Đối mặt khủng hoảng Covid: Thị trường xuất bản xoay hướng ra sách online
Dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp đồng thời làm ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, ngành xuất bản cũng không phải là ngoại lệ.
Trước tình hình cấp bách kể trên, Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về ‘Một số giải pháp tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức phát triển xuất bản trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19′.
Thị trường sách online, sách điện tử tăng mạnh
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến thời điểm cuối tháng 3/2020, hoạt động xuất bản nói chung, trước hết thị trường phát hành sách truyền thống-hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Doanh thu các đơn vị phát hành sách truyền thống giảm mạnh, nhất là ở 2 thị trường lớn HN và TP.HCM khoảng 30-40% so với cùng kỳ và dự kiến tiếp tục giảm sâu trong tháng 4 năm 2020.
Cũng do dịch Covid-19, việc hủy Hội sách mùa xuân TP.HCM (2 năm tổ chức một lần) và nhiều hoạt động hội chợ, triển lãm khác dự kiến diễn ra trong dịp Ngày sách Việt Nam 21/4 tới đây cũng làm các nhà xuất bản, các công ty sách, nhà sách, các đơn vị phát hành mất nguồn thu lớn.
Thị trường phát hành sách truyền thống-hệ thống cửa hàng bán lẻ gặp nhiều khó khăn
Nguồn cung bản thảo cũng bị ảnh hưởng khi trên thế giới Trung Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ… cũng đang phải vất vả đối phó với đại dịch, nhiều công ty phải đóng cửa, hủy hợp đồng tác động không nhỏ đến thị trường mua bán bản quyền. Thống kê hết tháng 3 tháng đầu năm, lượng nộp lưu chiểu giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, trong điều kiện hạn chế tụ tập đông người để phòng tránh dịch Covid-19, hình thức mua sách qua mạng đã khiến kênh phát hành sách online tăng mạnh. 5 mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, 2 loại sách có mức độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm ngoái là sách y học (tăng gấp 2.7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần).
Một số đơn vị khác như: Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Thái Hà book… đều ghi nhận sự tăng trưởng này với mức từ 20-30%, hoặc như Phương Nam tăng trên 70%. Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.
Video đang HOT
Cùng thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Theo Waka (đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử), doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2. Cuối tháng 2, lượng user truy cập vượt trên 15.000 trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể, số thư viện mua account tăng.
Thời cơ chuyển hướng thị trường truyền thống?
Cũng theo đánh giá của Cục Xuất bản, In và Phát hành, việc giảm nhịp điệu sống, giãn cách xã hội chính là thời cơ để xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc. Thực tế, dù số lượng sách bán giảm nhưng một số mảng sách hay, nhiều giá trị, kén độc giả đã bán chạy hơn, với đối tượng đọc đa dạng hơn như các tác phẩm văn học kinh điển, sách nghiên cứu triết học, kinh tế, lịch sử, tôn giáo, văn hóa….Một số doanh nghiệp trước đây chưa quan tâm đến phát hành online buộc phải chuyển hướng, phát triển mạng lưới bán hàng online nhằm đối phó với sự sụt giảm thị trường….
Dù nhìn thấy thời cơ, song Cục Xuất bản, In và Phát hành vẫn nhận định khó khăn là chính, bởi lẽ, qui mô, tiềm lực của ngành xuất bản còn nhỏ bé, những khó khăn trước mắt do thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp và đặc biệt khó khăn lâu dài khi sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp.
Sách điện tử, sách online đang được coi là giải pháp vực dậy thị trường sách sau khủng hoảng dịch Covid-19
Tiếp đó, sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp chuyên phát hành sách online).
Do bị động, không có sự chuẩn bị trước nên ngay cả những đơn vị có nguồn lực thì việc chuyển dịch sang kênh phát hành online không hề đơn giản. Theo Waka, hiện đầu tư 01 app để bán sách có thể từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với app này cần duy trì đội ngũ đủ kỹ năng vận hành chuyên nghiệp, giúp tăng tỉ lệ người truy cập và sử dụng. Ngoài ra để phát huy hiệu quả, việc xây dựng các sàn bán sách độc lập chi phí khá cao, không đa dạng hóa nguồn thu, khó đem lại kết quả.
Việc chuyển từ thị trường sách truyền thống sang thị trường sách điện tử cần một thời gian tương đối dài với sự hỗ trợ rất tích cực của nhà nước. Ví dụ Hàn Quốc cần quãng thời gian 5-7 năm với sự hỗ trợ, kích cầu của Nhà nước qua cơ chế tài trợ giá.
Giải pháp nào khả thi?
Một trong những giải pháp mà Cục Xuất bản, In và Phát hành đưa ra là triển khai hiệu quả Hội sách online trong khoảng 1 tháng nhằm thu hút 5-10 triệu lượt người tham dự. Tiếp tục duy trì sàn giao dịch điện tử; phát triển trở thành sàn giao dịch sách hiệu quả. Nghiên cứu đề xuất giảm thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị hoạt động cả trong lĩnh vực xuất bản và phát hành, chính sách hỗ trợ vốn vay để sản xuất và trả lương người lao động…
Kêu gọi sự vào cuộc, phối hợp của các doanh nghiệp để cùng các đơn vị xuất bản tháo gỡ khó khăn như: Đối với các công ty mạng viễn thông có thể giảm phí thu từ bán sách điện tử hoặc thay vì giảm thu phí có thể hỗ trợ cung cấp một số gói qui đổi lợi ích khác. Đối với đơn vị phát hành sách online, sách điện tử, giảm chiết khấu, tăng lợi nhuận cho các nhà xuất bản, nhà sách, giảm giá thành sách. Chủ động chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh; tăng cường, mở rộng thị trường bán sách online và sách điện tử .
