Đổi mới giáo dục, Phần Lan gặp thách thức gì?
Học tập theo chủ đề, trường học không sách giáo khoa…là những sáng kiến được đánh giá cao của đợt cải cách giáo dục gần đây nhất tại Phần Lan. Tuy nhiên các chuyên gia giáo dục nước này thừa nhận giáo viên của họ còn gặp nhiều thách thức trong việc tiếp nhận những cải cách hiện tại…
Giáo viên có quyền tự quyết cao nên khó hợp tác và thay đổi
Phần Lan nổi tiếng với đội ngũ giáo viên được tuyển chọn kỹ lưỡng và có trình độ cao, nhưng báo cáo mới nhất của Chương trình đánh giá việc dạy và học trong nhà trường phổ thông tại các nước OECD (Talis) cho thấy giáo viên ở Phần Lan vẫn gặp khó khăn khi làm việc trong môi trường đa dạng với lớp học có học sinh đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Ngoài ra, nhiều giáo viên Phần Lan vẫn chưa thích nghi kịp khi chương trình mới đòi hỏi sử dụng nhiều các thiết bị kỹ thuật số hiện đại và tạo môi trường, không gian mở cho học sinh thảo luận nhóm. Họ cũng cần trau dồi thêm kỹ năng hướng dẫn học sinh học tập chủ động và tích cực.
Theo báo cáo Talis, vấn đề nổi cộm nhất của giáo viên Phần Lan là thiếu kết nối và làm việc nhóm.
Giáo sư Kirsti Lonka chia sẻ về những thách thức trong đổi mới giáo dục ở Phần Lan.
Trong cuốn sách mới xuất bản tháng 9/2018 mang tên “Phenomenal learning from Finland” tạm dịch là “Hiện tượng học tập từ Phần Lan”, giáo sư Tâm lý học Kirsti Lonka từ trường ĐH Helsinki cũng cho biết việc cải cách giáo dục, áp dụng chương trình học quốc gia mới đòi hỏi sự cải cách từ đào tạo giáo viên, tập trung vào phát triển kỹ năng giao tiếp, kết nối và truyền đạt của giáo viên, và Phần Lan còn đang gặp khó khăn ở khâu này.
Theo tác giả, sinh viên khoa sư phạm của Phần Lan được lựa chọn rất kỹ lưỡng và đều có trình độ cao, nhưng họ thường không có nhận thức xác thực về nghề dạy học. Đa số sinh viên có xu hướng chọn nghề dạy học bởi vì họ thích trường học từ thời nhỏ.
“Khoa sư phạm của Trường ĐH Helsinki mỗi năm chỉ có 120 chỉ tiêu nhưng có tới hơn 2.000 thí sinh đăng ký”, bà Lonka cho biết. “Và để họ trở thành giáo viên tốt, chúng tôi đang phải khuyến khích họ điều chỉnh lại suy nghĩ và hợp tác nhiều hơn trong quá trình học tập. Điều quan trọng nữa là họ phải luôn sẵn sàng tiếp nhận những đổi mới. Nếu giáo viên không sẵn sàng học cái mới, chúng ta sẽ không thể cải cách giáo dục”.
Giáo sư Lonka cũng chỉ ra rằng Phần Lan luôn tự hào với việc có thể giao quyền tự chủ trong việc xây dựng bài giảng cho đội ngũ giáo viên trình độ cao, nhưng hiện tại điều này lại có thể biến thành trở ngại cho việc đổi mới chương trình học.
“Có rất nhiều giáo viên giỏi được đào tạo từ những năm 1980 và 1990 đã quen với việc tự làm mọi thứ theo ý mình. Một số họ rất chậm thích nghi với chương trình học mới”.
Khung cảnh lớp học của học sinh lớp 2 tại trường Vesala (Phần Lan).
Thách thức từ lớp học đa ngôn ngữ, đa văn hóa
Ngoài những khó khăn đến từ đào tạo giáo viên, việc cải cách giáo dục ở Phần Lan còn gặp phải những thách thức khác như cắt giảm ngân sách từ chính phủ và sự đa dạng trong lớp học do hậu quả của cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu.
Mặc dù Phần Lan không tiếp nhận nhiều người tị nạn (gần đây nhiều nhất là 1.050 người mỗi năm trong các năm 2014 và 2015 do khủng hoảng người di cư từ cuộc chiến tại Syria; năm 2018 chỉ tiêu chỉ nhận 750 người- số liệu từ Bộ Nội Vụ Phần Lan), nhưng các trường học ở đây cũng đang gặp những khó khăn nhất định khi phải dạy thêm nhiều học sinh nước ngoài.
Giáo sư Lonka cho biết chương trình giáo dục đã gặp nhiều thách thức hơn khi phải trợ giúp đặc biệt cho số lượng nhiều đối tượng học sinh tị nạn và việc này đã khiến giáo viên mệt mỏi và các báo cáo cho thấy chất lượng công tác của giáo viên đã giảm trong năm 2018.
