Đối thoại trực tiếp với lãnh đạo ngành GD&ĐT Nghệ An: Nhà giáo mong muốn gì?
Lần đầu tiên ngành giáo dục Nghệ An tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhà giáo, người lao động một cách dân chủ, công khai rộng rãi.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến, đề xuất thẳng thắn, đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong ngành đã được đưa ra thảo luận, chia sẻ.
Lần đầu tiên ngành giáo dục Nghệ An tổ chức Hội nghị đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhà giáo, người lao động.
Sáng ngày 25/10, tại huyện Quế Phong, Sở GD&ĐT, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An với cán bộ, nhà giáo, người lao động trên địa bàn 3 huyện miền núi Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp.
Chủ trì hội nghị là Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An – ông Thái Văn Thành và Chủ tịch công đoàn ngành GD Nghệ An – ông Đặng Văn Hải. Cùng dự hội nghị có ông Nguyễn Tử Phương – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, lãnh đạo các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp cùng hơn 300 cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị giáo dục của 3 địa phương miền núi này.
Phản ánh nhiều tồn tại, hạn chế trong ngành
Đây là lần đầu tiên ngành giáo dục Nghệ An tổ chức đối thoại trực tiếp nhằm nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như các kiến nghị đề xuất của cán bộ, nhà giáo, người lao động.
Các đại biểu tham gia hội nghị
Vì vậy, lãnh đạo Sở đề nghị đại biểu tham gia phát huy tinh thần dân chủ, trách nhiệm nêu ý kiến cũng như kiến nghị xuất phát từ thực tiễn giáo dục địa phương. Qua đó, cùng nhau tháo gỡ, đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục và đào tạo miền núi nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Trước đó, ban tổ chức hội nghị đã nhận được 33 lượt ý kiến từ các đơn vị cơ sở tập trung vào nhóm 5 vấn đề chính của ngành gồm:
Công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ có 8 lượt ý kiến gồm các vấn đề cụ thể như: Vấn đề tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở vùng đặc biệt khó khăn, đề nghị Sở có hướng dẫn cho các huyện vùng khó khăn nếu không bố trí đủ định biên thì được huy động xã hội hóa để dạy tăng tiết cho học sinh; Tăng tỷ lệ giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả.
Video đang HOT
Cán bộ, nhà giáo, người lao động phát biểu ý kiến
Vấn đề giao chỉ tiêu tinh giản biên chế; Hướng dẫn bố trí lao động hợp đồng bảo vệ, định biên cho nhân viên bảo vệ; Quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo Luật giáo dục sửa đổi; Quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; Về tuyển dụng giáo viên và khuyến khích giáo viên là người dân tộc thiểu số đi học tập nâng cao trình độ cống hiến lâu dài cho địa phương.
Đặc biệt là việc bố trí viên chức biệt phái cho cơ quan Phòng GD&ĐT cũng được nhiều huyện đề cập, đề nghị Sở sớm tham mưu với cơ quan có thẩm quyền có giải pháp, chỉ đạo cụ thể.
Nhóm vấn đề thứ 2 tập trung vào công tác tài chính, thực hiện các chế độ, chính sách cho cán bộ, nhà giáo, người lao động như: Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho trường miền núi; chế độ cho giáo viên trường dân tộc bán trú, giáo viên dạy kiêm nhiệm nhiều trường.
Các nhà giáo đến từ 3 huyện miền núi cao của Nghệ An
Thứ 3, vấn đề thực hiện đổi mới GD&ĐT, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông tổng thể liên quan đến sáp nhập trường lớp, bố trí giáo viên, nhân viên.
Thứ 4, về công tác thi đua khen thưởng có nhiều ý kiến tập trung về những điều kiện quy định xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, xếp loại tập thể lao động, điều kiện thay thế sáng kiến kinh nghiệm… Ngoài ra, còn có nhiều ký kiến về nâng cao chất lượng dạy học, đời sống cán bộ nhà giáo.