Các giải pháp lâu dài cũng đã được tính đến như: Xây dựng Luật Khuyến đọc, xây dựng Luật Cơ chế giá sách nhằm khống chế việc giảm giá sách, tránh độc quyền thị trường. Tiếp tục tìm đối tác đầu tư xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa đọc, tủ sách cộng đồng, lan tỏa sách hay, sách tốt đến bạn đọc; đẩy mạnh các hoạt động hội chợ, quảng bá sách qua đó xây dựng, hình thành, nuôi dưỡng thói quen đọc sách. Tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ bản quyền nhằm duy trì động lực phát, chặn các trang web phát tán sách lậu; hoàn thiện các giải pháp từ Ngân hàng để ngăn chặn thanh khoản đối với sách lậu bán từ nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Tăng cường tuyên truyền để hình thành thói quen đọc sách có bản quyền…
Quỳnh Vân
Mở lại nhà máy, Apple vẫn lo không bán được iPhone
Có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu mua iPhone mới có thể quay trở lại, và Apple đã phần nào chuẩn bị tâm lý cho viễn cảnh xấu nhất.
Apple hiện đã mở lại hầu hết nhà máy và cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc sau nhiều tháng ngưng hoạt động. Thế nhưng do đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến khó lường và lan rộng khắp toàn cầu, giới chuyên môn lo ngại sẽ chẳng ai còn tâm trạng để mua iPhone mới cho dù mẫu điện thoại này có đột phá tới đâu.
Giờ đây, không còn ai nói về nhân lực hay nguyên liệu bị thiếu hụt. Người ta chỉ lo ngại nhu cầu của người tiêu dùng tại Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, và nhiều thị trường trọng điểm khác của Apple có kịp hồi phục trước nạn Covid-19 hay không, khi mà nhiều nước thì vẫn đang trong tình trạng cách ly, kinh tế đóng băng, nạn thất nghiệp tăng vọt.
Nhìn chung, có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu mua iPhone mới có thể quay trở lại, và Apple đã phần nào chuẩn bị tâm lý cho viễn cảnh xấu nhất.
Mới đây, một đối tác lớn trong khâu lắp ráp của Apple cho biết số đơn đặt hàng của iPhone có thể sẽ giảm tới 18% trong quý 1 năm 2020. Nguồn tin cũng hé lộ Apple từng dự kiến xuất kho khoảng 70 triệu màn hình trong năm nay, nhưng cân nhắc cắt giảm mục tiêu này thấp hơn 17%, xuống chỉ còn 58 triệu đơn vị.
Cùng với đó, kế hoạch lắp ráp modem 5G trên các mẫu iPhone mới cũng nhiều khả năng bị chậm trễ, dù hãng có thể vẫn sẽ ra mắt iPhone 5G vào thời điểm cuối năm.
Theo Reuters, Apple cũng đang lên kế hoạch cắt giảm lực lượng lao động tại các dây chuyền sản xuất được chỉ định tại nhà máy ở Việt Nam. Tại đây, màn hình được lắp ráp, rồi chuyển đến Trung Quốc để hoàn thiện khâu lắp vào điện thoại.
Vào tháng 2, Apple quyết định không đưa ra dự đoán doanh số vào tháng 3, cũng như trong quý đầu năm 2020. Cổ phiếu của hãng bắt đầu sụt giảm mạnh, thấp hơn 15% so với thời điểm đầu năm.
Kịch bản được nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, đó là thị trường di động sẽ chứng kiến một cú sốc trong nhu cầu của người tiêu dùng trong khoảng thời gian tháng 6/2020 - và sau đó sẽ dần dần bình phục một cách chậm rãi, chứ không phải một biểu đồ "chữ V" như nhiều người mong đợi.
Công ty phân tích có trụ sở tại Đài Bắc Fubon Research dự đoán đơn hàng iPhone trong quý đầu tiên của năm 2020 sẽ xuống còn 35 triệu chiếc, thấp hơn 17% so với 41 triệu chiếc vào năm ngoái. Trước diễn biến Covid-19 gia tăng, công ty cũng đã hạ tổng dự đoán đơn hàng iPhone cho năm 2020 xuống còn 198 triệu, thấp hơn so với dự đoán trước đó là 204 triệu.
Một khảo sát mới đây tại Mỹ cũng cho thấy tâm lý người dân muốn chi tiêu ít hơn nếu dịch bệnh gia tăng, hoặc nếu có thì sẽ ưu tiên đảm bảo cho các khâu thực phẩm, y tế, thay vì điện tử tiêu dùng.
Trong một diễn biến khác, Apple cũng đang nỗ lực chung tay với Nhà Trắng để hạn chế những tác động của dịch Covid-19.
Gần đây nhất, Apple đã cam kết ủng hộ hơn 2 triệu khẩu trang y tế cho Mỹ để chống lại dịch bệnh, đồng thời hợp tác với chính phủ để xây dựng app mang tên "Covid-19" trên cửa hàng ứng dụng nhằm giúp người dùng khai báo các triệu chứng, cập nhật thông tin, vị trí,...
Từ đó, người dân có thể kịp thời liên hệ với Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) hoặc nhà chức trách nếu phát hiện dấu hiệu bị nhiễm virus.
Nguyễn Nguyễn
Telio hỗ trợ các cửa hàng bán lẻ và đại lý mùa dịch Covid-19 Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B, vừa ra thông báo thành lập Quỹ Hỗ trợ Phòng chống Covid-19 để hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các khách hàng của mình vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B của Việt Nam Do tình hình diễn biến khó lường của...