Đổi mới hoạt động dạy – học: Kinh nghiệm từ trường vùng khó
Để xây dựng ngôi trường hạnh phúc- Ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám ( Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang) thực hiện phương châm “lấy HS làm trung tâm” để hành động và đổi mới hoạt động dạy và học.
Trò chơi ngoài trời giúp HS thêm hứng khởi học tập. Ảnh: TG
Thầy Tạ Văn Kha – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Xã Lùng Tám thuộc vùng 3 có điều kiện địa lý phức tạp; 4 dân tộc anh em cùng sinh sống tuy nhiên dân tộc Mông chiếm trên 95% dân số.
Không những thế, điều kiện kinh tế xã hội cũng như đời sống nhân dân phát triển chậm. Tới nay, tỉ lệ hộ nghèo tại xã Lùng Tám còn khá cao, các thôn bản đi lại khó khăn, một bộ phận người dân vẫn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được nội lực của địa phương trong công tác xã hội hóa cho giáo dục.
Thầy Kha cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong quá trình đổi mới giáo dục, vấn đề năng lực nghiệp vụ sư phạm của một số giáo viên nhà trường chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới về chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy. Đó là chưa kể tới số lượng giáo viên thiếu cũng ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học và các hoạt động khác.
Đi liền đó, học sinh ở các điểm trường vùng núi cao ít có điều kiện tham gia các hoạt động nên nhút nhát, tiếng phổ thông hạn chế đã dẫn tới nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy học…
“Đứng trước hàng loạt khó khăn, nếu chỉ coi đó là thách thức thì sẽ nản và làm việc hình thức đối phó. Trong khi đó, xây dựng cơ sở vật chất, kỷ cương nền nếp, nâng cao chất lượng giáo dục của một ngôi trường… đòi hỏi đội ngũ CBQL lẫn GV phải nỗ lực hết mình, tâm huyết trong từng công việc nhà trường. Chính vì vậy, “Biến khó khăn thành động lực” trở thành phương châm hành động được nhà trường đề ra và thực hiện” – thầy Kha chia sẻ.
Lấy HS làm trung tâm dạy và học
Video đang HOT
Tăng cường hệ thống bồn hoa cây cảnh để xây dựng cảnh quan trường lớp sạch đẹp, gần gũi với HS. Ảnh: TG
Xây dựng trường học hạnh phúc đồng nghĩa đặt HS làm trung tâm của mọi hoạt động và đổi mới giáo dục tại Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám.
Cụ thể, công tác duy trì sĩ số được trường xác định là quan trọng và có sự đổi mới. Trường tham mưu với UBND xã để củng cố ban vận động HS. Phân công thành viên phụ trách các thôn để hỗ trợ nhà trường. Vào thời điểm khó khăn như sau Tết Nguyên đán, mùa vụ… nhà trường tiếp tục đề nghị ban vận động HS hỗ trợ nên việc duy trì sĩ số luôn được đảm bảo.
Mặt khác, trường tham mưu đề xuất củng cố ban vận động HS, ban chỉ đạo phổ cập xóa mù chữ huy động 100% số HS trong độ tuổi ra lớp. Đặc biệt, huy động HS điểm trường khó về học tại trường chính nhằm duy trì và thực hiện nhiệm vụ giáo dục của địa phương. Hiện nay, tỉ lệ chuyên cần hàng ngày của trường đạt từ 98% – 100%. Tình trạng HS bỏ học cơ bản được loại bỏ.
