Đổi mới sách giáo khoa: Không thể làm theo kiểu rề rà
Dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành lộ trình đổi mới chương trình – sách giáo khoa. PGS Văn Như Cương lo lắng, thời gian đó có thể đến 2, thậm chí là 3 vị Bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục mà chưa thay xong một bộ sách giáo khoa.
Hội nghị tham vấn chuyên gia về chương trình – sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau 2015 do Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hôm nay (8.3) tại Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết. Các chuyên gia không giấu nổi sự sốt ruột khi mà những đòi hỏi về đổi mới giáo dục đã như “nước đến chân rồi”…
PGS Văn Như Cương nhận định: dù Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra lộ trình là khoảng 2022 sẽ kết thúc đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy thời gian đó sẽ phải kéo dài đến 2024. “Khoảng 10 năm để chúng ta làm thay đổi cơ bản và toàn diện nền giáo dục là một thời gian quá dài, khó chấp nhận được”, ông Cương nhận định.
Phó giáo sư Văn Như Cương tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà – Ảnh: Nguyệt Minh
Thời gian đó có thể đến 2, thậm chí là 3 vị Bộ trưởng khác nhau của ngành giáo dục và có nghĩa là thay tướng tổng chỉ huy đến mấy lần. Ngay cả các vị lãnh đạo cấp cao hơn cũng đã thay đổi… Ngoài ra, tôi tin chắc rằng trong khoảng thời gian đó sẽ xảy ra một cuộc cách mạng lớn lao và ngoạn mục trong ngành giáo dục trên thế giới… Và nếu đó là sự thực thì chúng ta xử lý như thế nào khi cuộc cách mạng về giáo dục của ta chưa kịp hoàn thành?
Video đang HOT
Bởi vậy, ông Cương đề nghị: đẩy nhanh tiến độ công cuộc đổi mới này, một mặt chúng ta cần thận trọng, mặt khác không thể làm ăn theo kiểu rề rà, đến đâu hay đến đó. “ Xã hội không thể chờ và đợi như thế”, ông Cương nói.
PGS Cương đề xuất: bỏ bớt những khâu rườm rà cứng nhắc không mang lại hiệu quả thiết thực mà chỉ kéo dài thời gian chờ đợi. Việc gì làm trước được thì cứ làm, không nhất thiết phải tuần tự. Chẳng hạn việc chọn người viết SGK. Tiêu chuẩn đã rõ ràng. Cứ chọn đi, rồi phổ biến chủ trương đổi mới, thảo luận thống nhất quan điểm, cách thức…, sau đó bắt tay vào biên soạn, không cần phải chờ đợi sau khi ra được các văn bản… Việc tổ chức tham quan và tập huấn ở nước ngoài là không cần thiết và tốn kém, nếu cần tại sao lại không mời chuyên gia nước ngoài về tham gia tập huấn.
Về biên soạn SGK, PGS Cương tha thiết đề nghị hãy tổ chức “trại viết SGK”. Ông cho rằng, trại viết SGK sẽ khiến tác giả làm việc tập trung toàn bộ thời gian và suy nghĩ cho việc viết SGK, tách ra khỏi cơ sở làm việc cũ. Trước đây công việc kéo dài vì các tác giả đều vẫn làm việc chính tại đơn vị công tác của mình, việc viết SGK chỉ là tranh thủ, nghĩa là dùng “tay trái” để viết SGK.
PGS Cương dự trù rằng sau khi chương trình các bộ môn từ lớp 1 đến lớp 12 (thử nghiệm) đã được thẩm định lần 1 thì công việc biên soạn SGK tập trung ở “trại” chỉ cần 6 tháng là nhiều nhất. Ví dụ, môn toán lớp 10 có 105 tiết học. Nếu mời 3 tác giả cùng viết thì mỗi tác giả viết chính 35 tiết, nếu mỗi tiết viết hết 1 ngày thì cũng chỉ hơn 1 tháng rưỡi là xong, tính thêm cả thảo luận, làm việc nhóm… thì cũng chỉ cần 3 tháng là hoàn thành.
PGS Cương đề nghị nên cương quyết thay sách đồng loạt ngay lập tức từ lớp 1 đến lớp 12 chứ không nên thay SGK theo kiểu “cuốn chiếu”: năm nay lớp 1, lớp 6 và lớp 10; sang năm lớp 2 , 7, 11… Vì như vậy thì phải đúng 5 năm “chiếu mới cuốn xong”.
Hãy hình dung tình trạng sau đây ở các trường tiểu học: giả sử năm nay thay sách lớp 1 theo kiểu cuốn chiếu thì học sinh lớp 2 vẫn học chương trình cũ và 3 năm nữa (lớp 3; lớp 4; lớp 5) họ vẫn học theo chương trình cũ, còn học sinh lớp dưới học chương trình mới. Hai kiểu đào tạo cũ và mới cùng tồn tại trong một trường tiểu học như vậy trong 5 năm trời là không ổn tí nào về mặt tâm lý, tổ chức giảng dạy và nhiều vấn đề khác. Và rồi sau đó học sinh lớp 5 cũ phải lên học lớp 6 mới ở trường THCS lại nảy ra rất nhiều vấn đề về điều chỉnh, thêm bớt chương trình lớp 6 mới. Đó là chỉ nói đến trường tiểu học mà chưa bàn đến trường có hai hoặc ba cấp học.
“Nếu thay sách đồng thời cùng một lúc thì lộ trình thực hiện chỉ mất 1 năm thay vì 5 năm theo kiểu cuốn chiếu”, PGS Cương kết luận.