Tại hội nghị, còn có khoảng 20 ý kiến trực tiếp của các thầy cô giáo, cán bộ Phòng GD&ĐT, và lãnh đạo huyện xuất phát từ thực tiễn giáo dục tại các địa phương miền núi. Đồng thời bày tỏ mong muốn lãnh đạo Sở tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tham mưu cho tỉnh xây dựng những chính sách về chế độ nhà giáo, xây dựng trường chuẩn, đảm bảo đội ngũ để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục miền núi.
Ngành sẽ chịu trách nhiệm với tiếng nói của nhà giáo
Với trách nhiệm và thẩm quyền của Sở Giáo dục và Đào tạo, tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện các phòng ban của Sở đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của các đại biểu. Quan điểm của ngành là không tinh giản giáo viên đang dạy học ở các nhà trường. Song song với đó, ngành cũng đang tham mưu với tỉnh và Sở Nội vụ để năm 2020 bố trí thêm khoảng 1400 giáo viên tiểu học, đảm bảo đủ dạy học 2 buổi/ngày và không phải thu thêm tiền của học sinh, phụ huynh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho ý kiến về việc thu chi đầu năm học và thừa nhận, hiện nay công tác này đang nhiều bất cập và có nhiều trường thực hiện chưa đúng, lạm thu. Chính vì thế, trong thời gian tới, Sở sẽ trực tiếp làm việc với các phòng và các trường THPT trên địa bàn tỉnh để quán triệt lại vấn đề này và từ năm học tới yêu cầu các trường phải sớm trình kế hoạch kêu gọi vận động tài trợ, không tổ chức thu theo cào bằng.
Ông Nguyễn Tử Phương – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội nghị
Các vấn đề còn lại về đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, Sở cũng sẽ có trách nhiệm để lên kế hoạch đầu tư, trong đó ưu tiên với các trường vùng khó theo đúng lộ trình và ưu tiên các trường đang xây dựng trường chuẩn.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tử Phương – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đánh giá cao việc tổ chức hội nghị đối thoại của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đây là một xu thế tất yếu nhằm giúp người lao động được bày tỏ các ý kiến và để sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Thông qua đó, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo; phát huy quyền được tham gia, góp ý, giám sát hoạt động ngành của cán bộ, nhà giáo và người lao động.
Về phía Liên đoàn Lao động tỉnh, đây cũng là một kênh quan trọng để lắng nghe các ý kiến từ cơ sở. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An cũng cam kết đồng hành, phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo để bảo vệ quyền lợi người lao động và có những hỗ trợ tích cực đến đời sống vật chất tinh thần và quyền, lợi ích hợp pháp theo đúng các quy định của pháp luật.
Thay mặt ngành giáo dục Nghệ An, Giám đốc Sở GD&ĐT hứa sẽ có trách nhiệm với tiếng nói của cán bộ, nhà giáo, người lao động
Kết luận hội nghị, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An ghi nhận, tiếp thu ý kiến từ các thầy cô giáo, cán bộ Phòng GD&ĐT, lãnh đạo các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu. Đồng thời nhận trách nhiệm, xin lỗi các thầy cô trước những khó khăn, tồn tại, bất cập trong thời gian qua mà ngành chưa giải quyết được.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An hứa sẽ có trách nhiệm với tiếng nói của cán bộ, nhà giáo, người lao động. Bằng mọi nỗ lực, Sở sẽ tranh thủ chỉ đạo chính quyền các cấp, phối hợp ban ngành, chức năng để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của ngành.
Sau đối thoại, ngành sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp nhận ý kiến từ cơ sở giáo dục để có những cải tiến, giải pháp xây dựng môi trường nhà trường tốt hơn. Tăng cường cơ sở vật chất trường học, chăm lo đời sống nhà giáo, quan tâm xây dựng nhà công vụ cho giáo viên miền núi để vơi đi những khó khăn cho các thầy cô, người lao động ở miền núi.