Đến với Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám, cũng không khỏi ngỡ ngàng về khuôn viên khang trang, thân thiện với người học. Đây là kết quả từ việc phát huy nội lực đội ngũ CB, GV để xây dựng nên các mô hình thu hút HS. GV nhà trường tự tay xây dựng thư viện xanh ngoài trời phục vụ đọc sách; Trang trí khuôn viên ghế đá; Xây dựng hệ thống bồn hoa cây cảnh và trồng nhiều loại hoa đẹp. Đội ngũ GV còn sưu tầm và trưng bày góc văn hóa truyền thống, xây dựng lò đốt rác để bảo vệ môi trường, các ngày nghỉ hoặc trống tiết, GV trang trí trường lớp, bồn hoa khuôn viên sân trường…
Đặc biệt, để tạo sự chuyển biến trong chất lượng giáo dục, nhà trường còn triển khai định hướng các hoạt động liên quan đến sự phát triển của HS. Nhà trường yêu cầu các lớp, các bộ phận thực hiện nghiêm túc việc xây dựng cảnh quan sư phạm, trang trí lớp học; xây dựng và thành lập câu lạc bộ, các loại hình thư viện phát triển văn hóa đọc cho HS; tổ chức HS đọc sách, giáo dục kĩ năng sống, đưa văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy…
Để nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, trường đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà trường hỗ trợ đóng góp cả về tinh thần và vật chất cho HS. Từ phong trào này, năm học vừa qua trường đã được đầu tư hỗ trợ xây dựng mới các phòng chức năng, phòng học bộ môn và hệ thống nhà vệ sinh gắn với nhà tắm cho HS…
Tuy nhiên, thầy Tạ Văn Kha cũng nhấn mạnh: Đối với một nhà trường, hoạt động chuyên môn là chính thì công tác chỉ đạo cần định hướng và cá nhân phụ trách phải là người có hiểu biết về lĩnh vực đó mới đem lại hiệu quả; đồng thời, gắn phân công với trách nhiệm để GV có ý thức học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi tài liệu giải quyết công việc của mình.
Có thể nói, “Lấy học sinh làm trung tâm” trong hành động và đổi mới giáo dục đã giúp CBQL, GV Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám có hướng đi đúng đắn, mang về kết quả giáo dục đáng tự hào. Từ kinh nghiệm của Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Tám có thể nhân lên cách xây dựng trường học hạnh phúc tại vùng khó cho nhiều trường học có điều kiện hoàn cảnh tương tự.
Đức Trí
Theo GDTĐ
Sử dụng bảng viết kết hợp với các phương tiện trong dạy học
Dạy học là quá trình truyền đạt tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm từ người dạy (giáo viên) đến người học (học sinh) thông qua việc sử dụng các công cụ, phương tiện, đồ dụng dạy học. Trong các công cụ dạy học, bảng viết là một công cụ không thể thiếu. Từ thực tế giảng dạy, chúng tôi xin chia sẻ kinh nghiệm sử dụng bảng viết kết hợp phương tiện, đồ dùng dạy học khác để đạt hiệu quả trong dạy học.
Sử dụng bảng viết trong quá trình dạy học
Chức năng của bảng viết
- Đối với người dạy: Bảng viết giúp cho giáo viên ghi chép tên, đề mục của bài giảng theo đó chủ động bám sát đề cương để trình bày nội dung, thời lượng của bài giảng một cách cơ động không cần phải "tua lại" khái quát bài giảng như sử dụng phương tiện máy tính với công cụ trình chiếu powerpoint, ghi bảng còn giúp cho giáo viên liên tục phát huy ý tưởng mới trong quá trình tư duy trình bày nội dung bài giảng mà phần mềm trình chiếu không thể cập nhật biến ý tưởng thể hiện từ lời nói thành slide bài giảng ngay tại thời điểm giảng bài.
Mặt khác, sử dụng bảng viết để trình bày nội dung giảng dạy còn giúp giáo viên rèn luyện khả năng tư duy của học sinh thông qua việc quan sát, cách tiếp cận nội dung trình bày của giáo viên. Ghi bảng còn bắt buộc giáo viên phải nắm giáo án và nội dung bài giảng một cách căn cơ, hệ thống từ đó không ngừng rèn luyện kỹ năng về chữ viết, kỹ năng vẽ để trình bày nội dung chuyên môn, phong cách, tác phong giảng dạy..., buộc giáo viên phải nắm kiến thức và kỹ năng hay còn gọi là "thuộc bài" trước khi giảng bài, tránh tình trạng "chưa thuộc bài" nhìn giáo án hoặc slide bài giảng "đọc chép" và "chiếu chép". Việc ghi bảng còn giúp giáo viên chủ động ứng phó trước những tình huống phát sinh trong quá trình giảng dạy như các sự cố về phương tiện máy tính, kỹ thuật điện, trang thiết bị, phương tiện của cơ sở đào tạo, tránh tình trạng phụ thuộc vào phương tiện dạy học, nhất là thiết bị trình chiếu.
