Độc đáo nghi lễ Xaybath tại Boun Thatluang – Lễ hội Phật giáo lớn nhất trong năm của Lào
Trong khuôn khổ lễ hội truyền thống Boun Thatluang của người dân Lào diễn ra từ ngày 11 – 15/11, ngay từ sáng sớm 15/11, hàng nghìn chư tăng ni, Phật tử và người dân từ khắp nơi trên cả nước Lào đã cùng đổ về quảng trường Thatluang ở thủ đô Viêng Chăn để kê bàn, trải chiếu, ngồi dọc hai bên đường theo lối vào chùa Thatluang để cùng tham gia nghi lễ Xaybat hay còn gọi là nghi lễ cúng dường.
Người dân Lào tham gia đang thực hiện nghi lễ Xaybath trong khuôn viên của chùa Thatluang. Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN
Theo truyền thống của Lào, mỗi người khi tham gia nghi lễ Xaybat đều cần cởi bỏ giày, dép và xếp theo hàng, hoặc ngồi xung quanh trên những chiếc chiếu, chiếc thảm, trên tay sẵn sàng với lễ vật dâng tặng gồm tiề.n, bánh kẹo, xôi… cho các nhà sư về tham dự Boun Thatluang.
Đối với các nhà sư, việc nhận lễ vật cúng dường được coi là cách để họ gìn giữ lối sống xuất gia và phẩm hạnh khiêm tốn của bản thân.
Đây cũng là cơ hội cho người dân Lào tích lũy công đức bằng cách cho đi không vị kỷ. Với việc tham gia vào nghi lễ Xaybath, người dân bày tỏ lòng thành kính đối với Phật giáo và cầu mong phước lành.
Video đang HOT
Một góc quang cảnh Lễ Xaybath phía trước sân Thatluang. Ảnh: Xuân Tú/TTXVN
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, nhà sư Keodam Pauvongpha ở chùa Sokpaluang cho biết Boun Thatluang là một phong tục tập quán tốt đẹp và Xaybath có ý nghĩa rất quan trọng về mặt tinh thần trong đời sống văn hóa của người dân Lào, vừa là để tưởng nhớ về những người thân và họ hàng đã khuất, vừa là để cầu mong cho linh hồn của họ được an lạc nơi cõi vĩnh hằng.
Nhà sư Keodam chia sẻ phần lớn người dân Lào theo đạo Phật nên nghi lễ này cũng là cách để dạy dỗ con cháu biết và hiểu về phong tục tập quán tốt đẹp, tiếp tục thực hiện. Đây cũng là hình thức tuyên truyền, phổ biến văn hóa để người dân cũng như thế giới biết về ý nghĩa và tầm quan trọng của phong tục tập quán của Lào. Khi tới tham dự nghi lễ Xaybath, mọi người sẽ cùng nhau làm phúc, qua đó thể hiện sự thương yêu và tinh thần đoàn kết của người dân Lào được kế thừa từ bao đời nay.
Toàn cảnh lễ Xaybath trong lễ hội Thatluang tại thủ đô Viêng Chăn sáng ngày 15/11. Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN
Trong quan niệm của người Lào, đây không chỉ là một nghi lễ có truyền thống lâu đời mà còn mang ý nghĩa sâu sắc. Mọi người tập trung tại sân chùa Thatluang, ngôi chùa tháp lớn và đẹp nhất, là nơi hội tụ tình đoàn kết của người dân các dân tộc Lào.
Đặc sắc lễ rước Phasatpheung ở Lào
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, trong khuôn khổ của Lễ hội truyền thống Boun Thatluang của Lào diễn ra từ ngày 11 - 15/11, ngay từ đầu giờ chiều 14/11, hàng nghìn người dân đã tập trung về trước sân Thatluang để cùng nhau tham gia lễ rước Phasatpheung, một nghi thức tín ngưỡng Phật giáo của người Lào.
