Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Bộ GD-ĐT không nói được chi tiền vào đâu
Cuộc họp báo định kỳ quý 1 do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều qua (15.4) kéo dài gần 2 giờ thực sự nóng với những câu hỏi liên quan đến số tiền mà Bộ dự kiến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Nhưng cuối cùng vẫn không có câu trả lời nào rõ ràng.
Người dân mong muốn có sự minh bạch, khả thi trong đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông sắp tới – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trả lời cầm chừng
Tại cuộc họp báo, phóng viên Thanh Niên đặt một loạt câu hỏi liên quan đến việc Bộ đưa ra dự kiến sẽ cần 34.275 tỉ đồng để đổi mới giáo dục phổ thông. Cụ thể, số tiền trên đi kèm với thông báo là chưa tính đến việc xây dựng cơ sở vật chất trường học. Vậy việc xây dựng trường lớp có được tiến hành hay là bỏ qua? Trong số tiền hơn 34.000 tỉ đồng đó, Bộ đã dự kiến phân bổ nguồn lực ra sao, bao nhiêu do ngân sách đầu tư, bao nhiêu do xã hội hóa? Số tiền này có trích từ khoản chi ngân sách dành cho GD-ĐT (20%) hay không? Bộ dự kiến chi 26.000 tỉ đồng cho mua sắm trang thiết bị dạy học. Trong khi đó, khi triển khai đổi mới chương trình giáo dục hiện hành thì số tiền đầu tư cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học cũng rất lớn nhưng đến nay nhiều nơi thiết bị này vẫn cất kho và không được sử dụng. Vậy Bộ đã bao giờ tiến hành đánh giá, kiểm tra lại hiệu quả sử dụng của số trang thiết bị đó hay chưa?…
Tôi xin nói 2 năm nữa xã hội này thay đổi như thế nào chúng tôi còn khó hình dung nữa là đề án này kết thúc vào 10 năm sau thì sự biến động sẽ rất lớn Ông Đỗ Ngọc Thống_ (Thường trực Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015).
Hàng loạt thắc mắc này được ông Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, người điều hành họp báo giao cho ông Đỗ Ngọc Thống, Thường trực Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 trả lời.
Ông Thống cho rằng: “34.000 tỉ chỉ là một khái toán vì bất kỳ một đề án nào cũng phải hình dung ra tính khả thi, cơ sở vật chất để thực hiện được đề án đó. Cái này chỉ là con số tạm hình dung và chúng ta phải trải qua một quá trình thẩm định của Bộ Tài chính và rất nhiều cơ quan. Chúng tôi cũng xin tiếp thu, lắng nghe tất cả các ý kiến phản biện của các cơ quan, của báo đài, của các tầng lớp và sẽ hoàn chỉnh cụ thể cùng với đề án cụ thể để có đề xuất về kinh phí tiếp theo”.
Câu hỏi chỉ được trả lời hết sức chung chung khiến phóng viên phải tiếp tục hỏi lại. Ông Thống tiếp tục trả lời… cầm chừng: “Thứ trưởng Hiển đã nêu lên 7 – 8 đầu việc. Thú thực là tôi không nhớ vì phần này tôi không phụ trách. Nhưng số kinh phí đó không chỉ chi cho mình chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) mà nó còn đào tạo, bồi dưỡng lại hàng triệu giáo viên đang đứng lớp. Đó là việc rất lớn và SGK chỉ là công việc đầu tiên. Nó không thể chiếm tới 35.000 tỉ đồng được. Cái này chúng tôi phải trình Quốc hội để Quốc hội còn xem xét và thông qua chứ không phải Bộ cứ đề xuất lên thì được”.