Cùng chia sẻ đó, thầy giáo hiệu trưởng Juha Juvonen tại trường Phổ thông Vesala cho biết nhà trường cũng đang phải tổ chức nhiều hơn các cuộc họp chuyên môn để giáo viên có thể thảo luận, chia sẻ việc dạy chương trình mới trong tình hình hiện tại.
“Khu vực chúng tôi cách trung tâm thủ đô Helsinki khoảng 15km và 20% dân số là người nhập cư, “thầy Juvonen nói. “Trường có 920 học sinh đến từ 39 quốc gia khác nhau. Chúng tôi có 90 giáo viên trong đó có 12 giáo viên phụ trách các môn học đặc biệt hoặc các đối tượng học sinh cần trợ giúp đặc biệt.
Ở Phần Lan chúng tôi luôn chú trọng sự bình đẳng nên tất cả học sinh nếu không có khiếm khuyết lớn đều được xếp chung lớp. Chúng tôi phải phân công các giáo viên đặc biệt hoặc trợ giảng trực tiếp giúp các học sinh có khiếm khuyết hoặc lực học kém hơn theo kịp các bạn, cũng như trợ giúp các bạn nước ngoài mới nhập lớp.
Việc lớp học có thêm nhiều học sinh với ngôn ngữ khác nhau, trình độ khác nhau đang là thử thách lớn cho các thầy cô”.
Khung cảnh tiết học của cô trò trường Vesala (Phần Lan)
Cô giáo Eeva De Carralho đang dạy học sinh lớp 2 tại trường chia sẻ lớp học của cô có 15 học sinh nhưng nói 8 ngôn ngữ khác nhau và chỉ có 4 em là người Phần Lan.
“Trước tiên chúng tôi phải dạy tiếng Phần Lan cho các em sau đó mới học được các môn khác,” cô Eeva nói. “Chúng tôi cũng phải trợ giúp các em làm quen và hòa nhập với môi trường học tập mới. Tất cả đều phải rất cố gắng”.
Giải pháp
Theo tiến sỹ Marjo Kyllonen, trưởng bộ phận phát triển dịch vụ ở thủ đô Helsinki, trong khi ở nhiều trường học nơi giáo viên và phụ huynh đều là sản phẩm của hệ thống giáo dục cũ, việc thay đổi chương trình gặp nhiều khó khăn, ở một số trường khác lại dễ dàng hơn.
Các trường áp dụng nhanh tại thủ đô Helsinki đã cử giáo viên đi chia sẻ kinh nghiệm đổi mới cho nơi khác. Họ cũng lập một website, tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ để thảo luận và rút kinh nghiệm giữa các giáo viên. Thậm chí họ còn đến thăm từng lớp học để tìm hiểu và giúp tháo gỡ các vấn đề học sinh gặp phải khi áp dụng chương trình mới.
Một nhóm giáo sư tại các trường đại học Helsinki, Turku, và Tampere đang nghiên cứu một dự án mang tên Growing Mind được tài trợ bởi Hội đồng nghiên cứu chiến lược. Dự án này có mục tiêu hỗ trợ các trường học, giáo viên, và học sinh trước các thách thức của đổi mới giáo dục trong thời đại công nghệ số hóa.
Và, trong khi còn đang cố gắng giải quyết các thách thức hiện tại, những người làm giáo dục tâm huyết tại Phần Lan vẫn đề xuất các ý tưởng mới nhằm tiếp tục đổi mới cách dạy và học. Bởi vì, theo giáo sư Lonka, thế giới luôn thay đổi và nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo ra các thế hệ để tiếp tục thay đổi thế giới.
“Chúng tôi đang xây dựng ý tưởng thành lập mô hình “Trường học thông minh” nơi học sinh học tập qua việc được hướng dẫn tư duy và giải quyết các vấn đề bằng nhiều cách tiếp cận,” bà Lonka giải thích.
“Học sinh được khuyến khích đi tìm vấn đề hơn là giải quyết vấn đề, và sự hợp tác, học tập nhóm được đề cao. Giáo viên có nhiệm vụ trợ giúp học sinh, nhìn thấy điểm mạnh/yếu của từng em để hướng dẫn các em cách tìm niềm vui trong học tập để từ đó học sinh tự giác học và phát huy điểm mạnh của mình…”
Giáo sư Lonka cho biết bà và các cộng sự tại dự án Growing Mind vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện ý tưởng cho mô hình này, và nhấn mạnh “đó sẽ là môi trường học tập lý tưởng trong tương lai.”
Phong Lan
(Từ Helsinki- Phần Lan)
Theo Dân trí
Ngành điều dưỡng ở Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng
Năm 2014, điều dưỡng mới tốt nghiệp là 28.000 đến năm 2015 thì con số này đạt mức 37.000 trong khi đó điều dưỡng được tuyển hàng năm chỉ ở mức 7.000- 8.000.
Ngày 5/10, tại Hà Nội, Câu lạc bộ khối đào tạo điều dưỡng thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực của giảng viên điều dưỡng.
Tới dự hội thảo có Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Minh Lợi - Phó cục trưởng Cục khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) và Thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu - Phó chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cùng 90 đại biểu đến từ 24 trường đại học, cao đẳng khối đào tạo điều dưỡng trên toàn quốc.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Xung quanh chủ đề này, tại hội thảo đại diện một số trường đại học, cao đẳng đã có phát biểu về thách thức, khó khăn cũng như đưa ra phương án đề xuất nhằm nâng cao năng lực của giảng viên điều dưỡng trong giai đoạn hiện nay.
Theo Thạc sĩ Trần Việt Tiến - Đại học Điều dưỡng Nam Định, trong giai đoạn hiện nay, nhân lực điều dưỡng ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức.
Cụ thể, trong khi bệnh viện thiếu điều dưỡng nghiêm trọng thì tỷ lệ điều dưỡng mới ra trường thất nghiệp lại cao.
Theo số liệu thống kê, năm 2014, điều dưỡng mới tốt nghiệp là 28.000 đến năm 2015 thì con số này đạt mức 37.000 trong khi đó điều dưỡng được tuyển hàng năm chỉ ở mức 7.000- 8.000.
Như vậy có nghĩa, tỷ lệ có việc làm chỉ đạt 1/4 hoặc 1/5.
Trong khi đó, trên 75% điều dưỡng viên của Việt Nam chưa đạt chuẩn trình độ (WHO/ASEAN).
Đặc biệt, Việt Nam thiếu cán bộ đầu đàn được đào tạo trình độ cao, thiếu đội ngũ điều dưỡng hướng dẫn lâm sàng.
Ngày 5/10, tại Hà Nội, Câu lạc bộ khối đào tạo điều dưỡng - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực của giảng viên điều dưỡng. (Ảnh: Thùy Linh)
Để hiểu rõ hơn về vai trò của nghề điều dưỡng, tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu- Phó chủ tịch hội điều dưỡng Việt Nam đã trình chiếu video về nghề điều dưỡng do tổ chức phát triển nghề nghiệp của Úc thực hiện năm 2017, 2018.
Video này cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đang gặp vấn đề chung là thiếu điều dưỡng một cách trầm trọng.
Riêng tại Mỹ tới 2020 cần 1,2 triệu điều dưỡng. Ở Úc 90.000 điều dưỡng sẽ nghỉ hưu vào năm 2020 còn tại Anh cứ 1/3 điều dưỡng sẽ nghỉ hưu trong 10 năm tới.
Nếu một thế giới không có điều dưỡng thì ai sẽ chăm sóc người thân của bạn? Ai sẽ quản lý bệnh mãn tính? Ai sẽ chăm sóc bạn khi ốm đau?
Trong khi đó, càng ít điều dưỡng thì tuổi thọ của con người sẽ ngắn hơn, có thể gặp phải những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, gặp phải biến chứng trong những phẫu thuật ở bệnh viện.
Từ những con số này và nhìn nhận, đánh giá về nghề điều dưỡng, Thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu khẳng định:
"Nhiều nước không có sinh viên học điều dưỡng vì đây là nghề vất vả mà lương lại thấp. Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một gia tăng nên Chính phủ các nước trên thế giới rất quan tâm tới ngành nghề này".
Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận, Việt Nam đang thiếu cả số lượng và chất lượng điều dưỡng.
"Điều dưỡng của chúng ta thiếu tính chuyên nghiệp; ngoại ngữ kém; chương trình đào tạo còn cổ hủ; giáo trình nhiều trường tham gia viết nhưng lại viết theo góc nhìn bác sĩ còn điều dưỡng thì chủ yếu là dịch nhưng lại không việt hóa;
Cơ sở đào tạo tại trường ở nhiều trường chưa đủ điều kiện; phương pháp giảng dạy, năng lực giáo viên còn yếu", Thạc sĩ Lưu nhấn mạnh.
Từ những yếu kém này, Phó chủ tịch hội điều dưỡng Việt Nam đưa ra giải pháp nâng cao năng lực giảng viên điều dưỡng bằng cách:
Đổi mới chương trình giáo dục điều dưỡng theo chuẩn năng lực, chuẩn đầu ra và tích hợp theo xu hướng hội nhập;
Tăng cường năng lực giáo viên điều dưỡng bằng áp dụng chuẩn năng lực cốt lõi của tổ chức y tế thế giới mới ban hành năm 2016.
Và phổ biến năng lực cốt lõi giáo viên điều dưỡng của tổ chức y tế thế giới đang giảng dạy điều dưỡng để biết và phấn đấu.
Theo giaoduc.net.vn
Trường mẫu giáo Nhật sử dụng máy tính bảng để dạy học Thay vì dùng bút chì màu trong giờ học vẽ, giáo viên hướng dẫn các bé tô màu bằng cách chạm vào màu sắc trên màn hình iPad. Coby nằm ở một thị trấn nhỏ phía Đông Bắc của Tokyo, là một trong 400 trường mẫu giáo ở Nhật Bản đang sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh, được thiết kế đặc...