Đổi mới đi đôi với giám sát, đánh giá và tư duy hệ thống
PGS.TS Trịnh Văn Minh (NGƯT, giảng viên cao cấp Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội), cho rằng: Đổi mới giáo dục là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thực hiện đổi mới đi đôi với giám sát, đánh giá và theo một tư duy hệ thống.
Ảnh minh họa/ INT
- Ông đã cùng cộng tác với các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu và xuất bản các ấn phẩm về khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên. Với hiểu biết sâu sắc về giáo dục ĐH Pháp, theo ông, chúng ta có thể học được gì từ nước Pháp trong đào tạo đội ngũ giáo viên hiện nay?
Tôi đã có dịp tham gia viết một số cuốn sách về đào tạo giáo viên, đào tạo đại học bằng tiếng Pháp với các tác giả nước ngoài, các sách hướng dẫn về đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo, dịch sách chuyên ngành giáo dục, công bố nhiều bài báo khoa học, tham luận Hội thảo quốc tế về giảng dạy ngôn ngữ, văn hóa nước ngoài, về giáo dục và quản lý giáo dục. Nói chung phần lớn những ấn phẩm đó trước hết nhằm giới thiệu giáo dục Việt Nam, hiện trạng cũng như kinh nghiệm của chúng ta.
Đối với giáo dục đại học, ngay ở Pháp và một số nước phát triển, cũng đang được cải tổ nhằm đáp ứng những yêu cầu của thời cuộc. Ví dụ, việc xây dựng các ĐH đa ngành, đa lĩnh vực, hay còn được gọi là “tập đoàn” ĐH nhằm tận dụng được hết các nguồn lực là một định hướng theo đuổi của nhiều nước trong đó có Pháp; đây cũng được xem là điều kiện để tham gia xếp hạng ĐH.
Ảnh minh họa/ INT
Về đào tạo giáo viên, một mặt mô hình của Pháp cũng đang được đổi mới trên cơ sở đồng bộ hóa hệ thống văn bằng ĐH ở châu Âu theo tuyên bố Boulogne (L-M-D): Cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ về mặt thời gian đào tạo. Xu hướng đào tạo giáo viên – thạc sĩ đang được quan tâm ở Pháp và các nước Bắc Âu. Mặt khác về phương thức đào tạo giáo viên, mô hình đào tạo “lâm sàng” (clinic) dựa trên thực hành là chủ yếu (về giáo dục, tâm lý nhà trường, phương pháp dạy học…) là xu hướng nổi trội ở Pháp từ trước đến nay, nhưng với một kỳ thi (concours) nghề rất khắt khe trước khi giáo viên hành nghề.
Đây là mô hình khá tốn kém về kinh phí và cần có kế hoạch hóa dựa trên nhu cầu tuyển dụng của các trường, do vậy khá chặt chẽ, không theo kiểu “thị trường” tự do, tuy nhiên cũng xứng đáng để chúng ta nghiên cứu, tham khảo ở một vài khía cạnh nào đó, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
Ngoài ra tại Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội từ những năm 2012 – 2013, chúng tôi đã cùng với các chuyên gia đến từ Viện Đào tạo giáo viên – ĐH Montpellier – Pháp nghiên cứu và tổ chức hội thảo về đào tạo giáo viên khoa học tự nhiên, tạo tiền đề xây dựng chuyên ngành đào tạo hiện nay đang được triển khai. Đây cũng là một định hướng đào tạo giáo viên góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đào tạo giáo viên song ngữ (dạy khoa học bằng ngoại ngữ) cũng là một mô hình cần được tham khảo.
- Ông nhận thấy những thách thức gì với đội ngũ giáo viên hiện nay của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão, và trong bối cảnh chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới?
Video đang HOT
PGS.TS Trịnh Văn Minh
Chúng ta đang tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới bằng nhiều hoạt động, trong đó bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục giữ một vị trí hết sức quan trọng, nếu không nói là quyết định.
Đây cũng chính là thách thức đầu tiên đang đặt ra khi đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đang còn nhiều bất cập cả về số lượng và chất lượng do chịu ảnh hưởng trong một thời kỳ dài của nhận thức mục tiêu giáo dục truyền thống. Từ đó, năng lực dạy học của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục phổ thông. Trong khi đó điều kiện vật chất, môi trường làm việc chưa được cải thiện bao nhiêu, đặc biệt ở những vùng khó khăn.
Về bồi dưỡng giáo viên, nếu thiếu tư duy hệ thống dễ dẫn đến manh mún, “tam sao thất bản” qua nhiều tầng bậc, do vậy, một số ưu tiên cần được xác định và có thể có trọng điểm. Công nghệ thông tin phải là công cụ hữu hiệu hỗ trợ trong dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, không phải ở đâu và ai, kể cả người dạy và người học, cũng có thể tận dụng được những đóng góp của công nghệ. Nếu không cẩn thận thì công nghệ trở thành những thứ “trang sức” không cần thiết.
