Dồn vốn hơn nữa cho doanh nghiệp
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp (DN), nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Hầu hết DNNVV đang thiếu tiền để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm nay khá thấp nên các ngân hàng đang tích cực đẩy vốn vào phân khúc DN này.
Ưu tiên cho DNNVV
Hiện hầu hết DNNVV đều sụt giảm doanh thu, khó khăn về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm và bị gián đoạn các chuỗi sản xuất quan trọng. Nhiều DN cho biết, việc phải gồng gánh quá lâu chi phí mặt bằng và nhân lực đã khiến họ bị thâm hụt nguồn vốn. Khi trở lại thời kỳ bình thường mới, nhu cầu bổ sung vốn lưu động trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Một số DN tập trung dồn sức cho những đơn hàng có sẵn, số khác sáng tạo ra sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng cũ để tìm kiếm thị trường mới. Các chiến lược hồi phục của DNNVV khác nhau, nhưng để thực hiện được đều cần nguồn vốn mới với lãi suất ưu đãi để tối đa hóa hiệu quả kinh doanh.
Nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy tối đa hiệu quả kinh doanh. Ảnh: CAO THĂNG
Tuy nhiên, không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh mà từ trước đến nay, ngân hàng vẫn ưu tiên vốn đối với DNNVV. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM, tính đến cuối tháng 6-2020 dư nợ cho vay trong 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên là 175.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nhóm DNNVV lên đến 126.000 tỷ đồng. Ông Trần Minh Bình, Tổng Giám đốc VietinBank, khẳng định, DNNVV luôn được xác định là phân khúc khách hàng trọng điểm chiến lược của đơn vị theo định hướng dài hạn. Tính đến hết tháng 6-2020, dư nợ phân khúc khách hàng DNNVV của VietinBank đạt gần 247.000 tỷ đồng, chiếm 26% dư nợ khách hàng DN, giữ vững tốc độ tăng trưởng tín dụng là 2%. Khó khăn của DNNVV trong dịch Covid-19 là sự thiếu hụt dòng tiền và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của họ. Do đó, VietinBank đang triển khai chuỗi các giải pháp tài chính dành riêng cho phân khúc DNNVV như: gói tín dụng cho vay linh hoạt lãi suất cố định; gói vay 10.000 tỷ đồng cho DN công nghiệp hỗ trợ tại TPHCM; chương trình ưu đãi lãi suất cho vay dành cho DN khởi nghiệp quy mô 3.000 tỷ đồng. Tính từ ngày 23-1 đến 19-6, VietinBank đã giải ngân cho gần 7.000 khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 với doanh số giải ngân mới 180.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 0,5%/năm so với trước Covid-19.
Video đang HOT
Tương tự, Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) triển khai chương trình vay ưu đãi 6.000 tỷ đồng với những gói vay phù hợp: vay bổ sung vốn lưu động với lãi suất chỉ từ 7,2%/năm, đồng thời được vay thấu chi giảm lãi thêm 0,5%, miễn phí các gói dịch vụ ngân hàng điện tử và chuyển tiền. DN xuất nhập khẩu cần nguồn vốn cho những lô hàng lớn không chỉ được lãi suất ưu đãi mà còn được giảm phí chuyển tiền quốc tế lên đến 50%. PVcomBank cũng dành 10.500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,49%/năm; đồng thời đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay nhằm hỗ trợ các DN nhỏ, các tiểu thương và hộ kinh doanh tiếp cận vốn nhanh hơn. Lãnh đạo PVcomBank chia sẻ, nhiều DNNVV khi vay được vốn cho biết đã giảm tải được gánh nặng vốn lưu động, giảm áp lực tài chính và còn có thêm lợi thế để nắm bắt được đúng thời điểm kinh doanh, tận dụng nguồn lực từ bên ngoài để duy trì tốt nhất hoạt động của DN trong giai đoạn khó khăn.
Cần mở rộng đối tượng hỗ trợ vốn
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho biết DN thuộc lĩnh vực sản xuất cơ bản tuy đã nối lại được nguồn cung cấp nguyên liệu nhưng vẫn chưa xuất khẩu hàng được như trước, do các nước mua hàng hiện vẫn chưa khống chế được dịch bệnh. Hàng không quốc tế chưa nối lại nên DN kinh doanh lĩnh vực du lịch, lữ hành, lưu trú, ăn uống, dịch vụ… phục vụ du khách nước ngoài vẫn còn phải đóng cửa. Các DNNVV bị thiệt hại do dịch bệnh ở nhiều mức độ khác nhau nên nhìn chung, để khôi phục lại hoạt động kinh doanh, phần lớn cần đến sự trợ giúp của ngân hàng cho khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay không chuyển nhóm, cho vay mới với lãi suất thấp và nhất là vay lãi suất 0% để trả lương, giữ chân người lao động. “Các DN mong muốn mặt bằng lãi vay thấp hơn. Cùng với đó, ngân hàng nên chủ động thông tin về chính sách hỗ trợ để DN biết, qua đó ngân hàng có thể “cứu nợ để thu hồi nợ”, chứ không phải DN nào biết thì xin, không biết thì thôi như hiện nay”, ông Nguyễn Phước Hưng nói.
