Đối thoại về sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại: Gay gắt, chia rẽ
Cuộc đối thoại được mong đợi về sách công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại giữa tác giả và Bộ GD-ĐT đã diễn ra sáng qua một cách gay gắt và kết thúc trong nặng nề mà không tìm được tiếng nói chung.
Buổi đối thoại diễn ra gay gắt – Ảnh: Kim Hiền
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, sáng 3.1, Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại với tác giả sách công nghệ giáo dục là GS-TS Hồ Ngọc Đại; PGS-TS Nguyễn Kế Hào, người có thư gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia sách giáo khoa (SGK) lớp 1 “loại” sách của ông Hồ Ngọc Đại sau vòng thẩm định đầu tiên. Chủ trì phía Bộ GD-ĐT là Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cùng tham gia có Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK một số môn học liên quan.
Đúng quy trình nhưng vẫn… “không bình thường”
Mở đầu buổi đối thoại, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT trình bày quy trình thẩm định SGK lớp 1 thời gian vừa qua để chứng minh việc thẩm định tất cả các bản thảo SGK lớp 1 là đúng quy định. Theo đó, trong 11 bản thảo sách được đánh giá “không đạt” sau cả hai vòng thẩm định, có một số cuốn các tác giả đã sửa để tham gia thẩm định lại từ đầu (từ tháng 12.2019) và nay việc thẩm định đã tiến hành xong vòng 1. Ông Tài cũng cho biết trình tự thành lập Hội đồng thẩm định chương trình công nghệ giáo dục và các vòng thẩm định, cũng như quy trình thẩm định SGK. Theo đó, kết quả thẩm định của các vòng là nhất quán.
GS Đại không thể tiếp tục muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói như khi làm “vua” ở Trường Thực nghiệm của mình. Khi thẩm định theo chương trình mới thì phải tuân thủ quy định và kết quả thẩm định là sách không còn phù hợp và nếu muốn tiếp tục thì phải sửa
GS TRẦN ĐÌNH SỬ (Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt)
PGS Nguyễn Kế Hào, tác giả của các bức thư gửi lãnh đạo Chính phủ và Bộ GD-ĐT, điểm lại những thành tựu đã được thực tiễn chứng minh trong suốt hơn 40 năm của công nghệ giáo dục và cho rằng việc sách công nghệ giáo dục bị đánh giá không đạt, bị loại bỏ là “không bình thường, đã làm cho dư luận xã hội quan tâm, nhiều người bức xúc”.
PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng: Cách xử lý vấn đề này cũng không quá khó mà hoàn toàn trong tầm và trong quyền hạn của Bộ trưởng. Bộ trưởng vẫn dựa vào hội đồng thẩm định đã có nhưng để cho hội đồng làm việc theo tinh thần đổi mới, cởi mở hơn; vẫn đánh giá theo Thông tư 33, các chỉ báo được vận dụng linh hoạt để giữ được bản sắc riêng của mỗi bộ sách. Điều cơ bản là đảm bảo việc đánh giá qua thực tiễn, đây mới là thước đo đáng tin cậy, không thể thiếu trong đánh giá sách, đánh giá hoạt động dạy và học ở tiểu học.
PGS Hào cũng nhắc tới ý kiến của các chuyên gia trả lời trên báo chí, cho rằng sách được thẩm định chỉ là bước đầu, quan trọng là sách đó phải được thực nghiệm trong cuộc sống rồi mới cho triển khai chính thức. Bên cạnh đó, có chuyên gia đề nghị sách của GS Hồ Ngọc Đại cần được thẩm định theo một cách khác… “Vậy Bộ GD-ĐT có ý kiến ra sao về những đề xuất này?”, PGS Hào chất vấn, “Cuốn sách đã tồn tại 40 năm, chúng ta không thể nào nhận xét cuốn sách đó không tốt hay không có tính thực tiễn được”.
