Đồi cát Nam Cương – Vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ du khách
Không phô trương, nổi bật như đồi cát Mũi Né, đồi cát Nam Cương ẩn mình phía sau những con đường, rặng tre, vườn nho, vườn táo và vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ vốn có.
Nét quyến rũ của đồi cát Nam Cương. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Nằm cách thành phố Phan Rang khoảng 8km, đồi cát Nam Cương được ví như một tiểu sa mạc từ lâu đã là điểm đến được nhiều du khách biết tới và không thể bỏ qua trong chuyến hành trình đến với Ninh Thuận.
Đồi cát Nam Cương có độ cao từ 20-30 mét, có nơi cao tới 100 mét so với mực nước biển, có diện tích khoảng 700ha, thuộc thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Xuất phát từ thành phố Phan Rang, du khách có thể di chuyển bằng xe máy mất khoảng 30 phút để đến Nam Cương.
Không phô trương, nổi bật như Đồi cát Mũi Né, cũng không nhiều lời ca ngợi ví von, so sánh như “đồi cát di động” Quảng Bình, Nam Cương lại ẩn mình phía sau những con đường, rặng tre, vườn nho, vườn táo và vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ vốn có.
Thế nhưng một trong những đặc điểm lý thú của đồi cát Nam Cương khiến nơi đây vẫn mang một nét riêng độc đáo là “sự thay đổi diện mạo” từng giờ, từng ngày. Chỉ cần một đợt gió táp mạnh vào miền cát vàng, thì những đường cong nơi triền cát lại uyển chuyển tạo nên vẻ quyến rũ và lạ lùng khác trước, trông xa như những đợt sóng nhấp nhô.
Thời khắc đẹp nhất để chiêm ngưỡng đồi cát là khi bình minh lên. Lúc này những con nắng màu lam đầu tiên lan dần trên trảng cát vàng khiến hiện rõ những tầng lớp được “phân giải màu” sáng, tối rồi dần dần ửng sang sắc cam nhạt. Có trảng thì thẳng tăm tắp, trảng khác lại vút cao ngợp tầm mắt, lại có trảng sóng sánh đường cong điệu đà.
Video đang HOT
Những triền cát nhấp nhô, uốn lượn tuyệt đẹp của đồi cát Nam Cương. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Nếu có dịp đến với đồi cát vào những ngày biển trời lộng gió, du khách sẽ có cơ hội chứng kiến sự thay hình đổi dạng liên tục và nhanh đến ngạc nhiên của đồi cát. Đồi cát trải dài mênh mông như dải lụa mơ màng trong nắng gió.
Lên những ngọn đồi cao vút, bạn có thể phóng tầm mắt ra biển Đông xanh ngắt và phía tây nam là Chà Bang, dãy núi huyền thoại của người Chăm. Bước lên những ngọn đồi cát cao, du khách sẽ có được tầm ngắm ấn tượng khi thu trọn hết những gì đẹp nhất mà sa mạc mang lại.
Bốn hướng của đồi cát Nam Cương được bao bọc bởi núi, biển, làng mạc và cánh đồng lúa, vườn cây, tạo nên một sắc thái rất riêng cho những cảm hứng nghệ thuật khi du khách đến với mảnh đất này.
Đồi cát trải dài mênh mông xa tít tận chân trời như dải lụa đào mơ màng trong nắng gió. Bước từng bước trên đồi cát, cảm nhận sự “dịu dàng” của những hạt cát li ti, mềm mịn như nhung ôm ấp bàn chân, níu kéo như gọi mời, lưu luyến. Và sau đó…những bước chân in dấu trên cát thành lối mòn rồi lại bị gió xóa sạch dấu vết sau 1 đêm.
Cồn cát Nam Cương là nơi gắn liền với đời sống thường ngày của đồng bào dân tộc Chăm. Hình ảnh đẹp nhất trong mắt du khách khi đến đây là những thiếu nữ Chăm đang đội thúng, lu sành bước khoan thai trên những đồi cát; những chú mục đồng chăn cừu trên đồng xanh trong bóng chiều lảng bảng thật đẹp bình yên và giản dị.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đang tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo nhằm tạo ra sự khác biệt. Trong đó, khám phá đồi cát Nam Cương là tour được gắn kết với các hoạt động du lịch biển, tìm hiểu văn hóa, làng nghề, khám phá đồi cát ở hai huyện Ninh Phước, Thuận Nam.
Các đơn vị, công ty du lịch đang phát triển loại hình chạy xe môtô, đua xe địa hình chinh phục đồi cát, trượt cát để du khách có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ trong hành trình khám phá Ninh Thuận.
