Đóng 70.000 USD nhưng chỉ học online trên Zoom, sinh viên kiện trường
Khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều sinh viên ở Mỹ không tìm thấy lý do chính đáng để chi đến 70.000 USD cho việc học trực tuyến qua Zoom.
Chi phi học đại học tại Mỹ từ lâu nổi tiếng đắt đỏ, với học phí hàng chục nghìn USD/năm. Nhưng trong cuộc khủng hoảng do virus corona, sinh viên – đặc biệt những người vay nợ để học đại học – phân vân tại sao lại phải trả đến 70.000 USD/năm cho các lớp học trên Zoom.
Họ cảm thấy thất bại trong cuộc đàm phán và yêu cầu trường tính toán lại.
“Chúng tôi trả tiền cho cả những dịch vụ mà trường không thể đưa lên trực tuyến”, Dhrumil Shah, sinh viên chương trình thạc sĩ ngành Y tế công cộng tại ĐH George Washington, chia sẻ.
Việc chuyển sang học trên Zoom khiến nhiều sinh viên cảm thấy số tiền học bỏ ra không đáng. Ảnh: AFP.
Ít nhất 50 trường bị kiện vì học phí
Nam sinh 24 tuổi phụ thuộc một phần vào khoản vay để trang trải chi phí cho chương trình học hai năm tại thủ đô Mỹ. Sắp tới, anh sẽ nhận bằng. Nhưng lễ tốt nghiệp truyền thống sẽ không diễn ra.
Shah ký đơn kiến nghị, yêu cầu trường hoàn tiền. “Tôi nghĩ chất lượng dịch vụ suy giảm”, nam sinh từ Chicago nói với AFP.
Anh phàn nàn việc chuyển sang học từ xa do lệnh giãn cách xã hội khiến quá trình học xáo trộn. Anh cũng không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ giảng viên hướng dẫn đề tài.
“Những người có trải nghiệm như vậy thường thất bại”, Dhrumil Shah thừa nhận học tập kém hiệu quả, thiếu quyết liệt so với khi học trực tiếp tại trường.
Shah không phải trường hợp duy nhất. Nhiều sinh viên than thở đánh mất những trải nghiệm tinh túy tại đại học Mỹ – không còn những buổi chiều đầy nắng, chơi ném đĩa trong khuôn viên trường hay các lớp học trong phòng thí nghiệm hiện đại.
Molly Riddick cũng ký vào bản kiến nghị, yêu cầu ĐH New York (NYU) bồi thường cho sinh viên.
“Dù NYU nói gì, đơn giản, họ không thể cung cấp chương trình đào tạo ngành nghệ thuật biểu diễn một cách đầy đủ thông qua Zoom”, cô nói.
Một số sinh viên trình những bất bình của mình về học phí lên tòa án. Trong một khiếu nại AFP có được, Adelaide Dixon cáo buộc ĐH Miami trao bằng tốt nghiệp có giá trị thấp hơn thông thường vì học trực tuyến.
Video đang HOT
Vì thế, cô đại diện khoảng 100 sinh viên trong trường, khởi kiện, đòi bồi thường hàng triệu USD. Ít nhất 50 đại học ở Mỹ bị sinh viên kiện với lý do tương tự.
Kinh tế khó khăn do dịch dẫn đến nhiều học sinh ở Mỹ mất cơ hội học lên đại học. Ảnh: AFP.
Đại học khó tuyển sinh, thất thu
Bản thân các trường đại học cũng gặp khó khăn khi rơi vào tình thế không lường trước được do đại dịch. Trong khi đó, một số trường hoàn lại phần nào chi phí ký túc xá cho sinh viên, không trường nào đáp ứng được việc hoàn học phí cho học kỳ xuân.
Vấn đề trở nên tồi tệ hơn khi họ không chắc tương lai sẽ ra sao vào cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu – thời điểm bắt đầu học kỳ khác. Liệu 20 triệu sinh viên ở Mỹ có trở lại trường sau dịch? Các cuộc tranh luận nổ ra trong cộng đồng sinh viên đại học nước này.
“Tôi hy vọng có thể đi học lại”, Ashwath Narayanan, 19 tuổi, sinh viên ĐH George Washington, cho biết.
