Donald Trump nỗ lực thay đổi hình ảnh ‘bạo miệng’
Sau những phát biểu bị chỉ trích là phân biệt chủng tộc, tỷ phú Donald Trump tìm cách làm dịu hình ảnh trước khi bước vào mùa tổng tuyển cử.
Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Khi tỷ phú Donald Trump tuần trước bước lên sân khấu cùng gia đình tại khu tổ hợp sân golf xa hoa Trump National Golf Club Westchester, ca khúc nổi tiếng “We Are the Champions” (Chúng ta là những nhà vô địch) của ban nhạc huyền thoại Queens đã được mở lớn, đầy hào hùng. Tuy nhiên, ứng viên đảng Cộng hòa đã không thể tỏ ra cao ngạo như thường thấy.
“Tôi hiểu trách nhiệm của người mang trọng trách, và tôi sẽ không bao giờ khiến các bạn thất vọng”, ông Trump nói. “Tôi sẽ khiến các bạn tự hào về đảng của chúng ta, phong trào của chúng ta”.
Dịu giọng
Bài phát biểu của tỷ phú trước đám đông các thành viên câu lạc bộ golf cùng một loạt ống kính máy quay, trong đêm diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ cuối cùng của đảng Cộng hòa, đã diễn ra dịu nhẹ hơn nhiều trước kia. Suốt một tuần trước đó, ông Trump đã hứng chịu những đòn công kích gay gắt nhất trên các phương tiện truyền thông kể từ khi trùm bất động sản bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị mùa hè năm ngoái.
Với việc nhiều cử tri đảng Cộng hòa tỏ ra hối hận vì đã hậu thuẫn tỷ phú này, cùng những đe dọa sẽ từ bỏ việc chọn ông Trump làm người đại diện, ứng viên duy nhất còn lại của đảng Cộng hòa đang chịu áp lực phải trấn an những lo lắng của họ. Theo Time, bài phát biểu của ông tại tại khu tổ hợp sân golf khá truyền thống, để chứng tỏ rằng mình đã sẵn sàng đối phó với ứng viên gần như chắc chắn được đảng Dân chủ đề cử, bà Hillary Clinton.
Các khán giả tới dự sự kiện trên dường như ngạc nhiên khi nhận thấy giọng điệu bài phát biểu của Donald Trump rất chừng mực. Trong những cuộc vận động tranh cử vừa qua, người tham dự thường nói to để ngắt lời, đặt câu hỏi, hoặc hò reo cổ vũ. Tuy nhiên trong bài phát biểu lần này, ông Trump hầu như không đáp lại những lời “nói leo” đó bởi muốn cố duy trì hình ảnh điềm đạm trước ống kính.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump cố gắng thay đổi hình ảnh trước công chúng để trông giống một ứng viên tổng thống hơn, sau nhiều lần bản thân ông cùng các thành viên trong chiến dịch tranh cử tham gia vào nhiều tranh luận rùm beng về việc liệu tỷ phú có cần điều chỉnh giọng điệu khi bước vào mùa tổng tuyển cử. “Tôi sẽ không thay đổi”, ông Trump nói hồi đầu tháng.
Nhưng sau khi hứng chịu những chỉ trích gay gắt, ông Trump đã nhận thức rõ rằng mình cần phải thay đổi, ít nhất là trong ngày bầu cử sơ bộ cuối cùng.
Có thể thấy rõ nhất sự khác biệt về tính chất của bài phát biểu, khi ông Trump phát biểu với sự trợ giúp của máy nhắc chữ, được đích thân giám đốc chiến dịch tranh cử Paul Manafort kiểm tra trước khi ông Trump lên phát biểu.
Ông Manafort là người hậu thuẫn mạnh mẽ nhất để ông Trump chuyển sang giọng điệu ôn hòa hơn, gia tăng sức hút bằng phong thái đậm chất ứng viên tổng thống hơn. Điều đáng chú ý là trước đây chính Donald Trump từng mỉa mai các chính trị gia khác khi sử dụng máy nhắc chữ trong các bài phát biểu vận động tranh cử, và thậm chí còn kêu gọi cấm sử dụng thiết bị này.
