‘Đổi tên ĐH Y Dược TP.HCM thành ĐH Khoa học Sức khỏe làm lu mờ chuyên ngành trọng tâm là Y khoa’
Cách đặt tên “Đại học Sức khoẻ” hay “Đại học Khoa học Sức khoẻ” sẽ làm lu mờ chuyên ngành Y khoa, vốn là trọng tâm của khoa học về y tế và sức khỏe.
Định danh một đại học là vấn đề quan trọng, vì nó liên quan đến thương hiệu về lâu dài trên trường quốc tế. Nhưng định danh đại học đào tạo các chuyên ngành liên quan đến y khoa và khoa học sức khoẻ còn là thách thức.
Liên quan đến việc thay đổi tên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, tôi đề nghị giữ lại chữ “Y” hay “Y khoa” qua cái danh mới “Đại học Y khoa và Khoa học Sức khoẻ TP.HCM”.
Vấn đề trong việc định danh của một đại học là phản ảnh được các chuyên ngành đào tạo. Hiện Trường Đại học Y Dược TP.HCM, như tên gọi, không phản ánh được các chuyên ngành quan trọng như Nha khoa, Y tế công cộng, và Điều dưỡng. Do đó, tôi nghĩ nhu cầu đổi tên Đại học Y Dược TP.HCM là thật, với mục đích có thể bao quát được các chuyên ngành quan trọng vừa đề cập.
Tôi và có lẽ nhiều người dễ dàng nhận ra Y khoa (medicine) là trọng tâm và trung tâm của một đại học chuyên đào tạo các chuyên gia về y tế. Điều này hợp lí vì đào tạoY khoa lấy bệnh nhân làm trung tâm, với chẩn đoán, điều trị, và chăm sóc là những khía cạnh chủ yếu. Do đó, các đại học đa khoa ở nước ngoài có khoa Y gần như đều sử dụng danh từ ‘medicine’ hay Y khoa trong danh hiệu.
Các chuyên ngành khác như Điều dưỡng và Y tế công cộng là những hỗ trợ độc lập và quan trọng cho Y khoa. Do đó, tên một đại học cần phải phản ánh các chuyên khoa ngoài Y khoa. Ở nước ngoài (các nước nói tiếng Anh), các chuyên ngành như Điều dưỡng, Y tế công cộng, Vật lí trị liệu, v.v. thường được đề cập chung là Khoa học Sức khoẻ (Health Sciences).
Có cần phân biệt “trường đại học” và “đại học”? Tôi nghĩ là không. Đại học là “University”. University là … University, một đại học thường là đa khoa (hay cũng có thể chuyên khoa). Ở nước ngoài, chuyên ngành y khoa thường là phân khoa trực thuộc đại học đa khoa.
Dưới đại học là nhiều phân khoa (thường có tên là Faculty hay College), và dưới một phân khoa là nhiều “School”, như School of Medicine (Trường Y), School of Dentistry (Trường Nha), School of Public Health (Y tế Công cộng).
Có nơi có cả School of Nursing (Điều Dưỡng) và School of Pharmacy (Dược). Cũng có đại học có một khoa về Y tế công cộng và khoa Dược độc lập với khoa Y, ví dụ như Harvard Medical School và Harvard School of Public Health.
Video đang HOT
Nhưng ở Việt Nam, có những đại học chuyên ngành như Y khoa, Kinh tế, Luật khoa, Kĩ thuật, v.v. Riêng chuyên ngành Y, Trường Đại học Y Dược TP.HCM từng có 3 danh hiệu: Khoa Y Dược Hỗn Hợp (“Faculté mixte de Médecine et de Pharmacie”), lúc đó là chi nhánh của Trường Y Khoa Đông Dương; “Trung Tâm Giáo Dục Y Khoa”; và “Y Khoa Đại học Đường” như là một khoa của Viện Đại học Sài Gòn.
Chú ý rằng tất cả các danh hiệu trên đều có chữ “Y” hay “Y khoa”.
Ở Mĩ, có lẽ mô hình Đại học California San Francisco (UCSF) là gần với mô hình Trường Đại học Y Dược TPHCM. Tuy nhiên, UCSF chỉ có 4 ‘Schools’ về Y khoa, Nha khoa, Dược khoa, và Điều dưỡng. UCSF chỉ có trên dưới 3000 sinh viên, nhưng số giáo sư và khoa học gia nhiều gấp 8 lần số sinh viên.
