Đổi mới kỳ thi THPT: Phân luồng hiệu quả bậc học cấp 3!
(Baohatinh.vn) Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn đã đi vào giai đoạn hoàn tất. Trong những điểm mới của kỳ thi, việc tổ chức riêng cụm thi cho các thí sinh đăng ký xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng (do trường đại học chủ trì) và cụm thi cho các thí sinh chỉ để xét tốt nghiệp THPT (do sở GD&ĐT chủ trì) đã giúp công tác phân luồng hiệu quả hơn.
Từ các lớp học nghề ở bậc phổ thông, nhà trường phối hợp với gia đình phân luồng học sinh một cách hiệu quả.
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, năm nay, Hà Tĩnh có 19.665 học sinh (HS) đăng ký dự thi, trong đó, có 7.654 em dự thi tại cụm thi của tỉnh chỉ để xét tốt nghiệp THPT (chiếm tỷ lệ gần 39%). Kết quả đó phần lớn là nhờ công tác tuyên truyền, phân luồng, hướng nghiệp sau THPT của các trường ngày càng được chú trọng.
Thầy Nguyễn Tiến Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quảng Chí (Kỳ Anh) cho biết: “Cùng với các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp của các thầy, cô giáo, thời gian qua, đã có một số trường đại học, cao đẳng về phát tờ rơi, tư vấn việc chọn ngành, nghề cho các em. Theo đó, HS và các bậc phụ huynh ngày càng chú trọng việc định hướng nghề nghiệp cho con em mình, đặc biệt là việc chọn trường, chọn nghề phù hợp với năng lực, sở trường, năng khiếu, sức khỏe của bản thân HS và điều kiện kinh tế gia đình cũng như nhu cầu của xã hội. Đó cũng là lý do năm nay khoảng 50% trong tổng số 389 HS khối 12 của trường đăng ký dự thi tại cụm thi của tỉnh chỉ để xét tốt nghiệp”.
Chị Nguyễn Thị Oanh – một phụ huynh ở Cẩm Xuyên cho hay: “Thật ra, cho con vào đại học là mong muốn chung của các bậc phụ huynh cũng như chính bản thân các cháu sau 12 năm học tập. Nhưng trước đó, tôi cũng rất phân vân bởi con tôi học lực chỉ ở mức trung bình. Vì thế, thời gian qua, ngoài việc tham khảo ý kiến của các thầy, cô giáo, người thân, đặc biệt là qua ngày hội tư vấn tuyển sinh do nhà trường tổ chức, tôi đã hiểu rằng, nên động viên con chọn học nghề theo năng lực, sở trường…”.
Mùa thi đến gần cũng là lúc các trường đại học, cao đẳng sôi động với các chiến dịch quảng bá để tuyển sinh. Điều đó càng trở nên gấp rút và quan trọng hơn khi số lượng trường đại học, cao đẳng trong cả nước ngày một nhiều thêm, trong khi số lượng sinh viên ngày càng hạn chế. Nhờ đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền và phân luồng nên hầu hết HS đã chọn được hướng đi phù hợp.
Em Nguyễn Đình Đạt – HS Trường THPT Mai Thúc Loan cho biết: “Hoàn cảnh khó khăn, học lực cũng chỉ ở mức trung bình nên em đăng ký thi tại cụm thi của tỉnh để xét tốt nghiệp, sau đó, sẽ đăng ký học nghề”.
Cũng xu hướng tìm việc theo nhu cầu xã hội, em Lê Thị Hiền – một thí sinh tự do ở Thạch Hà chia sẻ: “Năm nay, em vẫn đăng ký nguyện vọng vào Khoa Sư phạm mầm non, Đại học Vinh. Em cũng đã tham khảo ý kiến của các thầy cô và người thân nên được biết, hiện tại, giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh dôi dư nhiều, nhưng nhu cầu ở các tỉnh miền Nam rất lớn nên em đặt hy vọng vào con đường mình đã chọn”.
Một điểm mới nữa trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là thông tin trong hồ sơ của thí sinh trực tiếp do Bộ GD&ĐT quản lý, việc đăng ký vào các mã ngành, các trường đại học, cao đẳng cũng sẽ được thí sinh tiến hành ngay sau khi kỳ thi có kết quả. Thế nhưng, nhìn chung, với sự tư vấn của các trường và nhu cầu ngành nghề của xã hội, mỗi thí sinh đều suy nghĩ kỹ, chủ động lựa chọn đúng đắn bước đi cho tương lai.
Ngoài ra, cùng với việc đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng cho HS thì những đổi mới về hình thức thi năm nay, đặc biệt là việc phân luồng ngay từ khi lựa chọn cụm thi cũng đã góp phần không nhỏ trong việc giảm áp lực cho HS và chi phí cho Nhà nước, phụ huynh.
Theo baohatinh