Trong bài phát biểu, Donald Trump trực tiếp nhắm tới những người ủng hộ ứng viên Bernie Sanders của đảng Dân chủ – đối thủ cùng đảng của bà Hillary Clinton. “Chúng tôi chào đón các bạn với vòng tay rộng mở”, ông Trump nói.
Video đang HOT
Bài phát biểu của ông Trump cũng không xuất hiện giọng điệu chế giễu đã theo ứng viên này suốt cả năm qua, khi nói về các đối thủ và những người ủng hộ họ. “Với những người đã bỏ phiếu cho tôi suốt chiến dịch này, tôi muốn cám ơn các bạn rất nhiều”, ông Trump nói. “Với những ai đã bỏ phiếu cho người khác của bất kỳ đảng nào, tôi sẽ nỗ lực để có được sự ủng hộ của các bạn”.
Bão chỉ trích
Nguồn gốc cuộc khủng hoảng Donald Trump hiện phải đối mặt xuất phát từ một cuộc công kích nhắm vào thẩm phán Mỹ Gonzalo Curiel, người đang chủ trì vụ kiện về Đại học Trump đã ngừng hoạt động. Ngôi trường này bị nhiều lãnh đạo cơ quan tư pháp gọi là mưu đồ lừa đảo. Ông Trump tuyên bố thẩm phán sinh ra tại bang Indiana, với gốc gác Mexico, nên bị truất quyền thụ lý vụ kiện, bởi ông Trump có kế hoạch xây một bức tường trên biên giới với Mexico để ngăn dòng người nhập cư vào nước này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ House Paul Ryan, người hồi tuần trước tuyên bố sẽ ủng hộ ông Trump, đã chỉ trích mạnh mẽ phát ngôn trên là “một bình luận phân biệt chủng tộc rõ ràng nhất”.
Thượng nghị sĩ bang Illinois Mark Kirk rút lại sự hậu thuẫn dành cho ứng viên đảng Cộng hòa sau vụ việc trên. Thượng nghị sĩ bang South Carolina Lindsey Graham kêu gọi các đồng nghiệp nghĩ lại về việc hậu thuẫn cho ông Trump. Thượng nghị sĩ bang Maine Susan Collins thậm chí để mở khả năng bỏ phiếu cho bà Clinton.
Những phát biểu mới đây của ông Trump khiến một số người Cộng hòa nuôi hy vọng tỷ phú bạo miệng có thể thay đổi giọng điệu, nhưng cũng có nhiều người lo ngại liệu ông duy trì được việc đó trong bao lâu.
Sau những chỉ trích, ông Trump, người thường tự nhận mình luôn phản công đáp trả thay vì chấp nhận những thất bại, đã ra thông cáo gần như lời xin lỗi. “Thật không may khi những bình luận của tôi có thể bị hiểu sai như hành động công kích nhắm vào người gốc Mexico”, thông cáo được đưa ra hôm 7/6 viết.
Các bình luận trong tối 8/6 của ông Trump có cả những công kích nhắm vào bà Clinton, nhưng không có nội dung bảo thủ gây tranh cãi cùng những thuyết âm mưu đã trở thành “thương hiệu” cho chiến dịch tranh cử của ứng viên này.
“Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề của mình chỉ bằng cách dựa vào những chính trị gia đã tạo ra rắc rối đó”, ông Trump công kích bà Clinton. Ông cũng tuyên bố sẽ có bài phát biểu quan trọng tấn công bà Clinton.
Tỷ phú sau đó khẳng định mình là đại diện duy nhất cho những thay đổi trong cuộc đua vào Nhà Trắng, với mục đích kêu gọi sự ủng hộ từ khắp chính giới Mỹ.
