Đổi mới phương pháp dạy học: Cần tư duy mới và mở
Để đáp ứng mục tiêu giáo dục mới, vai trò kiến tạo của giáo viên thể hiện trong việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động học tập trong môi trường thân thiện và những tình huống có vấn đề nhằm khuyến khích người học tích cực tham gia, tự khẳng định nhu cầu và năng lực của bản thân…
Đổi mới phương pháp dạy học – yêu cầu tất yếu với nhà giáo.
Tri thức dẫn lối kinh tế
Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, yêu cầu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế được quán triệt trong Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI, trong phần mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu quan trọng và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 – 2020, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm “đột phá chiến lược” đó là: “Đổi mới căn bản và toàn diện GD – ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Tri thức đã trở thành yếu tố hàng đầu để phát triển kinh tế, tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, các quốc gia đều ý thức rõ về vai trò của giáo dục trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tạo đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy lao động sản xuất, tạo động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững” (Đổi mới căn bản, toàn diện để hoàn thiện một nền GD – ĐT Việt Nam nhân bản – Tạp chí Cộng sản, số 885-7/2016).
Với sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học, nhà giáo và các tầng lớp nhân dân cho việc hoàn thiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thời gian qua đã cho thấy quyết tâm không chỉ của ngành Giáo dục, mà còn của toàn Đảng, toàn dân chung tay xây dựng và đổi mới nền giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu thế phát triển chương trình giáo dục của thế giới và bắt kịp nền giáo dục của các nước tiên tiến.
Khi hệ thống tri thức có những thay đổi, sớm hoặc muộn, nhanh hoặc chậm, năng lực tư duy và hoạt động lao động sản xuất của con người cũng phải thay đổi. Chính vì thế, việc đổi mới tư duy giáo dục trong thời đại tri thức nhằm đáp ứng sự thay đổi của cuộc sống phát triển không ngừng là một tất yếu.
GV giữ vai trò kiến tạo, tổ chức trong lớp học. Ảnh: Thiên Thanh
Đổi mới tư duy là tất yếu
Bối cảnh thế giới mở và phẳng đã đặt ra những thách thức thời đại không chỉ giữa các quốc gia mà ngay ở sự khẳng định “năng lượng của sự có mặt” của mỗi công dân toàn cầu, đòi hỏi cách thức và biên độ tư duy mới và mở, năng động và óc sáng tạo cá nhân bằng khả năng tự học, tiến bộ, tư duy. Đổi mới phương pháp dạy học trước hết là đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực người học và cuối cùng là vì mục tiêu đáp ứng bối cảnh của thời đại, nhu cầu phát triển đất nước.
Video đang HOT
Có thể xem đây là điều kiện tiên quyết trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa 13: “Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa trí, đức, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Định hướng quan trọng trên được thể hiện rất rõ ngay từ các điểm mới trong phương pháp xây dựng chương trình: Đó là những căn cứ khoa học và thực tiễn xuất phát từ bối cảnh của thời đại, nhu cầu phát triển đất nước, phát triển nguồn nhân lực để xác định mục tiêu giáo dục phổ thông, từ đó xác định yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học, nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả giáo dục.
Theo đó, chương trình tổng thể xác định 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: 1) Yêu nước, 2) Nhân ái, 3) Chăm chỉ, 4) Trung thực, 5) Trách nhiệm.
Chương trình hướng đến 10 năng lực cốt lõi (những năng lực mà ai cũng cần có để sống và làm việc trong xã hội hiện đại) gồm: Những năng lực chung được tất cả các môn học và hoạt động giáo dục góp phần hình thành, phát triển: 1) Tự chủ và tự học, 2) Giao tiếp và hợp tác, 3) Giải quyết vấn đề và sáng tạo; và những năng lực chuyên môn được hình thành, phát triển chủ yếu thông qua một số môn học, hoạt động giáo dục: 1) Ngôn ngữ, 2) Tính toán, 3) Tìm hiểu tự nhiên và xã hội, 4) Công nghệ, 5) Tin học, 6) Thẩm mỹ, 7) Thể chất.