Theo VNE
Chọn ngành học theo tính cách
Sáng 7.3, hơn 1.000 học sinh H.Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã có mặt tại Trung tâm văn hóa huyện để nghe các chuyên gia tư vấn giải đáp nhiều thắc mắc về điểm sàn, điểm chuẩn, cách lựa chọn ngành học phù hợp.
Học sinh H.Điện Bàn (Quảng Nam) tham gia chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại tỉnh này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thuyết phục cha mẹ
Chọn ngành học, trường học theo sở thích cá nhân nhưng gặp phải ngăn cản từ cha mẹ, không ít học sinh cảm thấy bối rối. Nguyễn Phương Thảo, lớp 12T8 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, lo lắng: "Mẹ em muốn em học trường gần nhà nhưng em muốn vào TP.HCM học, em không biết làm sao để thuyết phục được bố mẹ, xin thầy cô tư vấn". Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: "Việc cha mẹ lo lắng khi con đi học xa nhà là điều có thể thông cảm. Hiện nay tỷ lệ sinh viên bỏ học khi học xa nhà khá cao vì gặp môi trường mới, lại sống một mình, các em sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên điều kiện cho sinh viên xa nhà hiện nay khá tốt. Các trường ĐH-CĐ đều có ký túc xá và cũng tạo điều kiện cho các em đi làm thêm để có thể sống tự lập". Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh, mỗi thí sinh đều có quyết định cuộc đời, tương lai của mình, trong đó việc chọn ngành vô cùng quan trọng. "Nếu các em có ý chí vững vàng, theo đuổi việc học đến nơi đến chốn và có tinh thần tự lập cao thì chắc chắn sẽ thuyết phục được bố mẹ".
Nguyễn Chí Thắng, học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền băn khoăn: "Em rất thích học khối ngành kinh tế nhưng mẹ em nói em thiếu nhanh nhẹn, giao tiếp kém thì sẽ rất khó đậu. Vậy em có nên thi không, trong quá trình học em có thể bổ sung các kỹ năng cần thiết hay không?". Tiến sĩ Phạm Sỹ Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - kế toán, cho biết: "Khối ngành kinh tế có nhiều ngành nghề khác nhau, mỗi ngành nghề lại đòi hỏi tố chất nghề nghiệp khác nhau. Chẳng hạn có nghề cần mạo hiểm, nhanh nhạy, có nghề đòi hỏi tính thận trọng, có nghề phải thường xuyên đi xa, có nghề chỉ cần phải ngồi một chỗ... Nếu giao tiếp không quá xuất sắc, em vẫn có thể học nghề kế toán, thu ngân".
Tiến sĩ Lê Tuấn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế luật TP.HCM, bổ sung: "Nếu em có đam mê, em sẽ làm được những điều mình muốn và nỗ lực khắc phục nhược điểm để chứng minh cho ba mẹ thấy mình sẽ theo đuổi được ngành mình thích. Trong quá trình học, bên cạnh kiến thức chuyên môn, các trường ĐH sẽ có nhiều tiết học và hoạt động để giúp em rèn luyện các kỹ năng như giao tiếp, ứng xử, thuyết trình... Ngoài ra để khắc phục tính nhút nhát, em có thể tham gia các CLB học thuật, hội nhóm để tự tin hơn".
Cơ hội việc làm ngành sư phạm mầm non
Phan Thị Hương, học sinh Trường THPT Sào Nam, lo lắng khi một số trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Quảng Nam không còn nhiều chỉ tiêu cho khối ngành sư phạm thì cơ hội việc làm sẽ ra sao. Ông Nguyễn Luận, Phó phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Quảng Nam, thông tin: "Ngành học sư phạm mầm non trong tỉnh đang được mở rộng do hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tuyển rất cao. Trước đây giáo viên mầm non đều không có biên chế, nhưng 2 năm gần đây tỉnh đã chuyển giáo viên mầm non thành giáo viên có biên chế như các bậc học khác. Các thầy cô thế hệ trước đã về hưu nên càng cần nhân lực ngành này".
Quan tâm tới ngành báo chí, Lê Thị Thu, học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền, băn khoăn: "Em không biết nên thi ngành báo chí của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng hay Trường ĐH Khoa học Huế? Khối thi và điểm chuẩn ra sao? Cơ hội việc làm trường nào tốt hơn?". PGS-TS Lê Văn Anh, Phó giám đốc ĐH Huế cho biết: "Ngành báo chí tại Trường ĐH Khoa học Huế thi 2 khối C và D1. Năm 2013 điểm chuẩn là 15 và trường tuyển 140 chỉ tiêu trong năm nay". Tiến sĩ Trần Đình Khôi Quốc bổ sung: "Tại Trường ĐH Sư phạm ĐH Đà Nẵng, điểm chuẩn năm 2013 khối C là 17,5 điểm, khối D1 là 17 điểm. Theo tôi, cơ hội việc làm ngành này của 2 trường là như nhau vì chương trình đào tạo có nhiều tương đồng và cùng là các trường ĐH vùng. Quan trọng là trong quá trình học em cần phải bổ sung nhiều kiến thức như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng để tăng cơ hội việc làm cho mình".
Chương trình Tư vấn mùa thi sẽ tiếp tục diễn ra tại Quảng Ngãi trong ngày 8 và 9.3.
Theo TNO
Nhiều lỗi trong sách rèn kỹ năng toán tiểu học Mua sách ngoài chương trình cho con tham khảo, anh Nam ở quận Tân Phú, TP HCM, giật mình bởi rất nhiều bài trong cuốn Giải bài tập toán lớp 5 có lời giải sai. Cuốn sách được cho là đầy 'sạn' được khá nhiều học sinh lớp 5 dùng. Anh Nam, có con học lớp 5 ở trường tiểu học Tô Vĩnh...