- Đối với người học: Thông qua quan sát bảng viết kết hợp nghe giáo viên giảng, học sinh tập rèn luyện phong cách, khả năng thuyết trình, diễn đạt, khả năng trình bày vấn đề từ cách tư duy, phong cách trình bày của giáo viên. Giáo viên ghi bảng còn giúp kích thích khả năng quan sát, lắng nghe, tập thói quen cẩn thận trong việc sử dụng sách vở, tài liệu và các đồ dùng học tập khác của học sinh.
Kết hợp bảng viết với các công cụ, phương tiện trong dạy học
Để phát huy hiệu quả của bảng viết trong quá trình dạy học, giáo viên cần kết hợp bảng viết với các công cụ, phương tiện, đồ dùng dạy học khác như: máy vi tính, thiết bị trình chiếu, tranh, ảnh, bản đồ, biểu đồ, lược đồ, mô hình... Việc kết hợp này chỉ phát huy tác dụng khi:
- Bố trí các trang thiết bị phương tiện dạy học hợp lý
Trong phòng học hoặc nơi trình bày bài giảng cần bố trí hợp lý bảng viết với các trang thiết bị, phương tiện, đồ dụng dạy học khác như máy vi tính, thiết bị trình chiếu, tranh ảnh, bản đồ, biểu đồ, mô hình... Theo chúng tôi, hợp lý nhất là thiết bị trình chiếu được bố trí chính giữa bảng viết hoặc góc bên phải, đảm bảo khả năng quan sát, viết bảng của giáo viên và học sinh.
- Có kỹ năng sử dụng và viết bảng tốt
Viết bảng là một trong những kỹ năng đòi hỏi người giáo viên phải thường xuyên rèn luyện để trình bày nội dung cần viết một cách khoa học, logic chứ không chỉ đơn thuần ghi những gì mà giáo viên suy nghĩ và nói lên bảng. Để sử dụng bảng viết tốt, giáo viên cần nắm nguyên tắc: chia đôi bảng thành hai phần (nếu thiết bị trình chiếu đặt ở góc phải hoặc thiết bị trình chiếu đặt ở giữa), bảng bên trái ghi tên và đề cương bài giảng, bảng bên phải diễn đạt nội dung bài giảng theo từng đề mục. Không ghi tên bài và đề mục một lần trước khi giảng hoặc trình chiếu nội dung mà kết hợp ghi đề mục với việc trình chiếu minh họa.
- Nắm và sử dụng thành thạo các công cụ, phương tiện dạy học
Như đã nói ở trên, có những nội dung mà bảng viết không thể diễn đạt được hoặc tình huống cần minh họa bằng hình ảnh, âm thanh, video, mô hình, sơ đồ... Giáo viên cần phải sử dụng thành thạo linh hoạt các trang thiết bị, phương tiện, công cụ này bên cạnh việc ghi chép ở bảng viết. Tránh tình trạng ghi quá nhiều hoặc chỉ ghi đề mục ở bảng viết nhằm phát huy hiệu quả công năng của tất cả trang thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học kết hợp với phương pháp dạy học nhằm truyền đạt nội dung bài giảng một cách sinh động, thuyết phục, lôi cuốn, hấp dẫn nhất.
Bảng viết là công cụ dạy học xuất hiện lâu đời được sử dụng phổ biết rộng rãi và lâu dài trong suốt quá trình dạy học. Trong bối cảnh hiện nay có nhiều trang thiết bị, phương tiện hiện đại được ứng dụng vào quá trình dạy học, thậm chí trí tuệ nhân tạo có thể đảm nhận việc dạy học. Nhưng với ý nghĩa dạy học là quá trình truyền đạt kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, bồi đắp tư tưởng, tình cảm cho người học thì không thể có trang thiết bị, phương tiện nào thay thế vai trò của người thầy. Hoạt động dạy học chỉ có thể tiến hành thông qua người dạy là con người. Để thực hiện quá trình này đòi hỏi phải có công cụ dạy học mà trong đó bảng viết là một công cụ không thể thiếu.
ThS. Phạm Công Hiệp (GV Trường Cán bộ quản lý giáo dục)
Theo GDTĐ
Nữ hiệu trưởng với nhiều sáng kiến tổ chức hoạt động ngoại khóa Với kinh nghiệm 16 năm làm Tổng phụ trách Đội, khi làm công tác quản lý về chuyên môn, cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đông Sơn, huyện Chương Mỹ đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm để giúp học sinh học tập tốt hơn. Một số hoạt động ngoại khóa của Liên đội trường Trung học...