Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014: Áp lực giảm đến đâu?
Mặc dù môn thi tốt nghiệp đã giảm bớt 1/3 và chỉ còn 4 môn thi, nhưng xem ra áp lực thi cử chưa giảm được bao nhiêu. Cứ nhìn học trò khối lớp 12 đang bị ép học, ép ôn luyện, kiểm tra nhanh… sẽ thấy gánh nặng học hành vẫn đè nặng và bệnh thành tích phải đạt tỷ lệ thi tốt nghiệp khá, giỏi cao vẫn là đích đến của nhiều vị hiệu trưởng.
Đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 giúp học sinh lớp 12 vui hơn (Trong ảnh: Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Khuyến quận 10).
Cập rập, lúng túng
Chỉ còn 6 tuần lễ nữa, học sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 nhưng cả người dạy lẫn người học đều tỏ ra lúng túng, băn khoăn trước nhiều điểm mới vừa được Bộ GD-ĐT hướng dẫn. Trong 11 điểm mới cần lưu ý thì thông tin đề thi môn văn có thể nằm ngoài sách giáo khoa và thí sinh sẽ phải làm quen với yêu cầu đọc hiểu văn bản gây xôn xao, chấn động nhiều nhất.
Tuy Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể về hướng ra đề văn mở, đánh giá năng lực cảm thụ văn học, tránh học vẹt nhưng nhiều giáo viên môn văn lẫn cán bộ quản lý vẫn cảm thấy cập rập, trở bộ không kịp vì thời gian ôn luyện còn quá ngắn.
Ghi nhận ý kiến thực tế, chúng tôi nhận thấy đa phần ủng hộ tinh thần đổi mới thi cử, trong đó đề thi môn văn ra theo hướng mở sẽ phát huy năng lực, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, giải quyết vấn đề cuộc sống của học sinh. Nhiều học sinh có năng lực, yêu thích môn văn cũng hào hứng chờ đợi đề thi ra theo hướng mở, thí sinh có thể sáng tạo trong cách làm bài.
Cô Lê Kim Mai, Tổ trưởng tổ văn Trường THPT Võ Thị Sáu nêu quan điểm: “Bản chất của việc dạy môn văn là đọc, hiểu, cảm nhận tác phẩm, nội dung, ý nghĩa hình tượng nhân vật, rút ra bài học… Yêu cầu đọc hiểu đã được triển khai dạy học sinh từ nhiều năm qua nên bây giờ đặt lại vấn đề này cũng không có gì là mới và quá lo ngại…”.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một số giáo viên dạy văn lại băn khoăn, tuy học sinh đã được làm quen với yêu cầu đọc hiểu nhưng chưa chú trọng nhiều, nay bộ yêu cầu thì cả thầy lẫn trò đều lúng túng, cập rập trong ôn tập. Một số khác thì lo lắng vì chưa rõ cấu trúc đề thi ra sao và thang điểm cho từng phần đọc hiểu văn bản, nghị luận văn học, nghị luận xã hội là bao nhiêu?
Video đang HOT
Một giáo viên dạy văn lâu năm bức xúc: “Lâu nay Bộ GD-ĐT cứ hô hào giáo viên phải sáng tạo, đổi mới cách dạy cách học nhưng cách ra đề thì “vũ như cẩn”, chỉ đi chệnh hướng, không bám sát nội dung, chương trình sách giáo khoa là học sinh thấm đòn, điểm thấp ngay. Làm sao chúng tôi dám mạo hiểm?”.
Rõ ràng, đổi mới thi cử là cần thiết nhưng giá như bộ có hướng dẫn sớm và đừng để “nước ngập đến chân mới bảo các trường phải nhảy” bằng mọi cách thì làm sao tránh khỏi ướt – Một hiệu trưởng lắc đầu, biểu thị sự mệt mỏi.
Tăng hay giảm áp lực tùy thuộc vào hiệu trưởng
Tuy chưa thoát hẳn áp lực về thi cử, bệnh thành tích nhưng phải thừa nhận nhiều vị hiệu trưởng trường THPT đã đổi mới tư duy, không quá lo lắng và quan trọng hơn là không ép học, ép ôn luyện quá mức như trước đây.