- Ông có chia sẻ, đóng góp gì không với giáo dục Việt Nam đang trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện?
Tôi thấy đổi mới giáo dục là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang có nhiều quyết sách đúng hướng cả ở giáo dục ĐH và giáo dục phổ thông, nhưng cần thiết phải có cách làm hiệu quả, tránh những thử nghiệm tốn kém, làm mất động lực của những tác nhân tham gia trực tiếp và của xã hội nói chung. Thực hiện đổi mới đi đôi với giám sát, đánh giá và theo một tư duy hệ thống.
- Xin cảm ơn ông!
Cuối tháng 10/2019, PGS.TS Trịnh Văn Minh được trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm của Pháp. Ngoài công tác nghiên cứu và giảng dạy, PGS.TS Trịnh Văn Minh với những vai trò, trách nhiệm khác nhau, đã góp phần trong việc kết nối, xây dựng, hỗ trợ các trường ĐH Việt Nam là thành viên của Tổ chức ĐH Pháp ngữ. Qua đó, các trường ĐH Việt Nam triển khai các dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài, đặc biệt với các trường ĐH Pháp. Ngoài ra, PGS.TS Trịnh Văn Minh cũng được mời tham gia giảng dạy nhiều năm ở Trường Đại học Lyon 3 (Pháp). Một số chương trình dự án hợp tác PGS.TS Trịnh Văn Minh được mời tham gia giữa Bộ GD&ĐT và các đối tác Pháp ngữ đang được phát triển mở rộng, đặc biệt với tiếng Anh…
Hải Bình
Theo giaoducthoidai
Tiền đề xây lớp học hạnh phúc
Yếu tố cốt lõi nhất để xây dựng trường học hạnh phúc là quan hệ giữa học sinh và giáo viên phải thay đổi, phải cảm thấy hạnh phúc trong mối quan hệ này.
Nhưng làm thế nào để giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong các giờ học? PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) - cho rằng: Có thể bắt đầu bằng việc giáo viên thay đổi quan niệm về việc quản lý hành vi học sinh trong lớp.
Trong giờ học ngoại ngữ.
Những sai lầm về quan điểm quản lý lớp học
Theo PGS Trần Thành Nam, nhiều giáo viên vẫn đang có những niềm tin sai lầm rằng: Quản lý lớp học tốt đồng nghĩa với việc thiết lập một hệ thống kỷ luật chặt chẽ và nghiêm khắc để xử lý các hành vi sai. Một lớp học được quản lý hành vi tốt là một lớp học hoàn toàn trật tự. Muốn quản lý hành vi lớp học tốt, giáo viên phải có những phần thưởng hữu hình. Người học luôn lắng nghe giảng và làm theo hướng dẫn là chỉ báo của việc giáo viên quản lý lớp học hiệu quả.
"Những quan điểm về quản lý lớp học như vậy có lẽ không còn phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay". Nhấn mạnh điều này, PGS Trần Thành Nam phân tích: Việc quản lý hành vi lớp học hiện nay là phải phát triển, kiến tạo một môi trường tích cực tạo thuận lợi cho việc học tập tích cực cả về phương diện học thuật và các phương diện xã hội cảm xúc. Như vậy, một lớp học tích cực và hiệu quả theo quan điểm phát triển năng lực sẽ có nhiều tiếng ồn do phải hoạt động, trao đổi, làm việc nhóm, đặt câu hỏi hay tiến hành các thực nghiệm.
"Việc thay đổi một số quan điểm về quản lý hành vi lớp học như vậy sẽ là tiền đề cho thầy cô thực hiện chu trình quản lý hành vi lớp học tích cực phù hợp."
PGS Trần Thành Nam
Một số phần thưởng vật chất (hữu hình) có thể phù hợp với bậc mầm non và tiểu học nhưng nó chỉ giúp tạo động cơ bên ngoài. Những phần thưởng xã hội, tinh thần, phần thưởng hoạt động (được giúp đỡ cô giáo) thường là những phần thưởng thúc đẩy hành vi hiệu quả hơn nhiều. Trong bối cảnh hiện tại, mặc dù những bài học truyền cảm hứng là không thể thiếu, nhưng vẫn phải nhận ra và quản lý những hành vi sai do các em đang có vấn đề tâm lý hoặc tổn thương sức khỏe tâm thần.
Cô và trò cùng hạnh phúc trong lớp học là mục tiêu tất yếu
Thay đổi cách quản lý hành vi học sinh
Điều đầu tiên để quản lý lớp học được PGS Trần Thành Nam đưa ra là phải thiết lập không gian vật lý lớp học phù hợp với các hoạt động học tập. Giáo viên tổ chức bàn ghế, bố trí các vật dụng học tập một cách hợp lý tối ưu để giúp giáo viên tương tác hiệu quả nhất với tất cả học sinh, tạo ra không gian đủ rộng không cản trở các hoạt động nhóm.
