Đổi mới chương trình phổ thông: Còn hay không kỳ thi THPT quốc gia?
Sau khi chương trình các môn học giáo dục phổ thông mới được hé lộ, không ít ý kiến cho rằng chủ trương đổi mới có vẻ hay, nhưng nếu vẫn giữ cách thi cử, đánh giá như hiện hành thì khó đi vào thực tiễn.
Thí sinh tại TP.HCM tham gia thi THPT quốc gia năm 2017
Cách thi cử hiện nay là rào cản phát triển năng lực
PGS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, nhận xét: “Giáo dục của chúng ta lâu nay lao đao, điêu đứng về nền giáo dục ứng thí và bất cứ sự thay đổi nào trong giáo dục cũng vấp phải “hòn đá tảng” là nền giáo dục ứng thí ấy, đến bây giờ vẫn thế, Bộ vẫn loay hoay với đổi mới thi cử”.
Nhận định này phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Một giáo viên dạy văn cấp THPT ở Hà Nội cho rằng những đề thi mở hoặc đưa học sinh (HS) đi trải nghiệm rồi thoải mái nói lên suy nghĩ của mình thường chỉ áp dụng ở lớp 10, cùng lắm đến hết học kỳ 1 của lớp 11. Còn sau đó thì phải tập trung vào luyện thi. Vì các kỳ thi quốc gia quanh đi quẩn lại cũng chỉ giới hạn trong một số tác phẩm nên việc dạy học văn chủ yếu theo kiểu học thuộc lòng văn mẫu, đào sâu, phân tích tác phẩm quen thuộc miễn sao để HS đi thi đạt điểm cao vì chấm văn cũng theo barem, “đếm ý cho điểm”, không chú trọng tính sáng tạo hay năng lực đặc biệt của HS.
Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) khi công bố báo cáo phân tích giáo dục phổ thông VN giai đoạn 2011 – 2015 cũng khẳng định cách thức thi cử như hiện nay chính là rào cản cho việc dạy học theo hướng phát triển năng lực của người học.
Cần đổi mới đồng bộ về thi cử, đánh giá
Dự thảo chương trình tổng thể lần đầu công bố đã “ngầm” chủ trương sẽ không còn kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay. Thay vào đó là 3 hình thức đánh giá: Thứ nhất là đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức thực hiện dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, phụ huynh, bản thân HS và của các HS khác trong tổ, trong lớp; Thứ hai là đánh giá định kỳ do cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện. HS hoàn thành các môn học, tích lũy đủ kết quả đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT được cấp bằng tốt nghiệp; Thứ ba là đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương, do tổ chức kiểm định chất lượng cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tổ chức để phục vụ công tác quản lý các hoạt động dạy học, phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT đã rút lại nội dung này trong dự thảo công bố lần 2 và chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành chính thức cũng không nhắc gì đến những thay đổi về đánh giá, thi cử khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
PGS Chu Cẩm Thơ, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng việc đổi mới thi cử, đánh giá phải được công bố cụ thể cùng với đổi mới chương trình, trước khi thực hiện chương trình. “Sản phẩm của một chương trình giáo dục cần được công bố trước về nội dung, cách thức kiểm tra đánh giá như thế nào, để người học – người tiếp nhận và sử dụng “sản phẩm” giáo dục ấy phải có thông tin trước”, bà Thơ nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng với các ý kiến cho rằng, việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy chỉ thành công khi có sự đổi mới đồng bộ về thi cử, đánh giá. Nhất là chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu không thay đổi việc kiểm tra, đánh giá, thi cử thì sẽ khó có thể thực hiện được chương trình này.
Theo quan sát của GS Thuyết, việc đổi mới phương pháp dạy học lâu nay chỉ có chuyển biến rõ nét nhất là ở cấp tiểu học. Điều này được lý giải là vì cấp học này, cả người dạy và người học đều chưa bị áp lực bởi những kỳ thi mang tính quyết định như thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển sinh đầu vào để chuyển cấp.