“Cuộc bầu cử này không phải chỉ xoay quanh đảng Dân chủ hay Cộng hòa, mấu chốt của nó là quyết định ai sẽ là người điều hành đất nước”, ông Trump nói.
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Vì sao nhiều người Mỹ thờ ơ khi bà Clinton đi vào lịch sử
Nhiều người Mỹ nói rằng họ muốn có một nữ tổng thống, nhưng cho rằng bà Hillary Clinton không phải là người phù hợp.
Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters
Việc bà Hillary Clinton trở thành phụ nữ đầu tiên giành được quyền đề cử của một chính đảng tại Mỹ được xem như một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến bình đẳng giới. Dù vậy không ít người Mỹ lại tỏ ra thờ ơ.
Với việc gom đủ số đại biểu cần thiết tại vòng bầu cử sơ bộ hôm 7/6, bà Hillary Clinton đã thực sự đập tan tấm trần vô hình mà bà từng chỉ đủ sức khiến nó bị nứt trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2008, tạp chí Timenhận định. Thành công này cũng giúp giấc mơ của các nhà hoạt động vì bình đẳng giới như Susan B. Anthony (1890 - 1906), người đã đấu tranh để phụ nữ Mỹ được tham gia bầu cử, gần hơn bao giờ hết.
"Điều này mang lại thật nhiều cảm xúc", bà Clinton phát biểu trước các phóng viên tại California hôm 6/6, trước khi hãng thông tấn AP khẳng định cựu ngoại trưởng đã có đủ số đại biểu cần thiết để được đề cử. Dù vậy, dường như ít người Mỹ trân trọng những gì đang diễn ra.
Bà Clinton, từng là ngoại trưởng, thượng nghị sĩ và đệ nhất phu nhân, đã quá quen với các chiến dịch tranh cử trong 4 thập kỷ tham gia chính trường. Và việc bà giành được quyền đề cử là dự đoán dễ thành hiện thực nhất trên chính trường Mỹ.
Những người vận động và cả bản thân bà đã luôn đưa thành tích của bà thành tâm điểm trong cuộc đua. Trong khi đó, những người theo dõi chiến dịch thường quên mất rằng có lẽ họ đang chứng kiến một sự kiện lịch sử về bình đẳng giới.
Khác với chiến dịch của Tổng thống Obama năm 2008, được ca ngợi như một bước ngoặt trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc có lịch sử lâu dài ở Mỹ, ít người xem sự thăng tiến của bà Clinton như kết quả tất yếu của cuộc chiến bình đẳng giới.
Một mặt là do phụ nữ không còn là những gương mặt hiếm hoi trong các mùa tranh cử tổng thống. Trước khi ông Obama nổi lên năm 2007, bà Clinton từng được xem như người nhiều khả năng sẽ được đề cử. Những cử tri trẻ tuổi thì nhớ tới việc bà Sarah Palin năm 2008 từng được chọn là ứng viên phó tổng thống, trong khi cha mẹ họ có thể nhớ tới ứng viên Geraldine Ferraro trong mùa bầu cử 1984. Nhiều gương mặt nữ khác như Carol Moseley Braun năm 2004, Michele Bachmann năm 2012 và Carly Fiorina năm 2016 đều đã có những nỗ lực không thành công. Do đó, bà Clinton không phải nhân tố mới.
Cùng lúc đó, cựu ngoại trưởng còn bị lu mờ bởi những kịch tính từ phía đối thủ Bernie Sanders. Thượng nghị sĩ này tuyên bố sẽ không bỏ cuộc, tiếp tục chiến đấu với bà Clinton cho tới kỳ Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ ở Philadelphia cuối tháng 7 tới. Bà Clinton đã giành được hơn ba triệu phiếu bầu, có được cam kết ủng hộ từ nhiều đại biểu hơn và nhận được sự hậu thuẫn từ nhiều siêu đại biểu hơn. Dù vậy, những người trung thành với ông Sanders quả quyết ứng viên của họ vẫn có thể đảo ngược tình thế ở một cuộc đấu trong nội bộ đảng.