Video đang HOT
Phóng viên Thanh Niên tiếp tục đặt vấn đề: 34.275 tỉ đồng là con số rất cụ thể và dù khái toán, Bộ cũng đã có một đề án rất chi tiết về từng khoản mục dự kiến sẽ phải chi tiêu. Bộ nói muốn lắng nghe ý kiến góp ý nhưng nếu không công bố những khoản chi tiêu dự kiến một cách rõ ràng, minh bạch thì không ai có thể góp ý kiến cho Bộ được. Bộ có tính đến việc xây dựng trường lớp hay không? Bộ bỏ khoản đầu tư xây trường học có phải để cho nó nhẹ bớt số tiền để dư luận khỏi “sốc” hay không?
Ông Đỗ Ngọc Thống trả lời: “Khái toán thì đúng là cũng phải có các phần. Tôi không nhớ để tôi có thể lần lượt kể ra từng việc là bao nhiêu tỉ nhưng nó gồm rất nhiều việc”.
Vẫn quyết tâm trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5
Ông Đỗ Ngọc Thống cho biết: sáng 15.4, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã làm việc với Ban soạn thảo đề án và Ủy ban cho biết vẫn quyết tâm trình Nghị quyết đổi mới giáo dục vào tháng 5 với điều kiện: Bộ GD-ĐT phải bổ sung đầy đủ những góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 25.5, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng mới chính thức thẩm định hồ sơ đó. Nếu đạt yêu cầu thì mới trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Không chỉ có 1 đề án
Tuy nhiên, ông Thống cho hay song song với đề án này, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội thông qua 2 đề án nữa là nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật đào tạo lại và đào tạo mới giáo viên, nâng cao chất lượng của đội ngũ dạy học. Như thế đi kèm với đề án CT-SGK còn có 2 đề án nữa. Những đề án đó đều phải được Quốc hội thông qua.
Cũng theo ông Thống, như vậy là số tiền 70.000 tỉ đồng của đề án năm 2011 là do gộp cả 2 đề án về CT-SGK và đề án cơ sở vật chất trường học. Nay tách ra thì riêng đề án về CT-SGK chiếm 34.275 tỉ và tất nhiên chưa kể việc xây dựng trường lớp.
Ông Thống phân trần: “Nói đề án CT-SGK là tên đề án thôi, còn trong đó có hệ thống công việc rất nhiều. Các bạn muốn tìm hiểu chi tiết thì sau này theo yêu cầu của Quốc hội chúng tôi còn phải công bố công khai để xin ý kiến toàn dân. Bộ GD-ĐT không giấu giếm gì chuyện này nhưng trong bối cảnh này mà nói một con số chính xác là cực kỳ khó khăn. Tôi xin nói, 2 năm nữa xã hội này thay đổi như thế nào chúng tôi còn khó hình dung, nữa là đề án này kết thúc vào 10 năm sau thì sự biến động sẽ rất lớn”.
Nhưng ông Thống cũng đưa ra một thông tin kinh phí dành cho CT-SGK khoảng 5.000 tỉ. Còn 29.000 tỉ là dành cho việc bồi dưỡng và những vấn đề khác. Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng sau đó lại cho rằng số tiền 5.000 tỉ đồng là không chính xác mặc dù ông Hùng cũng không đưa ra một con số khác.
Khi Thanh Niên hỏi lại “Vậy số tiền này có lấy trong số ngân sách đầu tư cho giáo dục 20% không và đã phân nguồn chưa?”, ông Thống trả lời: “Cái này phải do Quốc hội quyết định chứ Bộ GD-ĐT không quyết định được”.
Theo TNO
Đề án đổi mới sách giáo khoa: Đơn giản, chung chung
Theo dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT xây dựng, nguồn lực để thực hiện ước tính gần 35.000 tỉ đồng
Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) khai mạc ngày 14-4 đã thảo luận việc ban hành nghị quyết của QH về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông (đề án) sau năm 2015.
Phân hóa từ tiểu học
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển cho biết đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông phải khắc phục những hạn chế của chương trình, SGK hiện hành và toàn quốc sẽ thống nhất một chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Các trường phổ thông dựa vào đó để xây dựng chương trình giáo dục.