Theo nguồn tin của PV, dù chưa thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT hiện vẫn đang phân công Vụ Giáo dục trung học chủ trì, phối hợp với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Phát triển chương trình nghiên cứu, đề xuất lộ trình đổi mới đánh giá kết quả giáo dục và cách thức tốt nghiệp khi cấp THPT triển khai chương trình mới. Dự kiến khoảng tháng 6.2018 dự thảo về lộ trình đổi mới đánh giá sẽ phải được hoàn thiện để xin ý kiến góp ý.
Video đang HOT
Cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá cho hợp lý
Không lặp lại chương trình trong các cấp học, không biên soạn theo tiến trình lịch sử văn học, giới hạn lại còn 6 tác phẩm bắt buộc… rõ ràng dự thảo về Chương trình giáo dục phổ thông môn ngữ văn mới khiến nhiều người băn khoăn về cách thực hiện và hiệu quả.
Việc chuyển từ mục tiêu đánh giá kiến thức sang đánh giá kỹ năng, thái độ là một xu hướng thiết yếu, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay. Theo đó, việc dạy và học văn phải được xây dựng theo cơ chế “mở”. Cho nên đưa thêm nhiều tác phẩm cho người dạy và học được quyền lựa chọn, và giới hạn lại những tác phẩm bắt buộc là hợp lý. Tuy nhiên, để thực hiện được tính “mở” này, cần có những quy định bắt buộc theo hướng “đóng”. Đó là thay đổi cách kiểm tra, đánh giá cho hợp lý.
Trao quyền lựa chọn tác phẩm, nhưng phải có sự giới hạn bắt buộc trong những tác phẩm cụ thể nào, theo giai đoạn văn học hay theo nhóm tư tưởng chủ đề. Không phân phối chương trình học theo tiến trình lịch sử, tuy nhiên khi học xong chương trình, người học vẫn có được cái nhìn hệ thống về tác giả, tác phẩm, kể cả việc đối chiếu với văn học thế giới…
Luật hiện hành không quy định thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quốc gia
Dự thảo sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục đang được xin ý kiến góp ý của xã hội cũng không đề cập đến việc sửa quy định về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trao đổi với PV, ông Trịnh Ngọc Thạch, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một trong những thành viên trong ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục, lý giải: việc sửa đổi là không cần thiết vì luật hiện hành không quy định kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quốc gia. Cách thức tổ chức để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho HS ra sao, thi hay xét, thi ở cấp quốc gia hay cấp địa phương… là quyền quyết định của Chính phủ, của Bộ GD-ĐT.
Theo TNO
Công bố chương trình môn học mới, "ú tim" đến bao giờ?
Lãnh đạo Bộ và quý thầy đang tham gia xây dựng chương trình trình giáo dục phổ thông mới ít nhất đã 3 lần khiến dư luận "mất tin" rồi.
ảnh minh họa
LTS: Thầy giáo Thanh An gửi đến Báo bài viết thể hiện sự băn khoăn thắc mắc trước việc ban soạn thảo chương trình môn học, Bộ Giáo dục và Đào tạo mãi chưa công bố các chương trình môn học như đã thông báo.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.
Kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới vào cuối tháng 7/2017, một số lãnh đạo Bộ cũng như thầy Tổng chủ biên đã nhiều lần lên tiếng về thời điểm công bố các chương trình môn học mới.
Thế nhưng, những thời hạn công bố chương trình môn học cứ hoãn hết lần này đến lần khác.
Những lời hứa cứ lần lượt đi qua
Mấy ngày qua, các thông tin xung quanh chương trình môn học được "tiết lộ" nhỏ giọt với truyền thông, quý thầy biên soạn chương trình mới cũng tích cực trả lời báo chí về những "đổi mới" trong các môn học.
Điều này càng làm cho dư luận khó hiểu, khó tránh việc đoán già, đoán non: các chương trình môn học mới còn bị chơi trò "ú tim" đến bao giờ?
Chúng tôi còn nhớ, khoảng trung tuần tháng 9/2017, Tổng chủ biên chương trình tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết, các chương trình môn học sẽ được công bố vào giữa tháng 10/2017 để lấy ý kiến công luận.
Rồi tháng 10/2017 lẳng lặng trôi qua, khi năm 2017 sắp khép lại, thì Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Hữu Độ lại thông tin:
"Để bảo đảm lộ trình đã đặt ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục để làm căn cứ cho các tác giả viết sách giáo khoa vào tháng 3/2018".
