Đời sống giáo viên tại TP HCM không tệ
Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, một bộ phận giáo viên có điều kiện tăng thu nhập rất cao từ hoạt động giảng dạy.
- Thưa ông, thời gian qua có nhiều đổi mới trong ngành GD&ĐT, việc đổi mới không tránh khỏi những vướng mắc, vậy ngành GD&ĐT TP có nắm bắt tâm tư của giáo viên để có những kiến nghị, đề xuất phù hợp?
- Sở có phòng chuyên môn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo viên. Có những bộ phận đến từng trường dự giờ để biết những vướng mắc của thầy cô, từ đó có đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, theo tôi, đổi mới là một quá trình bao gồm nhận thức, điều kiện, năng lực, động lực. Có khi có giáo viên được bồi dưỡng dư sức làm nhưng không có động lực thì lúc có hiệu trưởng giám sát thì làm còn không có hiệu trưởng thì không làm.
Giờ học của sinh viên khoa Giáo dục mầm non – ĐH Sài Gòn. Ảnh: Người Lao Động.
- Động lực ở đây có phải là thu nhập và cơ hội thăng tiến?
- Động lực có hai dạng, động lực bên trong và động lực bên ngoài. Động lực bên trong có thể là lời khen, lời động viên của hiệu trưởng; môi trường giáo dục được sáng tạo, ở đó không có nói xấu nhau; là tấm lòng yêu thương học trò, yêu nghề giáo. Lương và cơ hội thăng tiến chỉ là một thứ trong rất nhiều động lực mà giáo viên cần.
Thực tế hiện nay là nhận thức của một bộ phận giáo viên chưa ổn, ngại đổi mới. Điều kiện, năng lực của giáo viên chưa như yêu cầu do giáo viên được đào tạo kiểu cũ, không thể ngày một ngày hai từ “bà già” thành “bà tiên”. Việc học 2 buổi hiện nay cũng là lý do khiến việc đổi mới gặp khó khăn nhưng ngành GD-ĐT TP HCM vẫn đặt niềm tin vào giáo viên. Cứ quyết liệt đòi giáo viên đạt chuẩn nhưng tôi không tin là họ đạt được ngay nhưng vẫn cần phải quyết liệt thế để họ cố gắng. Rồi lớp trẻ ngay sau lấn thêm một tí thì dần dần sẽ ổn.
- Có ý kiến cho rằng cùng là giáo viên nhưng có người có thu nhập “khủng” do dạy thêm, có giáo viên hưởng lương bèo bọt do là giáo viên môn phụ. Thực tế ra sao?
- TP HCM là địa phương dành rất nhiều ưu đãi cho giáo dục. Chẳng hạn, mầm non thì có Nghị quyết 01 của HĐND TP; đối với những môn mà xu thế xã hội ít coi trọng như giáo viên dạy giáo dục công dân, thể dục thì cũng đều được ngành GD&ĐT tham mưu để có những chế độ phù hợp.
Video đang HOT
Ví dụ như kiêm nhiệm thêm công tác pháp chế, dạy thêm ở trung tâm thể dục thể thao thì mỗi tháng đều được tăng thu nhập. Nói dạy thêm thì không chính xác lắm nhưng tôi không phủ nhận có một bộ phận giáo viên có điều kiện tăng thu nhập rất cao từ hoạt động giảng dạy.
Nhưng nhìn chung, đời sống giáo viên tại TP HCM không tệ, nếu có thấp thì chỉ là những bộ phận mà như dư luận vừa phản ánh, như đội ngũ lao công, bảo vệ, cấp dưỡng cũng hoạt động trong ngành giáo dục nhưng quả thật thu nhập của họ rất thấp.
- Thu nhập không tệ, đó có phải là lý do TP HCM luôn hấp dẫn sinh viên sư phạm ở lại tìm việc. Vậy nhu cầu thực sự ngành sư phạm hiện nay tại TP ra sao?