GS Hồ Ngọc Đại không “oán giận”, không sửa
GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông đến cuộc đối thoại này chỉ muốn được xác nhận bộ sách công nghệ giáo dục của mình được sử dụng cho năm học mới đồng thời bày tỏ, khi sách Công nghệ lớp 1 bị loại cả môn toán và tiếng Việt, cá nhân ông không hề “oán giận” gì hội đồng thẩm định vì “tôi hiểu họ chỉ làm việc của mình. Vấn đề là họ đã được giao làm như thế nào”. GS Đại cho rằng hội đồng thẩm định thời gian qua chỉ làm việc như một công việc dịch vụ chứ không phải là khoa học. Trong đó thành viên hội đồng thẩm định được lựa chọn, ký hợp đồng, đặt cọc, thực hiện rồi nhận tiền…
Video đang HOT
Tôi không thể sửa chữa gì nữa ngoài những cái tôi đã có và gửi thẩm định lần này. Cuốn sách của tôi trong 40 năm qua tôi đã sửa hằng năm và chỉ có thể sửa chữa đến một mức nào đó là dừng
GS HỒ NGỌC ĐẠI
Ông Đại nêu quan điểm về khoa học giáo dục của mình khi xây dựng bộ sách từ lớp 1 đến lớp 5 và tái khẳng định: “Tôi không thể sửa chữa gì nữa ngoài những cái tôi đã có và gửi thẩm định lần này. Cuốn sách của tôi trong 40 năm qua tôi đã sửa hằng năm và chỉ có thể sửa chữa đến một mức nào đó là dừng”.
Hội đồng thẩm định: Nếu muốn tiếp tục thì phải sửa
Đại diện hội đồng thẩm định vẫn nhắc lại quan điểm đã từng trả lời báo chí về lý do sách của GS Đại bị loại, đó là chưa phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới.
PGS Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn toán, khẳng định kết luận của hội đồng thẩm định là đủ độ tin cậy. Về nguyên tắc, có chương trình mới là có những chương trình tương ứng và phải chấp nhận tính mất hiệu lực dù có những sách hiện hành vẫn rất hay nhưng sang chương trình mới nó không phù hợp nữa.
Về việc hiện có hơn 900.000 học sinh lớp 1 ở 48 tỉnh, thành tình nguyện học sách Tiếng Việt công nghệ 1, PGS Kiều cho rằng khó có thể lấy số lượng người sử dụng để nói cuốn sách tiếp tục tồn tại.
GS Đại yêu cầu đối thoại với học sinh
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh tới việc Bộ phải thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Nếu Bộ thực hiện một cách thẩm định khác sách của GS Hồ Ngọc Đại thì sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các bộ sách, cuốn sách khác.
Ông Độ nói: “Mong các thầy điều chỉnh cho phù hợp với chương trình mới, có thể không kịp năm nay thì sang năm có thể sửa chữa thẩm định lại để đến được với các trường vào năm sau”.
Tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định ông không thể sửa theo yêu cầu, điều đó không có nghĩa là ông “chống lại” chương trình mới nhưng ông phải bảo vệ theo nội dung, tư tưởng, đường lối của mình và điều đó không có gì mâu thuẫn với chương trình mới, chỉ là cách nói khác nhau. “Sau cuộc đối thoại này vẫn chưa yên lành đâu. Bộ phải đối thoại với người dân, với học sinh chứ không phải đối thoại trong phòng họp như thế này”, GS Đại đề nghị.
GS Trần Đình Sử, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt, cũng khẳng định: “GS Đại không thể tiếp tục muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói như khi làm “vua” ở Trường Thực nghiệm của mình. Khi thẩm định theo chương trình mới thì phải tuân thủ quy định và kết quả thẩm định là sách không còn phù hợp và nếu muốn tiếp tục thì phải sửa”.
Về đề nghị hội đồng thẩm định phải linh hoạt hơn, các đại diện hội đồng thẩm định trên đều khẳng định đã làm hết sức linh hoạt để giữ bản sắc riêng của từng bộ sách. “Hội đồng thẩm định không chỉ “gật” và “lắc” mà còn đưa ra những ý kiến góp ý cụ thể để các tác giả hoàn thiện sách của mình”, GS Sử khẳng định.
Đến dự buổi tọa đàm còn có PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, Bộ GD-ĐT, nơi quản lý trực tiếp Trường Thực nghiệm (do GS Hồ Ngọc Đại là “cha đẻ”) và là nơi từng thẩm định chương trình công nghệ giáo dục. PGS Vinh khẳng định, sau khi nghiên cứu kỹ sách của GS Đại, ông (Lê Anh Vinh) thấy rất thích cách tiếp cận của sách và bày tỏ mong muốn GS Đại vẫn giữ cách tiếp cận như vậy, nhưng có chỉnh sửa cho phù hợp hơn.
PGS Vinh cũng bày tỏ sự trân trọng trước “sức sống” của sách công nghệ tới hơn 40 năm và vẫn được các nhà trường tự nguyện đón nhận và cho rằng “phép thử” khó nhất với bất kỳ bộ sách nào, đó là sự kiểm chứng của thực tiễn, của thời gian…
Theo Thanh niên
Sách giáo khoa mới được thẩm định thế nào?