Giáo dục miền núi nói riêng và toàn tỉnh nói chung vẫn đang còn nhiều khó khăn, vất vả. Lãnh đạo Sở mong muốn các thầy cô nêu cao giá trị tinh thần của nghề giáo thầy, vui với sự tôn vinh của xã hội dành cho người thầy để tiếp tục nỗ lực làm tròn trách nhiệm giáo dục học sinh trở thành người tốt, có ích cho xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục Nghệ An. – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành.
Hồ Lài
Theo GDTĐ
Nhiều trường ở Nghệ An hạ điểm chuẩn vào lớp 10
Ngày hôm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục phê duyệt điểm chuẩn đợt 2, đợt 3, điểm tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020. Nhiều trường đã hạ điểm chuẩn so với mức điểm đã được phê duyệt trước đó.
Theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, có khá nhiều trường đã phải hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, mức chênh lệch không nhiều. Ví dụ, Trường THPT Hà Huy Tập, đợt 1, lấy điểm chuẩn là 30,9 điểm. Hiện tại, dù đã xét tuyển đợt 2 nhưng nhà trường chỉ có thêm vài vị trí dành cho những học sinh có mức điểm tương đương (tính theo thứ tự ưu tiên).
Thí sinh đến làm thủ tục nhập học tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: Mỹ Hà
Ở Trường THPT Lê Viết Thuật, mức điểm chuẩn đợt 1 là 29,5 điểm và nay hạ xuống 29,4 điểm. Riêng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, mức điểm chuẩn hiện tại vẫn đang là 32,8 điểm. Trong lần công bố điểm chuẩn đầu tiên Trường lấy 34,5 điểm. Lãnh đạo nhà trường cho biết, để tuyển đủ chỉ tiêu, nhà trường dự kiến sẽ hạ điểm chuẩn xuống 32,4 điểm. Đây có thể là đợt hạ cuối cùng vì thông thường Sở Giáo dục và Đào tạo không cho phép hạ điểm chuẩn quá 3 lần.
Ở các địa phương khác, điểm chuẩn cũng hạ từ 1 - 2 điểm. Trong đó, Trường THPT Đô Lương 1 giảm từ 31 xuống 30,8 điểm, Trường THPT Nguyễn Duy Trinh hạ từ 22,2 điểm xuống 21,8 điểm, Trường THPT Thái Lão hạ từ 24,2 điểm xuống 23,1 điểm, Trường THPT Phan Đăng Lưu hạ từ 22,3 điểm xuống 20,5 điểm.
Hiện, điểm chuẩn của Trường THPT Yên Thành 2 là 15,62 điểm, THPT Yên Thành 3 là 12,8 điểm.
Tại hai địa phương là Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai điểm chuẩn cũng có sự thay đổi. Theo đó, Trường THPT Quỳnh Lưu 1 là 24,3 điểm, THPT Quỳnh Lưu 2 là 21,6 điểm và THPT Quỳnh Lưu 3 là 23, 5 điểm. Trường THPT Hoàng Mai điểm chuẩn là 24,4 điểm, Trường THPT là Nguyễn Đức Mậu 17, 7 điểm
Tại huyện Hưng Nguyên, điểm chuẩn của THPT Lê Hồng Phong là 23,3 điểm, THPT Thái Lão là 23,1 điểm. Ở huyện Nam Đàn, Trường THPT Nam Đàn 1 lấy điểm 20,4 điểm và THPT Nam Đàn 2 là 13,4 điểm.
Theo kế hoạch, đến ngày 26/7, Sở sẽ duyệt điểm trúng tuyển cho các trường ngoài công lập.
Mỹ Hà
Theo baonghean
Nghệ An sẽ xây dựng đề án nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh tầm nhìn 10 năm Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, củng cố nền tảng ngoại ngữ trong các cấp học phổ thông bằng một đề án được nghiên cứu cẩn thận, gắn lộ trình rõ ràng, thực hiện kiên trì, bền bỉ với sự đầu tư của tỉnh là giải pháp cần thiết để tạo chuyển biến về trình độ, năng lực Tiếng Anh...