Đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng đào tạo
QĐND – Dãy nhà làm việc của Khoa Triết học Mác – Lê-nin nằm khiêm nhường trong khuôn viên Học viện Chính trị. Phòng làm việc của Đại tá, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh, Trưởng khoa cũng đơn sơ, nhưng được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Biết chúng tôi có ý định trao đổi viết bài về kết quả thực hiện Phong trào Thi đua Quyết thắng (TĐQT) và hưởng ứng Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” (CVĐ) của đơn vị, anh Oanh cười thật hiền và đặt cặp kính dày lên trang giáo án, rồi nhẹ nhàng:
- Thành tích của chúng tôi so với những cơ quan, đơn vị khác của học viện còn khiêm tốn lắm. Trong triển khai thực hiện CVĐ, chúng tôi xác định là nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Nói vậy nhưng suốt thời gian làm việc cùng chúng tôi, anh Oanh không đề cập nhiều về thành tích của đơn vị mà dành thời gian chia sẻ những trăn trở, băn khoăn của tập thể cán bộ, giáo viên trong khoa là làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp trồng người. Điều anh chia sẻ quả là “bài toán khó”, bởi đội ngũ cán bộ, giảng viên của khoa hiện còn thiếu so với biên chế; mặt khác, triết học là môn học khó, trừu tượng. Tuy vậy, năm học vừa qua, với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, giảng viên, Khoa Triết học Mác – Lê-nin đã hoàn thành tốt nội dung, chương trình giáo dục-đào tạo theo kế hoạch của nhà trường; đồng thời hướng dẫn 30 nghiên cứu sinh và 105 học viên hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ triết học; thực hiện liên kết đào tạo với một số học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội.
Giờ thảo luận môn Triết học Mác – Lê-nin tại lớp 50D, Hệ 1 (Học viện Chính trị).
Trong tổ chức giảng dạy, khoa đã luôn chủ động đổi mới phương pháp dạy học; sớm chuyển từ dạy theo chủ đề sang dạy theo chuyên đề. Áp dụng phương pháp này, đội ngũ giảng viên của khoa đã phát huy tối đa vai trò chủ thể, tính tích cực, chủ động, độc lập của người học; tăng cường sự trao đổi, đối thoại giữa người dạy và người học. Hiện phương pháp này được nhiều giảng viên của học viện nghiên cứu, áp dụng.
Nhớ lại thời kỳ đầu áp dụng phương pháp dạy học tích cực, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh kể:
- Cách đây mấy năm, khi tôi tham gia giảng dạy tại lớp Kinh tế đối ngoại (Đại học Quốc gia Hà Nội), sau giờ học, sinh viên Nguyễn Văn Quang tìm gặp và bộc bạch: “Thưa thầy, ban đầu em rất “sợ” môn Triết học. Hôm nay nghe thầy giảng, em lại có hứng thú khi học môn này. Các ví dụ thực tiễn được thầy nêu ra nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, em cảm thấy môn học rất gần gũi, bổ ích”.
Mấy ngày sau, sinh viên Nguyễn Văn Quang tìm gặp Đại tá, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh và đưa cho anh ba bài viết liên quan đến kiến thức của môn Triết học, trong đó có bài viết mà anh rất tâm đắc: “Vận dụng một số nội dung cơ bản của triết học Mác – Lê-nin vào công tác giáo dục, quản lý sinh viên”. Câu chuyện về bài viết của sinh viên Nguyễn Văn Quang là niềm hạnh phúc lớn đối với người thầy, là động lực tinh thần thôi thúc cán bộ, giảng viên của khoa thi đua vượt khó, sáng tạo, cống hiến hết mình trong công tác giáo dục-đào tạo. Cũng với câu chuyện về sự phấn đấu, cống hiến công sức, trí tuệ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, trình độ, năng lực cho học viên, Thượng tá, TS Lương Thanh Hân, Chủ nhiệm bộ môn Chủ nghĩa duy vật biện chứng, người vừa giành giải nhì tại Hội thi giáo viên dạy giỏi của Học viện Chính trị năm 2015 chia sẻ:
- Thực hiện CVĐ, tôi đăng ký và giao ước thi đua với nội dung đổi mới phương pháp giảng dạy, trọng tâm là bài giảng gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn; vận dụng và giải quyết thấu đáo những vấn đề có tính nguyên tắc trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người chính ủy, chính trị viên ở đơn vị hiện nay.
Thực hiện quyết tâm và cam kết ấy, anh Hân cùng đội ngũ giảng viên của bộ môn cần mẫn nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học, tăng cường đối thoại, trao đổi với học viên. Để chuyển tải một cách sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu bài giảng “Phép biện chứng duy vật và vận dụng đối với người chính ủy trong hoạt động CTĐ, CTCT ở đơn vị”, anh cùng các đồng nghiệp nghiên cứu nhiều tài liệu; tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tế. Kết quả đúng như mong đợi, chuyên đề nghiên cứu của Thượng tá, TS Lương Thanh Hân về “Phân tích, dự báo, giải quyết tư tưởng bộ đội ở đơn vị cơ sở” được nhiều học viên say mê nghiên cứu, tham khảo, học tập.
Với những kết quả đạt được trong công tác giáo dục-đào tạo, Khoa Triết học Mác – Lê-nin được Bộ Quốc phòng tuyên dương, khen thưởng là đơn vị điển hình tiên tiến trong thực hiện CVĐ và Phong trào TĐQT giai đoạn 2010-2015.
Theo QDND