Đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn trong nhà trường Sư phạm
QĐND Online - Nhận diện những xu hướng mới trong nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn trên thế giới; thực trạng dạy học ở các trường Sư phạm Việt Nam, từ đó đặt ra những giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn phù hợp với yêu cầu mới của xã hội… Đó là những vấn đề mà PGS.TS Nguyễn Văn Trào, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đưa ra tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Đổi mới nghiên cứu và dạy học Ngữ văn trong nhà trường Sư phạm”, do Khoa Ngữ văn của trường tổ chức, ngày 15-1.
Các đại biểu trao đổi, tìm ra giải pháp đổi mới nghiên cứu và dạy học ngữ văn phù hợp với yêu cầu mới của xã hội.
Tại hội thảo, bàn về xu hướng mới trong giảng dạy ngữ văn, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Xu hướng chung của các nền giáo dục tiên tiến là chú trọng giúp người học phát triển năng lực giao tiếp ngôn ngữ ở tất cả các hình thức: Đọc, viết, nói, nghe và năng lực giao tiếp đa phương thức. Năng lực này được chương trình giáo dục phổ thông của nhiều quốc gia xác định là năng lực cốt lõi nhất, thiết yếu nhất đối với tất cả mọi người.
Theo mô hình giáo dục truyền thụ kiến thức, các phương pháp dạy học Ngữ văn lâu nay chủ yếu là phương pháp bình giảng, tập trung vào việc cung cấp cho người học kiến thức về tiếng Việt và văn học. Trái ngược với phương pháp truyền thụ, việc dạy học ở Mỹ lại trao cho học sinh nhiều quyền tự do, nhất là trong hoạt động đọc hiểu văn bản, PGS Bùi Mạnh Hùng nêu vấn đề.
Tuy nhiên, “nếu so sánh cách dạy học Ngữ văn của Việt Nam và Mỹ thì có thể thấy 2 thái cực. Có lẽ một điểm trung gian nào đó giữa 2 thái cực, gần với cách tiếp cận của các nhà sư phạm Australia là một lựa chọn phù hợp với môi trường giáo dục và văn hóa Việt Nam”, PGS Bùi Mạnh Hùng cho hay.
Đề cập đến đổi mới chương trình và nội dung dạy học Ngữ văn, GS Lã Nhâm Thìn, Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất, đổi mới chương trình không nên nặng về kiến thức cụ thể mà chú trọng những vấn đề văn học; không nặng về phương pháp hình thành, phát triển kỹ năng mà chú trọng phương pháp hình thành, phát triển năng lực. Năng lực hình thành trên cơ sở tiếp thu kiến thức và phương pháp, có thể sáng tạo những tri thức và phương pháp mới, thích ứng và hiệu quả với môi trường thay đổi, năng động.
GS Lã Nhâm Thìn đặt vấn đề, chương trình phải mang tính liên thông theo 2 hướng: Liên thông ngang và liên thông dọc. Liên thông ngang là liên thông với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu thuộc lĩnh vực ngành và chuyên ngành khoa học. Liên thông ngang còn là liên thông với các trường đại học trong khối ngành sư phạm. Liên thông dọc là liên thông với trường phổ thông các cấp. Nếu chỉ chú ý liên thông ngang sẽ xa rời mục tiêu đào tạo và đặc thù của đại học sư phạm, còn nếu chỉ chú ý mối liên thông dọc sẽ hạn chế khả năng hội nhập của đại học sư phạm.
Ngoài ra, các đại biểu cũng bàn luận làm rõ thêm triết lý, đặc trưng dạy học Ngữ văn trong bối cảnh hệ hình tư duy của nhân loại và thực tiễn của đời sống đang đặt ra những vấn đề mới; giới thiệu những khuynh hướng lý thuyết văn học, văn hóa, ngôn ngữ và khả năng vận dụng với thực tiễn tại Việt Nam; đổi mới mục tiêu và chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn hướng đến phát triển các năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, gia tăng tính đối thoại, tính can dự, tính nhân văn, tính giáo dục của chương trình.
Theo qdnd.vn