Thầy Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie nêu quan điểm: “Năm nay, cả thầy lẫn trò đều mừng, bớt hẳn lo lắng vì môn thi giảm còn 4 môn. Với tinh thần Bộ GD-ĐT không gây áp lực thì lẽ nào nhà trường lại gây thêm áp lực, nhà trường để các em tự ôn thi ở nhà là chính và chỉ tập trung ôn tập, phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, trung bình. Mục đích của giáo dục là hướng các em đi đường thẳng, nếu gặp hẻm thì phải có tư duy sáng tạo, biết vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết vấn đề. Vì thế, chúng tôi không chủ trương nhồi nhét kiến thức lẫn cách làm bài rập theo khuôn mẫu. Một khi ôn luyện, “nhồi quá mức”, học sinh sẽ ngán học hoặc sẽ ỉ lại, gặp đề lạ, đề khó thì bị động, không thể suy nghĩ, làm bài một cách sáng tạo”.
Tương tự, thầy Nguyễn Xuân Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến quận 10 cũng ủng hộ tinh thần đổi mới thi cử và nhấn mạnh rằng, việc hướng dẫn học sinh lớp 12 chuẩn bị tâm lý, tinh thần ổn định, có cách học – ôn thi vừa sức, kết hợp giữa học và vui chơi giải trí sẽ mang lại kết quả tốt nhất.
Thế nhưng, một số “thuyền trưởng” khác lại cảm thấy lo lắng, trở bộ không kịp vì kỳ thi tốt nghiệp năm nay có quá nhiều thay đổi đột ngột. Hơn nữa, mong muốn học sinh của mình thi tốt nghiệp THPT có tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi cao cũng là tầm ngắm của nhiều trường.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Hùng Vương quận 5, TPHCM trong giờ ôn thi môn Địa. Ảnh: Mai Hải
Theo cô Đỗ Thị Bích Duyên, quyền Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, mục tiêu của nhà trường là giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để học sinh lớp 12 có bảng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt, có thể dự tuyển vào các trường ĐH hoặc đi du học, nhà trường coi trọng việc ôn luyện, củng cố kiến thức cho các em trước mùa thi.
Và để chạy “nước rút” trong thời điểm vàng ôn thi, giúp học sinh làm quen với các loại đề thi, nhà trường vẫn chọn cách làm cũ – áp dụng từ nhiều năm trước là làm bài kiểm tra nhanh (TEST) trong vòng 30 phút vào mỗi buổi sáng. Học sinh có mặt (theo môn thi bắt buộc và tự chọn) vào 6 giờ 15 phút (sớm hơn ngày thường 30 phút). Sau khi chấm bài kiểm tra nhanh, đến khoảng 9 – 10 giờ, học sinh sẽ được thông báo kết quả, em nào làm bài đạt 6 điểm trở lên thì buổi trưa được ra về, ai bị điểm thấp hơn thì ở lại để đầu giờ chiều làm bài test nhanh lần thứ hai và nếu không đạt thì tiếp tục ở lại để nghe giảng bài.
Không thể phủ nhận thiện chí của nhà trường nhưng với cách ôn luyện chưa khoa học này, cả học trò, thầy cô và phụ huynh đều cảm thấy mệt mỏi. Một số phụ huynh cho rằng, áp lực đi học sớm hơn, phải làm bài test nhanh khiến con em họ cảm thấy lo sợ bị “cấm túc” – ở lại trường và dù cố học bài nhưng kết quả đôi khi không như mong muốn. Như thế hiệu quả học tập sẽ đến đâu?
Trong hội nghị về đổi mới thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã nhắc nhở các trường không được gây áp lực, tổ chức ôn thi nhẹ nhàng, phù hợp với năng lực học sinh. Như thế, chủ trương đổi mới thi cử đã có nhưng việc tăng hay giảm lại phụ thuộc vào nhận thức, tư duy hành động của từng vị hiệu trưởng. Có nhiều cách ôn thi nhẹ nhàng, khoa học nhưng vẫn mang lại hiệu quả thay vì bắt các em luyện như gà chọi và thi xong thì chẳng nhớ điều gì.
Theo TNO
Đổi mới từ ngọn, bao nhiêu cho đủ!
Đầu tư viết sách giáo khoa chỉ còn 105 tỉ đồng trong khi số tiền dành để mua sắm trang thiết bị dạy học là 20.100 tỉ đồng. Con số được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới nhất này tiếp tục gây "sốc"
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố lại số tiền dự trù cho viết sách giáo khoa (SGK) trong đề án đổi mới chương trình - SGK là 105 tỉ đồng, thay vì 5.000 tỉ đồng như con số nêu ra trước đó.