Việc định danh cần phải quan tâm đến vấn đề ‘căn cước tính’. Bởi vì chữ ‘Health’ được nhiều người trong ngành Y sinh và Sức khoẻ hiểu là tương đồng với điều dưỡng hay các chuyên ngành ngoài Y khoa, nên ở một số trường tôi biết có vài chuyên ngành (như dược và y khoa) đòi tách ra khỏi phân khoa có tên Health hay Health Sciences để giữ cái căn cước tính dược khoa và y khoa.
Từ những nhận xét và sự thật trên, tôi đi đến 3 đề nghị cụ thể:
Thứ nhất, không nên dùng danh hiệu “Đại học Sức khoẻ” hay “Đại học Khoa học Sức khoẻ”, vì cách đặt tên đó làm lu mờ chuyên ngành Y khoa, vốn là trọng tâm của khoa học về y tế và sức khoẻ.
Thứ 2, nên dùng danh hiệu “Đại học Y khoa và Khoa học Sức khoẻ” để vừa nhấn mạnh Y khoa, vừa bao hàm các chuyên ngành về khoa học sức khoẻ (điều dưỡng, dược, nha, y tế công cộng);
Thứ 3, về danh hiệu tiếng Anh, tôi đề nghị dùng “University of Medicine and Health Sciences at Ho Chi Minh City” hay “University of Health and Medical Sciences at Ho Chi Minh City” để phù hợp với xu hướng chung về ‘Health Sciences’ trên thế giới.
Trên thế giới ngày càng có xu hướng dùng “Medical and Health Sciences” làm danh hiệu cho các trung tâm và viện. Ở Australia có Hội đồng Quốc gia về Y tế và Y khoa Australia (National Health and Medical Research Council) và Viện hàn lâm y tế và y khoa (Academy of Health and Medical Sciences).
Ở Mỹ cũng có nhiều đại học đặt tên phân khoa là “Medicine and Health Sciences” hay “Medical and Health Sciences” (ĐH Yale).
Do đó, tôi nghĩ cần phải giữ chữ “Y” hay “Y khoa” nhưng có thể thêm “Khoa học Sức khoẻ” cho Đại học Y Dược TP.HCM.
GS NGUYỄN VĂN TUẤN - Đại học New South Wales, Australia
Theo VTC
Để trường đại học thành đại học: Mở thế nào?
Tại Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 của Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị nhà trường sớm có đề án đổi tên trường thành ĐH Sức khỏe TPHCM. Chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, Bộ trưởng nói như vậy không sai vì luật đã cho phép và "mở cửa" để các trường ĐH trở thành ĐH đa lĩnh vực nếu hội đủ các điều kiện.
Sinh viên trong giờ thực hành. Ảnh minh họa/ Internet
Luật đã cho phép
Lý giải về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: ngoài việc xây dựng đề án tự chủ ĐH, Trường ĐH Y Dược TPHCM đang xây dựng đề án thành lập ĐH Sức khỏe. Hiện nay, Trường ĐH Y Dược có các khoa như: Y, Nha... Nếu trở thành ĐH Sức khỏe sẽ có các trường ĐH thành viên. Ý tưởng thành lập ĐH Sức khỏe với nhiều trường ĐH thành viên là việc làm mang tính khoa học và thực tế nhiều nước đã có mô hình này. Đây là việc làm phù hợp với xu hướng phát triển, hội nhập và cũng là cơ hội để Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh phát triển thành một ĐH.
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, ĐH là cơ sở GD ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành ĐH cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung.
Điều 15 Luật này có nêu: Cơ cấu tổ chức của ĐH gồm: Trường ĐH, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của ĐH. Cơ cấu tổ chức cụ thể của ĐH, mối quan hệ, mức độ tự chủ của đơn vị thành viên và đơn vị thuộc, trực thuộc ĐH được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH.
