Đổi lại giờ học: Học sinh bớt khổ
Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống khẳng định như vậy khi trao đổi với PV sau 1 tuần điều chỉnh. Tuy nhiên, ông Thống cũng cho rằng, đổi giờ học không thể giảm ùn tắc, mà chỉ là một trong nhiều giải pháp thành phố đã, đang và sẽ triển khai.
Giảm bất cập
- Thưa ông, 1 tuần sau khi Hà Nội đột ngột đổi lại lịch học của học sinh trên địa bàn có khiến các trường trở tay không kịp? Phản hồi của các trường tiểu học, THCS và THPT về Sở như thế nào?
Ông Nguyễn Hiệp Thống: Sao lại nói là đột ngột được? Ngay những ngày đầu thực hiện QĐ 315 của TP v/v điều chỉnh giờ, khi các đơn vị trường học chúng tôi đã phản ánh về môt số bất cập thì Thành phố đã cho điều chỉnh ngay nhằm giảm bớt khó khăn cho các trường. Đó là một việc làm rất kịp thời và cần thiết đấy chứ.
Việc điều chỉnh này đã được các trường học đón nhận tích cực và rất đồng tình, vì như thế là các trường học vẫn có thể chung tay với các ngành giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nhưng cũng giảm đến mức thấp nhất những bất cập gây ra cho học sinh.
- Với quan sát của nhà quản lý, ông thấy có thay đổi nào đáng kể trong việc áp dụng giờ học mới này? Cụ thể: học sinh THPT tan sớm hơn quy định trước 1 tiếng, giãn thời gian giữa 2 ca học buổi sáng và buổi chiều của cấp THCS và tan buổi chiều trước 17h30….giao thông có giảm ùn tắc?
Cũng có thay đổi đấy. Vào giờ tôi thường đi làm, với tuyến đường tôi đi làm thì tôi thấy tình trạng giao thông cũng có chuyển biến tích cực hơn. Còn với những giờ khác, với những tuyến đường khác thì chắc các cơ quan chức năng chuyên môn mới có đánh giá khách quan và toàn diện được.
“Nếu cho rằng chỉ có đổi giờ học mà giảm ùn tắc giao thông là không đúng, nếu được như vậy thì chắc TP chúng ta đã làm từ lâu rồi.”
Tuy nhiên theo tôi, dù sao thì việc này mới thực hiện trong một thời gian ngắn, lại ngay sau tết Nguyên đán, nhịp sinh hoạt của TP chưa thật sự ổn định, sinh viên chưa tựu trường đầy đủ, bệnh nhân tuyến dưới chưa lên, lao động nhập cư chưa lên vv..thì cũng chưa nên có đánh giá vội vàng. Hơn nữa, điều chỉnh giờ mới chỉ là môt trong các giải pháp cần làm thôi mà.
- Quy định mới nhắc đến việc cho phép các trường linh động cho học sinh tan sớm, tránh giờ cao điểm dễ gây ùn tắc. Và theo ông, đây có phải là khe hở để một số trường “lách luật” cho học sinh tan sớm? Đoàn thanh tra của Sở đã phát hiện ra trường nào làm chưa đúng quy định?
Thú thật là tôi thấy không đồng tình nếu có ai đó gọi việc này là “lách luật”…. Mục đích của việc điều chỉnh giờ là làm giảm ùn tắc giao thông, nếu có trường nào đó thấy trên thực tế sinh hoạt của mình không ảnh hưởng đáng kể đến giao thông trên địa bàn thì hoàn toàn có thể chủ động phối hợp với chính quyền và công an địa phương để bố trí giờ học theo quy định của TP sao cho giãn được mật độ giao thông trong giờ cao điểm.
Như thế là vừa có trách nhiệm với giao thông Thủ đô, vừa có trách nhiệm với học sinh của mình chứ…
Video đang HOT
Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống
Đổi giờ học: Chỉ là một giải pháp
- Có không ít nhận định, đổi giờ học không giảm ùn tắc giao thông, thậm chí gây căng thẳng cho học sinh. Do đó, sẽ lại có một thay đổi nữa về lịch học của học sinh THPT hoặc sẽ quay về như cũ (vào học sau 7h và tan từ 17h15-17h30) chẳng hạn? Nhận định của ông?
Nếu cho rằng chỉ có đổi giờ học mà giảm ùn tắc giao thông là không đúng, nếu được như vậy thì chắc TP chúng ta đã làm từ lâu rồi. Anh cũng biết là cùng với việc điều chỉnh giờ, TP đã, đang và sẽ còn hàng loạt biện pháp nữa kia mà.
