Đổi mới thi tốt nghiệp THPT: Luẩn quẩn vòng quay thi cử?
Xoá bỏ thi cụm, xoá bỏ chấm chéo giữa các địa phương, tăng thêm khối thi mới…là những đổi mới mà Bộ GD&ĐT áp dụng từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Thực ra, đây không phải là cách làm mới. Ngoại trừ việc tăng thêm khối thi mới thì việc giao lại khâu tự tổ chức thi cho các địa phương đang đưa kỳ thi tốt nghiệp trở lại…đúng 5 năm về trước.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bộc lộ những lãng phí lớn
với sự vào cuộc của toàn xã hội
Video đang HOT
Đằng sau việc “trị bệnh thành tích”
Năm năm trước đây, sau sự kiện “thầy Đỗ Việt Khoa”, cả nước dấy nên phong trào chống tiêu cực, chống bệnh thành tích. Điển hình là cuộc vận động “Hai không” khá rầm rộ đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận xã hội.
Bộ GD&ĐT sau đó đã tiến hành nhiều đổi mới trong thi cử, chống bệnh thành tích trong giáo dục. Bắt đầu từ năm 2007, làn sóng chống nạn thành tích, nói không với ngồi nhầm lớp đã tạo nhiều hiệu ứng xã hội tốt. Năm 2009, việc tổ chức thi theo cụm, chấm thi chéo giữa các địa phương được áp dụng đại trà, ngăn chặn tiêu cực trong giáo dục. Nhưng sang năm tiếp theo, nhiều bất cập nảy sinh, nhiều địa phương đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém tồn tại, những tiêu cực phát sinh từ cách làm này.Ông Lê Xuân Đồng-Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hoá từng cho rằng, thi theo cụm và chấm thi chéo có những ưu điểm riêng. Nhưng hạn chế thì lại rất lớn. Đơn cử thi theo cụm rất tốn kém cho địa phương, cho trường và vất vả cho giáo viên, giám thị lẫn thí sinh. Nếu so với trước kia, việc thi cụm sẽ tăng chi phí gấp vài lần; giám thị lẫn thí sinh, cả phụ huynh phải vào cuộc, đưa đón, thuê trọ hết đợt thi. Tại những địa phương khó khăn về giao thông, việc thi cụm vất vả không khác gì thi ĐH. Ngoài ra, yếu tố chấm chéo không hề hạn chế hoàn toàn tiêu cực như lý thuyết đề ra.
Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Ngô Văn Thọ chỉ rõ, với chi phí cao hơn, chấm thi chéo bộc lộ hạn chế ở tính an toàn bảo mật bài thi. Trong quá trình vận chuyển bài, lực lượng an ninh bố trí đi theo xe chở bài thi không đảm bảo. Nếu xảy ra cháy nổ, thì việc khắc phục hậu quả sẽ khó lường. Bên cạnh đó, nếu yếu tố tiêu cực tồn tại, thì việc “thoả thuận” ngầm giữa các Sở trong nới lỏng chấm thi là hoàn toàn có thể xảy ra.
Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2010, sau hàng loạt những thay đổi như rút bớt lượng thanh tra uỷ quyền Bộ GD&ĐT, an ninh bảo vệ khu vực thi tốt hơn, dư luận lại nghi ngờ về chính kết quả khá hoàn hảo về tỉ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT.
Nhiều trường đỗ 100%, nhiều địa phương đạt trên 98-99%; mặc dù hai năm trước, những nơi này chỉ đạt 50-60% tỉ lệ đậu tốt nghiệp. Bước sang năm 2012, Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới kỳ thi tốt nghiệp mà thực chất là quay trở lại quy trình cũ. Có thể hiểu rằng, cách làm trước đây ít tốn kém, hiệu quả cao, địa phương tự chủ động các quy trình xử lý không bị động.
Cần tránh lãng phí xã hội trong thi cử
Trong những năm qua, mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT là gần như cả xã hội, chính quyền, các lực lượng chức năng đều được huy động một cách rầm rộ tham gia. Mục đích cũng chỉ để kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả và….tiết kiệm. Nhưng tiết kiệm sao được khi cả hệ thống chính trị vào cuộc; bản thân thí sinh, phụ huynh lại là những người chịu căng thẳng nhiều nhất. Rồi nhà trường, Sở GD&ĐT, địa phương đều căng thẳng, gây lãng phí xã hội ghê gớm.
Giáo sư Hoàng Tụỵ từng phát biểu với Đại Đoàn kết, tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT rầm rộ, gây lãng phí hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm là điều sai lầm. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tính hiệu quả, tính minh bạch nếu để các Sở GD&ĐT, địa phương tự chịu trách nhiệm tổ chức thi. Bộ GD&ĐT không thể ôm đồm hết mọi việc và cũng không thể khẳng định sẽ loại trừ tiêu cực hoàn toàn. GS Nguyễn Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đưa ra phản ứng. Theo ông, việc tổ chức kỳ thi quá cồng kềnh, tốn kém nhưng không hề mang lại hiệu quả như mong muốn. Điều gây nên vấn nạn tiêu cực chính là bệnh thành tích đang tồn tại ngay từ chỉ tiêu các địa phương đặt ra trước mỗi kỳ thi. Nếu ở mỗi địa phương còn đặt ra mục tiêu phải đạt bao nhiêu phần trăm tỉ lệ đậu tốt nghiệp thì chưa thể nói không với tiêu cực giáo dục.
Việc xoá bỏ thi cụm, đưa hình thức thi tốt nghiệp THPT trở lại đúng phương thức thực hiện 5 năm trước, bước đầu đã được nhiều địa phương ủng hộ, đón nhận. Thực hiện điều này, trước mắt đã xoá đi kỳ thi cồng kềnh, lãng phí, không hiệu quả. Và điều quan trọng hơn là nếu có phát sinh tiêu cực, thì dù càng đổi mới, tiêu cực sẽ càng biến tướng tinh vi hơn mà thôi.
Thực tế việc tỉ lệ tốt nghiệp THPT tăng cao bất thường trong hai năm qua đã khiến dư luận nghi ngờ về sự phá sản của “Hai không”. Điều đó chứng tỏ, hạn chế tiêu cực phải xuất phát từ cái tâm của mỗi người thầy, mỗi trường học, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào một cuộc thi rầm rộ, tốn kém.
Theo ĐĐKO