Hãng tin AP trong tối 6/6 công bố kết quả tổng hợp từ bầu cử sơ bộ và ý kiến họ khảo sát riêng từ các siêu đại biểu, nói rằng bà Clinton đã giành đủ số phiếu cần thiết. Ông Sanders thì tuyên bố với AP rằng ông không chấp nhận tính toán của hãng thông tấn này, và sẽ tiếp tục chạy đua với bà Clinton. Thượng nghị sĩ này tin rằng mình vẫn còn 7 tuần để giành sự ủng hộ từ các siêu đại biểu - những thành viên trong nội bộ đảng Dân chủ đã biết bà Clinton nhiều năm qua. "Mục tiêu của tôi là giành nhiều đại biểu nhất có thể", ông Sanders tuyên bố trong ngày 6/6.
Với các đồng minh của bà Clinton, kết quả chung cuộc đã rõ ràng, nhưng ở phía ông Sanders thì không. "Nhiều người đã đợi rất lâu để một phụ nữ trở thành đại diện cho một chính đảng. Có vẻ sai lầm khi phớt lờ một thời khắc lịch sử chỉ vì một ứng viên nam nói vậy", Neera Tanden, chủ tịch Trung tâm vì Tiến bộ Mỹ nhận định.
Các khảo sát cho thấy người Mỹ không bàn luận nhiều đến chuyện bỏ phiếu cho một nữ ứng viên tổng thống chỉ vì vấn đề giới tính. Trong khi 8/10 người Mỹ được hỏi khẳng định đất nước đã "sẵn sàng" đón nhận một nữ tổng thống, theo khảo sát của CNN, chỉ 31% cho rằng đây là ưu tiên rất quan trọng. Nói cách khác, cử tri Mỹ sẽ vui khi thấy điều này diễn ra, nhưng đó không phải yếu tố quan trọng hàng đấu đối với tổng tư lệnh mới.
Cử tri trẻ tuổi đặc biệt tin rằng sẽ có một nữ tổng thống xuất hiện trong cuộc đời họ, và việc đề cử một phụ nữ giờ không còn một cột mốc quan trọng, như lẽ ra có thể diễn ra 8 năm trước.
Rất nhiều cử tri lớn tuổi và những người Dân chủ muốn thấy một một nữ tổng thống nhậm chức không tin rằng họ phải bỏ phiếu cho bà Clinton. Từ Iowa tới California, cử tri lặp lại một thông điệp đó là: chúng tôi muốn có một nữ tổng thống, nhưng đó là phải người phụ nữ phù hợp.
"Hầu hết các bạn gái của tôi đều không muốn Hillary đắc cử, và họ nói rằng bà ấy không phải người phù hợp", Caroline Motschman, một người ủng hộ ông Sanders nói. "Sẽ có một phụ nữ phù hợp, nhưng không nên vội vã và bỏ phiếu cho bà ấy chỉ vì bà ấy là phụ nữ". Một số người cho rằng người phù hợp đó phải là thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren hoặc thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand đến từ New York.
Ông Sanders đang dựa vào tâm lý này để khuyến khích những người ủng hộ mình tiếp tục chống lại việc đề cử bà Clinton. Những tuần gần đây, thượng nghị sĩ đã gia tăng những công kích nhắm vào bà Clinton cũng như ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Ông Sanders cũng quả quyết rằng mình không thể đề nghị những người ủng hộ mình bỏ phiếu cho bà Clinton khi không có những thỏa hiệp nào đó.
Các đồng minh của bà Clinton đã thể hiện sự tức giận trước thái độ ngoan cố của ông Sanders. "Nhưng luật là luật, và tính toán là tính toán. Thượng nghị sĩ Sanders sẽ không trở thành người được đảng Dân chủ đề cử", Jay Carson, cựu người phát ngôn của bà Clinton khẳng định trong bài viết trên New York Times.
