghĩa của ngày đầu năm học mới. Thậm chí, có ý kiến cho rằng đâu đó, khai giảng chỉ còn là thủ tục, hình thức.
Chị Nguyễn Thuỳ Linh (TX.Sơn Tây, Hà Nội, có con học lớp 2) chia sẻ: "Năm học này, con tôi lớn hơn nên đã biết hỏi mẹ tại sao đi học cả tháng trời mới khai giảng. Tôi cũng không biết phải trả lời con như thế nào. Câu hỏi ngây ngô của trẻ con khiến phụ huynh phải suy ngẫm".
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Anh (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) bày tỏ: "Đã đến lúc "học trước, khai giảng sau" cần được Bộ GDĐT và các cơ quan chức năng điều chỉnh hợp lý. Việc đi học rồi mới khai giảng khiến cho từ cán bộ quản lý đến giáo viên, học sinh, phụ huynh tổ chức khai giảng như một thói quen, một công việc định sẵn. Điều này vô tình biến công việc quan trọng đầu tiên của mỗi năm học lẽ ra thiêng liêng và ngập tràn cảm xúc trở nên khô cứng, nhàm chán".
Theo anh Văn Anh, không ai phủ nhận lễ khai giảng rất cần cho một năm học nhưng cũng cần đổi mới hơn nữa cả về hình thức lẫn nội dung. Sự thay đổi trước hết là quay trở về giá trị nguyên bản của nó: Ngày khai trường là ngày đầu tiên học sinh tới trường.
Cần trở về ý nghĩa thiêng liêng của ngày khai giảng
Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng những năm gần đây, các trường đều học trước khai giảng sau. Nhìn từ phía trường học, cách làm này có một số điểm lợi như học sớm thì sẽ có thêm thời gian ôn tập, phục vụ thi cử; khi học sinh đã vào học ổn định thì khâu tổ chức cho ngày khai giảng cũng tiện lợi hơn, đỡ được công sức liên lạc với phụ huynh, học sinh.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này, "Trong tiềm thức của người Việt, khai giảng là sự kiện diễn ra vào ngày đầu tiên trẻ đến trường cho nên giờ đây khi làm ngược lại đôi phần nó tạo ra sự phản cảm. Khai giảng là khi trẻ em, thầy cô được trải nghiệm cảm giác mới mẻ của năm học mới với bao cảm xúc thì giờ đây học cả tuần thậm chí cả nửa tháng mới khai giảng thì cảm xúc đó không còn nữa. Sâu xa hơn, cách cho học sớm rồi khai giảng sau thể hiện tâm lý và tư duy khoa cử bao phủ trường học. Điều này rất có hại cho việc hình thành con người đúng nghĩa" - ông Vương phân tích.
Ông Vương cho biết, ở nước Nhật, học sinh sẽ nhập học vào mùa xuân (tháng tư) và ngày đi học sẽ có lễ nhập học, giống như ngày khai giảng ở Việt Nam. Lễ nhập học được tổ chức đơn giản, chủ yếu là phần giới thiệu và hướng dẫn dành cho học sinh mới vào trường. Vì thế, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương cho rằng cần có những thay đổi, cải tiến để khai giảng trở lại đúng với ý nghĩa của nó.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam - bày tỏ: "Khai giảng là một sự kiện quan trọng, chuẩn bị cho học sinh một tâm thế phấn khởi bước vào năm học mới. Những tích cực trong đổi mới ngày khai giảng gần đây đã không còn báo cáo, phát biểu dài dòng khiến học sinh mệt mỏi vì nắng nóng. Tuy nhiên, vẫn có một mâu thuẫn là học sớm nhưng lại muốn có một ngày tựu trường thống nhất cả nước ngày 5.9. Học sớm và khai giảng, mỗi một việc làm đều có một ý nghĩa, mục đích nhất định. Vì thế, các nhà quản lý cùng cần cân nhắc để tìm ra giải pháp".
HUYÊN NGUYỄN
Theo laodong.vn
Chung tay cùng thầy trò vùng lũ đón năm học mới Để chuẩn bị tốt cho năm học 2018 - 2019, ngay từ đầu tháng 7/2018, Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè (Lai Châu) đã cùng chính quyền địa phương nỗ lực hỗ trợ tu sửa và khắc phục các lớp học tạm để đón các em học sinh tựu trường. Phụ huynh học sinh cùng các thầy cô giáo đang gấp rút sửa phòng...