- Nhu cầu giáo viên hằng năm sẽ được tính theo số phòng học tăng bao nhiêu. Lấy ví dụ, với tốc độ TP đầu tư xây trường, mỗi năm tăng từ 1.500 phòng học thì số giáo viên cũng từ đó tăng lên. Hiện nay, tính cả nhu cầu mới và bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu, mỗi năm TP cần 4.000 giáo viên. Thế nhưng, con số lại không đồng đều giữa các bậc học. Ví dụ, có cấp học số hồ sơ nộp rất lớn nhưng tuyển rất ít như bậc THPT vì phần lớn sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm đều thích dạy cấp III.
Riêng bậc học mầm non, độ tăng hơi đột biến một chút do dân nhập cư, do chính sách ưu đãi giáo dục của TP nhưng mỗi năm, các trường trung cấp tại TP đào tạo mầm non rất nhiều, mỗi năm ra trường khối mầm non cũng đã dư sức đáp ứng nhu cầu nhân lực mầm non của TP.
Cái khó hiện nay là không có một quy hoạch tổng thể các địa phương lân cận như thế nào. Các trường đào tạo người trong cả nước nhưng TP tuyển dụng theo hộ khẩu. Thế nên, xét tổng thể là thừa giáo viên rất lớn.
Cần có nhiều trung tâm dự báo nguồn nhân lực
Trước tình trạng các trường sư phạm cắt giảm chỉ tiêu đào tạo khối ngành sư phạm, ông Phạm Ngọc Thanh cho rằng vẫn phải có bài toán chung, phối hợp nhiều bộ ngành, có trung tâm dự báo nguồn nhân lực cả khu vực thì mới biết trường nào dư, trường nào cần tuyển sinh thêm. Nếu quyết tâm đầu tư thì trung tâm không chỉ dự báo cho thành phố mà các vùng, cả nước cũng nên có một vài trung tâm dự báo nguồn nhân lực vì một địa phương không thể tồn tại riêng rẽ, độc lập mà trong tổng thể.
Đơn cử như theo thống kê, riêng các trường trung cấp tại TP HCM mỗi năm đã cho ra 4.000 giáo viên mầm non. Như thế, TP HCM hoàn toàn không thiếu giáo viên nhưng lại không biết các địa phương khác nhu cầu bao nhiêu để có quy hoạch cho phù hợp.
Theo Đặng Trinh/Người Lao Động
Thưởng Tết giáo viên và câu chuyện ngậm ngùi
Ông Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục và Thanh Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội trao đổi về câu chuyện thưởng Tết giáo viên.
- Thưa ông, về cơ bản, các ngành dù có khó khăn đến mấy thì Tết đến cũng xoay sở cho người lao động của mình một khoản gọi là lương tháng thứ 13. Riêng với ngành giáo dục thì không có khoản này, mà phụ thuộc vào sự quan tâm của từng đơn vị hoặc từng địa phương. Ông có thấy đây là một thiệt thòi của nghề giáo viên?
- Vâng, đây đúng là một thiệt thòi của nghề dạy học rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng mình phải bắt đầu từ câu hỏi "Lương tháng 13 ở đâu ra?".
Đối với những đơn vị sản xuất, kinh doanh và làm dịch vụ thì lương tháng 13 là những phần lãi mà người ta tiết kiệm được trong năm, dồn vào cuối năm để thưởng cho người lao động. Thực ra đó cũng là một phần thưởng xứng đáng.
Thứ hai, có một số đơn vị như trường đại học, cao đẳng có nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học, người ta có thể lấy ra những phần thu nhận được từ kết quả nghiên cứu khoa học hay làm dịch vụ khoa học để thưởng cho cán bộ của mình.
Thứ ba, cũng có những ngành được luật pháp của Nhà nước ưu ái, ví dụ như có ngành được giữ lại 2-3% phần thu để chi trả cho cán bộ nhân viên.
Thứ tư, những ngành có quyền lực, hoặc có thể có những người tự đem đến và người ta lấy phần thu nhập ấy chia cho anh chị em. Thực sự ra thu nhập này là không chính đáng nhưng thực tế ở nước ta diễn ra như vậy.
Nhưng nghề dạy học thì lấy ở đâu ra? Tôi nghĩ là không thể lấy ở đâu ra, nhất là các thầy cô dạy ở phổ thông. Tất cả chỉ có quỹ lương thôi. Có thể nói, đó là một thiệt thòi của nghề dạy học.