Bên cạnh việc hình thành, phát triển các năng lực cốt lõi, chương trình giáo dục phổ thông còn chú trọng phát hiện, bồi dưỡng các năng lực đặc biệt (năng khiếu) của học sinh.
Tự học trở thành nhu cầu tự thân của mỗi HS. Ảnh: T. Thanh
Bám sát thực tế
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã thể hiện quan điểm trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp và dân chủ.
Điều đó được thể hiện rõ trên các bình diện mục tiêu: Hình thành, phát triển năng lực thực tiễn cho người học, quán triệt yêu cầu hướng nghiệp để thực hiện phân luồng mạnh sau THCS và bảo đảm tiếp cận nghề nghiệp ở THPT; trao quyền và trách nhiệm tổ chức kế hoạch dạy học cho cơ sở giáo dục phù hợp với yêu cầu của địa phương, tạo điều kiện cho người học được lựa chọn môn học và hoạt động giáo dục phù hợp sở trường và nguyện vọng; phát huy tính năng động, tư duy độc lập và sáng tạo của người học. Trong đó, yếu tố được cho là quyết định chính là sự tương tác đồng bộ của các thành tố trong các phương pháp dạy học tích cực (người dạy, người học, học liệu, môi trường…).
Sự kết hợp hài hòa giữa dạy kiến thức công cụ với kiến thức phương pháp, đặc biệt chú trọng dạy cách học, phương pháp tự học để người học có thể học tập suốt đời được xác định là yếu tố quan trọng và nổi bật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tham chiếu từ các mục tiêu về phẩm chất và năng lực cần hình thành và phát triển ở người học, có thể thấy vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo trong đổi mới giáo dục phổ thông – mà trước hết thể hiện qua sự nhận thức đầy đủ về đổi mới phương pháp dạy học.
Từ ưu thế của các phương pháp giáo dục, hình thức tổ chức dạy học mới đã triển khai trong những năm gần đây như: Phương pháp bàn tay nặn bột, giáo dục trải nghiệm sáng tạo, dạy học tích hợp, liên môn, theo chủ đề, theo dự án, giáo dục STEM… việc đổi mới phương pháp dạy học cần được thực hiện trên cơ sở phân hóa đối tượng, phân tích các căn cứ về điều kiện, loại hình năng lực và phẩm chất cần phát triển ở người học… để từ đó lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học phù hợp, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong tổ chức dạy học thông qua việc sử dụng linh hoạt các mô hình học tập kết hợp giữa mô hình lớp học truyền thống với các mô hình dạy học mở, dạy học trực tuyến.
Để đáp ứng mục tiêu giáo dục mới, thay vì chỉ thiên về “dạy cái” cần chú trọng hơn về “dạy cách”, từ chủ yếu quan tâm giúp học sinh “học cái gì” chuyển sang quan tâm hơn về “học như thế nào”, bản lĩnh và năng lực sáng tạo của giáo viên được khẳng định qua khả năng hướng dẫn tự học, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường xây dựng các mô hình học tập gắn với thực tiễn, xây dựng và sử dụng tủ sách lớp học, phát triển văn hóa đọc gắn với hoạt động của các câu lạc bộ khoa học trong nhà trường.
Đồng thời, phẩm chất và năng lực của người học cũng được hình thành và phát triển qua các hoạt động giao lưu, kết nối, tương tác với thực tiễn đời sống để khơi dậy hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới…
Điều đó cũng có nghĩa: Để đảm bảo tính khả thi của đổi mới phương pháp dạy học, vai trò kiến tạo của giáo viên thể hiện trong công việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động học tập trong môi trường thân thiện và những tình huống có vấn đề nhằm khuyến khích người học tích cực tham gia, tự khẳng định nhu cầu và năng lực của bản thân; đồng thời rèn cho người học thói quen và khả năng tự học, tích cực phát huy tiềm năng và vận dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng đã được tích luỹ. Từ đó, tạo tiền đề để phát triển toàn diện nguồn nhân lực trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới một nền giáo dục Việt Nam hiện đại và hội nhập quốc tế.
