Đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá làm giáo viên và học sinh hạnh phúc hơn
Nhiều ưu điểm của việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học đã được chỉ ra tại cuộc họp của Tiểu ban Giáo dục phổ thông (Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực) trong đó, điều đáng kể nhất là quá trình đổi mới này khiến học sinh và giáo viên hạnh phúc hơn.
TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết, những năm trước, phương pháp và hình thức dạy học trong nhà trường phổ thông còn nặng về lý thuyết, ít thực hành thực nghiệm; việc dạy học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều “thầy giảng, trò chép” phần nào mang tính áp đặt, ít khơi dậy cá tính, sự sáng tạo và khả năng tự học của học sinh…
Công tác kiểm tra đánh giá còn nặng về đánh giá định kỳ và đánh giá sự ghi nhớ kiến thức của học sinh. Việc đánh giá quá trình và đánh giá học sinh vận dụng kiến thức học được vào giải quyết vấn đề của thực tế cuộc sống chưa được quan tâm đúng mức.
Quá trình đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh khiến học sinh và giáo viên hạnh phúc hơn. Ảnh: P.T
Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các phương pháp dạy học/hoạt động giáo dục và kiểm tra đánh giá tích cực. Nhiều mô hình giáo dục tích cực như Trường học mới, Dạy học mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch, Dạy học gắn với sản xuất – kinh doanh – dịch vụ và bảo vệ môi trường tại địa phương… cũng được Bộ GD-ĐT cho thí điểm triển khai. Song song với đó, Bộ tăng cường chỉ đạo hướng dẫn dạy học vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn thông qua “Dạy học dựa trên dự án”, tổ chức các “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”.
Việc chỉ đạo và hướng dẫn triển khai đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá của Bộ GD&ĐT suốt giai đoạn vừa qua được đánh giá là “có tác động tích cực”, không ít địa phương, nhà trường đã thực hiện tốt và nâng cao được chất lượng giáo dục.
Với 6 năm kinh nghiệm triển khai đề án xây dựng trường theo mô hình phát triển năng lực học sinh, hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành đã chỉ ra nhiều ưu điểm của việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Ở trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành giáo viên được xây dựng chương trình nhà trường, chương trình môn học thành các chủ đề dạy học. Từ mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho người học, giáo viên sẽ tinh gọn và tổ chức lại các nội dung dạy học theo hướng liên thông, phối hợp liên môn.
Video đang HOT
Giáo viên cũng được linh hoạt, sáng tạo áp dụng các phương thức, hình thức dạy học và hoạt động giáo dục theo hướng tăng cường sự tham gia của học sinh vào quá trình học, tăng năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn. Việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, theo cô Nguyễn Thị Thu Anh, đã giúp cán bộ, giáo viên trong trường/tổ chuyên môn gắn kết hơn khi cùng nhau xây dựng, chia sẻ và thực hiện kế hoạch giáo dục. Các thầy cô cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để giáo viên được học hỏi, giao lưu kinh nghiệm với đồng nghiệp trường khác ở trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, sự đổi mới làm học sinh thấy hạnh phúc khi được phát triển năng lực phẩm chất theo đúng khuynh hướng của bản thân, thấy mình có giá trị. Ví dụ, một học sinh có thể không thích môn Ngữ văn nhưng trong tiết học em vẫn hứng thú vì có cơ hội phát huy năng khiếu, sở thích vẽ của bản thân, khi giúp giáo viên minh họa lại chân dung nhân vật trong tác phẩm văn học.
Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) Nguyễn Thị Nhiếp cũng đồng tình rằng, ưu điểm lớn nhất của đổi mới phương pháp và hình thức dạy học trong trường phổ thông theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học là giúp học sinh được tham gia nhiều hơn vào quá trình học tập, tự tìm hiểu, khai thác kiến thức, từ đó hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực.
Với những ưu điểm của việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực phẩm chất cho học sinh, các đại biểu đồng thuận rằng, đổi mới là xu hướng giáo dục tất yếu phải tuân theo và triển khai chương trình GDPT mới của Việt Nam là đáp ứng yêu cầu tất yếu này.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở các nơi chưa đồng bộ, có trường/địa phương làm tốt, có nơi còn chậm trễ. Nguyên nhân được các đại biểu chỉ ra cả từ phía chủ quan của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp và khách quan do điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế thiếu tự chủ cho các nhà trường…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện thành công chương trình GDPT mới, trong đó có đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện thành công công cuộc này, cần có sự vào cuộc đồng bộ từ từ Bộ GD&ĐT đến các địa phương, nhà trường và mỗi giáo viên, học sinh.
Các quy định về đánh giá học sinh từ cấp tiểu học đến THPT sẽ được Bộ GDĐT khẩn trương sửa đổi theo hướng phù hợp với yêu cầu mới, tạo hành lang pháp lý và thuận lợi cho các nhà trường, giáo viên trong thực hiện đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Việc đổi mới thi cử, theo Thứ trưởng, sẽ được Bộ cẩn trọng triển khai thực hiện đúng lộ trình.