Hiệp hội DN TPHCM cũng kiến nghị ngân hàng mở rộng hỗ trợ cho cả những DN ít, thậm chí không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thực tế, một số DN đã bắt tay vào khôi phục sản xuất, kinh doanh nên cần vay vốn lưu động ngắn hạn để bổ sung vào dòng tiền thiếu hụt hoặc bị gián đoạn; cần vốn trung hạn để cơ cấu lại sản xuất, chuyển đổi nguồn cung ứng nguyên liệu, chuyển đổi sản phẩm, chuyển đổi số để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, ngân hàng cũng cần hỗ trợ vốn cho những DN chuyển đổi sử dụng nguyên liệu trong nước và Ngân hành Chính sách xã hội cần cho DN vay nhanh chóng với thủ tục dễ dàng để trả lương, nhằm giữ chân người lao động. Trong khi đó, TS Trần Du Lịch cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN chưa có nhu cầu vốn vay nhưng ngân hàng cũng nên xem xét giảm thêm lãi vay để kích cầu tín dụng. Đối với khối DNNVV, cần có một chính sách tín dụng lãi suất thấp hơn để hỗ trợ khối DN này vượt qua khó khăn.
Thế nhưng, cũng có cái nhìn khác về việc này. Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam, cho rằng, hiện sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm vì DN chưa có đầu ra cho sản phẩm. Nhiều DNNVV bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nên ngân hàng cần cẩn trọng khi rót vốn vay. Trước cảnh báo này, nhiều ngân hàng cho biết, không hạ chuẩn cho vay dù nguồn vốn đang dư thừa, tín dụng khó tăng. Ngược lại, ngân hàng sẽ kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng trong thời dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn nhận định, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì nợ xấu tăng là điều khó tránh. Mặc dù không để quay lại tình trạng nợ xấu cao như thời điểm trước đây, nhưng cũng phải chấp nhận ở một mức phù hợp.
Thống đốc NHNN LÊ MINH HƯNG: Sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng khi cần thiết
Từ nay đến cuối năm, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí và giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, cũng như đảm bảo an toàn, chất lượng hoạt động của hệ thống. NHNN sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ đến cuối năm 2020. Các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch (ngày 23-1) cũng sẽ được xem xét để cơ cấu lại. NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng khi cần thiết.
PGS-TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện Kinh tế và Chính sách: Điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng dưới 10%
Mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm và sẽ tiếp tục giảm trong 6 tháng cuối năm. Nếu NHNN muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng như cũ (14%), sẽ vượt qua khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, lạm phát sẽ tăng. Do đó, NHNN có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 10% để phù hợp hơn với nhu cầu thực của nền kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng và lạm phát đang có nguy cơ tăng lên từ nay đến cuối năm. Nợ xấu tăng là khó tránh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song đó cũng do nguyên nhân khách quan. Vì thế, ngân hàng cần kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu tăng cao và khó xử lý sau khi dịch được kiểm soát. Bản thân các DNNVV cũng cần nắm bắt tình hình nhằm tìm ra hướng đi mới cùng những giải pháp phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh khi Việt Nam bước vào thời kỳ bình thường mới.
Ngân hàng "thừa vốn", lãi suất giảm diện rộng
Bước vào tháng 7, các ngân hàng lại tiếp tục một đợt giảm lãi suất cả huy động và cho vay trên diện rộng. Nguyên nhân được đưa ra là do thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dư thừa. Nhưng liệu dòng vốn dồi dào này có giúp nền kinh tế được khởi sắc?
Các ngân hàng đã giảm cả lãi suất huy động và cho vay. Ảnh: ST
Ngân hàng "thừa vốn"
Khảo sát hiện nay cho thấy, một loạt ngân hàng lớn không chỉ hạ lãi suất huy động mà còn giảm mạnh lãi suất cho vay. Tiêu biểu như Ngân hàng BIDV, biểu lãi suất áp dụng từ ngày 1/7 cũng giảm 0,3%/năm đối với kỳ hạn 1-2 tháng, xuống còn 3,7%/năm. Kỳ hạn 3-5 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống còn 4%/năm. Kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng lần lượt còn 4,4%/năm và 4,6%/năm. Lãi suất cao nhất ở ngân hàng này đang áp dụng cho các kỳ hạn từ 364 ngày trở lên, ở mức chỉ 6%/năm, giảm mạnh so với 6,8%/năm trước đó. Nhưng cùng thời điểm này, BIDV cũng công bố giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, với mức giảm 2,5-3%/năm so thời điểm trước Covid-19.