Để đáp ứng mục tiêu giáo dục mới, thay vì chỉ thiên về “dạy cái” cần chú trọng hơn về “dạy cách”, từ chủ yếu quan tâm giúp học sinh “học cái gì” chuyển sang quan tâm hơn về “học như thế nào”.
TS Nguyễn Trọng Hoàn
Theo giaoducthoidai
Trường ĐH Việt Nhật triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao
Ngày 18/2, Trường ĐH Việt Nhật (ĐHQGHN) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã ký biên bản triển khai dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị ĐH tại trường (TC2).
Dự án TC2 là dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị đại học tại Trường ĐH Việt Nhật giai đoạn 2.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2025.
Mục tiêu của dự án là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở cả 3 cấp độ đại học, cao học, tiến sĩ; nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và quản trị tại Trường ĐH Việt Nhật để trường phát triển thành một trường đại học nghiên cứu tầm cỡ quốc tế và theo hướng dần tự chủ, bền vững.
Trường ĐH Việt Nhật triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao.
Theo đó, TC2 dự kiến sẽ thực hiện các hoạt động chính như xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ theo các các tiêu chí chất lượng cao với các ngành thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội liên ngành, khoa học bền vững, công nghệ kỹ thuật tiên tiến và khoa học sự sống.
Cùng đó, hỗ trợ ban đầu cho các nhà khoa học trình độ cao theo các tiêu chí có khả năng huy động tài trợ nghiên cứu, khởi tạo nhóm nghiên cứu độc lập sau 2-3 năm, đề xuất và triển khai học phần /chương trình đào tạo mới.
Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hệ thống quản lý đại học nghiên cứu theo hướng tự chủ cao và theo kinh nghiệm của các đại học nghiên cứu Nhật Bản; phát triển quan hệ hợp tác với các đại học và doanh nghiệp Nhật Bản.
Hỗ trợ chi phí tại địa phương để tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu. Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị thực hành cho các chương trình đào tạo và trang thiết bị nghiên cứu cho một số hướng nghiên cứu trọng điểm và hỗ trợ chi phí vận hành cơ sở vật chất tại Hà Nội theo chuẩn Nhật Bản.
Chuyển giao các sản phẩm nhằm hỗ trợ Trường ĐH Việt Nhật mở rộng quy mô đào tạo và phát triển nhanh theo hướng bền vững từ năm 2025.
Lễ ký kết giữa Trường ĐH Việt Nhật - ĐHQGHN và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản.
TS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật cho hay: "Nhà trường sẽ tận dụng tối ưu thế mạnh về chuyên gia và kỹ thuật của Nhật Bản và các kiến thức khoa học ứng dụng của Việt Nam trong đào tạo và nghiên cứu, nhằm cung cấp cho thị trường lao động Việt Nam, Nhật Bản và khu vực những nhà khoa học, lãnh đạo, quản trị có tay nghề, kinh nghiệm và chất lượng cao".
Sau 5 năm thực hiện Dự án TC1, Trường ĐH Việt Nhật hiện đang đào tạo 8 chuyên ngành thạc sỹ gồm: Khu vực học, Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật hạ tầng, Biến đổi khí hậu và phát triển, Kỹ thuật môi trường, Công nghệ Nano, Chính sách công, Lãnh đạo toàn cầu.
Từ năm 2020, nhà trường sẽ tuyển sinh chương trình đào tạo cử nhân Chất lượng cao ngành Nhật Bản học.
Hải Nguyên
Theo vietnamnet
TP.HCM đưa trí tuệ nhân tạo vào trường học Nhiều trường tại TP.HCM đã đưa trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, dạy học... hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. TP.HCM đang triển khai đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh". Trong đó giáo dục phải đi trước, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...