Nam sinh cho hay lãnh đạo trường hứa sẽ cung cấp hướng dẫn cụ thể trong vòng 10 ngày tới. Dù vậy, Narayanan thừa nhận đã chuẩn bị tinh thần cho việc không thể đi học trở lại,
Narayanan cho rằng thật khó để tưởng tượng làm thể nào cuộc sống đại học trở lại bình thường như thể dịch Covid-19 chưa từng xảy ra.
Pamella Oliver, Phó hiệu trưởng phụ trách học thuật tại ĐH bang California, cho biết dự kiến đến mùa thu, trường số hóa các dịch vụ.
Nhưng với nhiều trường, việc chuyển sang hình thức trực tuyến đồng nghĩa gia tăng áp lực từ sinh viên, phụ huynh, đặc biệt khi tình hình kinh tế ảm đạm vì dịch.
“Nhiều sinh viên cũng như gia đình các em giảm thu nhập, khả năng chi trả cho việc học đại học cũng giảm”, Ted Mitchell, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ, nêu vấn đề trong thư gửi quốc hội.
Mitchell dự đoán số lượng thí sinh nhật học trong năm học tiếp theo giảm 15% – tương đương các trường thất thu 23 tỷ USD.
Với tương lai như vậy, những đại học hàng đầu như Harvard, Yale, Stanford vẫn còn nguồn vốn khổng lồ cùng cơ hội vay kinh phí hoạt động. Trong khi đó, các trường nhỏ có thể phá sản khi không tuyển được sinh viên.
Mùa dịch Covid-19 bóc trần khoảng cách giàu nghèo của sinh viên
Tác động của đại dịch đã làm mất sự bình đẳng vốn có giữa các học sinh, sinh viên, thứ trước nay vẫn được tạo ra và gìn giữ trong môi trường giáo dục.
Zing dịch tổng hợp các bài đăng từ The New York Times, BBC và Asia One, đề cập đến sự tương phản giàu nghèo trong đời sống của học sinh, sinh viên khi tiếp cận giáo dục trực tuyến ở thời điểm đại dịch Covid-19 có nguy cơ kéo dài.
Từ khi đại dịch Covid-19 tràn đến bang Pennsylvania (Mỹ), Đại học Haverford lập tức đóng cửa và bắt buộc đa số các sinh viên phải rời khỏi ký túc xá để trở về nhà. Giống như những trường khác trên nước Mỹ, các lớp học vẫn tiếp tục qua các phần mềm trực tuyến. Giáo trình được sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế.
Tuy nhiên, khi bật webcam lên để học online, các sinh viên có thể nhận thấy hoàn cảnh mỗi người không hề giống nhau.
Một người đang tận hưởng căn hộ nghỉ dưỡng của gia đình ở bờ biển Maine (Mỹ). Trong khi, người khác đang chật vật giúp mẹ duy trì kinh doanh xe bán đồ ăn Puerto Rican trong khi mọi quầy ở các siêu thị Florida cháy hàng.
Việc kinh doanh của gia đình Lathion trên bờ vực phá sản và cô có thể không đủ tiền học tiếp. Ảnh: New York Times.
Ngoài ra, một người có bố làm giám đốc đã bay cùng cả gia đình tới quốc gia khác có tỉ lệ nhiễm virus đang suy giảm. Trong khi đó, có người lại không thể trở về nhà ở Nga vì gia đình không đủ tiền mua vé.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế thế giới, khiến hơn 10 triệu người thất nghiệp. Từ đó, sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội ngày càng thể hiện rõ hơn.
Không đủ tiền trang trải học phí
Vài ngày trước khi khóa học trực tuyến diễn ra, giáo sư Anita Isaacs, giảng viên môn khoa học chính trị ở Đại học Haverford từ năm 1988, nhận được email từ Tatiana Lathion. Lathion không chỉ là sinh viên năm cuối mà còn là trợ giảng của cô Isaacs.
Trong email, Lathion cho biết cô có thể sẽ không thể theo học được nữa. Chiếc xe tải bán đồ ăn của gia đình cô, cũng là nguồn tài chính chủ yếu, đang trên bờ vực phá sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
"Thưa cô, em không chắc tài khoản tiết kiệm của em vừa đủ giữ hoạt động kinh doanh tồn tại, vừa nuôi gia đình qua thời gian cách ly xã hội. Có lẽ em sẽ đi làm bán thời gian ở một cửa hàng tạp hóa", Lathion viết trong email gửi cô Isaacs.