Ông Sanders bác bỏ nhận định cho rằng mình đang tiếp tục cuộc đua vì là người phân biệt giới tính và ngăn bà Clinton đi vào lịch sử. Thượng nghị sĩ này quả quyết rằng lá phiếu của các siêu đại biểu sẽ chưa được kiểm cho tới kỳ đại hội đảng Dân chủ.
Trước đây, bà Clinton từng nhiều lần gặp khó khăn khi thảo luận về vấn đề giới tính. Trong chiến dịch tranh cử 2008, các cố vấn đã hối thúc bà không nên nhấn mạnh việc bà là phụ nữ khi tranh cử. Nhà khảo sát cử tri Mark Penn khi đó thậm chí hối thúc bà xóa nhòa vấn đề giới tính bằng cách tỏ ra hiếu chiến. Và quả thực, bà Clinton đã thể hiện mình là một người thực tế, cứng rắn.
Cử tri Mỹ khi đó đánh giá cao điều này, nhưng họ lại chọn ông Obama, người truyền đi sự lạc quan và tiềm năng trong chiến dịch tranh cử làm nên lịch sử của mình, dù hiếm khi đề cập đến vấn đề chủng tộc. Sau đó, về cuối chiến dịch bầu cử sơ bộ, bà Clinton đã chuyển hướng, đề cao giới tính của mình khi đưa cả mẹ và con gái tham gia các cuộc vận động. Với những người ít quan tâm tới chính trị, điều này có phần không phù hợp.
8 năm sau, bà Clinton khởi động chiến dịch bằng cách điều chỉnh lại bản thân. Tuy nhiên, Time cho rằng bà hơi quá khi vừa nói về vai trò của một người bà, vừa bàn đến các chính sách để giúp đỡ các gia đình. Dù vậy, cuối cùng bà cũng đã tìm được điểm cân bằng đúng lúc, khi vừa ngồi bàn tròn bàn thảo với các bà mẹ đi làm, đồng thời kể về đêm bà ngồi đối diện Tổng thống Obama trong lúc các thành viên đội đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden.
Cách bà Clinton sử dụng giới tính của mình đã bị mổ xẻ kỹ lưỡng. Phải chăng bà ấy nói quá nhiều? Phải chăng bà quá hiếu chiến? Nhưng có một thực tế mà nhiều người không để ý tới: người mẹ quá cố của bà Clinton, Dorothy Rodham, sinh ra vào cùng ngày quốc hội Mỹ thông qua Sửa đổi thứ 19 đối với Hiến pháp Mỹ, cho phép phụ nữ tham gia bầu cử.
Mẹ của bà Clinton sinh ra ở thời điểm bà không được quyền bỏ phiếu, chưa nói gì tới việc tưởng tượng rằng một ngày con gái mình sẽ là người được một chính đảng đề cử.
Trả lời phỏng vấn về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng vừa giành được, bà Clinton khẳng định mình xúc động bởi thời khắc lịch sử này. Bà cũng đã nhiều lần tìm cách đưa những bình luận đó vào bài phát biểu trước những người ủng hộ tại New York. "Tôi thực sự nghĩ rằng sẽ là một khác biệt rất lớn khi một người cha hoặc người mẹ có thể nhìn vào con gái họ, như cách họ nhìn vào đứa con trai và nói 'con có thể trở thành bất kỳ ai con muốn ở đất nước này, bao gồm cả tổng thống Mỹ'".
Hoàng Nguyên
Theo VNE
Bà Clinton và ông Trump "phím chiến" dữ dội trên Twitter Cuộc đua vào nhà Trắng giữa bà Hillary Clinton và tỉ phú Donald Trump vẫn chưa chính thức bắt đầu, song cuộc phím chiến trên Twitter của họ đã khai hỏa! Sau khi nhận được tuyên bố ủng hộ chính thức từ Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 9-6 về chiến dịch tranh cử, bà Clinton đã chia sẻ trên mạng xã hội...