Việc bộ sách tiếng Việt và toán của GS Hồ Ngọc Đại vừa bị loại bởi hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới khiến dư luận quan tâm sách giáo khoa mới đang được thẩm định thế nào, thành phần gồm những ai?
Bộ sách tiếng Việt và toán của GS Hồ Ngọc Đại vừa bị hội đồng thẩm định SGK mới loại do "không đạt" - Ảnh: Ngọc Dương
Kết quả đánh giá của hội đồng là tiên quyết
Hội đồng thẩm định gồm những ai?
Hội đồng thẩm định thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT theo tinh thần của Thông tư 33 (về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK). Thông tư này có 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí về SGK.
Hội đồng sẽ thảo luận và xây dựng 40 minh chứng cần đạt để làm căn cứ thẩm định. Thành viên hội đồng thẩm định từng môn học là số lẻ, tối thiểu 7 người. Thành phần hội đồng cơ cấu gồm có GS đầu ngành về chuyên môn, có những GS đang công tác tại các trường đại học, am hiểu về nội dung, phương pháp và đặc biệt phải có ít nhất 1/3 giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học đó. Thành viên của hội đồng cũng đại diện các vùng miền, giúp SGK được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), nói: "Sách giáo khoa (SGK) là một tài liệu giáo dục cụ thể hóa chương trình mới. Kết quả thẩm định sẽ được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố trong tháng 10.2019, dựa trên đề xuất của hội đồng. Đánh giá của hội đồng là tiên quyết".
Ông Tài cũng thông tin: Hội đồng đọc độc lập bản thảo trong 15 ngày. Sau đó nghe tác giả SGK trình bày nội dung và quan điểm. Tiếp theo, hội đồng làm việc độc lập với bản thảo và họp phân tích, kết luận lần 1, với sự tham gia của tác giả. Có 3 mức đánh giá bản thảo là "đạt", "đạt nhưng phải sửa" và "không đạt". Những bản thảo được đánh giá là đạt nhưng phải sửa, tác giả có 1 tháng để sửa và thẩm định vòng 2 (trình tự giống như vòng 1). Sách được đánh giá không đạt, tác giả và các nhà xuất bản có thể chỉnh sửa để đề nghị thẩm định lại từ đầu.
Đánh giá chung sau vòng 1, ông Tài cho rằng các tác giả rất tâm huyết, nhiều bản thảo biên soạn công phu. "Quan điểm của Bộ là việc thẩm định phải công bằng, minh bạch. Chúng tôi chưa nhận được phản hồi chính thức nào về kết luận sau vòng 1 của hội đồng thẩm định", ông Tài cho biết.
Sau vòng 1, không có bản thảo nào "đạt" ngay, ngoài một số "không đạt", hầu hết bản thảo "đạt nhưng cần sửa chữa".
Hội đồng thẩm định "có vấn đề"?
Theo thông tin của hội đồng thẩm định, hội đồng "loại" sách tiếng Việt 1 và sách toán công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại vì lý do sách đó chỉ phù hợp với chương trình hiện hành chứ không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng lý do này cho thấy tư duy về chương trình và SGK của hội đồng thẩm định môn tiếng Việt lớp 1 là... có vấn đề. Bởi trong giáo dục phổ thông, dù chương trình nào và của nước nào đi chăng nữa thì cũng đều chung một cái lõi kiến thức và mục tiêu giáo dục. Vì thế, sẽ có những cuốn sách trở thành kinh điển, phù hợp với bất kỳ chương trình nào, khi mà trong xã hội vẫn tồn tại đối tượng học sinh mà cuốn sách đó muốn tiếp cận.
Đồng tình với nhận xét trên, PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, nói: "Chương trình mới so với chương trình hiện hành có khác biệt, nhưng cơ bản không có gì ngược lại với nhau. Đối với sách tiểu học, nếu chúng ta đủ cởi mở thì lấy sách Singapore, sách Hàn Quốc về điều chỉnh, sắp xếp lại thì cũng sẽ đạt được yêu cầu của chương trình toán".
Một tác giả tham gia viết SGK toán cũng cho biết ông bức xúc về cách Bộ GD-ĐT thành lập hội đồng thẩm định như hiện nay, mà theo ông là "có vấn đề", cụ thể là hội đồng môn toán. Trong số những người tham gia hội đồng thẩm định môn toán thì không có bất kỳ ai là người tham gia xây dựng chương trình. Vì thế, họ cũng chỉ là những người có tư cách giống như các tác giả, tức là họ sẽ hiểu chương trình theo cách chủ quan của mình, nên khi đánh giá sự phù hợp của sách đối với chương trình cũng sẽ đánh giá theo nhận thức chủ quan, không thật sự đúng đắn.