Hơn 20.000 tỉ đồng mua thiết bị
Cụ thể, kinh phí dự kiến 34.275 tỉ đồng của đề án được chi như sau: 105 tỉ đồng dùng vào việc biên soạn chương trình - SGK; 910 tỉ đồng cho tổ chức dạy thử nghiệm chương trình, SGK mới tại 600 trường (340.000 học sinh), tập huấn, bồi dưỡng dạy thử nghiệm cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 20.000 người), cấp SGK thử nghiệm cho 340.000 học sinh, 20.000 giáo viên...; 8.150 tỉ đồng dùng cho triển khai dạy học đại trà theo chương trình - SGK mới (khoảng 30.000 trường, 15 triệu học sinh), tập huấn bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý (khoảng 900.000 người)...; 5.010 tỉ đồng để ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục. Đặc biệt, đề án dành 20.100 tỉ đồng dùng để mua sắm trang thiết bị dạy học (bổ sung, thay thế khoảng 50% thiết bị tối thiểu hiện có).
Đề án đổi mới chương trình, SGK của Bộ GD- ĐT tiếp tục gây choáng váng Ảnh: Tấn Thạnh
Ngay khi Bộ GD-ĐT công bố những con số này, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh, cho hay việc bộ dành tới 20.100 tỉ đồng cho mua sắm trang thiết bị dạy học là khó hiểu. Theo chuyên gia này, nhiều thiết bị do chính Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học - Đồ chơi trẻ em của Bộ GD-ĐT sản xuất, các trường bắt buộc phải mua nhưng không thể sử dụng hoặc gặp nhiều trục trặc, phải "bó chiếu", cất kho. "Tôi không biết bộ có thường xuyên kiểm tra việc sử dụng trang thiết bị dạy học ở các trường?" - PGS Cương băn khoăn.
Chưa có SGK, sao mua thiết bị?
Một giáo sư uy tín từng nhiều năm đảm nhận vị trí then chốt tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định cần phải lưu ý những khoản chi mà Bộ GD-ĐT đưa ra có hợp lý hay không. "Bộ dự kiến chi 20.100 tỉ đồng cho thiết bị nhưng hiện nay, chương trình và SGK chưa biên soạn thì chưa thể biết sẽ cần những thiết bị nào. Bởi vậy, con số này không có cơ sở chắc chắn" - GS này nói. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh khoản chi cho trang thiết bị dạy học nên dựa vào nguồn lực xã hội. Bộ GD-ĐT chỉ cần đưa ra yêu cầu về trang thiết bị, các doanh nghiệp sẽ lo sản xuất, bán hàng theo giá cạnh tranh; còn tiền mua sắm một phần chi từ ngân sách nhà nước, một phần từ nguồn học phí.
TS Giáp Văn Dương, tác giả của GiapSchool - cổng giáo dục trực tuyến mở, cho rằng nếu Bộ GD-ĐT thấy cần thiết phải đổi mới chương trình - SGK thì cứ làm riêng phần việc đó cho hiệu quả, còn việc mua sắm trang thiết bị là kế hoạch dài hơi, thường xuyên và cũng không phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nên không thể gộp hai cái vào một. TS Giáp Văn Dương cho rằng ông chưa từng thấy một đề án đầu tư nào có số tiền lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng mà sơ sài vài chục trang, hoàn toàn không phân tích được tính khả thi và phân tích tài chính như vậy.
Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT - cách đổi mới từ ngọn của Bộ GD-ĐT thì đổ vào biết bao nhiêu tiền cho đủ? Trên thực tế, ai cũng nhìn thấy để đổi mới việc dạy va học ở phổ thông, ngành sư phạm phải chuyển động trước ít nhất 5 năm nhằm đổi mới đào tạo giáo viên. Thế nhưng, trên thực tế là các trường sư phạm vẫn chưa được chuẩn bị gì cho việc này.
Theo VNE
Thờ ơ với tuyển sinh riêng Nhiều trường ĐH tuyển sinh riêng theo hình thức xét kết quả học tập ở bậc THPT. Tuy nhiên, tại rất nhiều trường THPT, không có thí sinh nào đăng ký tuyển sinh riêng Hôm qua (17-4) là hạn chót nộp hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ theo tuyến trường THPT. Thống kê sơ bộ của các trường ở TP HCM cho thấy...