Đến khám phá đồi cát Nam Cương những ngày này, với thời tiết đẹp nhất trong năm ở Ninh Thuận, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những gì tuyệt vời nhất mà sa mạc cát mang lại.
Ngoài ra, du khách còn có dịp trải nghiệm những vườn nho, táo trĩu quả trên cung đường dẫn vào đồi cát Nam Cương đầy cuốn hút./.
Theo vietnamplus.vn
Về Châu Đốc Ghé Thăm Chùa Hang Linh Thiêng
Chùa Hang hay còn gọi là Phước Điền tự là một Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nằm trên núi Sam cách cụm di tích chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, miếu Bà Chúa Xứ khoảng 1km.
Với không gian yên tĩnh, chùa Hang được xem là điểm đến du lịch tâm linh không thể bỏ qua của du khách khi đến TP. Châu Đốc.
Chùa Hang do bà Lê Thị Thơ (1818 - 1899) pháp danh Diệu Thiện, làm nghề thợ may tạo lập làm nơi tu hành khi tuổi còn trẻ (biệt danh bà Thợ). Ban đầu, chùa chỉ là một chiếc am nhỏ bằng tre lợp lá.
Tương truyền, cạnh am bà Thợ tu hành có 1 hang núi sâu, bên trong có đôi mãng xà to, hung tợn. Từ khi bà Thợ đến tu, đôi mãng xà trở nên hiền lành, thường đến am bà Thợ nằm im lắng nghe kinh kệ. Bà Thợ đặt tên chúng là Thanh Xà, Bạch Xà. Sau khi bà Thợ qua đời, đôi mãng xà cũng bỗng dưng biến mất.
Hai pho tượng Thanh Xà và Bạch Xà trước cửa hang
Năm 1885, cảm mến công đức bà Thợ, ông phán Thông (Nguyễn Ngọc Cang) đã cùng Nhân dân Châu Đốc quyên góp tiền và ngày công xây dựng lại chùa, với nền lót gạch tàu, cột bằng căm xe, kèo thao lao... Từ năm 1937 đến nay, chùa đã nhiều lần được trùng tu và xây dựng. Từ chân núi đến chùa Hang du khách phải vượt qua 300 bậc thang cao.
Từ chân núi đến chùa Hang du khách phải vượt qua 300 bậc thang cao.
Trước chùa có hai ngôi bảo tháp màu sắc sặc sỡ, hài hòa, chạm khắc công phu, đứng uy nghi trên triền núi. Phía dưới là bảo tháp của hòa thượng Thích Huệ Thiện, phía trên là bảo tháp của bà Thợ. Ngôi bảo tháp này được xây dựng năm 1899. Đã nhuốm màu rêu phong nay được tu sửa lại. Trước bảo tháp của bà Thợ là mộ thầy Phán Thông, tức ông Nguyễn Ngọc Cang, người có công rất lớn trong việc trùng tu lần đầu tiên.
Mặt tiền chùa và chánh điện được xây dựng lại khang trang, mỹ thuật hơn xưa. Chính giữa thờ Phật Thích Ca cùng với các vị Quan Âm, A Di Đà, Đại Thế Chí ở hai bên. Đặc biệt, phía trước là cây cột phướn đồ sộ cao hơn 20m. Dưới thềm chùa là hai tượng sư tử bằng xi măng khá sinh động. Bên trái chùa là Tây lang, bên phải là Đông lang đã được xây dựng mới.
Trong chùa có nhiều bức tượng Phật, đôi mãng xà để thờ và chiêm bái. Gian thờ Tam Bảo với bốn bề tường đều được phủ lấp bằng kính, phản chiếu hình ảnh của các tượng Phật từ mọi phía, tạo cho người xem như lạc vào Phật giới. Kiến trúc đặc sắc của chùa Hang qua nhiều lần trùng tu với các cột gỗ, chạm trổ, điêu khắc tinh xảo.
Chùa Hang linh thiêng: Ảnh sưu tầm
Sự linh thiêng của Chùa Hang, cùng cảnh quan yên bình với những cánh đồng lúa, vạt tràm xanh ngát đã thu hút khách tham quan ngày càng đông và tạo thành dấu ấn tôn giáo, văn hóa cho Tp. Châu Đốc.
Đồng Hoa(tổng hợp)
Theo dulich.petrotimes.vn
Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang: Sắc màu hoa đá Lễ hội thường niên nhằm tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa đặc trưng vùng cao nguyên đá và lan tỏa những nét đặc sắc của văn hóa đồng bào các dân tộc Hà Giang. Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang 2019 với chủ đề "Sắc màu hoa đá" khai mạc ngày 16/11/2019. Đây là lễ hội thường niên nhằm tôn...