Ví như đã tăng cường lực lượng chức năng để tổ chức giám sát giao thông, phân luồng giao thông từ sáng sớm; đã tăng thêm số chuyến và bổ sung nhiều tuyến xe buýt; đang triển khai dọn dẹp bãi đỗ xe ô tô chiếm lòng đường và rồi sẽ làm thêm nhiều cầu vượt; sẽ mở rộng nhiều ngã tư, lắp thêm đèn tín hiệu, sẽ giảm xe cá nhân, rồi tương lai sẽ còn di chuyển các trường ĐH ra khỏi TP .vv….
Tôi cho rằng với hàng loạt biện pháp như vậy chắc chắn sẽ làm biến chuyển đáng kể tình hình giao thông của Hà Nội. Điều chỉnh giờ mới chỉ là một biện pháp thôi, không nên đặt tất cả kỳ vọng vào nó.
- Nhiều ý kiến cho rằng, nên hỏi ý kiến học sinh trước khi thực hiện một quyết định có liên quan trực tiếp đến sinh hoạt, học tập của các em. Ý kiến của ông thế nào?
Tôi nhớ là chủ trương đổi giờ đã được nói đến từ khá lâu rồi. Trước đinh bắt đầu từ tháng 1, sau lại còn lùi đến tháng 2 đấy chứ. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã thông báo nhiều rồi đấy chứ.
- Ở góc độ một phụ huynh có con học cấp 3, quy định mới có giúp việc sinh hoạt của gia đình thuận lợi hơn? Và gia đình ông có gặp khó gì với sự thay đổi này?
Tất nhiên là gia đình tôi cũng chịu tác động như các gia đình khác. Có xáo trộn, có khó khăn thì cũng phải cố gắng khắc phục thôi. Nếu rồi đây đường thông hè thoáng, chúng ta đi làm thuận tiện, con cái đi học an toàn thông suốt, không có tai nạn thì ai ai cũng được hưởng lợi đấy chứ, vì thế nên phải khắc phục thôi.
- Cảm ơn ông!
Theo VNN
Đổi lại giờ học có hết khổ?
Việc đổi giờ tan của học sinh từ sau 19h lên sau 18h ít nhiều khiến nhiều người thở phào. Nhưng nỗi lo mới lại phát sinh: ấy là chuyện tắc đường. Như lời một giáo viên THPT: "Chưa thấy thay đổi gì, chỉ thấy khổ hơn!"
Bắt đầu từ thứ 2 tuần tới (13/2) lịch tan học của học sinh THPT sẽ được điều chỉnh từ sau 19h lên sớm hơn sau 18h.
Như vậy, sau đúng 1 tuần khi quy định các trường THPT phải tan học buổi chiều sau 19h, Hà Nội lại đưa ra thay đổi mới, cho học sinh tan sớm hơn 1 tiếng so với trước đó.
UBND thành phố cũng nhắc nhở Sở GD&ĐT cần hướng dẫn cụ thể các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT điều chỉnh giờ học tập theo quy định một cách linh hoạt với mục tiêu giãn mật độ giao thông trong giờ cao điểm.
Đổi đi đổi lại rồi sẽ về ban đầu?
Đón nhận quyết định này, Hiệu phó Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), Bùi Thị Minh Nga vui ít, lo nhiều. "Đổi như vậy ít nhiều cũng tốt hơn, nhất là học sinh và gia đình. Nhưng nên giữ nguyên lịch cũ (cho tan lúc 17h15)" - bà Nga đề xuất.
Theo phân tích của vị hiệu phó: "Tan sau 19h đúng là đỡ tắc đường hơn một chút, song quá khổ cho mọi người. Giờ tan sau 18h, cận giờ tan của một số công sở, giờ tan của sinh viên nhiều trường hi vọng giảm ùn tắc liệu có thực hiện được?"
Suốt 1 tuần nay, không khí tại trường học nơi bà Nga đang công tác cũng như nhiều trường THPT xôn xao vì chuyện đổi giờ học. Với 2/3 giáo viên trẻ, có con nhỏ, thật dễ hiểu cái khó của những người lãnh đạo như bà khi phải sắp xếp lịch dạy, tạo điều kiện cho giáo viên trong việc đón đưa con cái.
Thận trọng hơn, Hiệu phó Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) Nguyễn Xuân Lâm cho biết, trước mắt, trường sẽ tập trung làm, nếu có khó khăn phát sinh trường sẽ báo cáo.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), Trịnh Hùng Sơn trăn trở: "Dù tan sau 18h vẫn vô lí. Là trường bán trú, học sinh học 2 buổi/ngày, trường đã giữ học sinh từ gần 7h đến 16h.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh với những tô mỳ tôm ăn tạm trong thời gian thay đổi lịch học.
Giữ thêm cũng được thôi, trường sẽ bố trí cho các cháu học thêm hay hoạt động khác. Nhưng khi ấy các cháu đói, mệt. Rồi ai sẵn sàng trả tiền cho những chi phí đội lên này?"