"Đối với trường ĐH có thể hạn chế hơn vì quy mô về sinh viên, ngành nghề nhỏ hơn và sự đa dạng về nghiên cứu trong lĩnh vực ĐH cũng không nhiều. Tuy nhiên những hạn chế này chính là lợi thế của mô hình ĐH. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới phát triển hệ thống ĐH theo chiều dọc, đòi hỏi mỗi một lĩnh vực phải có nhiều ngành đóng góp. Chẳng hạn: Ngành y khoa cần có đóng góp của ngành công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu... Đây chính là thế mạnh của mô hình ĐH để có thể đáp ứng yêu cầu này" - TS Võ Thanh Hải dẫn giải.
Liên quan đến vấn đề này, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) nêu ý kiến: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH cho phép, trường ĐH có thể trở thành ĐH nếu đủ các điều kiện. Mỗi mô hình đều có những thuận lợi và khó khăn riêng nhưng khi trường ĐH trở thành ĐH thì quy mô sẽ lớn hơn, số ngành nghề đa dạng hơn và việc phát triển theo diện rộng có nhiều thuận lợi hơn các trường ĐH. Bởi khi trở thành ĐH sẽ tập hợp được nhiều ngành nghề, giải quyết bài toán tổng thể hơn so với các trường ĐH chuyên ngành; đồng thời phát triển nguồn nhân lực đồng đều hơn.
Xu hướng ĐH đa lĩnh vực
Nếu trường ĐH bảo đảm các điều kiện cần và đủ thì có thể trở thành ĐH. Ảnh: Minh Phong
Theo TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, ĐH đa lĩnh vực là mô hình trường phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại Anh quốc, các quốc gia Bắc Mỹ như: Hoa Kỳ, Canada, các nước Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... và khu vực Đông Nam Á gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia...
Nét nổi trội của các ĐH đa lĩnh vực là bao quát được nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau nên huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết các nhiệm vụ to lớn về đào tạo, nghiên cứu khoa học mà một trường ĐH chuyên ngành không thể đảm đương nổi. Đó là: Tạo cơ hội cho mọi giảng viên được đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn để học với những người thầy giỏi nhất, nhà trường mở ra các chương trình liên ngành một cách nhanh nhất.
"Chính vì vậy, ĐH đa lĩnh vực thường được nhiều nước trên thế giới ưu tiên lựa chọn. Tại nhiều nước, đặc biệt ở các nước đang phát triển, có khuynh hướng chuyển đổi các ĐH chuyên ngành thành các ĐH đa lĩnh vực" - TS Lê Viết Khuyến cho hay.
GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GD&ĐT) trao đổi: ĐH đa lĩnh vực sẽ có nhiều ưu thế hơn so với trường ĐH đơn ngành. Thứ nhất là bảo đảm đào tạo tốt về kiến thức GD đại cương, hay còn gọi là GD khai phóng. Thứ hai, đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu liên ngành nhằm phục vụ xã hội. Vì nếu trường ĐH đơn lĩnh vực thì không đủ sức để làm nghiên cứu phục vụ liên ngành, đa ngành. Thứ ba, ĐH đa lĩnh vực dễ thích nghi với thị trường lao động luôn vận động không ngừng.
"Trên thế giới phần lớn đều xây dựng theo hướng ĐH đa lĩnh vực. Ở Việt Nam, luật đã cho phép, nên trường nào đủ điều kiện có thể phát triển thành ĐH đa lĩnh vực là hoàn toàn hợp lý" - GS Lâm Quang Thiệp nêu quan điểm.
Theo TS Võ Thanh Hải, dù là trường ĐH hay ĐH thì mỗi mô hình đều có những thế mạnh riêng và chúng ta cần phát huy những thế mạnh đó. Vấn đề là, khi các trường ĐH có quy mô đủ lớn và bảo đảm đầy đủ các điều kiện về nguồn lực cũng như cơ sở vật chất thì có thể trở thành ĐH vì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã cho phép điều này.
Minh Phong
Theo GDTĐ
Khi nhà trường tìm việc làm cho sinh viên Nhiều trường đại học hợp tác chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp để lo việc làm cho sinh viên Ba mươi ba sinh viên (SV) đang theo học ngành điều dưỡng tại Trường ĐH Vinh vừa được nhận tài trợ 100% chi phí sang Đức làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Chuyện hợp tác với các doanh nghiệp để tìm...