Đùng một cái, tại hội nghị giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận:
Hoàn chỉnh dự thảo các chương trình môn học trước khi đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ để xin ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước ngày 12/1/2018.
Tuy nhiên, ngày 12/1/2018 đã trôi qua gần 1 tuần nay mà chương trình môn học vẫn bặt vô âm tín, chưa thấy được công bố trước công luận.
Trên các trang báo mấy ngày nay chỉ thấy trích dẫn lẻ tẻ một vài nội dung, cũng như của thầy Tổng chủ biên chương trình tổng thể, các thầy Tổng chủ biên chương trình môn học mới.
Về một số nội dung mới trong các chương trình môn học, mỗi báo khai thác một kiểu khác nhau. Cuối cùng, đa phần dư luận giáo viên, cha mẹ học sinh vẫn mơ hồ về môn học mới tới đây sẽ không biết thực tế nó thế nào?
Làm gia tăng những hoài nghi không đáng có
Chúng tôi được biết, việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo lên ý tưởng từ 2008, trình đề án từ năm 2011 và chính thức được thông qua năm 2014.
Đề án, dự án này đã quy tụ hàng loạt các chuyên gia đầu ngành của các môn học tham gia viết chương trình.
Nhưng không hiểu sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cứ lùi, cứ hoãn công bố chương trình môn học hết lần này đến lần khác để dư luận chờ đợi.
Bởi lẽ kinh phí đã được duyệt từ lâu, đội ngũ biên soạn thì luôn thường trực.
Có một điều rất lạ là thỉnh thoảng, lại có một thầy trong ban biên soạn chương trình xuất hiện trên báo chí "tiết lộ" một chút về môn học, cứ như là bí mật lắm.
Chuyện thay đổi chương trình, sách giáo khoa liên quan đến hàng chục triệu con người và phải huy đồng rất nhiều nguồn lực của đất nước.
Chính vì vậy, sự kì vọng về sự đổi thay của ngành không chỉ là một vài người mà của toàn xã hội.
Việc trì hoãn nhiều lần chắc chắn sẽ dẫn đến uy tín của lãnh đạo Bộ, uy tín của các nhà khoa học tham gia viết chương trình trước công luận.
Việc lần lữa nhiều lần như vậy rõ ràng Bộ và Ban soạn thảo chương trình đang tự tạo sự hoài nghi cho dư luận rất không cần thiết.
Đáng nói là thời điểm thực nghiệm chương trình lớp 1 và đưa vào áp dụng đại trà đã ấn định rõ ràng, thời gian còn lại quá ít ỏi.
Vậy hà cớ gì mà chỉ có việc công bố các chương trình môn học mà lại cứ "thập thò" mỗi ngày hé ra một ít?
Bây giờ đã sắp hết tháng 1, mà tháng 8 năm nay là thực nghiệm chương trình lớp 1 thì làm sao đảm bảo sự chỉ đạo "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" như Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra?
Ông bà ta xưa đã từng nói: "một lần bất tín là vạn lần mất tin" nhưng lãnh đạo Bộ và quý thầy đang tham gia xây dựng chương trình trình giáo dục phổ thông mới ít nhất đã 3 lần khiến dư luận "mất tin" rồi.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn tạo được sự ủng hộ của dư luận, muốn xã hội chung tay với ngành giáo dục nước nhà thì trước tiên các lãnh đạo ngành phải tạo được uy tín trước công luận.
Vì thế, dư luận xã hội đang chờ đợi các thầy công bố chương trình môn học trong một ngày sớm nhất.
Và các thầy nhớ rằng đừng có tiết lộ thời điểm công bố chương trình môn học với báo chí nữa. Dư luận đã thấy, dường như quá "tam ba bận" rồi...!
Theo Giaoduc.net
Khi chủ đề bài học lên tiếng Tích hợp những nội dung từ một số đơn vị bài giảng, môn học... có liên hệ với nhau để làm thành nội dung học trong một chủ đề - Dạy học theo chủ đề giúp HS có thể tự hoạt động nhiều hơn để tìm ra kiến thức và vận dụng vào thực tiễn. ảnh minh họa Phương pháp giảng văn hữu...