Đổi mới hoạt động giáo dục thường xuyên
Giáo dục thường xuyên (GDTX) nhằm mục đích tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người và xây dựng xã hội học tập bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, những năm qua, hoạt động GDTX được ngành giáo dục chú trọng đổi mới và đạt được kết quả tích cực.
Giờ thực hành của học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đô Lương (huyện Đô Lương, Nghệ An).
Hoạt động GDTX hiện nay khá đa dạng gồm các hoạt động xây dựng xã hội học tập (XHHT), xóa mù chữ, dạy học văn hóa theo chương trình giáo dục trung học, hoạt động bồi dưỡng nâng cao kiến thức ở các trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ)… Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Thị Tú Anh cho biết, để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhiều giải pháp nâng cao chất lượng GDTX đã được triển khai. Một trong những hoạt động chính của GDTX là triển khai xây dựng XHHT theo Quyết định 89/QĐ-TTg năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương thuộc khu vực miền núi, hải đảo, biên giới đã triển khai nhiều hoạt động phát triển cộng đồng; hỗ trợ trẻ em, phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa học lớp xóa mù chữ. Một số địa phương tổ chức các hoạt động sáng tạo, hiệu quả như duy trì lớp học xóa mù chữ cho người dân các làng chài ở Quảng Ninh, tăng cường thời gian thực hành nói tiếng phổ thông cho người dân tộc thiểu số ở Yên Bái…
Ngoài ra, trong các hoạt động GDTX, các TTHTCĐ đã thật sự trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân đến học tập thường xuyên, góp phần thực hiện các mục tiêu về giáo dục, văn hóa, xã hội địa phương. Ngành giáo dục đã tích cực phối hợp các đơn vị, đoàn thể để tổ chức các hoạt động của TTHTCĐ như: Mở các lớp dạy nghề, tư vấn việc làm cho nông dân, chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học – kỹ thuật… nhằm tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời. Công tác phân luồng học sinh sau THCS đi vào thực chất cho nên số lượng học viên tại các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX có xu hướng tăng nhanh. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông được nâng cao chất lượng, bảo đảm mục tiêu “dạy thật, học thật, thi thật, đánh giá thật để có chất lượng thật”. Kết thúc năm học 2018-2019, cả nước có 15.553 cơ sở GDTX gồm: 71 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 591 trung tâm GDTX và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX cấp huyện, 3.974 trung tâm ngoại ngữ – tin học và 10.918 TTHTCĐ. Số lượng người học các chương trình GDTX năm học 2018-2019 có quy mô 20,8 triệu lượt người tham gia học tập chuyên đề tại các TTHTCĐ, trung tâm GDTX; hơn hai triệu lượt người học tập ngoại ngữ, tin học; 276 nghìn lượt người tham gia học nghề ngắn hạn; 26,7 nghìn người theo học lớp xóa mù chữ và 244 nghìn học viên tham gia học THCS và THPT theo chương trình GDTX…
Tuy nhiên, thực tế hoạt động GDTX cũng bộc lộ một số bất cập khi mạng lưới phát triển chưa tương xứng với nhu cầu học tập của người dân. Việc chia tách, sáp nhập, giải thể dẫn đến mạng lưới các cơ sở GDTX ở một số địa phương không đồng bộ, không đúng theo quy định của Luật Giáo dục. Trong khi đó, việc quản lý GDTX ở một số địa phương còn thụ động và để xảy ra những sai phạm trong dạy học, thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ kém chất lượng… Việc học tập của người lớn, xây dựng XHHT chưa thật sự được quan tâm đúng mức, tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở những vùng khó khăn chưa cao, không bền vững. Số người mù chữ và tái mù chữ tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 36 đến 60 và ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp – Bồi dưỡng thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Lào Cai) Bùi Xuân Tiệp cho biết, việc nâng cao chất lượng GDTX, trong đó có xóa mù chữ ở địa bàn vùng cao khá khó khăn. Bởi vùng núi, vùng dân tộc thiểu số thường có địa hình phức tạp, dân cư sống phân tán, xa trường học cho nên khó huy động người học ra lớp. Mặt khác, đối tượng người học là lao động chính và thường xuyên đi làm thuê xa nhà, lên nương làm rẫy nên không có nhiều thời gian dành cho học tập… Vì vậy, để nâng cao chất lượng GDTX, cần tăng cường tuyên truyền, tạo đồng thuận, vào cuộc của đoàn thể, các lực lượng xã hội trong tổ chức các lớp học phù hợp từng nhóm đối tượng… Trong khi đó, đại diện Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc cho rằng, Bộ GD và ĐT cần phối hợp các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn phân loại, xếp hạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp – GDTX để thuận lợi trong hoạt động và bảo đảm quyền lợi, chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên…
Theo Bộ GD và ĐT, để nâng cao chất lượng GDTX, toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở GDTX, ưu tiên kiện toàn hệ thống TTHTCĐ, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX sau sáp nhập. Ngành giáo dục tăng cường phối hợp, liên kết các cơ sở GDTX với các cơ sở giáo dục đại học trong việc hỗ trợ nguồn học liệu mở cho GDTX, thúc đẩy việc học tập suốt đời của người lớn. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp từng đối tượng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào xây dựng cả nước trở thành một XHHT. Ngành giáo dục cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện điều tra, thống kê chính xác số người mù chữ và tái mù chữ để xây dựng kế hoạch mở lớp bảo đảm tính khả thi, hiệu quả; xây dựng và phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ… nhằm nâng cao chất lượng GDTX góp phần xây dựng XHHT, đổi mới GD và ĐT…
Video đang HOT
GIANG SƠN
Theo Nhân dân
Những bước tiến vững chắc trong công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục
Theo báo cáo của Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT), năm học 2018 - 2019, Giáo dục thường xuyên (GDTX) có nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó, công tác xây dựng xã hội học tập được đẩy mạnh lan tỏa thành phong trào mạnh mẽ ở các địa phương. Công tác xóa mù chữ được chú trọng và có những tiến bộ đáng kể, tỷ lệ người biết chữ tăng dần.