Quy định "xử lí mềm mại, linh hoạt" theo ông Sơn "nên để lịch học như trước khi thay đổi. Học sinh tan sớm ít ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông".
Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu (quận Cầu Giấy) Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định: "Trước, trong và đến lần đổi lịch sắp tới lịch học của trường sẽ không thay đổi gì cả, vẫn vào lúc 7h15 và tan sau 16h.
"Tôi nghĩ cũng nên giữ nguyên lịch học như trước đây, không nên đổi vì hiệu quả ít, bất cập và ảnh hưởng thì quá nhiều" - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH QGHN Lê Thị Chính đưa ra quan điểm. Trường hiện chỉ học buổi sáng, buổi chiều chỉ học 2-3 tiết, tan vào sau 15h.
Tan sớm hơn 1 tiếng với Minh Trang, học sinh lớp 11D0, Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cũng không thay đổi được nhiều. "Vẫn sẽ là dậy sớm, tan muộn, những tô mỳ tôm ăn vội lúc tan giữa giờ, rồi cuống cuồng lo học thêm".
Nhà cách trường đến gần 10km nên với Duy Thành, bạn cùng lớp với Minh Trang: "Tan sớm có khi về vẫn vậy thôi vì em sợ đường sẽ tắc hơn".
Giáo viên THPT: Thương mình lại nghĩ đến trò
Nhìn học trò uể oải, chán học, dỗ mãi vẫn cứ nhoài người khiến những giáo viên như chị Lan (đã đổi tên), giáo viên Lịch sử của một trường THPT thuộc quận Hoàn Kiếm không khỏi buồn lòng.
Mới một tuần đổi lịch học mà học sinh của cô mệt bơ phờ. Cô tâm sự: "Dù trường đã cấm mang đồ ăn vào lớp nhưng có buổi mình vào vẫn thấy mùi mỳ tôm sực lên. Các con đói nên ăn cũng phải lén lút. Tội quá! Mình chưa thấy thay đổi gì, chỉ thấy khổ hơn".
Đấy là chị thương trò. Nhưng nhìn vào hoàn cảnh của mình, đôi khi người mẹ như chị lại tự xót xa.
Vợ chồng chị Lan làm công chức, tổng lương mỗi tháng gần hơn 6 triệu, hai con nhỏ đang học tiểu học. Trước, chị nghĩ làm giáo viên để được toàn tâm chăm con cho chồng có thời gian làm ngoài, kiếm tiền nuôi con.
Giờ lại đổi lịch học. Chị bận mịt mù, tối 20h mới về đến nhà rồi lại lo kèm cặp các con học, soạn giáo án,... Tiền không có để thuê người giúp việc, bà ngoại của các cháu ở tận Hoằng Hóa, Thanh Hóa phải ra giúp, để lại ông ngoại một mình ở nhà chống chọi với căn bệnh đau dạ dày.
Tốn tiền thuê xe ôm chở con về mà vừa dạy chị vừa lo "ngộ nhỡ con cái mình có bị làm sao". Ngóng trông từng ngày nhưng giờ tan học chỉ kéo lên được 1 tiếng khiến chị chẳng thể vui mừng vì sẽ không thay đổi được nhiều như thực tế hiện nay.
Là giáo viên THPT lại có con nhỏ đang bú mẹ, nhà cách trường hơn 14km, chồng đi công tác 1 năm chưa về giờ thêm chuyện đổi giờ khiến tình cảnh của chị Ngọc, giáo viên dạy Địa một trường THPT thuộc quận Hoàn Kiếm càng thêm khó khăn.
Suốt 1 tuần nay, chị phải nhờ mẹ chồng qua nhà trông giúp cháu. Đi làm về muộn nên chị phải chuẩn bị mọi thứ từ trưa cho hai bà cháu. Cảm giác thay đổi giờ học muộn (tan sau 19h) khiến chị luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.
"Lên lớp, nhìn học trò học tiết muộn vừa mệt vừa đói mình chỉ mong để lại lịch như trước khi thay đổi để mọi sinh hoạt không bị đảo lộn như hiện nay" - cô tâm sự.
Theo VNN
Nhiệt độ Hà Nội xuống dưới 10 độ C: Nhiều trường đóng cửa Sáng 5/1, nhiệt độ ngoài trời của Hà Nội xuống 8độC. Theo quy định, ở nhiệt độ thấp này, học sinh cấp mầm non và tiểu học sẽ được nghỉ, tuy nhiên nhiều phụ huynh do chưa nắm được thông tin vẫn cho con đi học trong mưa phùn lạnh giá. Trời lạnh, nhiều trường ở Hà Nội phải cho học sinh nghỉ...