Phan Thủy
Theo PLXH
Chọn sách khác nhau có ảnh hưởng việc kiểm tra đánh giá học sinh?
Mỗi trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau có làm ảnh hưởng đến việc kiểm tra đánh giá học sinh?
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, cho biết tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày mới đạt tỷ lệ 20,2% - B.THANH
Đó là câu hỏi và băn khoăn của nhiều người tại Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2019 bậc tiểu học do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 29.11.
Giáo viên phải đọc hết tất cả các bộ sách
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông báo: Thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, năm học 2020 - 2021, quyền lựa chọn SGK thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông. Như vậy hiệu trưởng trường tiểu học cùng tập thể giáo viên (GV) sau khi tham khảo ý kiến của học sinh (HS), phụ huynh, sẽ là người quyết định sử dụng bộ sách nào cho lớp 1.
Ông Hiếu cũng nói, tất cả SGK đã được Bộ thẩm định, phê duyệt đều có chất lượng, giá trị để thực hiện trong các trường. Bộ sách nào cũng có nét hay riêng, việc lựa chọn là quyền của đơn vị trường học. Để có đủ cơ sở đề xuất, tham mưu về sách, lãnh đạo Sở cho rằng các trường học nên bổ sung đầy đủ cho tủ sách dùng chung và GV phải đọc hết tất cả các bộ sách.
Trước lo lắng có hay không bất cập khi thực hiện kiểm tra đánh giá nếu mỗi trường dùng một bộ sách khác nhau của phóng viên, ông Hiếu khẳng định từ nhiều năm nay TP thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá HS theo hướng phát triển năng lực chứ không kiểm tra nội dung trong SGK. Vì vậy, các trường "đừng băn khoăn việc ngữ liệu của sách này khác sách kia". Thêm vào đó, trong quá trình giảng dạy, GV cũng cần có sự tham khảo nhiều nguồn tài liệu để đa dạng hóa cách tiếp cận kiến thức, tạo hứng thú cho HS.
Tăng số buổi học ngày thứ bảy
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thời điểm hiện tại công tác rà soát cơ sở vật chất và tập huấn GV cơ bản đã hoàn thành. TP đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân, tuy nhiên không đồng đều giữa các quận, huyện. Vẫn còn một số quận, huyện có tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày thấp. Đây là thách thức lớn đặt ra cho các quận, huyện khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với yêu cầu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Đơn cử, tại H.Bình Chánh, ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD-ĐT, cho biết địa phương hiện có 10.418 HS lớp 1, tổ chức thành 286 lớp. Tỷ lệ bình quân giữa các xã mới đạt mức 182 phòng học/10.000 dân, trong đó một số xã như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B áp lực tăng dân số cơ học cao nên chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ngày.
Tương tự, với áp lực về dân số, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, cho biết năm học tới dự kiến có 10.800 HS vào lớp 1. Để đảm bảo yêu cầu 35 HS/lớp và học 2 buổi/ngày cho số HS này, quận cần 311 phòng học. Tuy nhiên, quận chỉ mới đạt mức 122 phòng, cần bổ sung 189 phòng. Dù quận đã được phê duyệt 5 dự án trường học nhưng đến năm 2020 chưa thể đưa vào sử dụng. Hiện nay, tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày mới đạt tỷ lệ 20,2%. Ông Hùng cũng cho biết, quận xây dựng 2 phương án để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1 là phường nào đủ số phòng học sẽ tổ chức học 2 buổi/ngày. "Tuy nhiên khó thực hiện sĩ số 35 HS/lớp như quy định mà có khi từ 45 - 50". Nơi không tổ chức được 2 buổi/ngày do không đủ phòng sẽ tổ chức học 6 buổi/tuần, tức học thêm ngày thứ bảy.
Trước giải pháp này, ông Hiếu cho rằng việc tăng số buổi học/tuần là một thiệt thòi đối với HS nên đề xuất các quận huyện cố gắng đẩy mạnh, tạo điều kiện trong vấn đề xây dựng trường lớp. Đồng thời Sở GD-ĐT cũng kiến nghị các sở liên quan như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường xây dựng quỹ đất để có lộ trình xây dựng trường học đảm bảo 100% trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày.
Theo Thanh niên
Góp ý Dự thảo quy định công nhận giáo viên dạy giỏi: Khích lệ giáo viên sáng tạo Bộ GD&ĐT mới đưa ra dự thảo Thông tư ban hành quy định công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi các cấp học mầm non, phổ thông. Với tinh thần dự thảo mới, những người trong cuộc cũng mong muốn việc thi giáo viên dạy giỏi sẽ bớt tính hình thức, những tiết thi giảng sẽ thực chất...