Giáo sư liền gọi điện hỏi thăm Lathion sau khi nhận được email. Bà cho biết: "Thật đau lòng khi chứng kiến em ấy khóc qua màn hình laptop. Tôi cứ nghĩ mãi, nếu không vì virus, tôi đã có thể ngồi cùng Lathion và an ủi cô gái này".
Trái lại với Lathion, Isabel Canning được gia đình đưa tới căn hộ nghỉ dưỡng của gia đình tại bờ biển Maine ngay khi đại dịch bắt đầu tràn vào nước Mỹ. Cô cũng được chú ruột cung cấp khẩu trang và găng tay miễn phí.
Ngôi nhà rộng rãi bên bờ biển Maine của gia đình Canning. Ảnh: The New York Times.
Vào thời điểm dịch bắt đầu bùng phát tại Mỹ, Chace Pulley, một bạn học khác của Lathion, có ý định cùng gia đình sang Nhật Bản, quốc gia có tỉ lệ tăng ca nhiễm mới giảm. Tuy nhiên, bố mẹ cô lại quyết định ở lại biệt thự có tầm nhìn bao quát vịnh San Francisco.
Sofia Bomse, sinh viên đến từ New Mexico, buồn bã chia sẻ: "Khoảng cách giữa giới siêu giàu và tầng lớp còn lại ngày càng thể hiện rõ".
"Có thể nói, trường chúng tôi làm tốt trong việc xóa mờ ranh giới giàu nghèo trong môi trường giáo dục cho đến khi dịch bệnh xuất hiện. Tôi cảm thấy lo lắng cho các sinh viên khi phải đương đầu với những ảnh hưởng sắp tới", giáo sư Isaacs nói.
Không có điều kiện sử dụng Internet
Không chỉ tại Mỹ, đại dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng tới gia đình và việc học tập của các học sinh, sinh viên châu Á.
Trường Tiểu học SKH Kei Oi ở quận Sham Shui Po, một trong những quận nghèo nhất Hong Kong, vừa phải livestream dạy học vừa đăng tải video ghi hình bài giảng cho các học sinh từ 6-12 tuổi.
Không phải mọi học sinh đều có điều kiện học online. Ảnh: SCMP.
Ước tính có khoảng 2/3 số học sinh của trường đến từ các gia đình làm nông hoặc gia đình chỉ có một chiếc máy tính dùng chung giữa phụ huynh và học sinh. Ngoài ra, một cuộc khảo sát nội bộ khác cho thấy nhiều phụ huynh rơi vào tình trạng thất nghiệp không trợ cấp trong thời điểm dịch bệnh này.
Một phụ huynh có hai con nhỏ học lớp 2 và lớp 5 cho biết cô đã mượn máy tính bảng từ trường để phục vụ việc học trực tuyến. Tuy nhiên, kết nối Internet khu nhà cô quá chậm để có thể tải các bài giảng.
"Tiếng Anh của tôi không được tốt nên khó có thể giúp các con làm bài tập. Nhưng mỗi khi gia đình chúng tôi gặp bất cứ khó khăn nào, các giáo viên trên trường đều rất nhiệt tình giúp đỡ", phụ huynh này chia sẻ.
Ngoài ra, theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng Hong Kong, 96% trên tổng số 582 học sinh dưới 18 tuổi xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận việc học online. Trong đó, khoảng 200 học sinh không có máy tính và 115 học sinh không lắp đặt Internet tại nhà.
Tình trạng trường học đóng cửa ở các quốc gia dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện nay, số ca dương tính với virus trên thế giới đã lên tới 1.2 triệu người, trong đó hơn 69.400 ca tử vong.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động trên thế giới đóng băng. Ảnh: Getty Images.
Hồng Chang
Sinh viên nghèo tại Mỹ không nơi ăn chốn ở khi bị buộc rời ký túc xá Quyết định đóng cửa nhiều đại học ở Mỹ được coi là nỗ lực chống virus lây lan. Nhưng đồng thời, bộ phận sinh viên nghèo phải đối mặt với hàng loạt chi phí phát sinh đắt đỏ. Zing.vn trích dịch bài đăng trên Vox, về các khó khăn của những sinh viên nghèo phải đối mặt khi nhiều trường đại học tại...