Bước thứ hai là giúp học sinh đưa ra các nguyên tắc để tối ưu hoạt động học tập của các em. Giáo viên giải thích đó là những mong đợi của thầy cô và các bạn về hành vi trong lớp, ngắn gọn, tập trung vào những điều cần làm và phù hợp với nội quy của trường. Những nguyên tắc này sẽ được học sinh tự viết, trang trí, dán ở chỗ dễ nhìn nhất với những hình minh họa để mọi thành viên đều hiểu và tôn trọng những quy tắc này.
Tiếp theo là phát triển mối quan hệ giữa người dạy và người học. Với nội dung này, PGS Trần Thành Nam cho rằng, trên thực tế, học sinh khi cảm thấy khó chịu, lo lắng không được quan tâm hay chú ý, thường sẽ có hành vi thái độ sai. Vì vậy, giáo viên thân thiện và có mối quan hệ tốt với học sinh sẽ giúp các em cảm thấy an toàn hơn, ít hành vi ứng xử sai hơn. Để luôn giữ được sự thân thiện, giáo viên cần dự đoán những hành vi ứng xử sai của học sinh, nhắc nhở mình nghĩ về những nguyên nhân hoặc mục đích dẫn đến hành vi ứng xử sai.
Cùng với đó, sử dụng óc hài hước, đưa ra những kỳ vọng hợp lý, sẵn sàng hỗ trợ thêm cho học sinh khi cần, hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự học cách giải quyết vấn đề hơn là giải quyết hộ cho học sinh, dành khoảng thời gian nhất định để nghe học sinh nói, nhạy cảm với mỗi lo lắng của học sinh, chú ý và tỏ ra hứng thú ở những khoảng khắc học sinh thể hiện tốt...
"Giáo viên cũng cần kết nối với phụ huynh để có thêm hỗ trợ từ gia đình về những vấn đề hành vi trên lớp của học sinh. Cần nhận ra và tôn trọng những khác biệt về văn hóa cũng như vị thế kinh tế - xã hội của phụ huynh để có ứng xử phù hợp. Kinh nghiệm cho thấy, nếu giáo viên liên lạc định kỳ với gia đình thông qua email, tin nhắn để thông báo tình hình học tập và hành vi ứng xử; cởi mở với những góp ý từ phụ huynh và lôi kéo phụ huynh tham gia các hoạt động chung của lớp; cập nhật tình hình lớp học trên mạng xã hội... thì phụ huynh thường thể hiện sự thống nhất trong
quan điểm giáo dục và trách nhiệm chung tay giải quyết các vấn đề của con cái trên lớp bằng các hình thức giám sát hoặc động viên khuyến khích ở nhà" - PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
Trưởng khoa Khoa học Giáo dục của Trường ĐH Giáo dục đồng thời cho rằng: Quản lý hành vi lớp học tốt cũng phải dựa trên kỷ luật tích cực. Nguyên tắc của kỷ luật tích cực là không sử dụng các hình phạt khiến học sinh cảm thấy sợ hãi, lo lắng, xấu hổ hoặc nhục nhã mà chỉ sử dụng các hình thức làm cho học sinh nhận ra mình bị mất quyền lợi, mình buồn chán nếu tiếp tục phạm sai lầm.
Trước mỗi quyết định kỷ luật, giáo viên luôn phải đặt câu hỏi liệu hình thức kỷ luật này có liên quan (mang tính giáo dục hành vi) hay không? Hình thức này có tôn trọng học sinh không (có vi phạm quyền của học sinh không) và hình thức này có phù hợp không (hợp lý với sự phát triển lứa tuổi và nhận thức của học sinh)? "Giáo viên cần phải tin rằng, cách thức bền vững nhất để giảm thiểu các hành vi sai của học sinh là làm tăng những hành vi phù hợp của các em lên. Nói cách khác, giáo viên cần tập trung khen ngợi, khuyến khích, khuếch trương và luôn ý thức quan sát, chờ đợi, lắng nghe" - PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
"Thay đổi quan điểm về quản lý hành vi học sinh, kéo gần lại khoảng cách cô trò bằng khen ngợi, khuyến khích, khuếch trương và những kỳ vọng hợp lý, tăng cường kết nối với phụ huynh và sử dụng kỷ luật tích cực dựa trên mất quyền lợi sẽ là những chất liệu để giáo viên xây dựng nên lớp học hạnh phúc của chính mình."
PGS Trần Thành Nam
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Giáo sư Lâm Quang Thiệp có 5 góp ý để đào tạo giáo viên Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp, trong điều kiện định hướng thị trường việc đào tạo giáo viên nên triển khai trong các trường đại học đa lĩnh vực. Việc đào tạo giáo viên ở nước ta, bên cạnh những thành tựu, còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong hàng chục năm qua tình trạng khi thừa khi thiếu giáo viên xảy ra...