Lễ rước Phasatpheung tại chùa Thatluang ở thủ đô Viêng Chăn, ngày 14/11/2024. Ảnh: Đỗ Bá Thành/PV TTXVN tại Lào
Trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Lào, lễ rước Phasatpheung là một nét văn hóa có từ lâu đời gắn liền với Lễ hội Thatluang. Khi đến chùa Thatluang, những người rước sẽ khiêng hoặc ôm Phasatphueng đi vòng quanh chùa 3 vòng trước khi dừng lại ở hậu sảnh dâng lễ và được sư thầy tiếp nhận lễ vật với hình thức trang trọng, nghiêm cẩn, thành kính. Tại đây, các Phật tử sẽ lắng nghe những lời răn dạy của các nhà sư chỉ làm điều thiện để tâm luôn trong sáng, an lành và có cuộc sống tốt đời đẹp đạo.
Hòa chung vào dòng người đang xếp hàng dài chờ để vào thực hiện các nghi lễ tôn giáo, em Phoutthapandit Sithala, học sinh Trường THCS - THPT Sinxay ở thủ đô Viêng Chăn cảm thấy rất vui và vinh dự khi được tham gia lễ rước Phasatpheung, bởi đây là lễ hội lớn nhất của người dân Lào và một năm chỉ tổ chức một lần. Khi tham gia, em được thực hành nhiều nghi lễ truyền thống và em sẽ tiếp tục tham gia, thực hiện tất cả các nghi lễ truyền thống tốt đẹp của người Lào.
Cùng chung cảm xúc với em Phoutthapandit, bà Sengkham Chanthabouly, 84 tuổ.i, người dân thủ đô Viêng Chăn cho biết, năm nào cũng vậy, cứ tới ngày này là bà đều tham gia để cầu nguyện cho con cháu luôn được mạnh khỏe, hạnh phúc, may mắn và thuận lợi trong cuộc sống, công việc. Theo bà Sengkham Chanthabouly, đã là người Lào thì phải tham gia Lễ hội Boun Thatluang và khi đến đây, được thực hiện các nghi lễ truyền thống, bà cảm thấy trong tâm mình được thoải mái, gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc, thuận lợi trong cuộc sống và công việc.
Người dân Lào ôm Phasatpheung đi vòng quanh chùa 3 vòng trước khi dừng lại ở hậu sảnh, dâng lễ và được sư thầy tiếp nhận lễ vật với hình thức trang trọng, nghiêm cẩn, thành kính. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào
Phasatphueng có thể là một mô hình kiến trúc đền thờ được nhiều người khiêng, hoặc có thể là hình tháp để ôm trước ngực, được gắn những bông hoa làm từ sáp ong ở xung quanh với màu vàng rực rỡ. Trên đỉnh cắm hoa sen trắng hoặc cúc vàng, xung quanh có các tua dây kết hoa hoặc tiề.n bạc có ý nghĩa giống như tập tục đốt vàng mã cho người đã khuất ở Việt Nam. Theo tục lệ, mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức hay mỗi gia đình hoặc cá nhân đều có thể cùng rước và cúng một Phasatphueng.
Trong quan niệm của người dân Lào, Phasatpheung tượng trưng cho sự trong sạch và những tháp hoa sáp là hình ảnh đặc trưng trong Phật giáo Lào. Người Lào không thờ cúng tại nhà nên việc rước Phasatphueng cùng lễ vật dâng tặng nhà chùa trong dịp lễ hội Thatluang như là tâm nguyện báo hiếu cha mẹ, tích đức cho con cháu.
Vì vậy, nghi lễ rước Phasatpheung tại Lễ hội Thatluang đã trở thành nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tâm linh ở Lào nói chung và người dân thủ đô Viêng Chăn nói riêng.
Boun Thatluang - Lễ hội Phật giáo lớn nhất trong năm của Lào Hàng năm, cứ vào trung tuần tháng 12 Phật lịch (thường vào tháng 11 Dương lịch), tại Pha Thatluang ở thủ đô Viêng Chăn đều diễn ra một sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt tín ngưỡng, mà cả về mặt văn hóa và lịch sử, được người dân và du khách trong và ngoài nước cùng quan tâm...