TS Nguyễn Huy Đoan, một tác giả tham gia viết sách, cho rằng những người chủ chốt trong nhóm tác giả xây dựng chương trình cũng nên là những người chủ chốt trong hội đồng thẩm định vì họ nắm rõ chương trình. Ngoài ra, trong hội đồng thẩm định cần có thêm các nhà khoa học chuyên sâu về chuyên môn và phương pháp dạy học, những giáo viên đứng lớp của cấp học. Hội đồng thẩm định phải chọn được những người công tâm, tránh thiên kiến. "Còn làm thế nào để chọn được những người công tâm, không thiên kiến, thì đó là việc của Bộ GD-ĐT. Dù việc này không dễ dàng, nhưng tôi cho là Bộ phải nắm được không chỉ trình độ khoa học mà còn cả đặc điểm con người của những người mà Bộ mời tham gia hội đồng thẩm định", TS Đoan đề xuất.
Còn PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng chủ trương một chương trình nhiều SGK sẽ cho phép chúng ta có được những bộ sách phù hợp với mỗi loại đối tượng học sinh khác nhau. Vì thế, khi thẩm định một bản thảo SGK, việc đánh giá phần thực nghiệm rất quan trọng. Như sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ chẳng hạn, có thể rất hiệu quả cho một đối tượng học sinh các tỉnh xa, còn đưa về dạy cho học sinh thành phố thì không phù hợp. "Cần phải xoáy sâu vào minh chứng, nếu không tạo ra tiền lệ. Muốn có tự do học thuật thì khi anh bác bỏ một cái gì đó có căn cứ không, căn cứ có thuyết phục không!", PGS Chu Cẩm Thơ đặt vấn đề.
Trước câu hỏi giá trị đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn của một bộ SGK có được coi là một yếu tố cần xem xét trong quá trình thẩm định hay không, ông Thái Văn Tài cho hay: "Theo quy định thì hồ sơ thẩm định SGK đã bắt buộc phải có hồ sơ thực nghiệm bộ sách ấy trên thực tế, kèm theo thuyết trình của tác giả về quan điểm khi biên soạn SGK".
Ý kiến
Không có sự phân biệt nào cả !
Chúng tôi làm đúng nhiệm vụ của mình, thẩm định theo quy định mà Thông tư 33 đã ban hành, những cuốn sách nào không đạt về nội dung, về phương pháp thì chúng tôi đánh giá là "không đạt". Ở đây không có sự phân biệt nào cả! Đạt hay không đạt thể hiện ở một loạt các tiêu chí, chúng tôi dựa vào hệ thống tiêu chí ấy để đánh giá. Hội đồng của chúng tôi có 5 giáo viên dạy tiếng Việt tiểu học, có trưởng phòng giáo dục tiểu học của một tỉnh rất lớn, có hiệu trưởng trường tiểu học.
GS Trần Đình Sử (Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1)
Phải viết đúng và đủ nội dung chương trình
Hội đồng toán gồm 13 người, trong đó có 5 giáo viên dạy lớp 1 ở địa phương. Môn toán tôi đang thẩm định 6 bản thảo SGK toán lớp 1. Cả 13 người phải làm theo cách là mở từng trang của mỗi bản thảo góp ý lần lượt cho 1.200 trang. Cách làm việc rất tỉ mỉ, theo đúng các quy tắc. Trong 4 điều, 13 tiêu chí thì có những điều cực kỳ quan trọng mà một số bản thảo không đạt là vì vi phạm các tiêu chí đó. Phải viết đúng và đủ nội dung chương trình. Một điều nữa là đối tượng học sinh lớp 1, vào trường chưa biết chữ nên phải cực kỳ cân nhắc, đó là một đặc điểm mà tác giả viết SGK và người thẩm định phải tính đến, làm thế nào để học sinh học được mà học hứng thú. Tôi làm thẩm định nhiều thì thấy kỳ này là kỳ làm việc vất vả nhất vì yêu cầu rất chi tiết và chặt chẽ.
PGS Trần Kiều (Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK toán lớp 1)
Tuệ Nguyễn (ghi)
Theo Thanh niên
Sách tiếng Việt công nghệ 'tuổi 40' sẽ ra sao? Thông tin sách tiếng Việt 1 và toán của GS Hồ Ngọc Đại nhận đánh giá 'không đạt' của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ngay từ vòng 1 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. GS Hồ Ngọc Đại khẳng định không điều chỉnh và không nộp lại sách giáo khoa - TUYẾT MAI Trải...