Ảnh minh họa/nguồn internet
Huy động tối đa người mù chữ ra lớp
Báo cáo tổng kết năm học 2018-2019, bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX, Bộ GD&ĐT cho biết: Trong năm học 2018-2019, cả nước đã huy động được đã huy động được 26.694 người ra học xóa mù chữ (XMC), trong đó có 16.893 người tham gia học lớp xóa mù chữ và 9.801 người học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.
Theo số liệu báo cáo của các Sở GD&ĐT hiện tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 là 97,64%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi này là 93,43%.
Tại các địa phương, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Lào Cai, tính đến tháng 6 năm 2019, Lào Cai huy động được 1784 học viên ra lớp, nâng tổng số huy động học viên cả giai đoạn lên 12.215 học viên; đã xóa mù chữ cho 10.531 người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (gồm cả xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ) đạt 84,2% so với mục tiêu kế hoạch đề án giai đoạn 2015-2020, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15 đến 60 tuổi đạt 93.89%.
Trong đó có tỷ lệ người dân tộc biết chữ trong độ tuổi là 92%; nữ dân tộc biết chữ là 48%.
Dự kiến năm 2019 và 2020 toàn tỉnh huy động XMC và GD tiếp tục sau khi biết chữ (GDTTSKBC) khoảng 13.200 người (vượt mục tiêu của đề án). Số xã đạt chuẩn mức độ 1 là 10 xã, mức độ 2 là 154 xã, phường, thị trấn; số huyện đạt chuẩn mức độ 1 là 2 huyện, mức độ 2 là 7 huyện, thành phố.
Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc với dân số 68 vạn người, dân tộc thiểu số chiếm 64,9%; trong đó dân tộc Mông chiếm 23,78%, dân tộc Tày chiếm 15,84%, dân tộc Dao chiếm 14,05%, dân tộc Giáy 4,7%, dân tộc Hà Nhì 0,83% ..
Ảnh minh họa/nguồn internet
Hàng năm, Ủy ban nhân dân huyện, TP đã chỉ đạo các Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp với các ban, ngành địa phương, các đơn vị trường học trên địa bàn tổ chức điều tra thống kê, khảo sát người mù chữ trên địa bàn, nắm rõ địa chỉ, thông tin cụ thể của từng cá nhân, từng hộ gia đình làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện công tác xóa mù chữ nhằm huy động tối đa người mù chữ ra lớp.
100% xã, thị trấn đạt chuẩn chống mù chữ
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Long về việc mở lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ của huyện Tam Bình. Đây là huyện có dân số 155.476 người, ở nông thôn là 150.316 người, chiếm tỷ lệ 96,68%, chủ yếu là người Kinh. Còn lại là người Khmer có 5.311 người, chiếm tỷ lệ 3,41% chủ yếu sống ở xã Loan Mỹ. Do đó việc học tập của con em ở nông thôn và ở vùng dân tộc Khmer còn gặp khó khăn.
Từ năm 1991, đến năm 1997, công tác chống mù chữ ở huyện Tam Bình có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn chống mù chữ. Kết quả chống mù chữ của huyện luôn duy trì bền vững và phát triển cho đến nay.
Thực hiện theo chương trình XMC và GDTTSKBC ban hành theo quyết định số 13/2007/QĐ-BGDĐT ngày 03/5/2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; kế hoạch "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" tỉnh Vĩnh Long.
Kết quả huyện đã duy trì được hoạt động mở lớp XMC và GDTTSKBC nhiều năm liền (từ năm 2009 đến nay đã mở 111 lớp với 891 HV trong đó 445 nữ và 72 HV người dân tộc Khmer). Kinh phí 1,692,028, 926 đồng.
Trong năm 2019 Trung tâm HTCĐ xã Loan Mỹ đăng ký khai giảng hai lớp 5 XMC trong tháng 7/2019 dự kiến 15 học viên, trong đó có 15 học viên dân tộc Khmer.
Với những kết quả tích cực đã đạt được ở các địa phương, công tác XMC ở trên cả nước sẽ tiếp tục duy trì và phát huy trong những năm tiếp theo.
Đề cập phương hướng triển khai nhiệm vụ năm học mới 2019-2020, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Mục tiêu của giáo dục là chất lượng, giáo dục không chất lượng thì coi như không có giáo dục. Vì vậy, GDTX cần chú trọng đảm bảo chất lượng, vì một nền giáo dục chất lượng, xây dựng xã hội học tập, không đánh đổi chất lượng để lấy số lượng. Học viên GDTX duy trì được tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao nhưng chất lượng giáo dục cũng phải tăng lên; đối với công tác xoá mù chữ, người học được xoá mù nhưng cần đảm bảo xoá mù bền vững.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Xây dựng cả nước thành một xã hội học tập: Bước đột phá Những nội dung về giáo dục thường xuyên (GDTX) được bổ sung trong Luật Giáo dục 2019 đã bám sát yêu cầu thực tiễn và sẽ tạo ra những đột phá cho GDTX phát triển. Đây là khẳng định của bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDTX. Luật mới thúc đẩy xây dựng cả nước thành một...