Cũng từng là một giáo viên, tôi nghĩ, chúng ta đã chấp nhận chọn nghề này tức là chọn một nghề cao quý nhưng thanh bạch. Bù lại, chúng ta có niềm vui là những kết quả giáo dục thế hệ trẻ.
Giáo viên bao giờ cũng được tiếp xúc những người trẻ, đẹp nhất ở trong trạng thái khỏe mạnh, vui tươi nhất. So với những nghề khác thì thấy họ cũng có những thiệt thòi khác. Ví dụ, ngành Y cũng khổ không kém giáo viên đâu, nhưng lại luôn phải tiếp xúc với con người ở trong một tình trạng không được tươi vui, nhiều khi là già nua, bệnh tật, ốm yếu.
Tôi nghĩ rằng đó là một lợi thế của ngành giáo dục so với một số ngành khác.
Thầy giáo vùng cao vượt đường vào lớp học.
- Thưa ông, cũng đã nhiều năm nay, ngành giáo dục chủ động lo Tết cho giáo viên bằng các hình thức như vận động địa phương, doanh nghiệp, đơn vị ủng hộ. Một số giáo viên cho rằng cách thức vận động này đã chạm tới sự cao quý của nghề giáo. Ông có suy nghĩ gì về điều này?
- Nếu ở cương vị người lãnh đạo ngành giáo dục địa phương thì tôi cũng phải đi vận động các đơn vị thôi, nhưng quả thực cái cách làm này cũng không phải hay lắm. Nó có thể chạm vào tự ái của anh chị em giáo viên.
Tốt nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương coi đây là một trách nhiệm của mình và cấp ủy, chính quyền địa phương đứng ra vận động các ngành, vận động phụ huynh học sinh để chăm lo cho cái Tết của các thầy các cô.
- Ngành giáo có một đặc thù là thời gian nghỉ hè có hưởng lương. Đây có nên coi là một phần thưởng, một khoản thưởng đặc thù của ngành nghề này? Ông có chia sẻ gì đặc thù của nghề giáo về chuyện thu nhập cũng như chuyện thưởng Tết?
- Đúng là ở nước nào cũng vậy và từ xưa đến nay, nhà giáo bao giờ cũng có một số tháng hè để nghỉ ngơi, nghiên cứu. Tôi nghĩ đây cũng là một phần thưởng cho nghề và các thầy cô cũng hiểu được ý nghĩa của những tháng hè ấy.
Nhưng thực tế hiện nay, giáo viên cũng chỉ được nghỉ hè 1 tháng thôi. Còn lại, anh chị em cũng phải đi tập huấn về chuyên môn, học tập thêm để chuẩn bị cho năm học mới, thực sự vẫn là việc nhưng không lên lớp.
So với những ngành khác được nghỉ phép 15 ngày, thực ra nếu có lợi thì cũng hơn được độ khoảng 15 ngày. Và với đồng lương của giáo viên, nhất là giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học, thậm chí THCS, có thể nói tháng lương cũng không bõ bèn gì đâu.
Trong thời gian còn đang khó khăn như thế này, ngành giáo dục có thể lo nổi lương tháng 13 cho toàn bộ giáo viên của cả nước không? Chắc là khó. Bởi vì ngành giáo dục nói chung chỉ có quỹ lương thôi. Thứ hai là giáo viên của mình số lượng rất đông - trên 2 triệu người, bởi vì dân số mình đông.
Thế nên, tôi cho rằng, những chuyện này muốn giải quyết được phải là chủ trương từ Đảng, Nhà nước, trung ương và cũng có sự tích cực hưởng ứng của cấp ủy chính quyền địa phương thì mới làm được.
Theo Vietnamnet
Hàng trăm học sinh tràn vào trường bắt bạn nghỉ học Sáng 23/12, một nửa số học sinh Trường tiểu học Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) đã đi học trở lại. Tuy nhiên, nhiều em khác đã tràn vào trường đuổi những bạn trong lớp "nghỉ học đi". Sáng nay, tại Trường tiểu học Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), hàng trăm học sinh kéo vào trường, đồng loạt hò hét "về đi",...