Chương trình mới dự kiến được xây dựng theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp tiểu học và THCS, phân hóa rõ dần từ cấp tiểu học đến THCS và sâu hơn ở cấp THPT. Cấp tiểu học và THCS xây dựng một số môn học tích hợp các mạch kiến thức theo từng lĩnh vực liên ngành. Cấp THPT thực hiện phân hóa bằng tự chọn, chương trình có một số ít môn học bắt buộc và có nhiều môn học, chuyên đề học tập tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu và tiếp cận nghề nghiệp của học sinh.
Theo đề án, Bộ GD-ĐT biên soạn đủ một bộ SGK và khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK nhưng tất cả phải được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt trước khi sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT công khai các yêu cầu, tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng; từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng SGK điện tử ở những nơi có đủ điều kiện.
Sách giáo khoa sẽ là mục tiêu trong đề án đổi mới giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT. Tronh ảnh: Một giờ học ở cấp tiểu học tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, khi được thống nhất triển khai, sẽ lần lượt thực hiện chương trình, SGK mới trên phạm vi toàn quốc ở cả 3 cấp học, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; các năm học 2020-2021 (THPT), 2021-2022 (THCS) và 2022-2023 (tiểu học) đều thực hiện chương trình và SGK mới ở lớp cuối của mỗi cấp học. Nguồn lực để thực hiện ước tính 34.275 tỉ đồng, chưa kể đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường còn thiếu.
Giải trình chỉ 2 trang
Trước đề xuất của Bộ GD-ĐT, nhiều thành viên Ủy ban TVQH bày tỏ sự băn khoăn và cho rằng dự thảo nghị quyết cũng như đề án quá đơn giản, chung chung.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý dẫn Nghị quyết 40 của QH về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ QH khóa X (năm 2000) đến nay chưa tổng kết. "Tôi đề nghị đề án phải lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, chứ không phải hôm nay thông qua rồi 10 năm sau lại xin đổi mới" - ông Lý nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai quan ngại: "Đọc đề án thì thấy cái gì cũng đúng nhưng chưa có gì cụ thể. Một đề án quan trọng như thế mà đánh giá tác động chỉ có 2,5 trang giấy A4 thì đơn giản quá".
Giải trình chất vấn, ông Hiển cho biết ngành đã thực hiện cơ bản mục tiêu Nghị quyết 40 đề ra song cũng còn những hạn chế, thiếu sót và "việc đổi mới là theo xu hướng chung của đất nước". Ông Hiển thừa nhận lần đổi mới trước "chưa quan tâm đến các điều kiện", nay cơ bản các địa phương đã có đủ nhưng vẫn phải bổ sung. Về thời điểm thay đổi toàn diện chương trình và SGK, ông Hiển không thể "chốt" chính xác nhưng "có lẽ phải thực hiện đến năm 2030. Tuy nhiên, không thể chắc chắn mà lúc nào thấy cần thiết phải thay đổi thì sẽ làm".
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phải có báo cáo tổng kết đánh giá Nghị quyết 40 để thấy có gì hay, dở rồi căn cứ tình hình trong nước và xu hướng thế giới để làm nổi bật sự cần thiết về việc ban hành nghị quyết đổi mới chương trình và SGK mới.
"Dự thảo nghị quyết của QH và đề án do Bộ GD-ĐT xây dựng chưa làm rõ mục đích, yêu cầu đổi mới. Dường như chỉ sao chép lại quan điểm của Đảng... nên chưa đủ điều kiện trình ra QH. Vì vậy, trong tháng 4-5, Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan ngồi với nhau làm lại, chứ đơn giản thế này trình ra QH thì không được" - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Theo VNE
Nóng với môn văn Nhiều băn khoăn xung quanh đổi mới đề thi môn văn và hình thức thi ngoại ngữ được nêu ra tại hai hội thảo tổ chức ở Hà Nội và Đà Nẵng trong ngày 10-4. Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển (phải): 'Với những bất cập trong dạy học hiện nay, cần phải có tác động mạnh từ thi cử mới...