Tương tự, các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Agribank, VPBank, Techcombank, Eximbank... cũng giảm thêm lãi suất huy động, với mức giảm 0,1-0,5%/năm, tùy từng kỳ hạn. Các ngân hàng này cũng có thêm đợt giảm lãi suất cho vay, như Agribank giảm lãi suất cho vay thêm 0,2%/năm để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, giúp khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ phải trả lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 4,8%/năm; lãi vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, thấp nhất thị trường hiện nay. Trong khi đó, Vietcombank đang có chương trình giảm tiền lãi phải trả cho khách hàng trong giai đoạn 3, từ 15/5 đến hết 31/7, cho khoảng 85.000 khách hàng với dư nợ 64.000 tỷ đồng...
Có thể thấy, các ngân hàng đều đang giảm mạnh lãi suất dù không có chỉ thị mới của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lãi suất điều hành. Theo phân tích tại báo cáo của Công ty Chứng khoán KBSV, nguyên nhân để lãi suất huy động hạ xuống là do thanh khoản tiếp tục duy trì trạng thái dư thừa mạnh, với tín dụng tăng trưởng thấp, trong khi kể từ tháng 4 đến nay có một lượng lớn tín phiếu NHNN đáo hạn (đồng nghĩa với việc NHNN đã bơm ra hệ thống khoảng gần 150 nghìn tỷ đồng). Do vậy, lãi suất liên ngân hàng trong tháng 6 đã tiệm cận về 0% trong khi dòng tiền chuyển hướng sang đầu tư trái phiếu Chính phủ giúp lượng phát hành trái phiếu Chính phủ của Kho bạc Nhà nước trong tháng 6 lớn nhất trong 1 năm gần đây.
Báo cáo mới đây tại Hội nghị với Chính phủ, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tính đến 29/6, tín dụng mới tăng 3,26%, dù đây là mức tăng thấp so với cùng kỳ năm trước nhưng nếu so từng tháng thì tín dụng đã có sự tăng mạnh trở lại. Trong khi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%). Điều này cho thấy, tốc đố tăng trưởng huy động vốn đang cao hơn tốc độ tăng của tín dụng, dẫn đến tình trạng thừa vốn của ngân hàng.
Giúp tăng trưởng tín dụng
Theo Thống đốc NHNN, mục tiêu của ngành ngân hàng đến cuối năm là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nên cam kết sẽ cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn cho nền kinh tế. Do đó, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, đảm bảo chất lượng tín dụng. Vì vậy, động thái giảm lãi suất như thời gian này được kỳ vọng là sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19. Hơn nữa, NHNN cũng cho biết đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng cho nhiều ngân hàng, những ngân hàng lành mạnh, tín dụng đổ mạnh vào các lĩnh vực phục vụ tăng trưởng kinh tế thì còn có thể được điều chỉnh cao hơn nhu cầu. Do đó, động thái hạ lãi suất cho vay được nhận định nhằm thu hút khách hàng, giúp tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, với doanh nghiệp, lãi suất hạ thêm luôn là mong muốn để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh vốn đã có nhiều khó khăn. Bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh chia sẻ, công ty đã 2 lần được giảm lãi suất, lần đầu là 1%, lần 2 thêm 0,5% và kéo dài thêm thời gian vay vốn. Tuy nhiên, các kịch bản hiện chỉ tính đến tháng 9 và dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp và kéo dài, nên bà Minh kiến nghị tiếp tục được giảm thêm lãi suất và kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến năm 2021.
Tuy vậy, trên thực tế, việc vay vốn hiện vẫn không dễ dàng với nhiều doanh nghiệp, với chính cả các ngân hàng. Bởi việc mở rộng điều kiện cho vay sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng, nhưng làm thế nào để bảm đảm chất lượng tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn thì lại là vấn đề làm "đau đầu" các ngân hàng. Vì thế, không hạ chuẩn tín dụng, không nới điều kiện vay vốn vẫn được các ngân hàng duy trì. Do đó, theo một số chuyên gia kinh tế, giảm lãi suất chỉ là yếu tố hỗ trợ nền kinh tế chủ yếu về mặt tâm lý. Xu hướng mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ nếu tín dụng hồi phục.
Một vấn đề khác của động thái hạ lãi suất là những lo ngại xu hướng dòng tiền sẽ chảy sang các lĩnh vực đầu tư khác, như bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán. Nhưng theo chuyên gia tài chính - ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, dưới tác động của dịch Covid-19, các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản đều gặp nhiều rủi ro, biến động thất thường hoặc "đứng im", nên giới đầu tư lo ngại, muốn tìm "hầm trú ẩn" tài sản an toàn hơn, dẫn đến dòng tiền vẫn đổ vào ngân hàng nhiều hơn, dù lãi suất huy động vẫn có nhiều động lực tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Gần 1.700 doanh nghiệp tại Đồng Nai được miễn, giảm lãi vay Từ tháng 4 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho gần 1.700 doanh nghiệp với số tiền hơn 4.830 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đồng Nai đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho...