Đổi mới giáo dục không phải bắt đầu từ số 0
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, giám đốc dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (Bộ GD-ĐT), chia sẻ như thế cùng Tuổi Trẻ trước những lo lắng của giáo viên về việc thử nghiệm cách dạy mới.
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) trong buổi ngoại khóa thực nghiệm đo chu vi Trái đất trong ngày Xuân phân 21-3-2019 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Ông Thành khẳng định việc Bộ GD-ĐT sẽ kế thừa những giá trị đã triển khai, thử nghiệm nhằm hướng đến mục tiêu mới phát triển năng lực, phẩm chất người học trong chương trình mới.
Không thể không thay đổi được
* Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều nội dung đổi mới giáo dục trong các nhà trường phổ thông, việc tiếp thu những thành quả này khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới là như thế nào, thưa ông?
- Mục tiêu cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học. Nội dung các môn học sẽ hướng tới việc vận dụng, gần gũi với thực tiễn đời sống. Vì thế các mô hình, phương pháp dạy học tạo cơ hội cho học sinh học chủ động, tích cực, học qua trải nghiệm, thực nghiệm sẽ tiếp tục được phát huy.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có các văn bản hướng dẫn thực hiện các phương pháp dạy học tích cực theo hướng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, nghiên cứu khoa học trong học sinh phổ thông.
Việc cho phép các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục giúp các trường có điều kiện xây dựng các nội dung dạy học, trải nghiệm theo chủ đề, dự án, triển khai các hình thức dạy học sáng tạo.
Các trường có thể thiết kế thời khóa biểu theo kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh từng khối lớp và điều kiện dạy học của địa phương. Trong đó linh hoạt tổ chức các dự án học tập theo chủ đề liên môn.
Những thành quả từ các phương pháp này là một trong các cơ sở thực tiễn để xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành
* Nhưng trên thực tế có nơi làm sai, nhiều nơi không có sự chuyển biến về việc thực hiện các phương pháp trên…
- Những nơi thực hiện chưa tốt và sa vào hình thức thường do chưa hiểu, thực hiện cứng nhắc. Các nhà trường chưa xây dựng được kế hoạch dạy học tích cực, kỹ năng nghiệp vụ của giáo viên chưa tốt, chưa được tập huấn kỹ, chưa có sự kết nối phát huy chất xám của đội ngũ giáo viên trong các tổ bộ môn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, nếu bắt tay vào làm và điều chỉnh dần thì sẽ thấy không phải khó đến mức không làm được. Những nơi đã thực hiện tốt các mô hình, phương pháp dạy học tích cực, tôi tin khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn.
* Cũng từ thực tế, nhiều ý kiến cho rằng các phương pháp dạy học tích cực sẽ bỏ quên những học sinh yếu do giáo viên để học sinh chủ động mà không có sự uốn nắn như cách dạy học truyền thống?
- Có ý kiến này do ở một số nơi triển khai các mô hình, phương pháp dạy học tích cực chưa đúng, có sự “tam sao thất bản”. Chuẩn bị một tiết học công phu, học liệu, thiết bị hiện đại nhưng không nắm được mục đích, phương pháp phù hợp cũng trở thành hình thức. Ngược lại, hiểu rõ cốt lõi vấn đề thì có thể vận dụng sáng tạo với những học liệu không đắt tiền, đơn giản.
Một số nhà trường, giáo viên vì hiểu sai nên làm sai. Tôi ví dụ như mô hình trường học mới (còn gọi là mô hình VNEN) rất tốt nhưng bị phản ứng là do cách triển khai cứng nhắc, dẫn tới bị biến tướng.
Ở các phương pháp dạy học tích cực khác hay việc mở rộng không gian lớp học, tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh cũng thế – phải tùy thuộc vào yêu cầu môn học, chủ đề học tập, các giáo viên, tổ bộ môn thảo luận, cùng xây dựng nội dung dạy học một cách linh hoạt.
Xác định rõ giáo viên đang ở đâu
* Cụ thể thì việc tập huấn cho giáo viên sẽ phải triển khai thế nào để đáp ứng yêu cầu chương trình mới trên cơ sở phát huy những giá trị thực tiễn đã triển khai?
- Nhiều giáo viên lo khi triển khai chương trình mới vì họ nghĩ sẽ phải bắt đầu từ số 0. Nhưng thực tế không phải thế mà chương trình mới triển khai trên cơ sở kế thừa những giá trị đã có.
Điều quan trọng là xác định xem giáo viên đang ở đâu, cần bổ sung, hỗ trợ gì để đáp ứng yêu cầu mới. Yêu cầu của Bộ GD-ĐT trong năm 2019 là cán bộ, giáo viên phải hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới, đối chiếu với chương trình hiện hành, từ mục tiêu của chương trình để xem có khác biệt gì và xác định cách thức phải triển khai.
Ở đây là cách thức để xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức bố trí giáo viên hợp lý và tập huấn giáo viên dựa trên những yêu cầu cụ thể.
* Còn về các mô hình, phương pháp giáo dục đã thực hiện, khi bước vào triển khai chương trình mới sẽ duy trì như thế nào?
- Những mô hình, phương pháp hướng đến việc dạy học tích cực đều phù hợp với tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông sắp triển khai.
Chương trình được thiết kế mở, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo chủ động sáng tạo. Dĩ nhiên những khó khăn, hạn chế do điều kiện khách quan, do trình độ giáo viên, do cách hiểu sai sẽ phải khắc phục.
Đừng cứ thấy ý kiến trái chiều mà phủ nhận
* Nếu phát huy những mô hình, phương pháp dạy học tích cực vào chương trình giáo dục phổ thông mới, theo ông, cần rút ra bài học gì?
- Có hai điểm yếu phải khắc phục. Một là tập huấn giáo viên phải kỹ hơn, hai là tuyên truyền tốt để cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh hiểu được vấn đề cốt lõi của mục tiêu chương trình, các phương pháp dạy học được lựa chọn.
Còn một điểm nữa, nhìn lại quá trình triển khai những nội dung đổi mới giáo dục đã làm, tôi thấy chúng ta cần thay đổi tư duy. Đừng cứ thấy bị chê, thấy có ý kiến trái chiều thì co lại, thậm chí dừng thực hiện mà phải bình tĩnh, phân tích tình hình để xem những hạn chế, bất cập đến từ nguyên nhân nào.
Theo tuoitre
Phát triển GD thường xuyên: Luật hoá vai trò của trường đại học
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) luôn là đơn vị tiên phong trong đổi mới giáo dục, là nơi hội tụ tinh hoa và sức mạnh trí tuệ của cả hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, để đưa được tinh hoa và trí tuệ ấy đến với đại chúng, cần hiện thực hoá chính sách cơ chế từ Trung ương đến cơ sở nhằm tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận GDĐH theo hình thức giáo dục thường xuyên (GDTX).
Chia sẻ tài nguyên nghiên cứu và nguồn tư liệu mở là một trong những yêu cầu để các trường đại học cùng chung tay xây dựng xã hội học tập. Ảnh: INT
Lấp đi sự nghèo nàn về tri thức
Xây dựng hệ thống TNGDM trước hết là nhiệm vụ cơ bản của trường đại học. Khi những trường đại học chất lượng cao gắn kết cùng nhau trong việc tổ chức các kho dữ liệu khổng lồ về giáo dục và cùng nhau tổ chức những khóa học mở cho tất cả những ai quan tâm thì đại chúng hóa học vấn đại học không còn là vấn đề khó.
Chia sẻ về tính cấp thiết của việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn qua hệ thống đại học, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký T.Ư, Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, người lao động nói chung ở nước ta còn nghèo nàn về tri thức. Những tri thức hiện có không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, không đủ sức để tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguyên nhân của sự nghèo nàn về tri thức và sự thiếu hụt năng lực thu lượm tri thức chủ yếu ở nền giáo dụckhép kín, không mở ra những con đường thu gọn, tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức, sự bình đẳng về cơ hội tiếp thu và giao lưu tri thức. TNGDM chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức.
Các trường ĐH phải đóng vai trò xương sống trong xây dựng xã hội học tập và GDTX
Tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận GDĐH
Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/5/2019 về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khoá X đã chỉ rõ: Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa giáo dục chính quy và GDTX. Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy không có sơ sở giáo dục nào có thể thực hiện được mạnh mẽ hơn sứ mệnh này so với các trường đại học.
PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, hệ thống giáo dục đại học GDĐH luôn là đơn vị tiên phong trong đổi mới giáo dục, là nơi hội tụ tinh hoa và sức mạnh trí tuệ của cả hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, để đưa được tinh hoa và trí tuệ ấy đến với đại chúng, cần phải thực hiện tốt chức năng phục vụ cộng đồng của cơ sở GDĐH, đặc biệt là việc hiện thực hoá chính sách cơ chế từ Trung ương đến cơ sở nhằm tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận GDĐH theo hình thức GDTX, tạo nên những đột phá trong phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia trong bối cảnh hiện nay.
Nhiệm vụ này được luật hoá trong Luật Giáo dục 2019 mới ban hành. Khoản 3, Điều 46 Luật Giáo dục 2019 quy định "cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với cơ sở GDTX trong việc cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở GDTX để đáp ứng nhu cầu học tập của người học".
Cần luật hoá vai trò của các cơ sở GDĐH
PGS.TS Vũ Thị Tú Anh cho biết: Việt Nam bắt đầu triển khai TNGDM từ những năm 2005. Tuy nhiên, cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở GDĐH với nhau và với các cơ sở GDTX để tạo nên một làn sóng chia sẻ tri thức mạnh mẽ và một nền giáo dục mở, liên thông đúng nghĩa.
"Phát triển GDTX là nội dung cơ bản trong lộ trình xây dựng xã hội học tập. Đây là một trong những giá trị cốt lõi bao hàm hầu hết các nội dung, phương thức, phương pháp, tính chất, ý tưởng và quản lý sự nghiệp giáo dục người lớn", ThS Nguyễn Hoàng Long, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định.
Theo ThS Nguyễn Hoàng Long, việc xây dựng TNGDM đã và đang được các Bộ, ngành quan tâm, đặc biệt là phát triển mạnh tại các trường đại học. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, chưa được tiếp cận một cách đầy đủ, đặc biệt là vấn đề pháp lý. Để giáo dục mở phát triển, đòi hỏi phải có các giải pháp thích hợp và lâu dài cũng như sự nỗ lực của các trường đại học, các cơ sở giáo dục đào tạo, của giảng viên và sinh viên.
Nhiều trường ĐH hiện sẵn sàng trong việc cung ứng cơ hội HTSĐ cho người dân. Ví dụ, như Trường Đại học Tôn Đức Thắng khẳng định chia sẻ hệ thống thư viện đồ sộ có liên kết với 9.000 thư viện trên thế giới và hơn 1.500 khoá MOOCs với các cơ sở GDTX, cam kết xây dựng mô hình thí điểm giữa trường đại học với hệ thống trung tâm GDTX trên cả nước.
Hai trường đại học Mở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đăng ký tiên phong tổ chức các diễn đàn xúc tiến đầu tư, thúc đẩy giáo dục mở thường niên, kết nối và huy động các nguồn lực của nhà trường với hệ thống cơ sở GDTX công lập và tư thục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công giáo dục cộng đồng...
ThS Nguyễn Hoàng Long cho rằng: Trong xu hướng quốc tế hóa như hiện nay, nguồn nhân lực cần phải có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế và phải có năng lực tự học suốt đời. Mỗi một cơ sở giáo dục đại học cần quan tâm xây dựng hệ thống học liệu mở và chia sẻ nguồn tài nguyên này một cách rộng rãi đến tất cả các đối tượng trong xã hội phục vụ cho mục đích học tập, giảng dạy, nghiên cứu và làm việc của mình.
Có như vậy TNGDM sẽ giúp đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế nói chung, đóng góp một phần to lớn trong việc xây dựng xã hội học tập suốt đời của người lớn.
Theo PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, để có thể đưa luật vào cuộc sống (Điều 46 Khoản 3), Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) đang tích cực chuẩn bị Dự án Học liệu mở trình lãnh đạo Bộ triển khai mô hình thí điểm liên kết hệ thống cơ sở GDTX với các trường đại học trong năm học 2019 - 2020, là tiền đề cho Dự án Giáo dục mở trình Chính phủ.
Dự án bắt đầu từ việc xây dựng TNGDM ở các trường đại học, thúc đẩy sự tham gia của các trường đại học liên thông qua hệ thống cơ sở GDTX thực hiện chức năng dịch vụ cộng đồng nhằm cung ứng các cơ hội HTSĐ cho tất cả mọi người, góp phần san bằng khoảng cách hiện nay về nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn có khuynh hướng chỉ tập trung ở các thành phố lớn, và tại các đại học lớn và uy tín. Đây là một bước đi cần thiết để thực hiện một nền giáo dục chia sẻ, theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Thử nghiệm cách dạy mới xong, kinh nghiệm là gì? Cùng với việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều nội dung đổi mới thay cho cách dạy "đọc - chép" truyền thống. Bài học thành - bại trong các thử nghiệm này như thế nào? Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) thực hành chăm sóc cây tại Học...